Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Phan Vũ và, định mệnh bài thơ ‘Em ơi, Hà Nội phố’


Buổi trưa nồng bụi. Thành phố phồng, rộp theo những cơn nắng châm chích trên từng tấc thịt, da; tuồng đã bị nấu nhừ, nung chín.
Nhà thơ Phan Vũ. (Hình: tp)

Tôi lẽo đẽo theo chân Hà Quang Minh. Những đoạn đường phải, trái ngắn. Những ngọn cây già, mốc, không có nổi cho chính nó, chút bóng mát liu điu. Minh mở cửa. Quán vắng, âm âm, chia khu. Những chiếc ghế bành đợi khách. Tôi đợi một người. Ðợi tác giả “Em ơi, Hà Nội phố.” Ðợi Phan Vũ. Một người tôi không quen. Một tên gọi chỉ mới gần đây, dấy lên trong tôi, một điều gì, như muốn nói với ông, lời cảm ơn. Mọi chuyện khởi đi từ P. Kim ở Seattle, khi Kim gửi cho tôi qua không gian ảo, ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố.”

Như thường lệ, ca khúc chỉ có tên nhạc sĩ. Nhạc sĩ Phú Quang. Không hiểu từ đâu, nguyên do nào, sau khi nghe tới lần thứ ba:
“Ta còn em cây bàng mồ côi mùa Ðông / Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông / Mảnh trăng mồ côi mùa đông / Mùa đông năm ấy / Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ / Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân / Ta còn em một màu xanh thời gian / Một chiều phai tóc em bay / Chợt nhòa, chợt hiện / Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố / Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường...”

Câu hỏi “Tan lễ chiều sao con vọng tiếng chuông ngân” và, thú nhận chua xót, như một tuyệt vọng tâm thế: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố / Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” đã như những ngón tay hồ nghi, chỉ tôi về một hướng khác. Hướng thi ca. Chí ít, cũng là điều gì tương tự.

Qua tra cứu, tôi “gặp”... Phan Vũ. Tôi ở với tiếng thơ của ông, như ở với niềm hoan lạc mà chữ và, nghĩa, hình ảnh và, giai điệu đã bất ngờ mang đến cho tôi. Dù trong ký ức tôi, không hề một Hà Nội với:
“Ta còn em mùi hoàng lan / Ta còn em mùi hoa sữa / Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ / Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm...”

Hay:
“Ta còn em hàng phố cũ rêu phong / Và từng mái ngói xô nghiêng / Nao nao kỷ niệm / Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng / Chợt hoàng hôn về tự bao giờ?”

Hà Nội của tôi trước 1954, là những câu sấu trên đường Hàm Long. Rặng liễu vây quanh hồ Thiền Quang! (Thời gian đó, được biết nhiều dưới tên hồ Halais - trên đường Rue Halais - Trước khi được đổi thành Nguyễn Du.)

Hà Nội của tôi, trước 1954 là những cây bàng lá đỏ. Sân trường Hàng Vôi. Những chuyến tầu điện leng keng từ trung tâm thành phố, về Chợ Hôm. Hồ Hoàn Kiếm với ông Tầu bán “Phá Sa.” Ðền Ngọc Sơn. Nhà Thủy Tạ... Nơi tuổi thơ tôi trải qua với nhiều câu hỏi không giải đáp. Những câu hỏi Rùa thần hay Tháp Bút?
Những sớm mai, những chiều sương, mây mù dệt lụa mặt hồ, tôi trông chờ thần Kim Quy nổi lên, cùng kiếm báu ngậm ngang miệng...

Tôi cũng từng được dẫn đi chơi Hồ Tây, ăn bánh tôm. Nhưng chưa bao giờ tôi có cho mình câu hỏi (nỗi buồn hoang lạnh?) “chợt hoàng hôn về tự bao giờ” (?)

Tuy nhiên, bài thơ/ca khúc đã nhói buốt cho tôi một Hà Nội khác. Hà Nội của “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ.” Hà Nội cửa “từng mái ngói xô nghiêng”...

Cuối cùng, cửa mở. Tôi không biết người đàn ông vẫn lực lưỡng ở tuổi ngoài tám mươi đã mang theo ông cái nóng rộp da? Hay chính cái nóng châm chích đã đẩy ông ào vào? Chỉ biết, cảm nhận đầu tiên của tôi về tác giả “Em ơi, Hà Nội phố” tựa như sự ngỡ ngàng trước một Từ Hải râu ria, bậm trợn, bước ra từ “Ðoạn trường Tân thanh” của Nguyễn Du. Hay, một Alexis Zorba, nhân vật của Nikos Kazantzakis trong “Zorba the Greek,” vì tính hồn nhiên, quyến rũ mạnh mẽ của ông.

Tôi cũng không biết cái ngoại hình vạm vỡ của tác giả bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” đã làm đầy, làm chật quán café giữa trưa; ghế, bàn ít phút trước, còn bâng khuâng chờ khách? Hay giọng nói sang sảng, câu chuyện, tiếng cười, giọng đọc thơ của ông (rất Hà Nội của ông,) đã lấp đầy mọi khu vực?

Chỉ biết, cuối cùng tôi đã gặp người tôi muốn ngỏ lời cám ơn. Nhà thơ, họa sĩ, kịch sĩ, đạo diễn Phan Vũ.

Chỉ biết, rất nhặm lẹ, hồn nhiên, tác giả “Em ơi Hà Nội phố” đã như một cơn lốc quyến rũ bạo liệt, cuốn tất cả chúng tôi dạt trôi ngược, xuôi, cao, thấp theo những lênh đênh của định mệnh bài thơ (như định mệnh tình cảm đời ông?) khởi tự những ngày chia đôi đất nước.

Tôi vẫn nghĩ, mỗi tác phẩm, nhất là những tác phẩm lớn, tự thân vốn có cho riêng nó một đường bay, trước ngỡ ngàng tác giả. Cũng thế, trường hợp của Phan Vũ với “Em ơi, Hà Nội phố.”

Nhờ giáp mặt để nói lời cám ơn, tôi mới biết, bài thơ không chỉ có 21 câu, như ca khúc đã phổ biến. Mà, “Em ơi, Hà Nội phố” là một trường khúc, dài 443 câu, phân bổ cho 24 đoạn.

Mỗi đoạn, theo tôi, là một game màu, một mảnh puzzo, khi ráp lại, thành toàn cảnh Hà Nội tháng 12 năm 1972. Ngày sinh “Hà Nội phố,” họ Phan đã bước khá sâu qua tuổi 40.

Không biết có phải vì đã bước khá sâu vào tuổi “Tri thiên mệnh” hay không mà, người đầu tiên họ Phan cho chiêm ngưỡng dung nhan đứa con tinh thần ngoại khổ của mình, là Xuân Diệu. Phan Vũ kể, sau khi đọc bản thảo “Hà Nội phố,” “ông hoàng thơ tình” thời tiền chiến, tác giả “Thơ thơ” (1938) nói, muốn sống hãy giấu ngay. Không phổ biến. Tác giả “Gửi hương cho gió” (1945) còn nhấn mạnh thêm:
“Lúc này là lúc 'toàn dân chống Mỹ cứu nước!' Không phải là lúc của những lãng mạn mang tính chống đối ngông cuồng, đi ngược đường lối Ðảng như bọn Nhân Văn hai chục năm trước...”

Khi nhắn nhủ tác giả “Em ơi, Hà Nội phố,” có dễ Xuân Diệu (một trong những trợ thủ đắc lực, “tàn sát” nhóm Nhân Văn ngày xưa,) đã quên (hay không biết) rằng, Phan Vũ cũng là một thành viên nhóm Nhân Văn! Nếu Nhân Văn không bị đình bản sau khi đã phát hành được 5 số, thì số Nhân Văn số, 6, đã có thơ... Phan Vũ!
Trường hợp này, nhiều phần, Phan Vũ sẽ phải chịu chung số phận với các bạn văn của ông thời đó. Như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm... Và, cũng nhiều phần, thi ca, âm nhạc Việt, sẽ không thể có một “Em ơi, Hà Nội phố.”

Nói cách khác, theo tôi, đấy là bước khởi đầu định mệnh “lên bờ, xuống ruộng” của bài thơ này vậy.

Du Tử Lê

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"