Xích Tử
Trong điều kiện được cho là tự do thông tin, tự do báo chí ở
Việt Nam, không có gì sung sướng tự hào cho bằng nghề làm báo, làm nhà
báo có biên chế, nói rộng ra là làm trong các cơ quan thông tin đại
chúng vốn chỉ thuộc quốc doanh.
Tất cả cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đều được nuôi bằng
ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí trích ra một cách vô tội vạ của
các doanh nghiệp nhà nước. Mỗi nhà báo, theo 2 ngạch đó, điều được trả
lương ổn định bằng số bài/tin khoán theo tháng; nếu vượt có thưởng thêm.
Ngoài ra, theo phân phối thu nhập hàng năm, họ còn được hưởng một khoản
ăn chia từ nguồn thu quảng cáo, tài trợ, “hợp đồng tuyên truyền”. Đó là
nguồn thu nhập chính thức.
Các trụ sở, tòa soạn của các báo đài đều được xây dựng khang trang bề
thế cũng từ các nguồn công quỹ quốc gia hoặc thu nhập doanh nghiệp. Chi
phí cho các hoạt động tác nghiệp của nhà báo được chi trả từ kinh phí
của cơ quan báo chí; nhà báo được cấp tất cả công vụ phí, công tác phí
như công viên chức nhà nước.
Về mặt tinh thần, tuy bị đảng, nhà nước kiểm soát, kiểm duyệt gắt
gao, luôn luôn định hướng thông tin, răn đe và xử lý kỷ luật nếu làm
trái, song báo chí vẫn luôn được phủ dụ, ưu ái, tôn vinh, nuông chiều
và phờ phỉnh. Trong phát ngôn của mình, một số nhà báo vẫn tự phong là
quyền lực thứ tư, đôi khi nói với đảng, nhà nước, nhưng chủ yếu là nói
với những khách hàng khác. Và đây là cách phát ngôn có dụng ý đầu cơ
quyền lực.
Trong hoạt động, trừ một số tờ báo in trước đây và thêm bản điện tử
hiện nay có sức hấp dẫn riêng đã bán được ra thị trường, có lãi, phần
lớn các tờ báo của đảng, nhà nước, các cơ quan quản lý, lãnh đạo... đều
phải phát hành theo cách cưỡng chế, nghĩa là gởi đến cho người bị đọc
rồi thu tiền hoặc ép các nhà hảo tâm mua đem phát không cho một số đối
tượng nào đó. Do vậy nên đảng phải ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan,
các doanh nghiệp phái mua báo Nhân dân ở Trung ương và báo đảng ở cấp
tỉnh. Bằng cách này, đố ai có thể tìm mua được một tờ báo nào thuộc 2
loại nói trên ở những người bán báo dạo. Dù vậy, các cơ quan báo này
luôn đòi hỏi tăng trang, tăng kỳ, tăng đầu tirage; và sự đòi hỏi đó cũng
luôn được đáp ứng vì có mất gì của ai; ngân sách bao cấp thì không phải
hạch toán gì. Nhờ vậy mà mấy chục kênh phát thanh truyền hình phát
24/24 giờ; báo tỉnh thì hầu hết đã là nhật báo, có thêm số chủ nhật,
chuyên trang, số đặc biệt. Cái lợi chủ yếu vẫn là tạo nền để hoạt động
và tính số lượt quảng cáo làm doanh thu; còn mấy mươi triệu dân thì lo
làm việc, học hành có thời gian đâu mà xem báo nghe nhìn đài từ tinh mơ
cho đến chạng vạng.
Để góp phần làm giàu, vỗ béo cho báo, đảng, nhà nước cho phép tất cả
các cơ quan báo đều được quảng cáo hoặc tiến hành quảng cáo trá hình
trong giao dịch gọi là “hợp đồng tuyên truyền”. Doanh thu loại này, với
một số tờ báo nổi tiếng, phụ thuộc vào “hữu xạ tự nhiên hương”, những tờ
báo quốc doanh khác lại ép khách hàng dựa vào sự đầu cơ quyền lực giả
tạo nói trên như một kiểu ăn vạ. Hàng tuần, vô số lãnh đạo của các cơ
quan nhà nước, doanh nghiệp v.v... nhận những cú điện thoại chào mời
kiểu “Tôi ở báo Pháp luật..., báo Người đại biểu nhân dân, tạp chí Thanh
tra, tạp chí Kiểm tra đảng... rất quan tâm đến quí cơ quan, muốn hợp
tác...” v.v... Một số tờ báo khác lại vận động tài trợ với điều kiện
khách hàng được đăng bài tự viết, bài giới thiệu về mình để lobby, đánh
bóng cá nhân. Cùng với việc lợi dụng báo để thành lập các quĩ từ thiện,
tư vấn tuyển sinh, việc làm v.v... mà báo cũng được hưởng hoa hồng,
quảng cáo và kết quả của sự vòi vĩnh, nhũng nhiễu khách hàng là nguồn
lợi to lớn và vô tận của các cơ quan báo, đài. Mỗi năm, nhiều cơ quan
báo được khen thưởng về thành tích nộp thuế chính là từ hoạt động này.
Đó cũng là đặc điểm của báo chí cách mạng Việt Nam, không như báo chí tư
nhân ở các nước thiếu tư do ngôn luận.
Kết quả tổng hòa trong sự tác động/tạo điều kiện như vậy là một nền
báo chí và những nhà báo (nếu không là tất cả khi trừ đi một thiểu số có
bản lĩnh và tâm đức nghề nghiệp) nghèo nàn, méo mó, bệnh hoạn. Nó
không hoàn thiện về cả đạo đức lẫn năng lực, trình độ nghiệp vụ báo chí,
sự thông hiểu pháp luật, thông lệ quốc tế về báo chí và ý thức đòi hỏi
tự do báo chí. Nó luôn luôn phục tùng, sợ hãi sự quản lý lãnh đạo của
đảng, nhà nước nhưng luôn luôn vỗ ngực vì tự do ảo và trưng diễn cũng
thứ quyền lực thứ tư ảo có dụng ý đầu cơ, đe dọa khách hàng của mình. Nó
nịnh trên nhưng lại nhũng nhiễu những đối tác, khách hàng, nguồn tin có
vấn đề và có tiền, kể cả nhân dân. Nó khuôn rập theo định hướng chỉ đạo
công luận của đảng nhưng lại tưởng mình được tự do, sáng tạo, cống
hiến. Hình ảnh chung của nền báo chí đó là sự thập thò thậm thọt giả dối
trong thông tin và thói quen chờ nhận phong bì của nhà báo mỗi khi đi
tác nghiệp để từ đó mà ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhà báo
cấp tỉnh đã có thể mua ôtô đi tác nghiệp. (Tôi sẵn sàng tranh luận, cung
cấp chứng cứ cho những ai phản đối nhận xét này)
Chính từ trong hệ thống, đặc thù hành chức và lợi quyền quốc gia được
chia chác phân bổ của nền báo chí như vậy, đã xuất hiện hiện tượng Đài
VTV1 muốn làm cả vai trò của tòa án thế tục và Pháp đình tôn giáo. Trong
một chuyên mục mới xây dựng gần đây nhằm phục vụ đợt lấy ý kiến nhân
dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đài này đã dàn dựng nhiều đoạn
phóng sự nhằm phản bác các ý kiến đóng góp trái chiều với đảng bằng
những chứng minh xuyên tạc qua phỏng vấn một số “nhân dân” cò mồi trong
các vấn đề, địa phương liên quan. Một số trong đó đã bị phanh phui là
dàn dựng giả tạo.
Trong chương trình thời sự 19 giờ ngày 31/3, đoạn từ 19giờ16 phút,
đài đã có phóng sự với nội dung phỏng vấn một số đạo hữu, tín hữu, chức
sắc Phật giáo và Thiên chúa giáo ở Huế, trong đó có những câu trả lời
được mớm cho một cách ngô nghê như “ hoan hỉ đồng tình với sự lãnh đạo
của đảng”..., sự lãnh đạo của đảng “có cơ sở triết lý, lịch sử”...Từ đó,
biên tập viên của đài đã đi đến bình luận khái quát rằng “một tôn giáo
nào đó” phản đối sự lãnh đạo của đảng là đi ngược lại với đường lối, tôn
chỉ của tôn giáo mình, “tự tách mình khỏi khối đoàn kết toàn dân”...,
tự tách mình ra khỏi dân tộc.
Sự kết án này của nhà đài có lẽ nhằm vào Bản tuyên bố và Kiến nghị
của Hội đồng giám mục Việt Nam. Do vậy, có lẽ cần phải có ý kiến trả lời
chính thức của tổ chức tôn giáo này, với cả mấy triệu tín đồ của họ, và
cả hơn 87 triệu dân Việt Nam, rằng họ có vi phạm giáo lý, đi ngược và
phản bội Công giáo Việt Nam, tự tách ra khỏi khối nhân dân Việt Nam hay
không. Đó là cách làm của Hội đồng Giám mục; trong khi chờ đợi động thái
này, có lẽ, với cách làm trẻ con, thiếu khoa học, thiếu công tâm và
phương pháp thông tin, lợi dụng kinh phí đóng góp của toàn dân để hoạt
động chống lại nhân dân như vậy của đài, cũng cần có một tuyên bố tẩy
chay công khai kiểu “Nói không với đài truyền hình Việt Nam VTV1”
Xích Tử