Đào Tuấn
Tuần trước, một dự thảo thảo thông tư liên tịch về chiếc mũ bảo
hiểm đã gây phản ứng dữ dội từ dư luận. Theo dự thảo này, người đội mũ
bảo hiểm không đảm bảo chất lượng- cụ thể là không dán tem CR- có thể sẽ
bị xử phạt đến 200 nghìn đồng, như đối với người không đội mũ. Một quan
chức của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng sau đó trả lời báo
chí, với câu nguyên văn “Thông tư còn mang tính răn đe, đào tạo, hướng
dẫn cho người dân biết thông tin về mũ bảo hiểm nào là đảm bảo”.
Mũ bảo hiểm trên thị trường giờ 9 cái thì cả 10 đều có tem CR. Có
điều, người dân thì chịu. Không thể biết cái nào là CR xịn, cái nào rởm.
Việc phân định xịn/rởm, đáng lẽ là trách nhiệm của quản lý thị trường,
của công an nay lại đổ cả lên đầu dân, mà ông Phó Cục trưởng cũng không
ngại thừa nhận qua hai chữ “răn đe”- mục tiêu của một chính sách.
Trả lời báo chí, TS Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban nghiên cứu con
người và môi trường cho rằng: “Nếu chỉ lo phạt thật nặng những người dân
đội MBH kém chất lượng mà không xử phạt những cơ sở sản xuất, kinh
doanh MBH là hết sức vô lý. Nó chẳng khác gì người đi xe mua phải xăng
dởm khiến xe bị cháy, thay vì phạt người bán xăng rởm lại phạt người mua
phải xăng rởm và bị cháy xe”.
Một “bạn đọc” thì bình luận đây là một chính sách “vô cảm” và duy ý
chí, khi bản chất vấn đề là người dân phải đóng phạt cho trách nhiệm của
“nhà chức trách” với phương tiện và quyền lực trong tay.
Dân "tâm phục khẩu phục” mới là lạ.
Hôm qua, cũng liên quan đến chính sách, Bộ GD và ĐT đã buộc phải có
“đính chính” khi khẳng định tiếng Hoa chỉ dành cho “học sinh dân tộc Hoa
cấp tiểu học và trung học cơ sở đang sinh sống ở Việt Nam" và chỉ là
"môn học tự chọn cho học sinh có nguyện vọng". Sự “nói lại cho rõ”, chỉ 2
ngày sau khi lấy ý kiến nhân dân. Điểm tiến bộ là ít nhất Bộ GD và ĐT
cũng đã công khai dự thảo một chính sách liên quan đến không chỉ quyền
lợi mà còn là tâm tư của dân chúng. Và họ đã, rất nhanh chóng- “nói lại
cho rõ” ngay sau phản ứng của dư luận.
Về mặt thống kê, hiện 1/5 dân số TG dùng một trong những thứ tiếng TQ
làm tiếng mẹ đẻ. Học thêm một ngoại ngữ, nói như Bộ GD và ĐT, là mở
thêm một thế giới. Nhưng sẽ không thể là một ngoại ngữ gây phản ứng dư
luận rầm rộ đến như vậy. Rất đơn giản bởi người học là nhân dân và con
em của họ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trả lời báo chí hôm qua đã cho rằng đưa tiếng Hoa vào chương trình là thực hiện nghị định số 82 về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng theo phương diện thống kê, kết quả cuộc điều tra dân số và nhà ở do Tông cục Thống kê tiến hành năm 2009 cho thấy người Hoa ở Việt Nam chỉ hơn 800 ngàn người. Ít hơn các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Mường, Khmer, chỉ ngang dân tộc Mông.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trả lời báo chí hôm qua đã cho rằng đưa tiếng Hoa vào chương trình là thực hiện nghị định số 82 về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng theo phương diện thống kê, kết quả cuộc điều tra dân số và nhà ở do Tông cục Thống kê tiến hành năm 2009 cho thấy người Hoa ở Việt Nam chỉ hơn 800 ngàn người. Ít hơn các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Mường, Khmer, chỉ ngang dân tộc Mông.
Câu hỏi “tại sao” nhất thiết phải đặt ra: Nếu là vì các dân tộc thiểu
số thì tại sao không đưa tiếng Thái, tiếng Tày, tiếng Nùng, tiếng
Mường, tiếng Khmer, mà lại là tiếng Hoa?!
Sự hời hợt có vẻ là điều rất dễ nhận thấy đối với dự thảo liên quan
đến rất nhiều người này.
Không một chính sách nào có thể làm vừa lòng tất cả dân chúng. Nhưng
không thể có một chính sách đổ trách nhiệm lên đầu dân, đè đầu cưỡi cổ
dân, không thể có một chính sách bất chấp dân chúng, hoặc sinh ra là để
“răn đe” dân chúng. Bởi một chính sách không được lòng dân chúng, không
thực sự vì dân sẽ nhanh chóng chết yểu ngay trên giấy.