Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Những ý kiến về Góp Ý Sửa Đổi Hiến Pháp của đại tá Nguyễn Văn Tuyến, 66 năm tuổi đảng

Đại tá Nguyễn Văn Tuyến, cựu chiến binh, 66 năm tuổi đảng

Dân Luận: Đây là những ý kiến của cụ Nguyễn Văn Tuyến, đại tá, cựu chiến binh, 88 năm tuổi đời, 66 năm tuổi đảng được ghi vào tờ phiếu xin ý kiến về sự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------------------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC
Quận, Huyện, Thị Xã: Thanh Xuân.
Xã, Phường, Thị trấn: Thanh Xuân Bắc.

PHIẾU XIN Ý KIẾN
VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trân trọng đề nghị Ông (Bà) tham gia ý kiến của mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo các nội dung dưới đây và gửi lại cho Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng thôn nơi cư trú.
Họ và tên người góp ý kiến: Nguyễn Văn Tuyến; TKN, 88 tuổi, 66 tuổi Đảng, Đại tá CCB
Địa chỉ: P106 – C19 Phường Thanh Xuân Bắc – Quận Thanh Xuân – Hà Nội.
Điện thoại: (043) 8546968.

Ý kiến chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:
Ngày 8 – 2 – 2013 tôi đã có một văn bản góp ý kiến về sửa đổi Hiến pháp 1992 gửi cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Nhân dịp được tổ chức thảo luận tôi xin gửi tới HĐND, UBND thành phố và xin góp thêm một số ý kiến.
1- Hiến pháp là văn bản chiến lược pháp lý lớn nhất của Quốc gia. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là quá cấp thiết với thực tiễn tình hình đất nước trên mọi lĩnh vực cả cái được, cái tốt và mặt trái trong cuộc sống của xã hội, của cả dân tộc đòi hỏi phải được xây dựng, xác lập lại nhiều vấn đề rất cơ bản theo hướng đi lên theo đúng quy luật và phát huy truyền thống dân tộc với mục tiêu “Dân giầu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh”.
2- Việc xin ý kiến Nhân dân tham gia đã được hơn 3 tháng đã có hơn được hơn 20 triệu lượt công dân có ý kiến đóng góp nhất là của tầng lớp tinh hoa của dân tộc gồm trí thức, các đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng, CCB ... trong đó có những vị tuổi
Đảng còn nhiều hơn tuổi đời của các vị.
Phải nói đó là việc đáng mừng.
Tuy nhiên qua nhiều loại ý kiến, cả những ý kiến khác nhau, thậm chí có cả những ý kiến phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và những thắng lợi to lớn của Nhân dân bằng xương máu mới giành được ... Thực sự nên hiểu đó là chuyện bình thường và qua đó đúng là rất cần tổ chức những cuộc tranh luận chính thức công khai làm rõ đúng sai tìm ra chân lý có tính thuyết phục. Tiếc rằng việc đó không được làm đúng tầm mức, ngược lại có ý kiến của những người có trọng trách lớn nhất như Tổng bí thư Đảng, Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch Quốc Hội ... đã hồ đồ vội vàng có những nhận xét phê phán, chụp mũ ... nhiều người trao đổi thấy thêm một hiện tượng quái lạ, lại của chính những vị đứng đầu Đảng, Đất nước: Vậy thế nào là dân chủ, thế nào là xin ý kiến Nhân Dân. Nhiều ý kiến cho rằng mọi việc làm cả NQ4/TƯ và việc xin ý kiến Nhân Dân góp xây dựng Hiến pháp đều là mị dân với mục đích để bảo vệ vị trí của chính mình và của nhóm lợi ích đang lũng đoạn tổ chức Đảng, Nhà nước, đâu phải vì Đảng, vì Dân Chủ của Dân và vì lợi ích của Dân Tộc Độc lập. Một số còn có ý kiến mọi người cần cảnh giác nhân dịp này họ sàng lọc những người có chính kiến khác sẽ vào vòng ngắm sẽ tìm cớ đàn áp, bủ tù như với Cù Huy Hà Vũ và nhiều người khác ...
Nghe những ý kiến này tôi cảm thấy quá buồn bực cho Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một số điều khác cũng cần phản ánh đóng góp ý kiến với lãnh đạo và ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần biết:
a. Là vấn đề cực lớn vậy suy nghĩ sao mà lúc đầu chỉ để thời gian 3 tháng nay phải kéo dài thêm thời gian gấp 3 lần, thể hiện một sự lúng túng, tất nhiên thêm thời gian là tốt, cần thiết.
b. Nhưng như vậy không có sự chủ động có được nội dung tuyên truyền giáo dục chiều sâu cho Nhân dân nhân dịp này nâng cao trình độ hiểu biết nhất là với nông dân, với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người ... nên rất đông (xin nói cả với sinh viên Đại học) và cả với những người có hiểu biết đã đóng góp ý kiến qua các cuộc họp hoặc viết bài góp ý kiến, số rất đông cho rằng những điều góp ý chắc không được chấp nhận.
Sự mất lòng tin đang đè nặng lên nhận thức của mọi người với nhận xét so sánh nhiều việc Đảng nói nhưng không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo khác, vấn đề gần nhất chính là việc thực hiện NQ4/TƯ với tinh thần không giải quyết được 3 vấn đề cấp bách thì nguy cơ mất Đảng, mất chế độ ... việc làm rất công phu, tốn công, tốn của ... Nhưng qua kết luận của hội nghị 6/TƯ và qua quốc hội với sự đánh giá kết quả và việc xin lỗi của Thủ tướng chính phủ là xí xóa tất cả bởi tập thể TƯ với gần 130 phiếu không xử lý được X, bất chấp hậu quả, ý kiến toàn Đảng, toàn Dân không là gì với cả một tập thể các ông vua đã quyết định; 2 là trong hội nghị cán bộ chủ chốt của thành phố Hồ Chí Minh ngày 29 – 3 – 2013 Tổng bí thư đã có những nhận xét đánh giá thực hiện NQ4/TƯ ... “Quan trọng nhất là không phải xử kỷ luật ai mà làm thành công thế mới là giỏi”.
Những điều đó nên hiểu thế nào là đúng đối chiếu với thực tiễn đang diễn ra.
Chính vậy nên mọi người nhất là ngay cả những đồng chí nguyên lãnh đạo ở cấp cao nhất đều có những phát biết việc chỉnh đốn Đảng đã thất bại.
Từ những vấn đề đó sự khủng hoảng lòng tin đã được nhân lên bằng cấp số nhân. Mọi việc làm của họ chỉ là bình phong che đậy, bảo vệ sai trái của họ không hy vọng gì về quyền làm chủ của Nhân Dân và cả những việc tầy trời chống giặc nội xâm và chống bành trướng Bắc Kinh.
Đó là một số điều tập hợp phản ánh chưa đầy đủ, rất trung thực, chân thành để các đồng chí có thêm cơ sở xử lý vấn đề nóng bỏng đang diễn ra.
Người góp ý kiến
(vui lòng ký và ghi rõ họ tên)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"