Luật sư Hải Phòng
Hiện nay có rất nhiều thông tin về vụ Tiên Lãng, và cũng có
nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này. Một câu hỏi được đặt ra là “cơ quan
nào có lỗi lớn nhất trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng?”. Có lẽ câu trả lời
hợp lý nhất đó chính là Quốc Hội. Vì sao lại như vậy, tôi xin phép được
phân tích cụ thể hơn về điều này.
Đến Thủ tướng cũng còn kết luận chính sách pháp luật trùng chéo, mâu thuẫn
Có thể dễ nhận thấy rằng chính sách pháp luật đất đai còn nhiều mâu
thuẫn trùng chéo. Đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn kết luận chính sách
pháp luật có sự trùng chéo mâu thuẫn, vậy thì những cơ quan ban hành
chính sách pháp luật về đất đai có trách nhiệm như thế nào? Quốc Hội là
cơ quan đi đầu trong việc ban hành pháp luật có trách nhiệm ra sao về
điều này?
Trích kết luận của Thủ tướng: “Những năm qua, chính sách pháp
luật về đất đai có rất nhiều thay đổi. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai
đã được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và sửa đổi 2 lần (1998,
2001). Hàng trăm văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi nhưng vẫn
còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, thậm chí trùng chéo, mâu thuẫn.”
Ngay cả Tòa Án Tối Cao và Chính Phủ cũng mâu thuẫn trong xét xử vụ Tiên Lãng
Năm 2008, ở Tiên Lãng đã xảy ra vụ cưỡng chế đầu tiên với khu đầm của
ông Lê Đình Thảo đã hết hạn sử dụng. Về bản chất, vụ cưỡng chế ông Lê
Đình Thảo có nhiều điểm giống với vụ cưỡng chế ông Đoàn Văn Vươn. Nội
dung chính của vấn đề vẫn xoay quanh “hết hạn sử dụng đất” và “thu hồi
đất” để “chuyển mục đích sử dụng đất”. Có thể nhận thấy vụ ông Đoàn Văn
Vươn là bản sao của vụ ông Lê Đình Thảo.
Tại thời điểm năm 2008, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã ra quyết định UBND
Huyện Tiên Lãng đúng luật theo Quyết định giám đốc thẩm ngày 3/4/2008
của Hội đồng Thẩm phán – TANDTC. Nhưng tại thời điểm năm 2012 thì lại
hoàn toàn khác. Ngày 10/2/2012, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ông
Đoàn Văn Vươn và đã ra kết luận Tiên Lãng sai luật.
Có thể thấy rằng chính sự mâu thuẫn trùng chéo trong chính sách pháp
luật đất đai như Thủ tướng đã kết luận đã trở thành một nguyên nhân dẫn
đến việc phán xét mâu thuẫn ngay ở cấp Trung Ương. Đến cấp Trung Ương
phán xét còn sai, thì làm sao địa phương biết được mình làm đúng hay
sai?
Khiếu kiện đất đai đâu chỉ có ở Tiên Lãng
Có thể thấy rằng khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 70% các vụ khiếu
kiện, thậm chí có nhiều vụ còn kéo dài chưa giải quyết được. Vì sao lại
như vậy? Theo cá nhân tôi chính là do sự mâu thuẫn trùng chéo nhau về
chính sách pháp luật đất đai, đồng thời nhiều quy định trong chính sách
luật đất đai còn chưa phù hợp với thực thế cùng như đáp ứng kịp thời sự
phát triển của xã hội. Vậy đó là lỗi của cơ quan nào nếu không phải là
của Quốc Hội?
UBND Huyện Tiên Lãng tội 1 thì Quốc Hội tội 698
Tại sao lại như vậy?
Vì nếu UBND Huyện Tiên Lãng sai, thì sự sai phạm đó chỉ ảnh hướng đến phạm vi trong huyện Tiên Lãng.
Nhưng nếu sai lầm thuộc về Quốc Hội đã ban hành pháp luật chưa phù
hợp, có sự trùng chéo mâu thuẫn thì phạm vi ảnh hưởng sẽ là cả nước chứ
không phải trong một huyện bé nhỏ nữa.
Cả nước có 698 quận huyện khác nhau, do vậy nếu Tiên Lãng sai 1 thì
tại sao không thể nói Quốc Hội sai 698 khi mà Luật quốc hội ban hành
luật mâu thuẫn trùng chéo?
Nếu như vụ Tiên Lãng có 2 cán bộ bị cách chức, thì nhân lên với 698,
kết quả sẽ là 1396 vị Đại biểu Quốc Hội cũng bị cách chức. Điều này có
nghĩa Quốc Hội sẽ bị cách chức hết và người dân lại bắt đầu đi bầu một
khóa Quốc Hội mới.
Nếu như vụ Tiên Lãng giả sử ông Hiền và ông Khanh mỗi người 1 năm tù,
tổng cộng hai người là 2 năm tù thì đem nhân với 698, Quốc Hội phải đi
tù 1396 năm (gần 14 thế kỷ), chia đều cho khoảng 500 vị đại biểu quốc
hội thì mỗi đại biểu quốc hội ngồi tù khoảng 3 năm.
Tất nhiên những điều tôi vừa nói ở trên có tính chất ví von chứ không
phải áp đặt để chúng ta nhận thức được nguyên nhân và bản chất của vấn
đề. Quốc Hội cần nhận thức được đúng tầm quan trọng của Luật Đất Đai và
đặt sự ưu tiên đúng mức cho nó. Do vậy việc Quốc Hội sớm sửa Luật Đất
Đai là cần thiết.