Chương I. Chế độ chính trị
Điều 2: Đề nghị sửa thành:
1.Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp
cho phép, người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm.
2. Các cơ quan nhà nước phải phối hợp và giám sát nhau trong việc thực hiện chức năng độc lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Điều 4: Đề nghị sửa thành:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị nhận trách nhiệm lãnh
đạo nhà nước do nhân dân uỷ thác thông qua quá trình bầu cử tự do. Đảng
Cộng sản Việt nam cử đại biểu của mình tham gia tranh cử vào các chức
danh của bộ máy nhà nước.
2. Đảng Cộng sản Việt nam, các cơ quan và đảng viên của Đảng chấp hành hiến pháp và pháp luật.
3. Các hoạt động của Đảng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân
dân. Cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của
Đảng được luật quy định.
Điều 5:
Đề nghị bỏ câu “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”.
Điều 6: Đề nghị sửa thành:
Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực
tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, các cơ
quan khác của nhà nước, các tổ chức chính trị và các tổ chức xã hội.
Điều 7 Khoản 1: Đề nghị sửa thành:
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức
danh dân bầu khác của bộ máy nhà nước được tiến hành theo các nguyên
tắc tự do, công bằng, phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Điều 9 Khoản 1: Đề nghị sửa thành:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh của các tổ chức chính trị,
chính trị – xã hội, xã hội, tôn giáo, các dân tộc, và người Việt Nam
định cư ở nước ngoài.
Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân
Điều 15: Đề nghị sửa thành:
Nhà nước CHXHCN Việt Nam cam kết tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực
hiện các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và các điều ước
quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
Điều 16 :
Đề nghị bỏ Điều này.
Điều 17:
Đề nghị giữ nguyên Điều 52 của Hiến pháp 1992.
Điều 20:
Đề nghị bỏ Điều này vì trùng lặp với các Điều 47, 48, 49.
Điều 22: Đề nghị sửa thành:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, danh
dự, nhân phẩm. Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục
hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Những lời khai có được do truy bức, nhục hình, tra tấn không được coi là bằng chứng buộc tội.
3. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết
định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội
quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng luật.
Điều 23: Đề nghị sửa thành:
1. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của
mỗi người là bất khả xâm phạm. Nghiêm cấm thu thập, tàng trữ, sử dụng và
phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia
đình của người khác nếu không được sự đồng ý.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các
hình thức trao đổi thông tin khác. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư
tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin khác chỉ
có thể do người có thẩm quyền tiến hành theo thủ tục luật định.
Điều 24: Đề nghị sửa thành:
1. Mọi người có quyền tự do đi lại và cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Công dân có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.
3. Quyền tự do đi lại, cư trú chỉ có thể bị giới hạn bởi luật khi cần
thiết để bảo vệ sức khỏe và trật tự, an ninh của cộng đồng.
Điều 25: Đề nghị sửa thành:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2. Các tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
3. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
4. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việc thực hành
tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có thể bị giới hạn bởi luật khi cần thiết để
bảo vệ sức khỏe và trật tự, an ninh của cộng đồng.
Điều 26: Đề nghị sửa thành:
1. Mọi người có quyền tự do tư tưởng, tự do ý kiến.
2. Mọi người có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tự do xuất bản và có quyền tiếp nhận, trao đổi, phổ biến thông tin.
3. Mọi người có quyền tự do hội họp, lập hội.
4. Mọi người có quyền biểu tình ôn hoà. Việc thực hiện quyền biểu tình do luật định.
Điều 28: Đề nghị sửa thành:
1. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử đại biểu Quốc
hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các chức danh dân bầu khác
của bộ máy nhà nước.
2. Công dân đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử và vận động tranh cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
3. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Điều 29: Đề nghị sửa thành:
1. Công dân có quyền góp ý, phản biện chính sách, phê bình hoạt động
của cơ quan nhà nước và hành vi của công chức, viên chức nhà nước.
Nghiêm cấm mọi hành vi quy kết, trả thù, trù dập những người có ý kiến
góp ý, phê bình, phản biện.
2. Nhà nước phải kịp thời, công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Điều 32: Đề nghị sửa thành:
1. Mọi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự cũng
như xử phạt hành chính phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định.
2. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
3. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử đúng thời hạn luật
định. Không ai bị điều tra, truy tố và xét xử hai lần vì cùng một hành
vi phạm tội.
4. Không ai bị bắt, bị giam giữ, bỏ tù hoặc phải chịu những hình thức
tước tự do khác nếu không có quyết định của Tòa án hoặc phê chuẩn của
Viện kiểm sát.
5. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt.
6. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử
trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần
và phục hồi danh dự.
7. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều
tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo
pháp luật.
Điều 33: Đề nghị sửa thành:
Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được Hiến pháp bảo hộ.
Điều 34: Đề nghị sửa thành:
1. Công dân có quyền tự do kinh doanh.
2. Người nước ngoài được phép đầu tư và tiến hành hoạt động kinh doanh ở Việt Nam theo luật định.
3. Quốc hội quy định danh mục kinh doanh bị cấm hoặc hạn chế.
4. Mọi chủ thể kinh doanh đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo hộ.
Điều 35:
Đề nghị giữ nguyên Điều 67 của Hiến pháp 1992.
Điều 37: Đề nghị sửa thành:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp.
2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở phải do người có thẩm quyền tiến hành theo thủ tục luật định.
Điều 42: Đề nghị sửa thành:
1. Công dân Việt Nam có quyền được học tập.
2. Bậc giáo dục tiểu học là bắt buộc và miễn phí tại các trường công lập.
3. Các bậc học khác và chế độ học phí được quy định tại luật.
4. Chính sách và cơ chế hỗ trợ những nhóm xã hội gặp khó khăn khi thực hiện quyền học tập được quy định tại luật.
Điều 43:
Đề nghị bổ sung từ “tự do” vào khoản 1, thành:
1. Mọi người có quyền tự do nghiên cứu khoa học và công nghệ…
Điều 46: Đề nghị sửa thành:
Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành, bao gồm
quyền được thông tin về chất lượng môi trường và được bồi thường thiệt
hại do việc phá hoại môi trường.
Đề nghị bổ sung Điều sau vào Chương II:
Điều… (mới):
1. Việc liệt kê các quyền trong Hiến pháp không phủ nhận hoặc xem nhẹ các quyền con người, quyền công dân khác.
2. Các quyền hiến định có hiệu lực trực tiếp. Các cơ quan, cán bộ,
công chức, viên chức nhà nước không được viện dẫn lý do chưa có luật
liên quan để ngăn cấm hoặc từ chối thực hiện các quyền hiến định.
Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học,
công nghệ và môi trường
Điều 57: Đề nghị sửa thành:
Rừng núi, sông, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở
vùng biển, thềm lục địa và vùng trời là tài sản công. Tài sản công do
Nhà nước thống nhất quản lý theo luật.
Điều 58: Đề nghị sửa thành:
Đất đai có thể thuộc sở hữu công, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và
sở hữu tư nhân. Nhà nước chỉ được trưng mua hoặc hạn chế sử dụng đất đai
thuộc sở hữu tập thể và tư nhân nhằm phục vụ lợi ích công cộng theo các
thủ tục luật định, theo giá thị trường hoặc giá thoả thuận.
Chương IV: Bảo vệ Tổ quốc
Điều 70:
Đề nghị giữ như Điều 45 Hiến pháp 1992.
Chương X: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia,
Kiểm toán nhà nước
Điều 120: Đề nghị sửa thành:
1. Hội đồng Hiến pháp có những chức năng sau đây:
(i) Xem xét và phán quyết tính hợp hiến của các dự thảo luật trước khi Quốc hội thông qua.
(ii) (a) Xem xét và phán quyết tính hợp hiến của các văn bản luật
theo đề nghị của tòa án, tập thể công dân, hoặc của một trong các thành
viên Hội đồng Hiến pháp. (b) Ra quyết định đình chỉ việc thi hành các
văn bản luật vi phạm hiến pháp và đề nghị Quốc hội bãi bỏ các luật không
hợp hiến pháp vào kỳ họp Quốc hội gần nhất.
(iii) (a) Xem xét và phán quyết tính hợp hiến của các văn bản quy
phạm pháp luật dưới luật theo đề nghị của Quốc hội, tòa án, tập thể công
dân, hay của một trong các thành viên của Hội đồng Hiến pháp. (b) Ra
quyết định bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật không phù hợp
Hiến pháp.
(iv) Xem xét và phán quyết tính hợp hiến của các hoạt động và hành vi
của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành
công vụ theo đề nghị của Quốc hội, tòa án, tập thể công dân, hoặc một
trong các thành viên của Hội đồng Hiến pháp.
2. (i) Hội đồng Hiến pháp có chín thành viên, gồm một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch, và bảy Ủy viên.
(ii) Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp được thực hiện như sau:
(a) Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chánh án Tòa án Tối cao mỗi người đề
cử ba ứng viên vào Hội đồng Hiến pháp nhiệm kỳ đầu tiên, dựa trên các
tiêu chuẩn tương tự như tiêu chuẩn lựa chọn Chánh án Tòa án Tối cao.
Chủ tịch Nước đề cử ứng viên thay thế khi thành viên Hội đồng Hiến pháp thôi giữ chức vụ này vì bất cứ lý do gì.
(b) Quốc hội duyệt từng trường hợp ứng viên và ra quyết định bổ nhiệm
từng thành viên Hội đồng Hiến pháp tại một phiên họp toàn thể của Quốc
hội.
(c) Chủ tịch Nước bổ nhiệm Chủ tịch và phó Chủ tịch Hội đồng Hiến
pháp căn cứ theo kiến nghị của các thành viên Hội đồng Hiến pháp.
(d) Các thành viên Hội đồng Hiến pháp được bổ nhiệm sẽ giữ chức vụ đó cho đến khi về hưu ở tuổi 75.
(e) Thành viên Hội đồng Hiến pháp chỉ có thể bị bãi nhiệm trong
trường hợp có ¾ đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm tại phiên họp toàn
thể của Quốc hội.
(3) Hội đồng Hiến pháp ra quyết định về tính hợp hiến của một văn bản
luật, văn bản dưới luật khi có ít nhất năm thành viên bỏ phiếu tán
thành quyết định đó. Trong trường hợp khuyết thành viên vì bất kì lí do
gì, Hội đồng ra quyết định theo đa số.
(4) Hội đồng Hiến pháp ra quyết định về tính hợp hiến của hoạt động
của một cơ quan nhà nước, hành vi của công chức, viên chức khi thi hành
công vụ, khi có ít nhất năm thành viên bỏ phiếu tán thành quyết định đó. Trong trường hợp khuyết thành viên vì bất kì lí do gì, Hội đồng ra quyết định theo đa số.
(5) Quốc hội ban hành luật quy định cụ thể việc tổ chức, hoạt động và các vấn đề khác của Hội đồng Hiến pháp.
Ký tên: Những người tham gia làm trang mạng Cùng Viết Hiến Pháp cùng ký vào văn bản này vào ngày 31/3/2013
Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Anh Tuấn,
Nguyễn Ái Cần, Vũ Công Giao (Khương Duy), Trần Kiên, Bùi Đức Lại, Nguyễn Xuân Long,
Riêng GS. Nguyễn Đăng Dung là thành viên Ban biên tập của CVHP, đồng
thời là thành viên Ban biên tập của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, không
tham gia soạn văn bản này.