Nước Vệ triều nhà Sản
Năm thứ 67, đời Vệ Kính Vương thứ hai.
Nứt đập chắn nước ở nam trung bộ, tính mạng hàng trăm ngàn bá tính bị đe dọa.
Dân oan bốn phương kéo về kinh đô đánh trống kêu oan ngày một đông.
Ngoài biên cương nước Tề kéo thủy quân nhòm ngó lãnh hải, bắt đi cơ man nào là ngư dân đòi tiền chuộc.
Ngân khố cạn kiệt, giá cả vẫn leo thang chóng mặt.
Nhà nhà phá sản, khánh kiệt.
Kẻ có bạc vẫn hoang phí, xa hoa,quan chức thì xây cung điện, dinh cơ tráng lệ. Phường trọc phú tậu xe tứ mã nhập ngoại, tổ chức hôn lễ đình đám tốn hàng ngàn lượng vàng.
Bấy giờ nhà Sản thấy ngân khố trống rỗng, lo lắng họp triều định nghị sự, đại thần nghị chính Tôn Dưa mở đầu nói rằng.
- Nay thiên hạ rối ren, đập nứt, vỡ nợ, nông dân thì kiện triều đình mất đất, ngư dân thì bị Tề bắt giam đòi chuộc, giá cả lạm phát hàng ngày....nhưng thứ đó đều quan trọng. Nhưng cái quan trọng nhất cần bàn phải là ngân khố triều đình. Đập vỡ chết dân thì dân lại sinh đẻ. Nông dân, ngư dân không có ruộng, biển hành nghề tức khắc đói đầu gói phải bò kiếm nghề khác. Giá cả cao thì không ăn thịt nữa chọn rau , củ mà ăn...chưa hẳn là cấp bách. Ngân khố là sức mạnh đoàn kết của triều đình, không có ngân khố không duy trì được ba quân. Không giữ được ba quân thì không giữ nổi triều đình. Nước Vệ ta từ khi thành lập đến nay dân tình trải qua bao lần đào sắn, khoai trừ bữa nhưng chưa bao giờ sinh biến, ấy bởi vì ngân khố cho ba quân còn mạnh. Ba quân mạnh thì dẫu biến thế nào cũng trị được. Bởi vậy lần này nghị triều, việc khẩn cấp là tìm nguồn tài lực cho ngân khố.
Vệ Kính Vương trầm tư gật đầu, xưa Dưa với Vệ Kính Vương cùng trường, người khóa trước kẻ khóa sau. Nên nói là hợp ý. Vệ Kinh Vương trăn trở luận rằng.
- Biết là vậy, nhưng tài nguyên đã bán hết từ lâu, ruộng đồng của dân thu hồi về bán cũng gần hết. Vay nợ bên ngoài khắp nơi giờ cũng hết chỗ mà vay. Biết chỗ nào trông cậy.
Bạo e hèm một tiếng, triều thần đổ dồn ánh mắt về phía Bạo. Làm tể tướng nhiều năm, Bạo có tiếng là liêm khiết. Gia sản thanh bạch, nhà cửa mồ mả cha ông ở quê nhà vẫn đơn sơ, giản dị. Con cái, họ hàng không được nhờ cậy toàn phải tự lực cánh sinh. Lúc Bạo làm tể tướng tính yêu sự thật, ghét giả dối cho nên không có bè cánh gì cả, chỉ dựa vào tài năng, đức độ của mình mà điều hành việc nước. Không những dân chúng trong nước yêu mến, mà ngay cả người nước ngoài đều đánh giá Bạo tài năng lỗi lạc, xuất chúng. Bởi vậy Bạo hắng giọng là được sự chú ý của cả triều đình.
Bạo đưa cằm lên cao, ngước mắt nhìn xung quanh, mắt nheo nheo, miệng cười khẩy nói.
- Triều nhà Sản ta xưa nay lắm lý luận, chả lẽ không có kế gì sao.?
Một phần ba đại thần nghị chính là nho sĩ, triết gia, lý luận hàng đầu của nước Vệ. Nghe Bạo hỏi ai cũng tảng lờ. Việc tiền bạc và chữ nghĩa xưa nay không mấy khi chung đường. Bạo đợi mãi không thấy ai trả lời, mới hỏi.
- Thế nào là phát huy nội lực.?
Vẫn không ai trả lời, Bạo quay lại đằng sau gọi quân bản bộ của mình là tùy tướng Đương Leo Thang.
- Này Thang, ngươi có trả lời được câu này cho triều đình nghe không ?
Đương Leo Thang tuổi trẻ, tài cao, chí lớn. Người trấn Sơn Nam Hạ. mắt phượng, mày ngài đi đứng ăn nói dõng dạc. Nghe chủ tướng gọi tên mình, Thang bước ra giữa triều tâu.
- Phát huy nội lực chính là lúc này đây, không lấy được tiền từ tài nguyên, đất đai, vay mượn thì lấy từ trong dân. Kế này gọi là hết nạc ta vạc đến xương. Dân ta bây lâu nay nhờ ơn nhà Sản mở mang luật pháp cho làm ăn, của nả cũng dư dả. Xe cộ nườm nượp đi tắc cả đường. Nay nhân cớ dẹp tắc đường mà thu phí. Đó chả phải là kế hay sao.?
Bạo hỏi.
- Thế ngươi đã có chủ trương gì chưa ?
Thang tâu.
- Thưa tể tướng, thần từ khi nhậm chức đã biết lo xa. Nên đã học Thương Ưởng.
Triều đình có tiếng thì thầm, học gì , Thưởng Ưởng là ai nhỉ ?
Thang rành rẽ kể.
- Được vua Tần giao quyền trị nước, Thương Ưởng liền soạn thảo một chính sách Pháp trị cứng rắn để đem ra áp dụng. Bảy điều luật ông chuẩn bị ban hành đều rất hà khắc, trong đó điều thứ 7 là hà khắc nhất: trong 10 nhà nếu có một nhà phạm pháp mà không ai báo thì cả 10 nhà đều bị giết.
Vì chính quyền nước Tần lâu nay vẫn chuyên “nói một đường làm một nẻo”, giờ cần lấy lại lòng tin của dân chúng để thi hành 7 điều luật Pháp trị mới này thật khó. Thương Ưởng đã nghĩ ra một cách phương cách khá ngoạn mục và cũng khá hao tốn: Ông cho dựng nhiều cây gỗ nhẹ dài khoảng ba trượng ở cửa Nam thành kinh thành rồi thông báo: “Ai vác nổi một cây gỗ này từ đây sang cửa Bắc sẽ được thưởng 5 lượng vàng”.
Suốt ngày hôm đó không có ai vác.
Hôm sau ông lại cho thông báo: “Ai vác được một cây gỗ này sang cửa Bắc sẽ được thưởng 10 lượng vàng”.
Hôm ấy cũng chẳng có ai vác.
Hôm sau nữa Thương Ưởng lại cho thông báo như cũ nhưng thay vì thưởng 10 lượng thì giờ lại tăng thành 50 lượng. Dân chúng thấy kỳ lạ chưa biết ý của quan Tả thứ trưởng muốn gì.
Một người ăn mày nói:
-Cây gỗ nhẹ tưng thế này, vả từ cửa Nam sang cửa Bắc cũng chẳng bao xa. Để tôi vác thử sang xem quan Tả thứ trưởng xử sự ra sao?
-Cây gỗ nhẹ tưng thế này, vả từ cửa Nam sang cửa Bắc cũng chẳng bao xa. Để tôi vác thử sang xem quan Tả thứ trưởng xử sự ra sao?
Và người này đã vác thật! Khi vừa để thanh gỗ xuống cửa Bắc ông ta liền được người của quan Tả thứ trưởng mời vào trong trao tặng 50 lượng vàng thật! Những người khác thấy vậy cũng kéo sang cửa Nam vác gỗ sang cửa Bắc và cũng đều được lãnh thưởng 50 lượng.
Thực hiện xong việc lấy lại lòng tin của quốc dân, Thương Ưởng liền ban hành pháp lệnh mới để chính quyền cùng dân chúng thi hành.
Sau khi pháp lệnh được ban ra, chính quyền bắt đầu triệt để thực hiện. Từ các bậc công hầu cho tới hàng thứ dân hễ ai phạm lỗi đều bị trừng phạt đúng mức. Thái tử Doanh Tứ vì chê tân lệnh không đúng cũng bị trừng phạt. Vì Thái tử là vị vua tương lai không thể phạt trực tiếp, hai vị thầy dạy của Thái tử là Công Tử Kiền đã phải chịu cắt mũi và Công Tôn Giả đã phải chạm vào mặt.
Thế là từ đó dân nước Tần tin hễ nhà nước nói sao thì làm vậy
Thang ngừng lại một lát để câu chuyện được thấm vào tai người nghe, đoạn tiếp.
- Thần khi mới nhậm chức, đã học chuyện đó mà cách chức mấy mống quan dưới quyền. Ra lệnh khắt khe với bọn dưới trướng. Dân tình giờ ai cũng hân hoan, khen ngợi quan lại triều ta chí công vô tư. Lời nói bây giờ thần đã có trọng lượng với dân rồi ạ.
Bạo khoát tay.
- Thôi không rườm rà, thế đã đến lúc phát huy nội lực chưa ?
Thang tâu.
- Giờ đã là lúc chín muồi, thần đã có bản tấu xin triều đình phê chuẩn thu phí xe cộ trong dân gian.
Bản tấu của Đương Leo Thang chuyền tay cho triều đình đọc, ai cũng tấm tắc khen kế sách chu toàn, nghĩ trước sau chặt chẽ. Các quan lại đứng đầu các bộ như tìm ra được hướng đi, hân hoan bàn tán râm ran, người tính tăng giá thuốc, người lượng tăng giá than, người áng thu phí thuế đất ở phi nông nghiệp....
Vệ Kính Vương nâng ly mừng tể tướng Bạo.
- Quả là rừng xanh còn lo chi thiếu củi đốt, công lao này thuộc cả về tể tướng.
Bạo nhận chén rượu, khiêm tốn đáp lễ rằng.
- Ấy là nhờ Vương cả, giữ vững được niềm tin cho dân chúng đến chùa, giữ được chùa tất nhiên có oản mà thôi.
Triều đình nhà Sản nghị xong, tình đoàn kết lại tràn trề. Mọi mối tị hiềm đều được xua tan. Đúng là một nước cường thịnh, vua sáng tôi hiền. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng như lời tiên đế ban khi xưa.
Lúc lệnh ban ra, dân chúng đa số đồng thuận. Duy có lác đác vài kẻ cự nự. Đại thần nghị chính kiêm tổng trấn kinh thành là Cả Sáng phán.
- Chúng mày nhiều tiền mua xe đi, kêu ca cái nỗi gì.
Dân chúng từ đó không còn ai dị nghị nữa.