Phương Bích
Tôi nói với công an, ngày nào Bùi Hằng còn ở trong trại, thì
bạn bè chúng tôi vẫn còn phải cùng Bùi Nhân đi thăm nuôi cô ấy. Một anh
gật đầu tán thành: một ngày cũng nên nghĩa mà.
Lần này lên thăm Bùi Hằng, luật sư có chuyển cho cô ấy cái đơn kiện
chứ không khiếu nại nữa. Kiện đích danh ông chủ tịch thành phố Hà Nội ra
tòa, về việc bắt giữ trái phép và cưỡng chế Bùi Hằng vào trại cải tạo.
Dù có người bảo khiếu nại hay khiếu kiện cũng thế thôi, họ cũng vẫn coi
như điếc lác, chẳng trả lời đâu. Nhưng việc nào ra việc đấy, cứ phải gửi
đơn theo đúng trình tự, không sau này các vị ấy lại bảo: có thấy đơn từ
gì đâu?
Vẫn theo hành trình quen thuộc lên trại Thanh Hà, nhưng cảnh vật ở
đây đã có khác trước. Ngoài hàng rào lưới đen sì vẫn còn đó, cánh cổng
không mở toang hoang như mọi khi mà đóng im ỉm. Cánh cửa sổ của trạm gác
được mở ra phía ngoài đường, có treo thêm tấm biển: Nơi tiếp nhận giấy
tờ... Bên trong trại, cán bộ công an đi lại đông vui tấp nập. Trong trạm
gác có đến hai ba sắc phục ngồi trực nghiêm chỉnh.
Tôi thừa biết mình chẳng được vào, nên mặc cho thằng Bùi Nhân xuất
trình giấy tờ qua chấn song cửa sổ (chứ không phải qua cửa tò vò như ở
các nơi giao dịch ở nhà băng, hay bệnh viện...), tôi lững thững đi bộ ra
chỗ hàng rào phía nhà thăm nuôi. Mặc dù cái lưới đen có thể ngăn không
cho Bùi Hằng nhìn thấy chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy
bóng cô ấy.
Ái chà! Hôm nay ở trước cổng trại, ngoài đoàn thăm nuôi của chúng tôi
xuất hiện nhiều người có vẻ mới, tuyền đàn ông! Hỏi ra mới biết người
của xã được tăng cường???
Trong khi tôi đứng chờ Bùi Hằng xuất hiện, tôi kể cho chị Hiền Giang
về cái đơn kiện đích danh ông chủ tịch thành phố của Bùi Hằng. Thấy một
anh tò mò đến đứng bên cạnh, tôi quay ra hỏi anh ta:
- Theo anh ông chủ tịch có bao giờ sai không?
- Hiến pháp quy định rồi, chủ tịch có bao giờ sai!
- Chết chửa! Thế anh đã đọc cái hiến pháp ấy chưa? Đọc tận mắt ấy,
hay là nghe người ta nói vậy?
- Sai là sai thế nào được!
Mặc cho tôi và chị Hiền Giang ra sức căn vặn và giải thích, anh kia
cứ một mực khẳng định: đã là chủ tịch thì không thể sai!
Tôi lại nhớ khi xảy ra chuyện xây cái khách sạn trong công viên Thống
Nhất, khi báo chí cả nước phản đối quyết liệt về quyết định của thành
phố Hà Nội cho phép xây cái khách sạn này, một cậu ở cơ quan tôi bảo:
phản đối chả ăn thua gì đâu, người ta đã quyết rồi thì thay đổi thế nào
được.
Tôi không buồn tranh cãi, chỉ bảo: còn anh còn tôi, để xem có xây nổi
không nhé.
Vài tháng sau, thành phố Hà Nội dừng xây khách sạn, mặc dù nhà thầu
đã xây xong tầng hầm, tốn tiền triệu đô. Không dừng lại ở đó, không bao
lâu sau, vụ phá chợ 19/12 để xây trung tâm thương mại cũng đổ bể, tốn
bao nhiêu giấy mực viết về vụ này.
Chuyện là người chứ có phải là thánh đâu mà không sai được là chuyện
bình thường. Nhưng nó chẳng bình thường tý nào khi người ký những quyết
định sai lầm đó, dẫn đến tổn thất biết bao nhiêu tiền của của xã hội thì
lại vẫn cứ ung dung tại vị, và hậu quả của những sai lầm đó thì lại đổ
tất lên đầu dân chúng.
Mặc kệ lực lương tăng cường lượn qua lượn lại, đông hơn cả đoàn của
chúng tôi, tôi và chị Hiền Giang cứ chong mắt gắng nhìn qua tấm lưới đen
sì để chờ Bùi Hằng. Chờ rất lâu vẫn không thấy Bùi Hằng đâu, rồi thấy
Bùi Nhân lễ mễ xách đồ trở ra, tôi đoán ngay ra ý đồ của họ. Tôi bắt đầu
gọi toáng lên, hy vọng ở đâu đó Bùi Hằng sẽ nghe thấy:
- Hằng ơiiiiii
Sao bỗng dưng tiếng tôi hôm nay lại to đến thế. Bác Tường Thụy đứng
gần đó cũng bắt đầu gọi. Mặc cho bọn họ nhìn, hai anh em tôi ra sức gọi
thật to. Chỉ là muốn đánh tiếng cho Bùi Hằng biết chúng tôi đang ở đây
thôi.
Chúng tôi quay ra kể cho mọi người nghe việc họ đưa Bùi Nhân đi vào
phía trong trại, đoán chắc họ thay vì dẫn Bùi Hằng ra nhà thăm nuôi thì
lại đưa thằng con vào gặp mẹ nó. Gã Lái Gió lầm bầm: đến cả việc người
ta gọi nhau, nhìn nhau cũng sợ. Hắn bảo bây giờ em mà bị giam mấy năm,
đảm bảo ra ngoài không viết thành sách, không kiếm được giải thưởng quốc
tế thì em làm con chó. Hắn nằm hút thuốc trên đống mía khô, nom rất
phong trần. Dù buồn cười nhưng tôi tin hắn lắm.
Mọi người đi lại sốt ruột trong chờ đợi. Tôi đứng đầu đằng này, nghe
thấy tiếng cụ Lê Hiền Đức sang sảng đầu đằng kia. Sau nghe cụ Đức kể lại
có anh công an xã hỏi cụ rằng, bà chống tham nhũng mà không sợ pháp
luật à, làm mọi người cười nôn ruột. Suy ra theo nhận thức của anh ta,
thì pháp luật là để bảo vệ tham nhũng!!!
Gần trưa vẫn không thấy Bùi Nhân quay trở ra. Mãi hơn 12 giờ, thằng
Bùi Nhân lịch phịch chạy vào quán nước, nói chắc phải chờ đến chiều vì
họ không cho mẹ nó ký vào đơn đánh máy sẵn, mà phải viết bằng tay. Tôi
muốn kêu trời vì chính tôi in ra cái đơn đó cho Bùi Hằng, có tới 4 trang
rưỡi khổ giấy A4 đơn đánh máy mà viết lại bằng tay thì đến bao giờ? Sao
thời buổi này mà người ta lại còn bắt viết đơn bằng tay là sao nhỉ. Đến
cái di chúc người ta còn đánh máy sẵn, ai không biết viết thì điểm chỉ
vào cái là xong.
Cả đoàn quyết định ở lại chờ, mặc dù ý của cán bộ trại là thằng Bùi
Nhân cứ về, rồi họ sẽ gửi đơn cho nó theo đường bưu điện. Không chơi thế
được. Mỗi người chúng tôi làm một tô mỳ ăn liền với ngọn rau susu.
Không có trứng gà thì trứng vịt tráng cũng được. Nhóm tăng cường rút lui
hết. Họ rút được một chốc thì điện trong quán tắt phụt. Qua điều tra
nghiệp dư thì chỉ mỗi quán này bị cắt điện, còn các hộ dân xung quanh
thì vẫn bình thường. Lắm trò thế nhỉ?
Một rưỡi chiều, vẫn chưa thấy tăm hơi cái lá đơn viết tay ấy đâu. Sực
nhớ ra việc chúng tôi tặng hoa cho Bùi Hằng hôm mồng tám tháng ba, tôi
hỏi thằng Nhân thì nó bảo mẹ nó không nhận được hoa. Tôi bèn đi ra cổng
trại, tiến thẳng đến trạm gác. Cô cảnh sát trẻ ngồi bên trong đứng lên
hỏi tôi:
- Bác muốn gì ạ?
- Tôi muốn găp anh Trần Thái Hòa.
Tôi nói vắn tắt mục đích yêu cầu của tôi vì sao tôi yêu cầu được gặp.
Lại chạy xin ý kiến, lại chờ đợi. Họ hết ra lại vào, còn tôi cứ nhìn
thẳng vào mắt họ, cái nhìn bắt đầu cau có vì bực bội. Bên trong sân trại
có đến hơn chục vị cả quân phục lẫn thường phục ngồi đầy vườn hoa. Thấy
tôi đứng ở cửa nhìn vào thì nhiều người quay ra ngó tôi. Chắc họ không
quen thấy có kẻ dám đứng nhìn thẳng vào họ như thế.
Một lúc lâu thì anh sĩ quan lần trước to tiếng bị tôi chỉnh đi vào
trạm gác. Lại màn hỏi giấy tờ, mục đích. Khi anh ta bắt đầu giải thích,
tôi ngắt lời anh ta ngay:
- Xin lỗi anh, anh không phải là người nhận lẵng hoa đó từ tôi mà là
anh Trần Thái Hòa. Tôi muốn nghe lời giải thích trực tiếp từ anh ấy, là
tại sao chị Bùi Hằng không nhận được lẵng hoa đó?
Anh ta nói hôm nay là chủ nhât, nên anh Trần Thái Hòa nghỉ. Tôi hỏi
cách liên lạc với anh Hòa rồi định quay đi, nhưng viên sĩ quan khi trả
lại tôi chứng minh thư cũng nói thêm rằng, anh Trần Thái Hòa có xin ý
kiến lãnh đạo về việc tặng hoa của chúng tôi, nhưng lãnh đạo không đồng
ý, vì không nằm trong diện thăm nuôi....
Tôi không biết ngoài cái lý do không nằm trong diện thăm nuôi mà anh
ta cứ bám lấy như cái phao cứu sinh ấy thì còn có thể có lý do nào khác
nữa không. Tôi cũng yêu cầu anh ta trích dẫn điều nào khoản nào, văn bản
nào nói cái lẵng hoa đó là nằm trong danh mục bị cấm gửi tặng. Chỉ
nguyên cái lý do tặng hoa cho một phụ nữ trong ngày 8/3 là anh ta đã
chết ngắc không thể trả lời được rồi.
Tôi cũng nói thêm với anh ta rằng, có mỗi cái việc cỏn con
là nhận một cái lẵng hoa mà phải hỏi xin ý kiến lãnh đạo thì nó nói lên
điều gì? Dù gì chúng tôi cũng lặn lội từ Hà Nội lên đây, bỏ ra gần sáu
trăm nghìn để mua một lẵng hoa tặng cho một người phụ nữ, trong cái ngày
không ai có quyền từ chối món quà tinh thần như vậy cho họ. Chúng tôi
đã từng cảm kích thế nào trước thái độ thân thiện của anh Trần Thái Hòa
khi nhận chuyển lẵng hoa của chúng tôi. Nhưng cái việc nhận rồi không
thực hiện lời hứa là một điều không thể chấp nhận được, nhất là những
người đang khoác bộ quân phục trên người.
Đúng 3 rưỡi, cán bộ trại mới đưa tờ đơn chép tay của Bùi
Hằng ra cho Bùi Nhân. Chúng tôi lên xe về Hà Nội. Khổ thân bác Lê Hiền
Đức, hơn 80 tuổi cũng bị kẹt cả ngày cùng chúng tôi. Trước đây bác ấy
mới nghe kể lại, lần này thì muốn đi để tận mắt chứng kiến...
Có một chi tiết lạ thường trên đường về, xe đang ngon
trớn trên địa phận Phúc Yên thì cây gậy của một nhóm cảnh sát giao thông
giơ lên. Xe chúng tôi tấp ngay vào lề đường. Theo chân lái xe, cả bọn
tôi nhảy xuống xem có chuyện gì xảy ra. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh chụp,
các anh cảnh sát đều giơ tay nói: chúng tôi đang làm nhiệm vụ, không
được chụp ảnh. Tôi bảo chúng tôi đang giám sát các anh làm việc, xem có
tiêu cực không đấy chứ, ý nói vì bây giờ nạn mãi lộ giao thông nhiều
lắm. Đến lượt xe Lê Dũng đi sau cũng bị “giơ gậy”. Trước con mắt giám
sát của mười người trong đoàn, cùng một số người dân đi đường, các anh
cảnh sát giao thông có vẻ hơi lúng túng và bắt đầu hạ giọng. Thậm chí
chỉ xem giấy tờ qua quýt, các anh vội mời chúng tôi lên xe đi cho xong,
lấy lý do kiểm tra giấy tờ theo chủ trương của tỉnh, về việc đảm bảo
giao thông trong mùa lễ hội???
Gã Lái Gió dở chứng gàn, bảo: đã thế bây giờ không đi nữa,
cứ ở lại xem thế nào. Sao lại có cái kiểu cứ thích thì dừng xe người ta
lại thế hử? Lễ hội thì lễ hội, hàng trăm xe trên đường thế này mà cứ ách
lại để kiểm tra giấy tờ thì có mà càng tắc thêm ấy chứ.
Thấy các anh cảnh sát cứ ra sức mời chúng tôi lên xe, mà thực ra
chúng tôi cũng mệt lắm rồi, thôi thì rút kinh nghiệm nhé, không có dấu
hiệu vi phạm thì đừng có mà dừng xe người ta lại nhé. Lại lên xe đi
tiếp.
Nhích từng tý một trong dòng xe cộ đông đặc trên đường Phạm
Văn Đồng, tôi cứ cầu khấn sao cho cái việc thăm nuôi này sớm kết thúc,
để tôi được quay trở lại cuộc sống thanh thản đời thường.
Về đến nhà là gần 6 giờ chiều. Vừa mệt, vừa đói, vừa buồn
bực. Không biết cái hành trình thăm nuôi của chúng tôi sẽ còn kéo dài
đến bao giờ. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi Bùi Hằng, xong
những việc xảy ra mỗi ngày khiến chúng tôi một thêm bức xúc. Không những
chỉ tốn kém thời gian và tiền của đi lại thăm nom, mà còn làm cho mối
quan hệ giữa người dân và chính quyền ngày càng xa cách thêm, qua những
lối hành xử không mấy đẹp đẽ đã xảy ra.
_____________________________
Người Buôn Gió - Biển cấm để làm gì?
Tấm ảnh này ở trại cải tạo Thanh Hà. Không biết dùng để cấm ai, ai là
người bị cấm và ai là người ra lệnh cấm. Biển cấm đó nhưng vẫn có người
quay phim từ bên trong ra, và tất nhiên là có người chụp ảnh từ bên
ngoài vào mới có được tấm ảnh.
Đúng là quân hồi vô phèng, tấm ảnh cho thấy sự bát nháo về các hành
xử theo quy định của quan và dân trong xã hội hiện nay.
Tất nhiên là quan quay phim vi phạm biển cấm, cho nên dân mới chụp
ảnh theo.
Nguồn: Blog
Người Buôn Gió