Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Thông báo của nhóm soạn thảo và ký Kiến Nghị 72 về sửa đổi Hiến Pháp

Trong những ngày này, việc tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức khác thu thập ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo) được công bố theo Nghị quyết của Quốc hội đang diễn ra rộng khắp. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin và bình luận đều nhấn mạnh sự tán thành, nhất trí cao đối với Dự thảo.
Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia vào việc sửa đổi Hiến pháp yêu cầu “phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai”. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua có nhiều cách làm ồ ạt nặng tính hình thức và áp đặt, cốt tạo được con số rất lớn những người tán thành Dự thảo, nhất là về những điều cơ bản của thể chế chính trị hiện hành, nhằm chuẩn bị cho Dự thảo được thông qua tại Quốc hội.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) xác định “Đổi mới đồng bộ và phù hợp về kinh tế và chính trị”, “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người” là những quan điểm phát triển đất nước. Khi công bố Nghị quyết nêu trên của Quốc hội, đại diện của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói rõ “việc góp ý không có vùng cấm, kể cả về Điều 4”. Kiến nghị 72 [*] đề cập đến đổi mới thể chế chính trị trong việc sửa đổi Hiến pháp khác với Dự thảo, sau khi tập hợp được hơn hai nghìn chữ ký, đã được một đoàn đại diện trao trực tiếp cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với đề nghị được công bố nội dung cơ bản trên báo chí để nhiều người biết và tham gia thảo luận. Cách làm minh bạch, đường hoàng, đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội như vậy, nhưng cho đến nay nội dung của Kiến nghị 72 vẫn không được đề cập trên các phương tiện truyền thông của hệ thống chính trị, lại bị một số vị lãnh đạo và một số bài viết trên báo hàm ý phê phán gay gắt, kết tội là chống đối Đảng cầm quyền và Nhà nước, phá hoại đại đoàn kết dân tộc, thậm chí đòi xử lý.
Chúng tôi thấy cần nói rõ thêm tinh thần của Kiến nghị 72:
Trong bối cảnh quốc tế đầy thách thức, đất nước ta đang lâm vào tình trạng suy yếu, xuống cấp về hầu hết các mặt của đời sống xã hội (không chỉ kinh tế mà cả chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức) và tụt hậu so với nhiều nước xung quanh; chủ quyền quốc gia bị xâm phạm; “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên ĐCSVN, trước hết là trong bộ máy cầm quyền, suy thoái, biến chất, tham nhũng tràn lan. Chưa bao giờ lòng tin của dân đối với lãnh đạo ĐCSVN và Nhà nước thấp như ngày nay. Không chỉ dư luận xã hội nói nhiều mà thực trạng nêu trên còn được đề cập trong văn kiện của ĐCSVN, trong phát biểu của một số vị lãnh đạo cao và cán bộ lão thành cách mạng với nhận định tình hình nghiêm trọng tới mức trở thành nguy cơ lớn đối với sự sống còn của ĐCSVN, của chế độ.
Cuộc sống chỉ rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình hình ấy chính là chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị, đứng trên Nhà nước và pháp luật, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp… Vì vậy, đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội tốt để bước đầu đáp ứng yêu cầu ấy, mở đường cho đất nước đổi mới toàn diện, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Trong bối cảnh hiện nay của đất nước, công cuộc đổi mới thể chế chính trị rất phức tạp, khó khăn; từng bước đi phải vượt qua nhiều trở lực, đặc biệt là phản ứng từ các nhóm lợi ích bất chính có quyền thế. Sự nghiệp rất hệ trọng này phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, do nhân dân tiến hành. ĐCSVN đã từng từ bỏ một số quan điểm giáo điều được coi như nguyên lý của chủ nghĩa xã hội để cùng nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm trước đây. Ngày nay, ĐCSVN có trách nhiệm lớn đối với quá trình chuyển đổi thể chế chính trị để đi tới thành công một cách ôn hòa, ít tổn thất nhất cho dân tộc.
Dùng bạo lực và những thủ đoạn không chính đáng để duy trì chế độ toàn trị, cưỡng lại ý chí của nhân dân sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho dân tộc và cho cả ĐCSVN.
Kiến nghị 72 không có mục đích nào khác hơn là góp phần vào bước khởi đầu đổi mới thể chế chính trị theo tinh thần đó. Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và báo chí của hệ thống chính trị công bố Kiến nghị 72 cũng như các ý kiến khác với Dự thảo, chấm dứt cách đưa tin, bình luận một chiều, tạo điều kiện và khuyến khích thảo luận công khai, dân chủ, tranh luận thẳng thắn, nhằm đạt được sự đồng thuận tối đa theo tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc. Mọi biện pháp áp đặt, mọi cách làm hình thức dù bằng phương tiện nào và bằng thủ đoạn nào, đều không thể đưa tới một Hiến pháp đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong đợi của nhân dân.
Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng thảo luận công khai trên mọi diễn đàn trong cả nước, tôn trọng các ý kiến khác, cùng nhau tìm ra cái đúng và cần cho dân, cho nước để đóng góp có hiệu quả vào việc sửa đổi Hiến pháp.
Ngày 2 tháng 04 năm 2013

Chú thích:

[*] Kiến nghị ngày 19-01-2013 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do 72 người ký trực tiếp nên thường được gọi tắt là Kiến nghị 72.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"