Đoan Trang
Cuộc cách mạng không ngừng nghỉ của Mao Trạch Đông để lại một
nước Trung Hoa thống nhất nhưng ngổn ngang với những công xã nông thôn
đói nghèo, một nền kinh tế trì trệ. Nhưng theo cách nói của một số người
lạc quan thì “phải có phá mới có xây”; chính từ xuất phát điểm là cái
xã hội bị “thanh lọc” sạch sẽ đó mới có Trung Quốc ngày nay.
Như Kissinger tổng kết trong cuốn “On China” của ông, thì Mao đã tàn
phá Trung Hoa truyền thống và để toàn bộ đống đổ nát đó lại cho Đặng
Tiểu Bình xây nên những tòa nhà mới. “Đặng can đảm tiến hành công nghiệp
hóa từ những sáng kiến và sự bền bỉ của mỗi người dân Trung Quốc. (…)
Trung Hoa ngày nay – với nền kinh tế lớn thứ hai và dự trữ ngoại tệ lớn
nhất thế giới – là sự chứng thực cho tầm nhìn, ý chí và lương tri của
Đặng”.
Con người bé nhỏ, tầm nhìn rộng lớn
Với chiều cao chưa đầy 1m50, Đặng Tiểu Bình bị xếp vào danh sách
những chính khách có thân hình khiêm tốn trong lịch sử thế giới, cùng
Napoleon, Hitler… Nhưng tầm nhìn và tham vọng của ông thì không thấp bé
chút nào. Henry Kissinger nhắc đến và trích dẫn một bài diễn văn của
Đặng, tháng 5-1977, trong đó Đặng kêu gọi toàn dân Trung Quốc phải phấn
đấu vượt cả cải cách Minh Trị của Nhật Bản. Đó là một cách nói khôn
ngoan, vì nó vừa kích thích lòng tự hào dân tộc của người Trung Hoa
(nhất là trước Nhật Bản), vừa có phần thực dụng: Trong khi Mao bao nhiêu
năm trời hô hào dân chúng chịu đựng để tiến tới xã hội “đại đồng” – một
khái niệm rất mơ hồ – thì Đặng chỉ thúc giục họ tiến lên, vượt qua đói
nghèo lạc hậu.
“Chìa khóa để hiện đại hóa là phải phát triển khoa học công nghệ. Mà
nếu chúng ta không dành sự chú ý đặc biệt cho giáo dục, thì sẽ không thể
phát triển khoa học công nghệ được. Những cuộc thảo luận rỗng tuếch sẽ
chẳng đưa chương trình hiện đại hóa của chúng ta về đâu hết; chúng ta
phải có kiến thức, phải có nguồn nhân lực được đào tạo…”. Và Đặng dũng
cảm nhìn thẳng vào sự thật: “Giờ đây Trung Quốc đi sau các nước phát
triển tới 20 năm, về khoa học, công nghệ và giáo dục”.
Đặng nói những lời thẳng thắn ấy vào năm 1977. Tháng 3-1978, ông chủ
trì Đại hội Khoa học Toàn quốc, nhắc lại một lần nữa rằng Trung Quốc đã
lạc hậu so với thế giới từ 15 đến 20 năm trên tất cả các mặt, đồng thời,
đưa ra một kế hoạch phát triển khoa học đầy tham vọng với 108 dự án
trọng điểm nghiên cứu của giới khoa học toàn quốc. Gần đây, Ngô Hiểu Ba
(Wu Xiaobo), nhà báo nổi tiếng thuộc Tân Hoa Xã, đã viết trong cuốn “30
năm sóng gió” (vừa ra mắt độc giả Việt Nam tháng 11 vừa qua) rằng: “Lịch
sử sau này đã chứng minh, những mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.
Nhưng tại thời điểm lúc bấy giờ, thì những kế hoạch này quả thật đã gây
chấn động xã hội Trung Quốc, đến mức dường như người ta đang mơ hồ nghe
thấy âm thanh rầm rập chuyển bánh của chuyến tàu thời đại”.
Tầm nhìn và ý chí của Đặng Tiểu Bình, chứ không phải cái gì khác, đã
thổi bùng niềm cảm hứng mới cho nhân dân Trung Quốc. Henry Kissinger
nhận định: “Các xã hội vận hành theo những tiêu chuẩn trung bình. Chúng
duy trì được sự tồn tại là nhờ thực hiện những điều bình thường, quen
thuộc. Thế nhưng, chúng tiến lên được là nhờ những nhà lãnh đạo có tầm
nhìn, biết phát hiện ra điều cần phải làm, và có lòng can đảm để thực
hiện một sự nghiệp mà ích lợi của sự nghiệp ấy, ban đầu, phụ thuộc gần
như hoàn toàn vào tầm nhìn của họ”.
Đời tư khép kín
Cuốn sách “On China” của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng đưa
ra một nhận xét thú vị về con người Đặng Tiểu Bình, nhất là trong tương
quan với phương Tây. Theo Kissinger, ở các nền văn hóa Tây phương, giới
cai trị muốn củng cố sức mạnh của mình đều phải thông qua truyền thông,
giao tiếp với dân chúng bị trị. “Đó là lý do tại sao ở Athens, Rome, và
nhiều nhà nước đa nguyên ở phương Tây khác, nghệ thuật diễn thuyết,
hùng biện được xem như một tài sản quý báu của chính khách. Ở Trung Quốc
thì không có truyền thống (xem trọng) hùng biện đó, trừ Mao phần nào là
một ngoại lệ” – Kissinger viết.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong lịch sử không củng cố
quyền lực dựa vào kỹ năng diễn thuyết hay giao tiếp với công chúng. Theo
truyền thống quan lại phong kiến của mình, họ hoạt động nói chung là
kín đáo, không lộ cho dân biết, và hợp thức hóa tính chính thống thông
qua hành động, việc làm. Đặng không có văn phòng lớn; ông từ chối tất cả
các danh xưng cung kính; ông gần như không bao giờ xuất hiện trên
truyền hình, và làm chính trị hầu như hoàn toàn là sau rèm. Ông điều
hành đất nước không giống như hoàng đế, mà giống một ông quan lớn”.
Đây lại là một nhận xét chí lý nữa của Henry Kissinger. Điều lý thú
là phong cách lãnh đạo kín đáo, “khuất mắt” công chúng này tiếp tục được
duy trì cho đến ngày nay. Trong một bài viết gần đây trên tờ The
Nation, nhà phân tích Joshua Kurlantzick nhận định: “Thiếu một nhân vật
có tài thống nhất thiên hạ như Đặng hay Mao, ban lãnh đạo Trung Quốc
ngày nay về căn bản là một nhóm không diện mạo, gồm những kỹ sư – đảng
viên lâu năm, lên được chức vụ cao không phải kinh qua chiến đấu hay nhờ
đã phát triển các tư tưởng chính trị, kinh tế, mà bằng việc nuôi dưỡng
hệ thống quan liêu ở cấp cao hơn họ và hé lộ càng ít càng tốt các tư
tưởng cũng như dự định của họ. Đương kim Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
là điển hình của đường lối kín như mật mã này. Trước khi giành được
quyền lực vào năm 2004, Hồ rất hiếm khi bàn về bất kỳ chủ đề nào quan
trọng, đến nỗi cả phe bảo thủ lẫn phe tự do ở Trung Quốc đều coi ông ta
là người của phe mình. Kể từ đó, Hồ thể hiện tình cảm ở mức tối thiểu
trước công chúng và tránh tiếp xúc, ngay cả khi theo sát kịch bản nhất,
với báo chí và những người ngoài đảng”.
“Cải cách và mở cửa”
Kissinger cũng không bỏ lỡ một dịp so sánh Đặng Tiểu Bình với lãnh tụ
Mao Trạch Đông. Ông cho rằng, Mao lãnh đạo Trung Quốc nhờ vào việc tận
dụng, khai thác tính bền bỉ, chịu đựng của người Trung Quốc – nếu không
phải dân tộc này mà là một dân tộc cứng đầu nào đấy thì họ đã chẳng chấp
nhận viễn cảnh “xã hội đại đồng” áp đặt lên họ. Còn Đặng điều hành đất
nước bằng việc giải phóng sức sáng tạo của nhân dân, để họ tự xây dựng
viễn cảnh cho riêng mình.
Mao phấn đấu phát triển kinh tế với niềm tin mãnh liệt rằng quần
chúng nhân dân Trung Hoa sẽ vượt qua bất kỳ vật cản nào bằng ý chí và sự
trong sạch về ý thức hệ (thế nên mới cần phải tiến hành “thanh lọc” xã
hội triệt để như thế). Trong khi đó, Đặng thẳng thắn nhìn nhận tình cảnh
nghèo đói khốn khổ của Trung Quốc, đưa ra những khẩu hiệu rất rõ ràng:
“Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội”, “Làm giàu là vinh quang”, và
đỉnh cao là khẩu hiệu của Đại hội Đảng lần thứ ba, tháng 12-1978: “Cải
cách và mở cửa”.
Suy cho cùng, chính Đặng Tiểu Bình là một người Trung Quốc điển hình.
Ngô Hiểu Ba viết: “Con người gốc Tứ Xuyên có dáng vóc nhỏ nhắn này luôn
ẩn chứa sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn đáng kinh ngạc cùng một khả
năng quyết đoán chính trị thấu suốt tất cả”. Với sức chịu đựng bền bỉ
đặc trưng của tính cách Trung Hoa ấy, ông là nhà lãnh đạo có tới ba lần
bị hạ bệ trong những đợt “thanh trừng” của cách mạng Trung Quốc.
Kissinger trích lời Đặng: “Trên thực tế, cuộc tranh luận hiện nay về
việc thực tiễn có phải là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý hay
không, cũng là cuộc tranh luận về việc trí tuệ con người có cần được
giải phóng không… Khi mọi thứ đều phải được tiến hành y như sách, khi tư
duy trở nên xơ cứng và niềm tin mù quáng thịnh hành, thì một đảng, hay
một quốc gia, sẽ không thể tiến bộ được. Đời sống của nó sẽ chấm dứt ở
đây, và đảng hay quốc gia đó sẽ tàn lụi”. Ở tuổi 73 (năm 1978), Đặng đã
viết như thế, và thổi luồng gió cải cách vào đất nước với những tuyên bố
mà người dân Trung Quốc chưa từng được nghe trước đó.