Vũ Quý Hạo Nhiên
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ trích "chủ nghĩa cá nhân." (Hình báo Dân Trí)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm thứ Hai đăng đàn chỉ trích chủ nghĩa cá nhân. Ông nói nặng nề thế này:
“Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ đã
nhiều lần nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc
nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm, gian
giảo, xảo quyệt; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa,
hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch
chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được,
không thể là một đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân
được.”
Chủ nghĩa cá nhân là cụm từ 4 chữ để gọi khái niệm “tham.”
Có hai cách để xử lý lòng tham, hay chủ nghĩa cá nhân.
- Một cách, là như Tổng bí thư nói, phải “đánh bại,” “quét sạch” nó.
- Cách thứ nhì, là xây dựng hệ thống xã hội pháp luật trong đó mình hiểu là có cái gọi là lòng tham và mình chấp nhận nó, giữ cho nó không gây hại, và phạt nó khi nó có gây hại. Hoặc hay hơn nữa, là mình tôn trọng lòng tham của mọi người để biến thành chuyện có lợi.
Cách thứ nhất là cách của chủ nghĩa cộng sản, và trước đó nữa, của gần như tất cả các tôn giáo.
Kinh nghiệm của gần 100 năm chủ nghĩa cộng sản cầm quyền, cũng như
của hàng ngàn năm các tôn giáo, cho thấy là chuyện “đánh bại,” “quét
sạch” lòng tham là chuyện không ai làm nổi.
Đã không làm nổi, thì người khôn ngoan sẽ hiểu là thôi đừng cố làm
gì. Vì vậy cho nên ngoài Iran và Vatican, trên thế giới không còn có
nước nào mà giới tôn giáo lại đương nhiên nắm quyền nữa.
Adam Smith, nhà kinh tế tìm ra thuyết "bàn tay vô hình"
Còn các nước tư bản thì hiểu rằng lòng tham là cái không xóa được, thôi thì mình dùng nó vào việc có lợi cho dân cho nước.
Thuyết “bàn tay vô hình” chính là sự thừa nhận rằng có cái gọi là chủ
nghĩa cá nhân và trong xã hội tổ chức theo kiểu tư bản với đầy đủ quyền
tự do cá nhân, tính ích kỷ của mỗi cá nhân lại dẫn đến sự phồn thịnh
chung.