Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Diễn biến hòa bình là gì?

Dân Tiên
 
Trong cuộc sống nhiều khi có cụm từ dùng mãi thành quen, ta không để ý đến ý nghĩa của cụm từ đó. Đã từ lâu trên các diễn đàn chính trị các vị lãnh đạo thường sử dụng các cụm từ: "diễn biến hòa bình", "thế lực thù địch", "lĩnh vực nhậy cảm" v..v. tôi luôn băn khoăn là các cụm từ này nếu dùng không đúng chỗ sẽ gây nên sự hiểu lầm, có hại cho sự phát triển của đất nước.
Thứ nhất là cụm từ “diễn biến hòa bình. Tôi đoán là các vị muốn noi quá trình thay đổi tư tưởng, nhận thức của nhân dân về đường lối của đảng, về chủ nghĩa xã hội [nhân dân tôi nói ở đây là có cả đảng viên]. Chúng ta đều biết xã hội loài người tiến hóa theo mô hình xoáy trôn ốc đi lên, là những vòng tròn không khép kín. Tư tưởng, nhận thức của con người luôn thay đổi theo thời gian cùng với sự thay đổi của khoa học công nghệ. Cái đúng của ngày hôm nay chưa chắc sẽ là cái đúng của ngày mai. Cái mới cái tiến bộ luôn luôn thay thế cái cũ cái lạc hậu, cái lỗi thời, có như vậy xã hội mới phát triển mới tiến lên. Mác gọi đây là quá trình nhận thức lại nó nằm trong quy luật khách quan, chúng ta không điều khiển được nó. Không cho ai thay đổi cách nghĩ, cách tư duy, phải tin tuyệt đối vào đường lối của đảng vào chủ nghĩa Mác - Lê Nin liệu có được hay không? Cấm não bộ của mỗi người hoạt động có được hay không? Chống diễn biến hòa bình là chống quy luật đào thải, chống quy luật khách quan. Hãy để cho tưởng con người được tự do bay lượn, nhân dân sẽ tự biết phải làm gì, làm như thế nào để xây dựng tổ quốc mình tự do, ấm no, hạnh phúc. Ông Kim Ngọc - cố bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc - là một người “diễn biến hòa bình” và cũng nhờ quá trình nhận thức lại của ông mới có Khoán 10, nhân dân ta mới thoát khỏi chết đói.
Thứ hai là cụm từ “thế lực thù địch”. Ngày xưa khi còn chiến tranh đảng đã xác định kẻ thù cụ thể là: địa chủ, cường hào, thực dân pháp, đế quốc Mỹ, bành trướng Bắc Kinh. 36 năm sau chiến tranh giờ đi nghe thời sự Đảng lại xác định kẻ thù vẫn là Mỹ, Trung Quốc trước sau vẫn là bạn vì không thể bê đất nước việt nam đi đâu được, hòa hoãn với Trung Quốc là tốt nhất [đây là ý kiến của đại tướng Phùng Quang Thanh mà cán bộ tuyên huấn truyền đạt lại]. Tôi nghĩ xác định như vậy e không ổn, bởi vì Đảng đã cam kết mở cửa đất nước, hội nhập quốc tế, đa phương hóa đa dạng hóa, Viêt Nam là bạn của tất cả các nước trên thế giới [các đời tổng bí thư đều nói như vậy], vậy chắc chắn các nước trên thế giới không phải là thế lực thù địch. Xác định kẻ thù như trên là tiền hậu bất nhất. Vậy kẻ thù chỉ còn ở trong nước, ai là thế lực thù địch? Nhân dân rất hoang mang. Các vị lão thành cách mạng, các trí thức, tầng lớp nhân dân quan tâm đến vận mệnh đất nước hay có những ý kiến phản biện trái với ý muốn của đảng có phải là thế lực thù địch? Tôi nghĩ là không, vì họ được phép phản biện đó là quyền tự do ngôn luận, họ cũng muốn đất nước này dân chủ văn minh, Đảng cũng muốn vậy, vì vậy họ cũng không phải là thế lực thù địch. Vậy thế lực thù địch là ai? Chỉ còn là giặc nội xâm, mà giặc nội xâm là ai xin thưa là những cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất ”diễn biến hòa bình” [họ ở trong đảng nhưng tư tưởng của họ ở ngoài đảng họ biết là không thể làm đầy tớ cho ai họ chỉ giả vờ vậy thôi] họ đang nắm giữ những vị trí quyền lực then chốt của đảng của nhà nước, họ đang tung hoành vơ vét của cải của nhân dân của đất nước, đứng trên luật pháp, hãm hại dân lành mà không ai làm gì được họ vì họ là Thượng Đế. Cuối cùng đã xác định được “thế lực thù địch” là các đảng viên thoái hóa biến chất đang sinh hoạt đảng, dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng đảng có tiêu diệt được chúng không? Còn chờ vào kết quả thực hiện nghị quyết trung ương 4.
Thứ ba là cụm từ “lĩnh vực nhậy cảm”. Cụm từ này tưởng như vô hại nhưng tôi nghĩ nó rất “cải lương” và rất nguy hiểm. nó giông như chiếc áo giáp chống đạn vô hình vô ảnh nhưng vẫn chống được đạn. cụm từ này chỉ nên dùng trong bộ môn sinh học, trong cơ thể con người, còn trong hoạt động chính trị, trong điều hành đất nước thì không nên. Tốt thì nói tốt, xấu thì nói xấu, đúng thì nói đúng, sai thì nói sai mạch lạc rõ ràng. Nói sai, làm sai nhưng nó dính đến đảng đến các vị lãnh đạo là ”lĩnh vực nhậy cảm” phải nói khéo để không làm mất uy tín của Đảng. Cái sai của bất kỳ ai cũng làm mất uy tín của người đó rồi nhưng tự nhận sai, sửa sai, khắc phục hậu quả đó một cách cầu thị thì uy tín của người đó được bảo toàn. Tóm lại cụm từ “lĩnh vực nhậy cảm” sẽ làm khó cho công cuôc chỉnh đốn đảng.
Trong cuộc đời này là ”thiên lý, vạn lý”. Anh có cái lý của anh, tôi có cái lý của tôi, nhưng mọi lý lẽ phải được người dân chấp nhận, đều dẫn đến mục tiêu xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” một xã hội vì nhân dân, làm cho người dân được tự do, ấm no hạnh phúc, không có cảm giác sợ hãi. Mọi lý lẽ chỉ để bênh vực cái tôi, mở miệng ra là “nâng lên quan điểm”, ép người dân phải nghe theo những điều phi lý, nhận cái tội mà người ta không có là lý lẽ của những kẻ độc tài. Hãy tha bổng cho những người đấu tranh vì dân chủ đang bị giam cầm trái pháp luật. hãy xử trắng án cho anh ĐOÀN VĂN VƯƠN vì chống lại cái ác, cái bất công anh không có tội.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"