Trưa
ngồi ở quán cà fe số 27 Trần Bình Trọng, quán trước có tên là quán Việt
Văn giờ đổi chủ thành tên quán gì không nhớ. Không gian quán hẹp hơn,
gam chủ đạo màu xám thay cho màu đỏ trước kia. Nhìn sang bên khách sạn
Công Đoàn thấy một nhóm các thiếu nữ đứng chờ ai, có cô tay lăm lăm máy
quay phim , có cô thì cầm những tấm khẩu hiệu. Họ cứ đừng chờ ở đó đến
cả tiếng đồng hồ, chốc lại ngó vào trong sân khách sạn hò reo, vỗ tay và
lại ngẩn ngơ tắt lịm. Mình nhìn thì thấy các cô thiếu nữ ngóng chờ rất
tội nghiệp, đứng bao lâu, chả ăn uống gì.
Mãi sau có một tốp lính mặc áo rằn ri, nhìn như quân đội Hàn Quốc đi ra ô tô, chủ quán bảo. Chắc là bọn trẻ đón sao Hàn rồi.
Mình
cứ nghĩ là sao Hàn thuê một đống quân lính Hàn đi theo để bảo vệ. Ngồi
thêm lúc lâu thấy nhao nhao , bèn chạy sang xem. Chả biết ai ra ai, chụp
bừa. Thấy có em gào
- Ôi anh Boi roong ơi, sao anh trắng thế
Em khác gào.
- Anh Roang ơi, em ở đây này, anh đẹp trai quá anh ơi
Cái
từ Roong hay roang hay rang rang mẹ gì đó mình nhớ không chính xác, đại
khái là rổn roảng , loảng xoảng như vậy. Thế là chụp các em Việt nhà ta
cầm khẩu hiệu, xô đẩy, chen lấn đòi đến gần thần tượng. May thế nào bọn
bảo vệ nó tưởng minh là phóng viên, lên nó cho mình vào vòng trong để
quay ra chụp các em Việt đang trong cơn hưng phấn, em thì cười rạng rỡ,
em thì nghẹn ngào rớm lệ.
Lúc
này mình mới quay sang xem nhân vật chính mà các em trông ngóng đấy là
ai, mù tịt. Mình chỉ thấy đám lính Hàn và mấy em gái. Mình nghĩ chắc em
gái nào đứng với đám lính Hàn đó là sao điện ảnh Hàn Quốc. Cứ chụp bừa
mấy nhát.
Khi
quay lại quán cà fe, em nhân viên bảo đó là Bi Rain đấy. Mình phải bảo
em ý viết ra giấy cho mình biết tên, chứ đọc thì mình chịu không biết
viết thế nào. Mình hỏi thế thằng Bi này làm gì, em kia cho biết là ca sĩ
ngôi sao Hàn Quốc, giờ đang đi lính nghĩa vụ.Em chỉ Bi Rain cho mình
biết mặt.
Nhìn
lại sang bên đường, các em thiếu nữ Việt vẫn đứng ngóng chờ, dù sao đã
quay vào trong khách sạn. Một ông già ngoài tám mươi lưng còng vác bao
tải đựng rác nhặt được băng qua đường, ông cụ không ngóc nổi đầu lên,
như con rùa lụ khụ mò mẫm từng bước.
Và một chiếc xe máy chở ba người không đội mũ bảo hiểm đi qua, họ có dáng là những công chức.
Rồi một xe chở đầy công an.
Tiếp
tục lang thang, đi qua Ngô Quyền thấy bà con nông dân khắc khổ, quần áo
nhàu nhĩ ngồi lê la ở vìa hè số nhà 36 Ngô Quyền. Ánh mắt họ nhìn sang
tòa nhà 35 bên kia đường ngóng đợi rất thê lương. Những người phụ nữ lam
lũ, mệt mỏi và đầy vẻ nhẫn nhục, cam chịu hướng về phía tòa nhà quốc
hội để ngóng trông.
Ngẫm
nghĩ về những cô thiếu nữ Việt rạng rỡ chờ ngóng đón sao Hàn, các cô
nhìn thấy được thần tượng của mình dù chờ đợi hơn tiếng đồng hồ. Còn góc
đằng kia không xa, những người dân nghèo nhếch nhác mỏi mệt này cũng
chờ ngóng các siêu sao của ban nhạc quốc hội suốt từ sáng đến chiều mà
chưa thấy siêu sao nghị nào xuất hiện.
Báo chí sẽ đưa hình ảnh về các thiếu nữ Việt đón sao Hàn.
Nhưng báo nào sẽ đưa bà con nông dân nghèo chờ đón sao nghị.
Cũng
là chờ, cũng là băng rôn. Trong cùng một ngày, cách nhau có vài phút đi
xe máy. Sự chờ đợi nào đáng được ưu tiên lên mặt báo hơn, nhất là một
nền báo chí để phục vụ nhân dân như vẫn tuyên truyền.?