Đào Tuấn
Đã có khoảng 1200 bài viết trên báo in và báo điện tử về “vụ
Tiên Lãng”- Con số này hôm qua đã được ông Lưu Đình Phúc một quan chức
Cục Báo chí, Bộ thông tin truyền thông đưa ra tại Hội thảo “Nguồn lực
đất đai và vai trò của truyền thông” do RED Communication và Đại sứ quán
Vương Quốc Anh tổ chức. Tuy nhiên, ông Phúc cũng không quên nhắc lại,
vụ việc thực ra đã được báo Viet Nam Economic News phát hiện và phản ánh
từ năm 2008. “Báo chí chưa thực sự đeo bám vụ việc đến cùng. Chỉ khi có
hành vi chống trả của ông Vươn thì báo chí mới vào cuộc. Việc đấu tranh
với cái sai, cái tiêu cực với thái độ nửa vời sẽ thể hiện sự thiếu
trách nhiệm của cơ quan báo chí, của nhà báo trước xã hội”- ông Phúc
nói.
Điều đó là đúng, trong một thị hiếu báo chí mà GS Đặng Hùng Võ sau đó
đã mô tả “80% những bài đọc nhiều nhất là chuyện hở hang, thu hút sự tò
mò”. Đúng, nhưng chưa đủ, bởi khi báo chí quan tâm, thứ mà họ phải đối
diện là sự lẩn tránh, hoặc tệ hơn, là sự “chống trả” của những người có
trách nhiệm. Ngay cả khi câu chuyện “hai năm rõ mười” trên mặt báo, thái
độ của chính quyền, trong hầu hết các trường hợp là im lặng.
Vậy thì báo chí đã làm gì trong việc bảo vệ “nguồn lực đất
đai”, mà thực chất là bảo vệ quyền và lợi ích của những người nông dân?
Sau vụ Tiên Lãng, một tờ báo đã tung phóng viên làm một loạt điều tra
về thân phận những người nông dân bám biển suốt dọc ven biển các tỉnh
Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… Kết quả của các cuộc điều
tra là “Có quá nhiều thân phận Đoàn Văn Vươn”. Quá nhiều bất công. Ở Kim
Sơn, Ninh Bình, chính quyền thu hồi 12 năm công sức lấn biển của nông
dân để làm khu du lịch sinh thái. Thu hồi rồi bỏ hoang 2 năm nay và nông
dân Kim Sơn đang “nuôi tôm chui” trên chính vùng đầm phá mà họ từng
khai hoang, nay đã giao cho người khác. Ở Nga Sơn, Thanh Hóa, chính
quyền chẹt cổ dân bằng cách nâng phí thuê đất từ 1,5 triệu đồng/ha lên
15 triệu/ha. “Bi kịch” cho nông dân và sự “tuyệt tình” của chính quyền
còn thể hiện ở chỗ hợp đồng thuê đất được ký 10 năm, mới được 3 năm,
nông dân mới chỉ kịp “đổ hết tài sản xuống đầm ngao” thì đã bị cho
nốc-ao bằng việc thay đổi phí thuê đất cắt cổ…Dưới biển tệ, trên rừng
cũng tệ không kém. Vụ việc gần nhất đang gây xôn xao là vụ Chủ tịch
huyện Bù Đăng, Bình Phước ra lệnh phá điều, nhổ mì của nông dân “khai
sơn” để giao cho DN trồng café.
Bảo vệ nguồn lực đất đai cũng chính là bảo vệ nông dân. Nhưng những
điều tra của báo chí, trước vụ Tiên Lãng, và trừ vụ Tiên Lãng, đã nhận
được phản hồi gì? Ngoài sự lẩn tránh và im lặng?
Nếu ngay từ năm 2008, chính quyền Tiên Lãng lắng nghe nông dân, thực
hiện nghĩa vụ kiểm tra và trả lời với cơ quan báo chí, thì có lẽ chỉ có 1
bài báo đầu tiên, thay vì có tới 1.200 bài báo sau này.
Nhưng báo chí chỉ có thẩm quyền “kêu ca hộ” mà thôi.
Tháng 5-2007, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định ban hành Quy chế
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Nhưng suốt 5 năm qua, tình
trạng phổ biến là người phát ngôn thích thì phát ngôn, không thích thì
“bận họp”. Còn nghĩa vụ cung cấp thông tin thì đúng nghĩa là câu chuyện
“Hãy đợi đấy”. GS Đặng Hùng Võ hôm qua đã rất có lý khi nói tới sự cần
thiết có một “cơ chế thực hiện những giám sát” để những giám sát, của
báo chí, của các cơ quan dân cử- không rơi vào “hố đen của sự im lặng”.
Bây giờ, với một bài báo đầu tiên, những vụ thu hồi đất ở Kim Sơn, ở
Nga Sơn, ở Bù Đăng đang là sự nhân bản những sai phạm của chính quyền,
và những thân phận Đoàn Văn Vươn, với những uất nghẹn từ nông thôn.
Nông dân cần sự giải quyết công bằng. Báo chí cần một câu trả lời. Để
mỗi vụ việc “chỉ cần một bài”, thay vì xảy ra những tiếng súng hoa cải
và 1.200 bài báo.