Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Hòn đá cộng sản

Nguyễn Quang Lập

Bây giờ mới biết hòn đá lạ ở đền Hùng là của phù thủy ta phá thế yểm của đạo sĩ Nguyên Mông (tại đây): năm 2009, người ta phát hiện một viên gạch lạ có in chữ Hán. “Văn bản trả lời của ông Nguyễn Minh Thông (đề ngày 20/3/2013) mới đây lên tỉnh Phú Thọ, cho biết viên gạch nọ được Phú Thọ nhờ Trung tâm của ông Thông nghiên cứu, xem xét. Một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm đã vào cuộc hội thảo nhiều lần, khẳng định viên gạch này có từ cuối thời Trần, do đạo sỹ của quân Nguyên - Mông mang đến đặt. Thời đó phía Nguyên - Mông bị thua trận vì bị nhà Trần ta đánh tan ba lần, đã cử đạo sỹ được cải trang sang nước Nam ta, dùng thủ đoạn yểm bùa gạch này tại Đền Thượng, trên viên gạch được ghi “Đánh đổ đức sáng Vua Hùng (hiện còn lưu giữ tại bảo tàng Đền Hùng)”.

Đoạn trích trên đăng ở báo Tiền Phong chỉ thấy duy nhất một thông tin là đáng tin, ấy là viên gạch có từ thời Trần, còn thì rất tù mù. Làm sao có thể biết quân Nguyên Mông cử đạo sĩ cải trang lẻn vào đến Đền vua Hùng đặt viên gạch kia? Tại sao đạo sĩ Nguyên Mông lại viết chữ Hán và gọi vua Hùng bằng vua? Trong suốt lịch sử Việt chưa thấy “giặc phương Bắc” nào gọi vua Việt là vua cả. Và tại sao đạo sĩ Nguyên - Mông lại tìm đến Đền vua Hùng để yểm đảo, trong khi đáng ra phải yểm đảo nơi thờ đức thánh tổ nhà Trần? Chỉ chừng đó cũng ngửi thấy cái mùi tạo tác của mấy ông “khoa học, chuyên gia ngoại cảm” rồi.
Giả sử hòn gạch kia là có thật thì phá thế yểm có phải là một hòn đá mà, như Đào Tuấn mô tả, trên đó đầy “những dấu, những triện, dòng chữ Phạn, chữ Hán, những câu thần chú, Mật tông, những “Bách giải tiêu tai phù”, những tinh tú, những bát trận đồ, những bát quái, quẻ càn…”? Và có phải như ông Thông khẳng định: “phải có linh khí của Phật thì mới cùng với linh khí của Đức Thánh Trần kết hợp thì mới hóa giải được bùa phép nguy hiểm đã bị yểm đảo của giặc phương Bắc”, trong khi Đức Thánh Trần cũng là nhà Phật?
Vô cùng tù mù!
Hòn đá này là đá trấn yểm hay hòn đá mê tín dị đoan? Phải gọi cho đúng tên chứ không thể gọi là hòn đá lạ được. Cũng như năm 2010, người ta tổ chức nghi lễ đúc tim tượng cho tượng đài Thánh Gióng, có người nói tim đó là tim lạ. Người khác cãi, nói tim do người cộng sản tạo ra thì gọi đó là tim cộng sản. Chỉ có người cộng sản mới nghĩ ra chiêu độc đúc tim cho tượng, ngoài ra không có ai nghĩ ra được cái chiêu đó.
A, phải rồi. Sự tích hòn đá bắt đầu từ chủ trương của “lãnh đạo Phú Thọ” cụ thể là ông Nguyễn Hữu Điền (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) chắc chắn là một người cộng sản, đến ông thấy bùa yểm là đại tá quân đội Nguyễn Minh Thông, ông này không đảng viên sẽ không có quân hàm đại tá, tóm lại thầy phá thế yểm Nguyễn Minh Thông đích thị là một người cộng sản. Hòn đá sinh ra trong thời cộng sản được chế tạo bởi những người cộng sản. Thế thì hòn đá này cũng được gọi là hòn đá cộng sản chứ còn gì nữa.
Ai dám bảo cộng sản vô thần nào? Bịp bợm!
Nguyễn Quang Lập
____________________________________________


Đào Tuấn - “Phù thủy ta” phá thế yểm của “đạo sĩ lạ”
Giữa những dấu, những triện, những chữ Phạn, chữ Hán, những câu thần chú, Mật tông, những “Bách giải tiêu tai phù”, những tinh tú, những bát trận đồ, những bát quái, quẻ càn, có một điều mà bất cứ người dân nào cũng thấy: Đó là một hòn đá
Tháng 5 năm ngoái, khi cưỡng chế thu hồi và “tống giam” 2 hòn đá, chính quyền Chư Sê, Gia Lai giải thích vì đó là “khoáng sản”, là “quý”. Khoáng sản gì? Khoáng sản đá. Quý thế nào? Vì nó đẹp. Ối các quan chức, các giáo sư tiến sĩ sau đó đề nghị phải “kiểm định”, “xác định”, “phân tích” xem đó là hòn đá gì. Cái kết vụ này sau đó nhạt toẹt: Liên đoàn địa chất bản đồ Miền Nam sau quá trình kiểm định, xác định, phân tích, kết luận rằng đó là một loại đá “bán quý”, có đầy ở Chư Sê, chẳng có gì là độc đáo, và giá bán, chắc không cao hơn tiền xăng mà ô tô biển xanh mấy lần lượn vè vè chở đá đi giam.
Cứ ngỡ sự vô tri với một vật thể cũng vô tri sẽ chỉ là chuyện cá biệt. Ấy thế mà từ vài hôm nay, dư luận cả nước xôn xao trước một hòn đá lạ ở Đền Hùng với những lời lẽ hình dấu hỏi: Đó là một đạo bùa cát, cầu giải tai ương, thỉnh cầu phúc đức? Hay là một đạo bùa trấn yểm? Sự việc càng trở nên nghiêm trọng một cách hài hước khi Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng Phạm Xuân Các thật thà: “Nhiều người hỏi tôi về ý nghĩa của các dòng chữ trên hòn đá đó, nhưng thú thật là tôi không biết”.
Đền Hùng là nơi thờ cúng quốc tổ. Thiêng liêng đến mức Phú Thọ ra quy định: Dù chặt một cành cây cũng phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Cây chết, đổ do nguyên nhân khách quan như mưa bão cũng không được cưa, chặt mà phải để chết mục. Bởi vậy, có thể thông cảm cho sự hoang mang của dư luận khi nhìn hòn đá loằng ngoằng vằn vện mà ngay ông Trưởng ban quản lý cũng chẳng biết nó là cái gì.
Đến hôm qua, khi người đặt đá, một cựu quan chức của ngành văn hóa Phú Thọ lên tiếng, người ta mới biết chuyện hòn đá bắt đầu từ chuyện… viên gạch. Cụ thể: năm 2009, người ta phát hiện một viên gạch lạ có in chữ Hán. Nhiều nhà văn hóa cho rằng có thể là bùa yểm trong đó. Để phá thế yểm, Ban quản lý đã phải mời các pháp sư, nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm “vào cuộc”. Có hẳn “hội thảo nhiều lần” được tổ chức, khẳng định viên gạch trên ghi “Đánh đổ đức sáng Vua Hùng” này có từ cuối thời Trần, do đạo sỹ của quân Nguyên Mông mang đến đặt. Và để phá thế yểm của các đạo sĩ “lạ”, pháp sư Việt Nam đã đặt hòn đá như một đạo bùa lành.
Nghe chuyện, cứ ngỡ như nghe chuyện Cao Biền.
Và đương nhiên, chuyện “tất-lẽ-dĩ-ngẫu”, như khẳng định của một vị Phó chủ tịch tỉnh là Phú Thọ “sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia đánh giá về việc đặt hòn đá tại khu du tích”. Cách hành xử y xì trường hợp Chư Sê. Nhưng rất lạ, bởi có một thực tế là giữa những dấu, những triện, dòng chữ Phạn, chữ Hán, những câu thần chú, Mật tông, những “Bách giải tiêu tai phù”, những tinh tú, những bát trận đồ, những bát quái, quẻ càn, có một điều mà bất cứ người dân nào cũng thấy: Đó là một hòn đá.
Ở một ngôi làng nhỏ thuộc Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế, từ hàng trăm năm nay, người dân vẫn thờ cúng một hòn đá trong những lời lẽ thì thào thành kính rằng nó đang to lên mỗi ngày, rằng từ thời…ông bành tổ, hòn đá chỉ bằng bình vôi, giờ thì…nặng cả tấn.
Hòn đá giờ được mặc xiêm y, được gọi là “đá Mẹ”, được thêu dệt bằng những truyền thuyết nghe dựng tóc gáy. Chỉ có điều đó là hòn đá gì và tại sao lại gọi là Mẹ? Thì chịu.
Sao mà chuyện 3 hòn đá nó giống nhau đến thế.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"