Những gì mà Chicago Boys xúi Pinochet thực hiện thực ra rất đơn
giản về mặt nguyên tắc: tư hữu hóa tối đa các ngành công nghiệp (bao gồm
cả khai khoáng), tư hữu hóa ngân hàng và quỹ tài chính, phá bỏ bảo hộ
các ngành công nghiệp trong nước bằng bỏ đi hàng rào thuế quan, xóa bỏ
các luật lệ (deregulation) để tối thiểu hóa sự can thiệp của chính phủ
vào thị trường, giảm thuế doanh nghiệp, chào đón đầu tư nước ngoài.
Hôm nọ tự nhiên được một bạn rủ đi cafe vỉa hè lăng quăng. Xong lại gặp một bạn
nữa, lại lăng quăng cafe tiếp. Xong rồi bạn đến trước về trước, còn lại
bạn đến sau và tôi. Hai anh em ngồi, lanh quanh một hồi lại quay lại
chủ đề cũ rích nhưng lại đang rất là thời sự: lạm phát hơi quá đà ở nước
ta hiện nay. Bạn kia đặt ra hai thắc mắc rất cơ bản là lạm phát thì
thực ra vẫn có người có lợi; và tác động của tăng dự trữ bắt buộc ở ngân
hàng thương mại.
Tự nhiên tôi thoáng nghĩ: có lẽ Milton Friedman đã đúng. Đúng hơn
Keynes. Keynes có lẽ chỉ đúng ở những nơi mà nền kinh tế vận hành tốt
với chính phủ rất mạnh mẽ, sáng suốt và minh bạch.
Trong bài điếu văn
nổi tiếng tiễn đưa Friedman về thế giới phi kinh tế (tuyền tiêu vàng
mã), Paul Krugman đã kết thúc bằng lời kêu gọi hãy làm ngược lại những
gì Friedman muốn làm. Nhưng có lẽ Krugman không bao giờ hiểu, một nền
kinh tế đang trỗi dậy, ở một nước đang phát triển, ở một thể chế chính
quyền vẫn còn non nớt, thì có lẽ Friedman có lý hơn Keynes rất nhiều. Ở
những nơi đó, những nơi mà nhân dân cần lao chưa bao giờ và còn lâu mới
hiểu được ý nghĩa và bản chất thật sự của công bằng và văn minh, thì có
lẽ một kiểu độc tài cánh hữu với một nền kinh tế tự do, sẽ là một sự kết
hợp hoàn hảo trong ngắn hạn (short-run) và có ý nghĩa tích cực trong
dài hạn (long-run).
Câu chuyện của hai anh em sau đó hơi phân tán chủ đề, nhưng nó lại đi
đến một đất nước mà Friedman đã thực sự thành công, nhưng cũng phải
chịu đựng tai tiếng vì đã cộng tác với một chính phủ độc tài. Nước đó là
Chile dưới thời độc tài quân sự Pinochet.
Tôi đúng là một thằng dở hơi, chỉ lanh quanh trong ao tù, đã rất bất
ngờ khi được bạn trẻ kia cho biết dân Chile rất giỏi. Tất cả những gì
tôi mơ hồ về Chile chỉ là nước này cũng hẹp và dài, chạy dọc theo bờ
biển, giống Việt Nam. Có một thời kỳ lịch sử đẫm máu khi tướng Pinochet
lật đổ tổng thống Allende, một người cánh tả, và sau đó truy sát hãm hại
hàng chục ngàn người dân chủ và cánh tả. Y như chính phủ độc tài Ngô
Đình Diệm lê máy chém ở Miền Nam Việt Nam ngày xưa. Không khác gì. Thậm
chí giống cả các chiến dịch bắt bớ tra tấn ám sát các nhân vật cánh tả
được CIA hậu thuẫn và giúp đỡ kỹ thuật.
Chỉ khác ở một chỗ, kinh tế dưới thời Pinochet phát triển rất rực rỡ
và bền vững. Ngày nay sự thành công kinh tế đấy được người ta biết đến
với cái tên The Miracle of Chile. Còn bộ não của các chính sách cải tổ
kinh tế đấy là các kinh tế gia trẻ tuổi của Chile được đào tạo ở đại học
Chicago theo trường phái Friedman-Harberger. Những kinh tế gia trẻ tuổi
này được biết đến với cái tên Chicago Boys. Chính sách tiền tệ của
Chile với lạm phát mục tiêu là key ngày nay trở thành hình mẫu để rất
nhiều nước đi theo (inflation targeting). Hay nói cách khác, việc chuyển
đổi chính sách tiền tệ thành công của Chile đã dẫn đến xu hướng chung
của thế giới với chìa khóa chính là lạm phát mục tiêu. Cụ thể chỉ nằm ở
các điểm mấu chốt sau: chính sách tiền tệ với tỷ giá hối đoái thả nổi,
theo đuổi lạm phát mục tiêu, tính độc lập của ngân hàng trung ương với
toàn bộ phần còn lại của đất nước, ngân hàng trung ương không cấp tín
dụng cho chính phủ, tài khoản vốn tự do. Có lẽ đây là tất cả những gì mà
Friedman mong muốn.
Dưới đây là một vài điểm quan trọng trong lịch sử cận đại của Chile
(vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha, giành được độc lập năm 1810, trước
chúng ta hơn một thế kỷ).
+ Năm 1967 kinh tế bắt đầu suy thoái.
+ Năm 1970, thượng nghị sỹ Allende thắng cử gần như tuyệt đối. Ông
tranh cử với tư cách là đại diện cho liên minh các đảng phái cánh tả và
xã hội. Suy thoái kinh tế đạt đỉnh điểm vào đúng năm 1970 luôn.
Allende ra một loạt chính sách kinh tế rất cánh tả. Quốc hữu hóa toàn
bộ các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành khai khoáng vốn là một ngành
bị nắm giữ bởi các cty Mỹ và các cty đa quốc gia. Cải cách ruộng đất
mạnh mẽ, đưa đất cho dân cày. Điều này dẫn đến bay vốn, kéo theo là kinh
tế đang suy thoái từ trước đó, đã tăng đến đỉnh điểm. Allende ra tiếp
một loạt chính sách khác như quốc hữu hóa ngân hàng, tăng lương, giảm
thuế. Đồng thời ông cũng có các biện pháp kích cầu theo kiểu Keynes bằng
cách thực hiện một lọat các dự án công.
Năm sau đó sản lượng tăng và thất nghiệp giảm rất ấn tượng. Allende
sử dụng các biện pháp tái phân phối thu nhập xuống dưới như phát sữa
miễn phí, đưa đất đai cho nông dân.
+ Đến năm 1972, mọi việc đảo lộn lại như cũ. Kinh tế lại suy thoái.
Đồng thời chính phủ Mỹ lúc đó (Nixon) chống phá chính quyền Allende kịch
liệt. Từ ngăn chặn tín dụng cho Chile đến các biện pháp xấu xa thông
qua CIA. Kinh tế rơi vào khủng hoảng. Chính trị lộn tùng phèo.
+ Đến năm 1973, lạm phát không kiểm soát nổi. Đình công chống đối
khắp nơi. Một cuộc lật đổ vũ trang diễn ra. Tổng thống Allende tự sát
bằng cây súng AK47, quà tặng của chủ tịch Fidel Castro.
Tướng Pinochet lên cầm quyền và bắt đầu thời kỳ độc tài quân sự tàn
khốc ở Chile suốt nhiều năm sau đó. Ngay sau khi lên nắm quyền, Pinochet
đã thực hiện một cuộc tàn sát đẫm máu khi cho một nhóm sỹ quan đi trực
thăng bay từ nhà tù này đến nhà tù khác để giết không xét xử các phần tử
chống đối, chủ yếu là các nhân vật cánh tả và dân chủ. Trong 16 năm cầm
quyền sau đó, khoảng 2000 người nữa bị giết hại. Ba chục ngàn người
phải vượt biên. Hàng chục ngàn người bị bắt và tra tấn (giống chiến dịch
Phượng Hoàng mà CIA thực hiện ở Miền Nam Việt Nam quá). Đại khái hơi
giống như thời kỳ Ngô Đình Diệm truy sát các cán bộ cộng sản và gia đình
của họ ở miền nam Việt nam. Chính quyền Chile còn cộng tác với các cơ
quan tình báo Nam Mỹ và CIA, tổ chức chiến dịch đi truy sát các nhân vật
cánh tả ở khắp thế giới (Operation Condor, sát hại rất nhiều các nhà
cách mạng Nam Mỹ).
Trong 17 năm cầm quyền khát máu của mình, Pinochet chỉ tập trung vào
mảng chính trị và quân sự. Còn thì kinh tế thì ông giao toàn quyền cho
các chàng trai có tên gọi Chicago Boys. Milton Friedman đã tới Santiago
để giảng về kinh tế thị trường và gặp gỡ Pinochet trong 45 phút. Các học
trò của Milton Friedman và Arnold Harbeger, 25 kinh tế gia trẻ tuổi
người Chile được biết với tên gọi Chicago Boys, đã theo đuổi chính sách
kinh tế thị trường tự do dưới một chế độ độc tài quân sự khét tiếng. Và
cuối cùng họ đã thành công. Tư tưởng kinh tế của Friedman đã có mẫu hình
thành công như mong muốn. Chỉ có điều có vẻ như hơi kỳ quặc là nó thành
công trong một chế độ độc tài quân sự. Nhưng không kỳ quặc lắm nếu thấy
đó là chế độ độc tài quân sự cánh hữu và Chile trước đó rất nghèo đói.
Những gì mà Chicago Boys xúi Pinochet thực hiện thực ra rất đơn giản
về mặt nguyên tắc: tư hữu hóa tối đa các ngành công nghiệp (bao gồm cả
khai khoáng), tư hữu hóa ngân hàng và quỹ tài chính, phá bỏ bảo hộ các
ngành công nghiệp trong nước bằng bỏ đi hàng rào thuế quan, xóa bỏ các
luật lệ (deregulation) để tối thiểu hóa sự can thiệp của chính phủ vào
thị trường, giảm thuế doanh nghiệp, chào đón đầu tư nước ngoài.
Trong 13 năm đầu tiên của cuộc cách mạng Chicago (1973-1986) thì
không có tăng trưởng kinh tế ở Chile. Các chỉ số giá và lương càng ngày
càng tệ đi nếu so với thời kỳ Allende. Nhưng sự thực thì đó là một cuộc
cách mạng biến đổi về chất. Giai cấp trung lưu trở nên mạnh mẽ hơn khi
thu nhập bị dồn từ người nghèo lên trung lưu (nới rộng khoảng cách giàu
nghèo, chỉ số trung bình (mean) giảm nhưng thực chất tổng thể là đi
lên). Sự thay đổi thực sự về chất (mạnh mẽ hơn) đã giúp Chile là nước
đầu tiên thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính Mỹ Latin.
Từ năm 1986 đến 1999 thì tăng trưởng kinh tế của Chile cực kỳ ổn định
và ngoạn mục, vượt xa các nước Mỹ Latin khác. Thực sự thì bùng nổ kinh
tế chỉ diễn ra sau khi Pinochet thôi làm tổng thống và các tổng thống
tiếp theo là người của chính quyền dân sự (bà tổng thống hiện nay, đã
đến VN, là người theo đường lối xã hội chủ nghĩa) Nhưng các tổng thống
sau này không từ bỏ các chính sách của Chicago Boys mà chỉ gia tăng phần
an sinh xã hội cho mạnh hơn.
Dấu ấn của Friedman và Harberger để lại rõ nét nhất trong bài thực
hành Chile đó là chính sách tiền tệ sáng suốt và độc lập (như đã nói ở
trên) của Friedman và chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ dẫn
đến tăng trưởng của Harbeger.
Bên cạnh đó, một số phát kiến của Friedman cũng được thực tế hóa. Ví
dụ điển hình là School Voucher. Friedman cho rằng khu vực tư nhân cũng
có thể tham gia làm public goods, và có thể làm tốt hơn chính phủ làm.
Ông đề xuất sử dụng Voucher cho học sinh. Học sinh có thể học trường
công hoặc trường tư và trả bằng voucher. Sau đó chính phủ dựa vào ghi
danh của các trường và voucher để trả tiền cho các trường. Giống như tem
phiếu của ta ngày xưa, nhưng thay vì chỉ có thể dùng tem mua ở mậu
dịch, ta có thể mua cả ở cửa hàng tư nhân.
Những gì đã diễn ra ở Chile từ năm 73 đến năm 93 được coi là thành
công cho một lý thuyết. Chỉ trong một thế hệ, Chile đã đi từ một nước
nghèo đói lên một đất nước phồn thịnh nhất Mỹ Latin, người dân Chile
cũng là người dân sung túc nhất Mỹ Latin.
Tất cả chỉ trong một thế hệ.