Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Bảy giờ bị giữ trong Công an Thanh Trì (kỳ 5)

Nguyễn Tường Thụy

5. Vòng tay đồng đội

Tôi bước ra khỏi phòng. Vừa thấy bóng tôi, tiếng reo hò vang dội. Không khí thật náo nhiệt. Tôi giơ hai tay lên quá đầu vẫy mọi người, đi qua một khoảng sân rộng để ra cổng.
Khi tôi còn đang làm việc với an ninh, chừng 8 giờ 30 tối thì bạn bè tôi đã kéo đến. Tôi ngồi trong phòng nghe thấy những tiếng hô đòi thả người, tiếng phản đối công an về việc bắt người trái phép, cả tiếng gọi “bố Thụy ơi!” của mấy cô bé.
Bây giờ, những âm thanh ấy lại vang lên, không phải phẫn nộ nữa mà là vui mừng. Đến gần cổng, thấy nghìn nghịt những người. Quân ta ở đâu ra mà đông thế này? Ra khỏi cổng, tôi sà ngay vào vòng tay của đồng đội. Chưa bao giờ, tôi thấy mình hạnh phúc như lúc này. Tôi từng có mặt ở nhiều trụ sở công an cùng mọi người đòi trả người bị bắt, bị giữ. Tôi hiểu, khi một người bị giam giữ, thấy đồng đội của mình ở ngoài vì mình thì tinh thần phấn chấn, vững vàng thêm bao nhiêu. Tôi biết những người biểu tình không ai sợ bị bắt vì việc làm của họ là chính nghĩa. Còn nhớ những lần đi biểu tình chống Trung Quốc, khi công an bắt người, nhiều người khác cũng ào cả lên xe bus tình nguyện làm người “được bắt”. Không ai muốn những người bị bắt đơn độc.

Những người trong nhóm đi đón Xuân Diện ở số 6 Hà Đông cho biết Xuân Diện được trả tự do trước tôi vài phút, giờ chỉ còn Kim Môn đang bị giữ ở công an Thị trấn Văn Điển.
Thú thực là ban đầu, tôi vẫn có hy vọng là họ trả tự do cho tôi sớm một chút để tôi có thể chạy đến nơi giao lưu gặp mọi người, dù chỉ kịp vào mấy phút cuối cùng. Đến khi thấy mọi người kéo đến, tôi biết buổi giao lưu đã kết thúc sớm hơn dự định để đi đòi người. Vì vậy, tôi không thiết về nữa. Họ có thể giữ tôi mấy ngày cũng được.
Khi nằm trên đống giấy in, tôi đã suy nghĩ về khả năng họ sẽ giữ tôi vài ba ngày, có thể tôi bị đánh, bị cắt trọc như Phan Trọng Khang, Vũ Quốc Ngữ. Tôi còn lường trước tình huống xấu hơn nữa. Chấp nhận thôi. Sẽ không có một chút dù mảy may nào để họ nghĩ rằng tôi vì bị khủng bố mà nhụt chí.
Nguyễn Hữu Vinh hỏi tôi:
- Thế anh ra có giấy tờ biên bản gì không?
- Làm gì có, ngay cả giấy triệu tập họ cũng giữ cơ mà.
- Không được, làm việc gì cũng phải có biên bản. Anh vào đòi họ đưa giấy cho anh ra. Làm ăn kiểu này, lần sau họ đánh chết anh rồi đổ cho anh tự tử thì sao.
Mấy cậu hưởng ứng:
- Phải đấy, anh cứ vào đòi giấy tờ cho bằng được. Không thì anh cứ ở đấy, không cần về.
Tôi bảo, bây giờ ra rồi, nó không cho vào lại đâu. Nhưng mấy cậu cứ cùng tôi đến cổng để đòi vào. Lúc này, cổng vẫn khóa như khi bạn tôi kéo đến đòi người
Biết là không thể nhưng tôi vẫn cứ nói với với mấy cậu canh cổng, yêu cầu cho tôi vào. Tất nhiên là họ không cho.
Chợt một cậu phát hiện ra:
- Chúng nó làm gì anh mà áo anh rách thế này?
Lúc này, tôi mới để ý áo tôi bị rách hai đường ở vai và thấy xót ở khuỷu tay phải. Tôi biết áo rách và khủy tay xây xát là lúc chúng cưỡng bức tôi lên xe.
Mọi người liền lập biên bản về tình trạng của tôi khi ra khỏi đồn công an. Một người đưa cho tôi chiếc mũ bảo hiểm mới để về, một người giao cả cuốn sổ ghi biên bản cho tôi giữ.
Tôi ngồi sau xe máy đưa tay vẫy bà con hai bên đường. Những cánh tay tíu tít vẫy lại. Những nụ cười rạng rỡ. Bè bạn rồng rắn đưa tôi về đến tận cửa nhà. Tôi nhìn bao quát, thấy chừng 40 người. Vậy là đám đông dân kéo đến theo dõi vụ đòi người trước cổng đồn công an còn gấp mấy lần hơn thế.
Mọi người không kịp vào nhà. Tôi nghẹn ngào nhìn những gương mặt thân yêu vội vã chia tay tôi rồi hối hả đến công an thị trấn Văn Điển đòi trả Nguyễn Kim Môn.
12/3/2012
TƯỜNG THỤY

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"