Hồ Quang Huy
1. Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, có vai trò đặc biệt
quan trọng đối với đời sống cũng như an ninh, quốc phòng của quốc gia.
Chính vì vậy chính sách về đất đai ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, an ninh tật tự, an toàn xã hội.
Trong nhiều năm qua, người dân khiếu kiện, biểu tình liên quan đến
đất đai kéo dài, phức tạp gây bất ổn về chính trị, an ninh trật tự, an
toàn xã hội gây bất bình trong nước và sự chê cười của bè bạn quốc tế.
Ngoài ra những vụ án tham nhũng, lợi dụng quyền lực liên quan đến đất
đai cũng đã xảy ra nhiều (mà chủ yếu là liên quan đến thu hồi đất).
Với tình trang trên đây đã phản ánh một thực tế là chính sách về đất
đai tại Việt Nam chưa phù hợp. Theo tôi mọi yếu kém xuất phát từ quy
định sở hữu đất đai toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.
Vừa qua một số quan chức, báo chí Nhà nước cho rằng việc bất cập về
đất đai hiện nay không phải từ nguyên nhân sở hữu toàn dân mà nguyên
nhân là: 1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chậm, chất lượng
thấp; 2. Do người thực thi pháp luật về đất đai không đúng và thứ 3 là
do giá đền bù, bồi thường chưa thỏa đáng.
Vậy vì đâu mà có các nguyên nhân trên?
Vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên Nhà nước có quyền thu hồi đất
của bất cứ ai dẫn đến rất dễ lợi dụng để trục lợi như đã và đang xảy ra
khắp nơi. Cũng chính vì nhà nước có quyền thu hồi đất nên chính sách
liên quan đến thu hồi, giải tỏa, bồi thường, giá bồi thường phức tạp,
chính sách sau khi ban hành thường phải sửa chữa, thay đổi dẫn đến văn
bản về đất đai ngày càng phình ra làm cho việc áp dụng khó khăn (nghe
một dân oan Hải Phòng nói có tới 600 văn bản liên quan đến đất đai).
Ngoài ra giá đền bù do Nhà nước quy định thấp hơn giá thực trên thị
trường nên xảy ra khiếu kiện. Như vậy do đất đai thuộc sở hữu toàn dân
Nhà nước thống nhất quản lý đã đẻ ra 3 nguyên nhân về oan sai nói trên.
Nếu quy định đa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân thì không
còn khái niệm thu hồi (trừ trường hợp đặc biệt như thu hồi của người
tham nhũng chẳng hạn) nên không cần có các văn bản liên quan đến thu
hồi, giải tỏa, bồi thường do đó không còn nguyên nhân thứ nhất và thứ 2
nói trên. Mặt khác do cá nhân, tập thể có quyền sở hữu nên quan hệ giữa
người có đất và chủ đầu tư là quan hệ thuận mua vừa bán (hoặc thuê) như
các mặt hàng khác nên không có khiếu kiện về giá. Nói tóm lại đa sở hủu
về đất đai khắc phục được hoàn toàn oan sai, khiếu kiện, biểu tình phức
tạp như lâu nay. Ngoài ra, nó còn khắc phục được việc lạm quyền hoặc lợi
dụng để trục lợi, các văn bản về chính sách đất đai sẽ ít và đơn giản
hơn, đồng thời làm cho thị trường đất (kéo theo cả bất động sản) minh
bạch hơn, hạn chế tối đa dự án treo.
Nói vì nhiều thế hệ hy sinh để dành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc
nên đất đai sở hữu toàn dân để đảm bảo công bằng là không đúng, vì như
trên đã nói chính sách đất đai như hiện nay đã gây thiệt hại và oan sai
cho người dân bị thu hồi đất, tạo điều kiện cho một số người giàu lên
thậm chí giàu bất chính. Như vậy thì chính sở hữu đất đai toàn dân do
nhà nước thống nhất quản lý mới là bất công
Còn cho rằng người dân không đòi tư hữu về đất đai để nói rằng sở hữu
toàn dân là hợp lý cũng không thuyết phục bởi vì người dân bị thu hồi
đất thường thiệt thòi cái gì thì họ đòi cái đó, chứ họ có biết nguyên
nhân của sự thiệt thòi là gì đâu mà đòi (thậm chí họ cũng không cần phải
biết).
Tuy nhiên nếu chuyển từ sở hữu hiện nay sang đa sở hữu thì sẽ phát
sinh phức tạp như thế nào? Đó là vấn đề cần nghiên cứu tháo gỡ. Vấn đề
này nếu tham khảo thêm các nước, các chuyên gia độc lập và đưa ra xin ý
kiến nhân dân tôi tin sẽ giải quyết được, vì trong nhân dân không thiếu
trí tuệ.
2. Vấn đề thứ 2 là cưỡng chế đất đai. Theo luật đất đai sửa đổi lần
này thì khi quyết định thu hồi, phương án bồi thường… đã được xét duyệt,
công khai có hiệu lực thì người sử dụng đất phải chấp hành quyết định
thu hồi (điều 66); điều 71 thì quy định người bị thu hồi đất phải chấp
hành kế hoạch thu hồi đất…, quyết định thu hồi đất, nếu không chấp hành
sẽ bị cưỡng chế, người bị thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng
chế và có quyền khiếu nại.
Quy định như vậy là nặng về bạo lực, áp chế mà không dựa trên công
lý, thiếu nhân văn và bất công. Khi người dân không chấp hành quyết định
thu hồi đất là vì họ cho rằng có điều gì đó không đúng (ví dụ giá bồi
thường, thẩm quyền thu hồi…) như vậy đã nảy sinh tranh chấp. Nếu nhà
nước pháp quyền, nếu tôn trọng quyền của người dân thì phải giải quyết
vấn đề dựa trên công lý, cụ thể là chính quyền khởi kiện ra tòa án để
giải quyết vì chỉ có tòa án mới đủ thẩm quyền. Làm được điều đó đồng
thời cũng hạn chế oan sai (tất nhiên tòa án trong chế độ nhà nước không
tam quyền phân lập thì cũng khó hạn chế oan sai), tránh việc phải khắc
phục hậu quả do chính quyền làm sai (mà nhiều khi hậu quả rất lớn, phức
tạp không thể khắc phục) hơn nhiều so với cưỡng chế rồi đi khiếu nại.
Nếu giải quyết vấn đề như lâu nay cũng như như dự thảo thì ta có thể suy
rộng ra là các quan hệ giữa các chủ thể khác cũng có thể giải quyết
bằng bạo lực và nếu người dân có đủ sức mạnh thì vẫn có thể giải quyết
tranh chấp với Nhà nước bằng bao lực. Như vậy thì nguy hiểm quá và chẳng
còn pháp luật.
3. Vấn đề cuối cùng là, đất đai thuộc khu vực nhạy cảm về quốc phòng
an ninh cũng như việc giao, cho thuê và chuyển nhượng… đất cho tổ chức,
cá nhân có yếu tố nước ngoài cần có quy định riêng và chặt chẻ hơn để
tránh tình trạng nhiều điạ phương cho nước ngoài thuê rừng như cách đây
mấy năm hoặc như vụ chuyển nhược đất ở Bình Thuận năm 2012 ảnh hưởng xấu
đến an ninh quốc gia./.
Nha Trang, ngày 28/3/2012
Hồ Quang Huy
Hồ Quang Huy