Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Bảy giờ bị giữ trong Công an Thanh Trì (kỳ 2)

Nguyễn Tường Thụy 
 

2: Xâm phạm bí mật đời tư

Ra đến Công an Thanh Trì, thằng chỉ huy bắt tôi yêu cầu tôi bỏ điện thoại ra bàn và tắt máy. Tôi bảo:
- Đây là tài sản cá nhân của tôi. Tôi có quyền giữ, nó cũng không phải là phương tiện dùng vào việc phạm pháp.
Nó nhắc lại thêm mấy lần nữa, tôi bảo:
- Tôi đang ở trong tay các anh, nếu tôi sử dụng máy như nghe, gọi, nhắn tin, nhận tìn, các anh hoàn toàn khống chế được tôi, tôi muốn cũng không được. Vì vậy tôi thấy không cần thiết phải bỏ lên bàn, tắt máy. Nó ở trong túi tôi hay để lên bàn cũng thế thôi. Tôi không làm theo yêu cầu của các anh. Nếu các anh dùng sức mạnh của số đông đông cướp máy của tôi như đã áp giải tôi ra đây thì cứ việc.

Không thấy nó cưỡng bức tôi để lấy máy. Đến khi có tín hiệu báo tin nhắn, một đứa bảo: tin nhắn hẹn đến địa điểm gặp mặt đấy. Tôi vừa rút máy ra thì chúng giật ngay lấy, tắt đi rồi bỏ lên bàn.
Tôi định giằng lấy điện thoại cất vào túi nhưng lại nghĩ, để đấy hay cất đi thì cũng thế thôi. Tôi bảo: “Việc gì các anh cứ phải tìm mọi cách để lấy được điện thoại. Các anh cho rằng đấy là một thắng lợi à? Nó chẳng có tác dụng gì hơn cả”.
Một đứa nhìn thấy túi quần bên trái tôi cộm lên, nó bảo tôi máy ghi âm à, bỏ ra. Sao chúng nó sợ ghi âm, chụp ảnh thế nhỉ. Làm việc đàng hoàng, đúng pháp luật thì sao lại sợ điều đó cơ chứ. Có phải là bí mật quốc gia đâu.
Tôi rút cái mà chúng nó bảo là máy ghi âm ấy quẳng lên bàn: đó là gói thuốc lá vinataba hút dở, chỉ còn 3 điếu.
Sau khi làm biên bản xong (chuyện này tôi kể vào một kỳ riêng), thì chúng làm thủ tục kiểm tra điện thoại của tôi. Tôi biết là phản đối cũng không được. Tôi bảo, các anh kiểm tra cũng chỉ là vô ích thôi, thông tin trong ấy chẳng có giá trị gì với các anh đâu.
Chúng kiểm tra kỹ lắm, từ tin nhắn, đi, đến, các số máy gọi đi gọi đến đều ghi hết sức tỉ mỉ. Có những tin nhắn kiểu như: “Chúc mừng em nhân ngày 8/3″ “Cảm ơn anh nhiều! Chúc toàn thể phái nữ gia đình ta happy!” chúng cũng ghi vào biên bản.
Chúng còn kiểm tra xem máy của tôi có chức năng ghi âm, chụp ảnh không. Máy của tôi là loại máy hãng nokia, tôi mua có hơn 400000 đồng, chỉ có thể làm được việc gọi đi gọi đến, nhắn và nhận tin nhắn, nhìn qua ai cũng biết là nó chẳng thể ghi âm chụp ảnh gì hết. Chiếc máy này tôi mua cách đây gần 2 năm, sau khi điện thoại cũ của tôi bị côn đồ bị cướp khi đánh tôi ngay trước mặt công an Thanh Trì và xã Vình Quỳnh. Số công an này được điều đến sau khi tôi gọi 113 nhờ cứu chúng tôi khỏi bàn tay côn đồ hôm 10/5/2010. (xem bài Bảo kê cho côn đồ?)
Hành động này của chúng có được pháp luật cho phép không, xin mời độc giả tham khảo những điều luật có liên quan:
Bộ luật dân sự, Điều 38. Quyền bí mật đời tư 1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác 1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Ngày 10/3/2012
TƯỜNG THỤY

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"