Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Phất cờ hồng cờ xanh

Mai Xuân Dũng
 
Mới hôm qua hôm kia, Đảng, Chính phủ nước ta đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanma Thên Sên (Thein Sein) trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Việt nam với cương vị Tổng thống.
Cũng là người đứng đầu một trong những Quốc gia thuộc khối ASEAN nhưng chuyến thăm Việt nam của ông Thên Sên gây được sự chú ý đặc biệt.
Thứ nhất, Myanma là một Quốc gia được lãnh đạo bởi một chính phủ quân sự cứng rắn, tên gọi đầy đủ của Myanma là: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanma. (Nghe hệt như Việt nam) nhưng từ năm 1988 nước này cắt bớt mấy chữ “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa” thành Liên bang Myanma và bất ngờ đầu tháng 2/2011, Quốc Hội Myanma đã bầu Thủ tướng mãn nhiệm trước đây, ông Thên Sên làm tổng thống dân sự đầu tiên sau gần 50 năm cầm quyền bởi quân đội.

Thứ hai, từ một thể chế độc tài quân phiệt bị thế giới lên án suốt hàng chục năm qua, bỗng chốc chính quyền của ông Thên Sên đã thay đổi gần như 180 độ khi trả tự do cho khoảng 200 tù nhân chính trị trong số 2000 ngàn tù nhân chính trị đang bị giam giữ, nới rộng kiểm soát báo chí, công nhận đảng đối lập Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ và mở đường cho bà Aung San Suu Kyi ra ứng cử dân biểu quốc hội. Nhưng sự đặc biệt ghê gớm ở chỗ, những thay đổi nói trên do sự chủ động của phía chính quyền Myanma mà chẳng cần tới những cuộc xuống đường rầm rộ gây áp lực đấu tranh của quần chúng.
Tất nhiên, có thể ông Thên Sên và các nhà lãnh đạo Myanma ngửi thấy mùi Hoa nhài từ Tunisia, sự đầu hàng của Mubarak và nhất là cái chết thê thảm của Gadhafi tại Lybia và giật mình khi thấy trước rằng rồi đây Myanma khó tránh khỏi trận đại hồng thủy dân chủ hóa tạo nên bởi đám quần chúng nghèo khổ và bất mãn. Nhưng “ngửi thấy” và quyết định đổi thay triệt để là hai khái niệm rất xa nhau, điều làm cả Thế giới ngỡ ngàng.
Myanma và Việt nam là hai nước có đường biên giới chung với Trung Quốc và cùng chịu áp lực ghê gớm từ nhà nước cộng sản bành trướng này nhưng các nhà lãnh đạo độc tài Myanma đã biết cân nhắc giữa lợi ích cá nhân phe nhóm và lợi ích dân tộc để đặt lợi ích dân tộc lên trên vì thực tế, tài sản gia đình ông Thên Sên và các tướng lĩnh khác trong chính phủ gửi các ngân hàng nước ngoài đang bị Quốc tế phong tỏa đóng băng.
Myanma thay đổi thể chế có tính nội dung (content) còn Trung Quốc thay đổi theo kiểu “thời trang” (fashion) hoặc gọi cách khác chỉ như con tắc kè hoa biến mầu da khi thấy dấu hiệu mất an toàn. Dù Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình, dù Ôn Gia Bảo hay Lý Khắc Cường nắm quyền lực tối cao thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn sẽ kiên định xướng hồng (hát nhạc đỏ cách mạng) tới lúc bão tố nổi lên quét qua lục địa Trung hoa.
Myanma cũng đã từng bị trói chặt vào đồng Nguyên của Trung quốc với hàng nghìn dự án lớn nhỏ từ thủy điện tới xây dựng, khai thác, thương mại nay họ dám thẳng thừng từ chối các “ơn huệ” thiên triều qua viêc tổng thống Thên Sên hủy bỏ giao kèo dự án 3.6 tỷ Mỹ kim với Trung Quốc xây đập nước trên sông Irrawaddy trong bang Kachin tháng Chín 2011 vừa qua. Có thể cái “lưỡi câu Nhân dân tệ” chưa nằm trong dạ dày mà mới chỉ nằm trong miệng các quan chức chính phủ Myanma chăng?
Nhưng nói gì thì nói ông Thên Sên và các tướng lĩnh Myanma đã kịp tỉnh cơn mê, dứt khoát giẫy khỏi “vòng tay ôm hữu nghị” của ông bạn vàng phương Bắc.
Tất cả những diễn biến rõ như ban ngày của Myanma đã thu hút cái nhìn của Việt nam và Trung quốc.
Liệu đây có phải là động thái “Tầm sư học Dân chủ” qua việc mời ông Thên Sên sang thăm Việt nam hay chỉ để “giao lưu” tìm hiểu nhằm hoàn thiện hơn phương thức “chống diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch” hay đơn giản chỉ là một chiêu hóa giải sự bức xúc đòi đổi mới và tự do dân chủ của nhân dân.
Ông sản lớn Ôn Gia Bảo kêu gọi Đảng cải tổ triệt để nhưng trước sau vẫn phát động học tập Lôi phong phất cao cờ hồng.
Việt nam hô hào toàn đảng quán triệt nghị quyết trung ương 4 để chỉnh đốn đảng kèm theo phương pháp bí truyền: Học tập và làm theo… nhưng chưa yên tâm nay mời Thên Sên sang chơi như là một cách vừa phất cờ hồng vừa phất cờ xanh vậy.
Thì mấy chục năm trước cờ Mặt trận dân tộc giải phóng cũng nửa đỏ nửa xanh đó sao?
Mai Xuân Dũng
__________________

Tổng thống Miến Điện thăm Việt Nam

Gia Minh, biên tập viên RFA
Tổng thống Miến Điện, Thein Sein hôm nay chính thức bắt đầu hai ngày công du Việt Nam
Dù hoạt động này là bình thường trong quan hệ giữa hai quốc gia; tuy nhiên có nhiều chú ý và trăn trở của những người quan tâm đến tình hình Việt Nam qua chuyến công du này của tổng thống Miến Điện đến Việt Nam.

Miến Điện và Việt Nam

Tổng thống Miến Điện, Thein Sein, hôm nay đến Hà Nội theo đúng như thông báo mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra hồi ngày 15 tháng 3 vừa qua. Theo thông báo đó thì chuyến viếng thăm này của ông Thein Sein đến Việt Nam là theo lời mời của chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Đối với nhiều người thì chuyện các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm các quốc gia khác là chuyện bình thường, đặc biệt đó là giữa những quốc gia có mức phát triển gần như nhau; chứ không như giữa những quốc gia được cho là siêu cường đến với một nước phát triển thấp hơn.
Tuy nhiên chuyến công du của ông tổng thống Miến Điện, Thein Sein đến Việt Nam, ngay tức khắc được tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, lên tiếng.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức này phát biểu rằng:
"Điều chắc chắn là một chuyển biến của sự kiện đáng chú ý đối với chính phủ Việt Nam khi mà trong quá khứ Hà Nội từng ở vị thế khuyên nhủ Miến Điện, nay chính quyền Việt Nam phải nghiêm túc xem xét việc ‘theo’ vị khách của họ là tổng thống Thein Sein khi ông này đến thăm Việt Nam trong hai ngày 20 và 21 tháng 3.
Trái ngược hẳn với tình trạng trấn áp tiếp diễn tại Việt Nam, chính quyền Miến Điện gần đây đã trả tự do cho số lượng đáng kể những nhà hoạt động chính trị hết sức nổi tiếng như Min Ko Naing và Zarganar.
Nhà cầm quyền Việt Nam cần phải trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị chỉ vì bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa. Chính quyền Việt Nam đang giam tù hằng chục người về những tội danh gọi là vi phạm an ninh quốc gia như tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng tự do dân chủ đe dọa an ninh quốc gia.
Những nhân vật đấu tranh trở thành tù nhân lương tâm cần phải được trả tự do ngay là tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía, người kêu gọi chống tham nhũng Nguyễn Hữu Cầu, những người đấu tranh cho công nhân Đỗ thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, các blogger Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Hồ thị Bích Khương và nhiều tù nhân khác nữa".
Đồng quan điểm với tổ chức Human Rights Watch, nhiều cựu tù nhân chính trị cũng như những người đang đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam đều cho rằng Việt Nam nên theo gương Miến Điện. Đây là một đất nước từng do chính quyền quân nhân lãnh đạo một cách độc tài.
Thế nhưng từ sau cuộc bầu cử đưa ông Thein Sein vào chức vụ tổng thống của chính phủ dân sự, thì nhiều cải cách đã được thực hiện. Chính quyền của tổng thống Thein Sein đã đối thoại với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, nhiều tù nhân chính trị được trả tự do, biện pháp kiểm duyệt báo chí được nới lỏng, tuyên bố ngưng bắn với các lực lượng sắc tộc vũ trang địa phương…
Dù ban đầu giới quan sát quốc tế rất dè dặt trong đánh giá về những cải cách do chính quyền dân sự của tổng thống Thein Sein lãnh đạo; thế nhưng gần một năm nay, mọi diễn biến tại Miến Điện đều theo chiều hướng tích cực và được hoan nghênh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và chính khách của nhiều nước lâu nay từng có biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân nhân Miến Điện đã đến xứ này để chứng kiến những đổi thay và đưa ra cam kết giúp Miến Điện thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và xây dựng phát triển kinh tế.

‘Cái phúc’ cho đất nước

Một cựu tù chính trị tại Việt Nam, thầy giáo Vũ Hùng, chia xẻ quan điểm về những việc làm mà ông cho là đúng đắn của chính quyền dân sự Miến Điện hiện nay:
"Nếu như dân chủ hóa đất nước mà lại êm đẹp như nhiều quốc gia đã làm như Đông Âu, rồi như một số quốc gia kể cả như tiến trình dân chủ hóa của Miến Điện. Đó là những tiến trình rất tốt, hướng theo xu thế của chế độ văn minh của thời đại thôi. Tôi cũng là một công dân bình thường, tôi thấy việc ông tổng thống Miến Điện đến thăm Việt Nam là một việc làm tốt.
Nếu như chính thể Việt Nam, những người cầm quyền của chế độ độc tài cộng sản Việt Nam mà hướng đến cái tốt là ‘cái phúc’ cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Và ‘cái phúc’ này thì mọi người tốt đều thấy vui mừng, thấy là một việc làm tốt, đều là một mong muốn chung.
Bởi vì vũ khí của những người ‘dân chủ, nhân quyền’ là nói phải, nói đúng, chứ họ tay không tất sắt; lúc nào cũng chỉ mong muốn tốt đẹp thôi. Những người ‘dân chủ, nhân quyền’ không có kẻ thù, họ không hận thù đâu; mặc dù bị tù đày, mặc dù bị đàn áp chịu bao nhiêu thiệt thòi.
Nhưng họ hướng đến một cái tốt đẹp chung, giá trị phổ quát chung là ‘đa nguyên, đa đảng’ cho đất nước, cho dân tộc. Và tất cả những người nào mà tốt kể cả từ ông tổng thống Miến Điện, nhiều người tốt trong thế giới văn minh tốt đều ủng hộ việc làm này. Tôi nghĩ như vậy".
Qua những đổi thay mà chính quyền của tổng thống Thein Sein cho thực hiện trong thời gian qua, nhiều nhà quan sát cho rằng kinh tế nước này sẽ có những tăng trưởng đáng kể khi mà nguồn tài nguyên dồi dào được khai thác đúng cách, sức lao động của đất nước được giải phóng…
Xin phép được nhắc lại, Miến Điện có diện tích 676558 kilomet vuông. Dân số theo thống kê năm 2010 là hơn 60 triệu người. Miến Điện có 23 triệu héc ta đất trồng trọt, tuy nhiên chỉ mới phân nửa được canh tác. Nông nghiệp chiếm đến 40% tổng giá trị xuất khẩu. Việt Nam và Miến Điện thiết lập quan hệ ngoại giao hồi ngày 28 tháng 5 năm 1975. Thương mại hai chiều vào năm ngoái đạt 167 triệu đô la.
Nguồn: Đài RFA

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"