Phạm Duy Nghĩa
Dân xem, dân hỏi, dân bàn luận. Thời buổi minh bạch, không thể mãi
bưng bít thông tin như thuở xưa, ứng xử nơi công cộng của cán bộ lãnh
đạo ở nước ta đều được người dân soi thật kỹ. Giữ những chiếc ghế quá
nóng, các bộ trưởng ngành Y tế và Giáo dục hiển nhiên được công chúng
đặc biệt chú ý. “Bệnh viện như trại tỵ nạn”, phát biểu gần đây của Bộ
trưởng Bộ Y tế thêm một lần nữa lại được dư luận quan tâm.
Bà Bộ trưởng đã nhiều dịp phân trần nỗi vất vả của ngành y tế trước
các diễn đàn Quốc hội. Bức xúc trước sự nhếch nhác của hệ thống bệnh
viện nước ta, bà đã than cùng nỗi bất hạnh của hàng vạn bệnh nhân. Cũng
như toàn dân, bà đã nhận biết được vấn đề chính sách: nước ta cần một hệ
thống y tế tử tế hơn với số phận của mỗi con người.
Song bộ trưởng là chính khách, tức là một người làm nghề đưa ra và
lựa chọn các giải pháp chính sách. Người ta mong đợi và đánh giá chính
khách bởi đường lối chính sách cụ thể mà họ đưa ra. Nhận diện vấn đề thì
không quá khó, người dân và công chức hiểu biết tầm trung cũng đủ sức
làm. Song đủ trí tuệ, bản lĩnh để lựa chọn các giải pháp chính sách và
khéo léo thuyết phục toàn xã hội ủng hộ cho lựa chọn của mình, điều ấy
cần tới kỹ năng của người làm chính khách.
Nước ta đang ở cao trào thảo luận xây dựng một bản Hiến pháp mới cho
những thập niên tương lai. Đó cũng là một dịp để bàn thêm về trách nhiệm
của nền công vụ trước nhân dân và nhu cầu phân tách rạch ròi giữa đội
ngũ công chức thừa hành với các chính khách có chức năng dẫn dắt, lãnh
đạo.
Một quốc gia trở nên đói nghèo thường bởi thể chế quản trị quốc gia
lạc hậu, trong đó có nền công vụ kém hiệu quả, trơ ỳ trước đòi hỏi của
nhân dân. Nếu ước đoán có tới 30% công chức nước ta không làm được việc
và người dân còn phải thường xuyên đàm tiếu về những lựa chọn chính sách
không kém phần bi hài, thì rõ ràng nhu cầu thiết kế lại nền công vụ để
chịu trách nhiệm trước người dân là một sức ép thực sự bức bách.
Trong một nước theo thể chế cộng hòa, quyền lực là của chung nhân
dân, muốn vậy hãy tạo ra các sức ép buộc chính khách thường xuyên phải
chịu đựng nỗi vất vả bởi nghề của mình. Năng lực của chính khách phải
được đo lường bởi sự khôn ngoan của những chính sách do họ khởi xướng
hoặc lựa chọn. Người không thạo nghề thì cần phải được thay. Lấy phiếu,
bỏ phiếu tín nhiệm trong các kỳ họp Quốc hội, đối thoại chính sách, mở
rộng thêm các phiên điều trần, cũng như buộc chính khách chấp nhận rộng
rãi hơn sức ép phản biện của dư luận, báo chí… là những bước cải cách
nho nhỏ, đang từng ly một nhích dần tới trách nhiệm giải trình của người
làm nghề chính trị ở nước ta.
Ước gì làm chính khách sẽ là một nghề ngày càng vất vả, vất vả vì dân.