Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Sản phẩm của Nghị quyết 4 đã có: Nhẹ hều hay giơ cao đánh khẽ!

Lương Kháu Lão
 
Đánh giá sự sa đọa, thoái hóa, biến chất về mọi mặt của không ít cán bộ, đảng viên, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 kì họp thứ 4 đã ban hành nghị quyết số IV có tên “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong đó nội dung trọng tâm và cấp bách nhất là “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên”.
Vậy thế nào là bộ phận không nhỏ? Nó có đồng nghĩa với rất lớn, với đại bộ phận không? Trả lời câu chữ này cũng là thể hiện quyết tâm đấu tranh, chặn đứng, đẩy lùi là thực chất hay chỉ là hô khẩu hiệu với một sự giảm nhẹ dung lượng một cách tế nhị.
Nhiều người dân và cũng nhiều cán bộ đảng viên, đặc biệt là các tầng lớp đã rời bỏ chính trường và quan trường, đã nghỉ hưu hồ nghi về quyết tâm của Đảng trong kì chỉnh cán này vì đã nhiều kì đại hội người ta đều ra nghị quyết tương tự nhưng rồi một tầng lớp tư sản đỏ ngày càng hùng hậu đang thống lĩnh xã hội và làm Đảng mất rất nhiều uy tín nếu không muốn nói là mất sạch.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nói ẩn ý “phải tắm từ đầu” nghĩa là phải làm từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị. Bởi vì nếu cấp cao nhất không làm đến nơi đến chốn, làm gượng ép, đánh trống bỏ dùi thì cấp dưới sẽ coi nghị quyết lần này chỉ là trò đùa.
Sau khi có Nghị quyết, Ban bí thư đã tổ chức hội nghị triển khai hoành tráng chưa từng có với hơn một nghìn đại biểu. Rồi nơi này nơi khác đã bắt đầu chiến dịch, chỗ này chỗ khác nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Đảng. Tại thành phố Hồ Chí Minh người ta đã bắt đầu biểu dương Quận ủy một quận gương mẫu đi đầu xem như là một điển hình để học tập. Lại bổn cũ chép lại. Các chuyên gia tuyên giáo chưa có cách làm gì mới, bởi lẽ họ vẫn chưa tháo được chiếc “vòng kim cô“ nếu làm mạnh tay thì sẽ mất cán bộ, sẽ đứt dây động rừng, sẽ mất ổn định chính trị…
Để chứng minh rằng Đảng làm thật, vừa qua Ban Kiểm tra Trung ương đã ra hai quyết định cảnh cáo một thứ trưởng và một chủ tịch tỉnh. Với những khuyết điểm rõ rành rành, những tưởng hai quan chức này sẽ “đi tầu suốt” coi như “vật tế thần” của nghị quyết IV. Thế nhưng thật bất ngờ án phạt ban ra chỉ là cảnh cáo có ghi lí lịch nhưng sau một thời gian có tiến bộ thì sẽ được xóa trong lí lịch.
Theo điều lệ của Đảng, khi mắc sai lầm khuyết điểm, một đảng viên có thể chịu các hình thức kỉ luật sau:
1- Tự phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sửa chữa nghĩa là chẳng có hề hấn gì.
2- Khiển trách không ghi lí lịch nghĩa là chỉ người trong chi bộ biết thôi, quần chúng không thể biết đảng viên đó có bị kỉ luật không. Nghĩa là khép kín để không lộ ra ngoài để Đảng không mất uy tín.
3- Cảnh cáo có ghi lí lịch, nhưng sau một thời gian phấn đấu có tiến bộ thì được xóa án trong lí lịch hoặc khi khai lại lí lịch thì thường người ta lờ đi nhất là các trường hợp ứng cử vào các cấp ủy Đảng
4- Đưa ra mà thực chất là khai trừ khỏi các cấp ủy từ chi ủy đến Đảng ủy, Tỉnh ủy, Thường vụ tỉnh ủy, Ủy viên ban chấp hành Trung ương đến Uy viên Bộ Chính trị.
5- Khai trừ khỏi Đảng. Trường hợp này hiếm lắm. Nếu có thì chỉ là cấp địa phương chứ cấp Trung ương thì chỉ khi nào phát hiện ông là phản động là gián điệp chui vào Đảng đẻ phá hoại ngầm.
Trường hợp này với cấp dưới cấp thấp thì dễ dàng cho thôi chức vụ trong Đảng nhưng với cấp tỉnh và cấp Trung ương thì rất khó xảy ra. Bởi vì khi xem xét nhân thân để cơ cấu người ta đã tra lí lịch ba đời rồi.
Ở Việt Nam tuy nghị quyết nói tình hình nghiêm trọng lắm rồi, nói “phải tắm từ đầu” nhưng chưa thấy có một bí thư tỉnh ủy hay một ủy viên Trung ương bị thuyên chức. Trong khi ở Trung Quốc, một Phó chủ tịch Quốc hội từng bị tử hình, Bạc Hy Lai Bí thư Trùng Khánh vừa được thanh trừng thì việc đó ở Việt Nam sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Ngay như hai vị thứ trưởng Bộ Y tế và chủ tịch tỉnh Đắc Lắc tội nhiều là thế, mất uy tín trong Đảng, trong dân là thế nhưng để “bảo vệ sinh mạng chính trị” cho cán bộ mức kỉ luât được cho là nhẹ hều hay giơ cao đánh khẽ. Xem ra Đảng ta rất nhân đạo? Nhớ lại chuyện cụ Hồ thời chống Pháp thẳng tay xử tử đại tá Trần Dụ Châu vì ba cái bộ quân nhu vớ vẩn mà tham nhũng sao bây giờ khác ngày xưa thế?
Trường hợp Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến tội trạng rành rành nhưng lúc nào cũng nói không tìm ra chứng cứ tham nhũng, chỉ làm sai chế độ chính sách trong việc cho mượn xe ô tô nên không bỏ tù anh ta được nhưng lại thi hành kỉ luật Đảng cho nghỉ việc ở Bộ GTVT. Trường hợp Bùi Tiến Dũng ở PMU 18 tham ô, đánh bạc hàng trăm ngàn đô-la, ở Trung Quốc chắc đã lên đoạn đầu đài nhưng vẫn nhởn nhơ trong tù gần chục năm nay rồi. Đến một ngày đẹp trời nào đó sé được ân xá trở về đời thường tiêu tiếp số tiền, số cổ phiếu mà các công ty cổ phần đã đứng tên anh ta tích lũy được nhờ ăn cắp của nhà nước khi đương chức đương quyền. Trường hợp Trưởng ban dự án đại lộ Đông Tây Huỳnh Ngọc Sĩ cũng tương tự, cũng thụ án vài năm gọi là mà có khi ở trong tù còn sướng hơn ở ngoài rồi sẽ sớm được ân xá vì thân nhân tốt…
Tất cả những cách hành xử không tuân thủ pháp luật của nhà nước mà xử theo luật riêng của Đảng, theo nghị quyết của Đảng đã khiến người dân mất hết niểm tin, khiến các quan chức dung dưỡng thói tham nhũng. Khi lộ chân tướng thì bỏ tiền bạc ra chạy tội và tât cả lao vào vòng xoáy kiếm tiền khi đang chức đang quyền.
Trước đây cứ tưởng chỉ có anh làm quan, làm sếp mới có điều kiện tham nhũng nay thì từ anh chủ tịch xã, chủ tịch phường, anh cảnh sát khu vực, cảnh sát giao thông,… ai cũng có thể móc túi người dân và giầu lên nhanh chóng.
Trong các đối tượng được gọi là "tư bản đỏ” có không ít người sống trong liên minh ma quỷ mà ta gọi là lợi ích nhóm.
Họ là những người quy hoạch đất đai đô thị, bắt tay với các đại gia vẽ ra các dự án cướp không đất của nông dân với giá rẻ mạt rồi xây nhà bán lãi thu về hàng ngàn tỉ. Có thể lần này Đảng cho kiểm tra xem những ai có quyền vẽ ra các dự án hiện có trong tài khoản cá nhân bao nhiêu nghìn tỉ, bao nhiêu triệu đô la được không? Đảng ta và Chính phủ ta có thể có một đề nghị đặc biệt với các ngân hàng ở nước ngoài công khai tiền gửi của các quan chức và vợ con họ được không?
Ngay chuyện lỗ lãi xăng dầu trong cuộc tranh cãi giữa đại diện hai bộ Tài chính và Công thương cũng đã xuất hiện việc lợi ích nhóm được bảo vệ như thế nào rồi. Rồi chuyện Tiên Lãng Hải Phòng sai cả đống đấy nhưng liệu có kỉ luật được Thường vụ hay bí thư không hay lại hy sinh anh chủ tịch huyện cho qua chuyện.
Chuyện các quan chức trong ngành điện bỏ tiền tất nhiên là do tham nhũng đầu tư lung tung các nhà máy thủy điện để kiếm lời trong tương lai thậm chí từ chối mua điện của nhà nước không biết Trung ương, Bộ Chính trị có biết không?
Chuyện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mà thực chất là tư nhân hóa biến các ông giám đốc thành nhà tư bản nhờ phù phép trong định giá tài sản.
Chuyện các Tập đoàn kinh tế kinh doanh ngoài ngành thất thoát hàng ngàn hàng vạn tỉ chờ mãi chưa thấy xử được ai. Lãnh đạo thì chả ail àm sao cả từ các ông Bộ trưởng phụ trách đến Bộ Chính trị là người ra chủ trương, lần này có quy trách nhiêm rõ ràng không. Ngay cả cái anh Phạm Thanh Bình tội to như thế đáng chém đầu từ lâu rồi sao mãi chưa đem ra xử. Bởi thế dân gian đã có câu vè:
Tội thất thoát dẫu Phạm
Đời vẫn cứ Thanh Bình
Bởi vì Tái cơ cấu
Coi như chuyện tàng hình
Mọi chuyện có thẻ nói rõ như ban ngày nhưng lần này Nghị quyết IV có đụng đến không. Hay lại điệp ngữ cũ mèm. Chứng cứ đâu? Án tại hồ sơ?
Và rồi lại xử mấy con tốt đen để xoa dịu dư luận.
Có một nghịch lí là ở các nước như Thái Lan chẳng hạn, nhà tư bản sau khi làm giầu rồi, có cả tỉ đô la rồi mới ra tranh cử làm chức này chức nọ. Họ cũng có thể tham nhũng và sẽ bị luật pháp trừng phạt như trường hợp cựu Thủ tướng Thạt xỉn chẳng hạn.
Còn ở Việt Nam, một đất nước do Đảng duy nhất lãnh đạo thì ngược lại. các quan chức xuất phát từ nông dân nghèo nhưng khi có chức có quyền họ giầu lên nhanh chóng và chuyển đổi thành phần giai cấp thành nhà tư bản. Và quá trình chuyển hóa đó diễn ra ngày này sang ngày khác, không loại từ bất cứ ai kể cả các tầng lớp trí thức như giáo viên, bác sĩ. Một xã hội như thế là một xã hội bất công, một xã hội mất dân chủ. Sự phân biệt giầu nghèo không phải do giỏi hay kém, chăm chỉ hay lười nhác mà do tham nhũng sẽ gây nên bất bình khó tránh khỏi trong dân chúng và đến một lúc nào đó “tức nước thì phải vỡ bờ”.
Hãy nhìn ra thê giới, mùa xuân Ả Rập do quần chúng phát động và là đội quân chủ lực làm thay đổi bộ mặt của các quốc gia. Còn ở Myanmar, mùa xuân của sự thay đổi lại do chính những người cầm quyền độc tài lâu năm phát động và đất nước nghèo khó này đang báo hiệu những thay đổi thần kì.
Đảng Cộng sản Việt Nam chắc sẽ có sự lựa chọn cho riêng mình trong thời khắc lịch sử quan trọng này nhưng trước hết khi thi hành triển khai nghị quyết IV mà các vị cho là quan trọng nhất hãy xin làm thật, đừng làm giả.
Lương Kháu Lão

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"