Lương Kháu Lão
Một lần xem chương trình văn nghệ của những người Việt xa xứ thấy đạo diễn tổ chức phỏng vấn nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, ai cũng tự hào nói “Tôi là người Việt Nam” thật cảm động.
Dẫu biết rằng, không ít người trong số họ khi rời bỏ đất nước này ra đi đã rơi nhiều nước mắt khổ đau nhưng con tim họ vẫn luôn hướng về cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi làng quê thân yêu, nơi vẫn còn những người ruột thịt sinh sống.
Phải chăng trong họ vẫn le lói một niềm tin về sự thay đổi của đất nước quê hương của họ?
Vâng! Việt Nam quê hương tôi! Nơi lũy tre làng vẫn rì rào hát trong gió chiều, nơi những người nông dân tảo tần vẫn sáng nắng chiều mưa lặn lội trên những cánh đồng lúa vàng mong một mùa gặt bội thu, nơi những người công nhân vẫn cần cù bám trên các dàn giáo cao vút bất chấp hiểm nguy để “xây cho nhà cao cao mãi...”, nơi những người lính vẫn bám đảo, bám biển dù cái chết có thể đến bất cứ lúc nào vì sóng to gió cả và vì kẻ thù lúc nào cũng nhăm nhe ăn tươi nuốt sống đảo biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ghi dấu máu đào của biết bao thế hệ con dân nước Việt, cũng đã nêu danh nhiều người con trung hiếu, nhiều vị vua hiền và sáng là ngọn cờ tập hợp đại nghĩa, là những vĩ nhân mà nay ta gọi là lãnh tụ.
Một trong số những người như thế là Trần Nhân Tông.
Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là một nhân vật lịch sử vĩ đại, anh hùng dân tộc thế kỉ XIII, là nhà chính trị - quân sự - ngoại giao - văn hóa kiệt xuất. Ông còn là một nhà tư tưởng lớn vượt qua thời đại mình, mà nhiều giá trị sâu sắc đầy tính nhân văn ở tầm nhân loại cho đến nay dường như vẫn còn chưa được phân định, nhận thức và tôn vinh một cách rõ ràng, đúng mức.
Lên ngôi vua năm 21 tuổi - 1279, nhường ngôi năm 1293 và làm Thái Thượng Hoàng đến năm 1298, Ông là một vị vua anh minh, văn võ kiêm tài, lòng nhân cái thế. Là nhà chính trị - tuy mới ngoài 20 tuổi, ông tỏ rõ tài thao lược trong trị quốc an dân, coi trọng hòa hiếu, cố kết lòng người, giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia, hưng thịnh đất nước, tận tụy và kiên gan trong tìm đường khai giải nội lực con người và dân tộc, những mong lớn mạnh và vượt thoát. Là thiên tài quân sự, Trần Nhân Tông trực tiếp tổ chức và chỉ huy hai cuộc kháng Nguyên, cùng quân dân Đại Việt kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh vệ quốc vĩ đại thế kỉ XIII. Là nhà ngoại giao lịch lãm và thông tuệ - ông luôn luôn tôn cao thể diện quốc gia và cốt cách Quân vương Đại Việt: Rắn mà không giòn, nhu mà không hèn, nhường mà không mất, kính mà không thẹn, nhịn mà không thua. Là nhà văn hóa - tư tưởng, ông có công cắm mốc cho nền văn học thành văn nước nhà viết bằng chữ Nôm, với những tác phẩm truyền đời. Hơn thế, ông còn là ngọn cờ đầu trong công cuộc giáo hóa con người, bồi đắp nền thuần phong mĩ tục, thực hiện sống hòa giải và yêu thương, vững bước và kiên gan cách tân Phật pháp, với lời tuyên bố hào hùng và có sức lay động muôn người, muôn thế hệ Việt Nam: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông ngàn thuở vững âu vàng". (Theo Kỉ yếu hội thaỏ về Trần Nhân Tông) Đang ở đỉnh cao của vinh quang muôn trượng, Trần Nhân Tông rũ bỏ tất cả về tu tích tại núi Yên Tử, lập nên trường phái Trúc Lâm nổi tiếng và trở thành vị Phật sống được người đời tôn thờ và kính trọng.
Khó lắm và có thể sẽ không bao giờ lại có một vị quyền cao chức trọng lại đương nhiên từ bỏ tất cả quyền lợi và địa vị để cáo quan về làm phó thường dân như Trần Nhân Tông!
Phải chờ hơn bảy trăm năm sau, lịch sử Việt Nam mới lại xuất hiện một con người kinh bang tế thế, một con người tài đức song toàn, một danh nhân thế giới như thế. Đó là Hồ Chí Minh, vị chủ tịch đầu tiên của chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam.
Dẫu lịch sử còn nhiều ý kiến trái ngược về thân thế và sự nghiệp của Hồ Chủ Tịch do nhân sinh quan và thế giới quan khác nhau, do những dị biệt về quan điểm nhưng ngay cả kẻ thù cũng phải tôn trọng ông Cụ và sau Trần Nhân Tông, cụ Hồ là người thứ hai xứng đáng được vinh danh là lãnh tụ thiên tài của dân tộc này.
Có một câu chuyện thể hiện bản lĩnh lãnh tụ thiên tài của cụ Hồ là chuyện năm 1946 cụ thay mặt chính phủ ta đi Pháp thương lượng với chính quyền thực dân. Rồi kí các tạm ước và hiệp định sơ bộ nhằm tránh một cuộc đổ máu đối với một nhà nước còn non trẻ...Về nước, cụ Hồ tuyên bố trước quốc dân đồng bào rằng “Hồ Chí Minh không bán nước” và sau đó chính cụ đã ra tuyên ngôn kêu gọi Toàn quốc kháng chiến mở ra trang sử mới cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tiếc thay sau khi Cụ qua đời và để lại cho các thế hệ con cháu đời sau Bản di chúc lịch sử nổi tiếng, đất nước Việt Nam đã trải qua mấy chục năm chiến tranh tàn khốc mà không thấy xuất hiện một vị lãnh đạo nào xứng tầm lãnh tụ như cụ Hồ.
Họ chỉ là những người học trò xuất sắc của Người chứ chưa ai có thể vượt lên mọi trang lứa để trở thành lãnh tụ như Người.
Khi tổng kết thành quả của mấy chục năm chiến tranh cách mạng và đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự hào và nhận phần công lao - một tập thể những người có cùng chung lý tưởng, nhưng bao giờ cũng có câu “Do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo”.
Tư tưởng chủ đạo của những người cộng sản là “học thuyết Mác - Lê Nin” và sau này thêm vào bốn chữ “tư tưởng Hồ Chí Minh” và từ quen dùng là “Kim chỉ nam”. Phương châm lãnh đạo chủ đạo của Đảng là “Dân chủ Tập trung, Tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách”. Sau người đứng đầu Đảng là Chủ tịch hay Tổng bí thư hay Bí thư thứ nhất tùy từng thời kì lịch sử là Trưởng Ban Tổ chức, người quyết định việc sắp xếp nhân sự cho cả một ê kíp lãnh đạo. Tại mỗi kì Đại hội Đảng, các đại biểu bầu ra một Ban chấp hành Trung ương chủ yếu theo kiểu phân chia quyền lực cho các Bộ ngành và các địa phương. Ban chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị và Ban bí thư là cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy lãnh đạo của Đảng.
Thường thì người ta nhìn người để xếp ghế chứ không nhìn ghế để xếp người dẫn đến tình trạng tiến cử những người thân quen hoặc lựa chọn nhầm những người không đủ tiêu chuẩn, không đủ trình độ vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thậm chí để lọt lưới cả các phần tử cơ hội. Nếu có dân chủ thực sự trong Đảng, nếu có tranh cử công khai, nếu lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân nơi cơ quan họ công tác, nơi địa bàn dân cư họ sinh sống một cách không hình thức như kiểu cử các “đại cử tri” “ăn theo nói leo” thì nếu không tìm ra được lãnh tụ cũng có thể giới thiệu được người lãnh đạo có tâm, có tầm.
Sẽ không còn tình trạng một ông có thể nay làm Bộ trưởng bộ giáo dục, mai làm Bộ trưởng bộ tài chính, một ông nhà thơ lại đi làm kinh tế……tức là rất “đa giê năng” và hậu quả ra sao thì lịch sử đã chỉ rất rõ nhiều vị lãnh đạo ngồi nhầm ghế và gây hậu quả nghiêm trọng.
Gần đây nhất việc để các tập đoàn công nghiệp làm ăn thất thoát hàng ngàn, hàng vạn tỉ đồng nhưng chẳng ai bị làm sao cả vì đây là chủ trương của Bộ Chính trị, ông Thủ tướng chỉ là người thừa hành cho nên sau vụ Vinashin, không một ai bị kỉ luật gì cả.
Sai lầm dù là sai lầm chết người gây hậu quả nghiêm trọng, gây tổn hại to lớn cho nền kinh tế của đất nước nhưng lại là hậu quả của “lãnh đạo tập thể” chứ chẳng phải của một cá nhân nào. Lãnh đạo tập thể là thế đó. Ngay cả việc bổ nhiệm cán bộ, Thủ tướng cũng giải thích “Tôi kí quyết định bổ nhiệm là theo đề xuất của Ban Cán sự Chính phủ., theo đúng quy trình Đảng quy định”. Lãnh đạo tập thể là thế đó! Xin nhắc lại.
Không nước nào như Việt Nam có nhiều lãnh đạo như thế. Một Ban chấp hành hơn một trăm thành viên đều là lãnh đạo cao cấp, một Bộ chính trị gồm mười bốn vị là lãnh đạo cao cấp hơn. Có quá nhiều lãnh đạo nhưng tiếc thay chúng ta thiếu hẳn một lãnh tụ có đầy đủ tài đức, có đầy đủ uy tín trong Đảng trong dân và với quốc tế, với các nước lân bang và ngay cả với kẻ thù như Trần Nhân Tông và Hồ Chí Minh. Một lãnh tụ dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Một lãnh tụ có thể vạch ra được cho đất nước, cho dân tộc những quyết sách ứng phó với những tình trạng nước sôi lửa bỏng, những hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Một lãnh tụ có thể xoay chuyển tình thế, biến thua thành thắng, biến nguy nan thành thuận lợi. Một lãnh tụ mà khi cất tiếng nói các ủy viên Bộ Chính trị phải kinh ngạc, kính phục thực lòng chứ không “bằng mặt mà không bằng lòng” không nể nang xuê xoa theo kiểu Mao Trạch Đông “mi không đụng đến ta ta không đụng đến mi”.
Một lãnh tụ phải là người dám nói những suy nghĩ thật của mình có khi trái với ý kiến của tập thể, phản bác một luận thuyết, một chủ thuyết đã trở thành cương lĩnh từ khi thành lập Đảng khi biết luận thuyết, chủ thuyết đó sai, lạc hậu, không thích hợp nữa. Tìm đâu ra một lãnh tụ có đủ tâm và đủ tầm, hợp cả thời và hợp cả thế? Đảng nói rất coi trọng chủ trương đào tạo bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo kế cận, mỗi kì đại hội đều cố gắng đưa những người trẻ tuổi vào các cấp lãnh đạo nhưng tư tưởng bản vị cục bộ, chủ nghĩa lí lịch cực đoan vừa không tạo ra được người tài, vừa không tạo ra được môi trường để họ phát triển thì làm sao có thể “thời thế tạo anh hùng”? Nhiều trường hợp người trong diện kế cận lại sớm bị thải loại, bị “đánh” cho te tua chỉ vì không may vào diện “nguồn” cho nên họ không bao giờ dám bộc lộ chính kiến. Lúc thì sợ “xét lại”, lúc lại lo “giáo điều” mà không dám phản tỉnh. Tất cả như một hòn bi lăn theo cơ chế “cân bằng động” trên bàn cờ chính trị.
Một lãnh tụ không thể là người khi tại chức thì dựa dẫm vào số đông, phát biểu theo kiểu bầy đàn nhưng khi về hưu rồi mới nói lên chính kiến ngược lại để bị coi là “trở cờ”.
Tình trạng thừa lãnh đạo, thiếu lãnh tụ ở Đảng cộng sản Việt Nam đã xảy ra từ lâu, ngay sau khi cụ Hồ qua đời. Mấy chục năm rồi vẫn không thấy xuất hiện một “ngôi sao sáng”.
Tổng bí thư Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, rồi Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và bây giờ là Nguyễn Phú Trọng đều ở trong tình trạng lãnh đạo dựa vào tập thể là chính.
Nếu có ai đó “liều mình” vượt qua sự lãnh đạo của tập thể là y như rằng mắc sai lầm về vi phạm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, những sai lầm chết người trong bang giao quốc tế và tất nhiên chết yểu.
Điều nguy hiểm nhất là các vị lãnh đạo thiếu gương mẫu, tư duy nhiệm kì, chạy theo lợi ích nhóm, thu vén cho gia đình và cá nhân mà chả ai dám đấu tranh cả cho nên “Thượng bất chính hạ tắc loạn” là khó tránh khỏi.
Việt Nam có câu “nhà dột từ nóc”. Đảng đã thấy tình trạng này nên lần này đặt ra yêu cầu chỉnh đốn Đảng phải làm từ trên xuống, từ cấp cao nhất. Lần này, chúng ta hãy chờ xem.
Hãy quên đi câu ca “Mất mùa đổ tại thiên tai/Được mùa thì tại thiên tài Đảng ta” Không biết các lãnh đạo của Đảng có biết câu ca mai mỉa này không?
Ở Việt Nam câu “đấu tranh - tránh đâu” đã trở thành phương châm sống của người dân và cả những người cộng sản. Tốt nhất là “ngậm miệng ăn tiền” để “vinh thân phì gia”. Nói ra có khi lại mang tiếng là “mất đoàn kết”! Cho nên không lạ gì những quan chức “tròn như hòn bi”, “gọi dạ bảo vâng”, “ngoan ngoãn biết điều”, “bảo đông cũng gật bảo tây cũng ừ” mở mồm ra là “Kính thưa anh” lại là những người có số phiếu cao nhất trong mỗi kì đại hội Đảng các cấp.
Vì thế thời Tổng bí thư nào cũng hô hào chỉnh đốn Đảng. Ông Nguyễn Văn Linh hô hào Nói và Làm, Ông Lê Khả Phiêu hô hào chình đốn Đảng, ông Nông Đức Mạnh hô hào chỉnh đốn Đảng, và bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng lại hô hào chỉnh đốn Đảng. Nhưng tất cả đều đã, đang và sẽ trở thành khẩu hiệu suông nếu không thực hiện dân chủ thực sự trong Đảng và trong Dân, không dám trừng trị một ai đó, thay đổi một cái gì đó. Như cụ Hồ xử tử Trần Dụ Châu về tội tham nhũng chẳng hạn.
Vũ khí phê bình và tự phê bình không còn là liều thuốc đặc trị nữa rồi. Hãy đến các chi bộ xem người ta bình bầu Đảng viên ưu tú, Đảng viên toàn diện, Đảng viên bốn tốt cuối mỗi năm mà xem. Buồn cười lắm! Không nhận là Đảng viên bốn tốt cũng không được vì như vậy chi bộ sẽ mất danh hiệu Trong sạch vững mạnh là bị cấp trên phê bình, lần sau không được bầu vào cấp ủy là nguy to.
Thực trạng đó chắc các lãnh đạo của Đảng biết rất rõ. Lần này, nghị quyết IV hô hào phê bình và tự phê bình từ trên xuống, từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị nhưng có ai được đến dự cuộc phê bình và tự phê bình của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng để xem các ông có làm thật không hay là chỉ là một chiêu thức xoa dịu dư luận?
Xin đừng để kiểu tự phê bình xưa cũ: Tôi có khuyết điểm làm việc nhiều quá không giữ gìn sức khỏe để phục vụ nhân dân được lâu dài, hay tôi luôn giữ vững lập trường tư tưởng, chịu khó đọc sách báo, không bị kẻ thù lợi dụng, không nghiêng ngả với các diễn biến hòa bình của kẻ địch, luôn kiên định với định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng trong đấu tranh phê bình còn nể nang xuê xoa vân vân và vân vân. Những bản kiểm điểm mà ở nhiều chi bộ hàng năm người ta vẫn sao chép của nhau để nộp cấp trên. Cấp trên lại tổng hợp báo cáo cấp trên nữa, cứ thế người ta lừa dối nhau theo cấp số nhân.
Thế mới biết vì sao Mao Trạch Đông lại tự mình dám quyết định làm cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản để tiêu diệt bè lũ bốn tên, tiêu diệt các phần tử chống Đảng chống lại uy quyền tuyệt đối của ông ta. Tiêu diệt hàng triệu người theo kiểu “giết nhầm hơn bỏ sót”, Đúng là một kiểu lãnh tụ nhưng lãnh tụ mà như thế thì cũng dễ sợ thật.
Loài người là sinh vật cao đẳng nhất, văn minh trong muôn loài mà đấng tối cao đã sinh thành. Vậy mà ở nơi này nơi khác, người ta vẫn luôn luôn mong muốn tìm ra một nhân vật xuất chúng để dẫn dắt các thần dân tiến tới bến bờ vinh quang hạnh phúc . Những nhân vật mang tính truyền thuyết như thế bói không ra và hiếm hoi như sao Kim buổi sớm.
Trong khi ở nhiều loài vật sống theo bầy đàn, chúng bao giờ cũng có một thủ lĩnh. Khi con vật đầu đàn khỏe mạnh. lanh lợi và thông minh, nó sẽ dẫn dắt cả bày đàn đến những nơi có cây cỏ tốt tươi, chiến đấu chống chọi được với kẻ thù khẳng định được chủ quyến lãnh thổ và phát triển nòi giống. Nhưng nếu nhân vật đầu đàn ốm yếu, hèn nhát, cả bày đàn sẽ bị thôn tính, bị tiêu diệt trở thành miếng mồi ngon cho mãnh thú.
Quy luật đấu tranh sinh tồn cũng đúng với loài người chúng ta.
Lương Kháu Lão