Kháng thư phản đối nhà cầm quyền CSVN đàn áp Công giáo
Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
12-03-2012
Kính gởi
- Quý Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
- Quý Anh Chị Em Tín hữu Công giáo Việt Nam.
Ngày
28-2-2012, Phòng Báo chí Tòa thánh Vatican đã công bố Thông cáo chung
về cuộc gặp gỡ lần thứ 3 của Nhóm Làm việc chung Việt Nam và Tòa thánh
tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2-2012. Trong Thông cáo đó có các
đoạn: “Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Nhà nước
Việt Nam đã luôn thực hiện và còn tiếp tục cải tiến chính sách tôn trọng
và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân”…. “Ngoài ra, cả hai bên đã nhắc đến giáo huấn của Đức Giáo hoàng Bênêđictô 16 về việc sống Tin mừng giữa lòng Đất nước, và những nhận xét của Ngài về việc tín hữu Công giáo tốt là một công dân tốt”.
1-
Trong thực tế, thời gian gần đây, đã có rất nhiều vụ việc chứng tỏ nhà
cầm quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục bách hại các tôn giáo nói chung và
Công giáo nói riêng, khiến cho Đức Giáo hoàng Bênêđictô 16 đã kêu gọi trong Ý truyền giáo tháng 03-2012 này: “Xin
Chúa Thánh Thần ban ơn kiên trì cho những người, đặc biệt tại châu Á,
bị phân biệt đối xử, bị bách hại và giết chết vì danh Chúa Kitô” và Đài phát thanh Vatican ban Việt ngữ phải lên tiếng ngày 24-02-2012: “Hiệp
ý với tín hữu Công giáo toàn thế giới, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa
Thánh Thần ban ơn kiên trì cho các tín hữu bị kỳ thị, bắt bớ và sát hại
vì Chúa Kitô, đặc biệt tại Á châu và cách riêng tại Việt Nam”. Trước tình hình đó, Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền chúng tôi tuyên bố:
a- Cực lực lên án việc nhà cầm quyền Cộng sản tỉnh Vĩnh Long đã
quyết định đầu tư 60 tỷ đồng (qua công văn số 3518 ngày 21-12-2011)
để nâng cấp Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên (ở số 75 Nguyễn Huệ,
phường 2, thành phố Vĩnh Long). Trung tâm này từng làcơ sở Đại Chủng
viện của Giáo phận Vĩnh Long, song đã bị chiếm dụng từ năm 1977 để biến
thành nơi vui chơi giải trí của đoàn thanh niên và đội thiếu nhi Cộng
sản, nay Đức Giám mục Nguyễn Văn Tân đòi lại để “làm cơ sở mục vụ đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng cho các Linh mục, Tu sĩ và hơn 200.000 Giáo dân”
của Giáo phận (qua Thư khiếu nại ngày 24-05-2011). Thế nhưng nhà cầm
quyền Cộng sản đã bất chấp đòi hỏi chính đáng về quyền tư hữu và quyền
sinh hoạt này của Giáo phận.
Đây
là hành vi ngang nhiên chiếm đoạt đất đai cơ sở tôn giáo và hạn chế
ngặt nghèo sinh hoạt của Giáo hội trong âm mưu làm cho đức tin suy tàn.
b- Cực lực lên án việc nhà cầm quyền Cộng sản tỉnh Nghệ An, từ
cuối tháng 7 cho đến cuối tháng 12 năm 2011, đã lần lượt bắt giam 13
tín hữu Công giáo Giáo phận Vinh là Chu Mạnh Sơn, Đặng Xuân Diệu, Đậu
Văn Dương, Hoàng Phong, Hồ Đức Hòa, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Đình Cương,
Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh, Thái Văn Dung, Trần
Hữu Đức, Trần Minh Nhật; 3 tín hữu Công giáo có liên hệ với Dòng Chúa
Cứu Thế là Trần Vũ An Bình, Lê Văn Sơn và Tạ Phong Tần. Đa phần họ đã bị
công an bắt cóc bắt nguội, và tính đến hôm nay, 9 người đã bị cáo buộc
cùng tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và
3 người bị cáo buộc tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Chúng
tôi cũng cực lực lên án nhà cầm quyền Cộng sản tỉnh Nghệ An, hôm
06-03-2012, đã tuyên án 5 năm và 3 năm tù giam cho 2 Giáo dân Giáo phận
Vinh là bà Võ Thị Thu Thủy (phó chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Tam Tòa), và
anh Nguyễn Văn Thanh, về tội gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Đây
là hành vi chà đạp các quyền dân sự và chính trị của công dân, vì ngoài
chuyện bắt cóc bắt nguội trái quy định pháp luật, 2 tội danh “hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”và ba người bị cáo
buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” không hề có trong nền pháp chế
dân chủ của nhân loại văn minh và hoàn toàn trái ngược với Công ước quốc
tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã cam kết tuân giữ.
Ngoài ra, việc bỏ tù các giáo dân nói trên, vốn cũng rất nhiệt thành
sống đạo, là kiểu trấn áp và dằn mặt của nhà cầm quyền đối với Giáo phận
Vinh và Dòng Chúa Cứu Thế là hai cộng đồng Công giáo đang nổi bật về
tinh thần bênh vực sự thật và lẽ phải.
c- Cực lực lên án việc nhà cầm quyền Cộng sản tỉnh Kon Tum, ngày
22-02-2012, đã ngầm sai ba côn đồ -vốn là những tù nhân hết án đang bị
quản chế giáo dưỡng- đánh trọng thương linh mục Louis Gonzaga Nguyễn
Quang Hoa thuộc giáo phận Kon Tum, lúc linh mục trên đường trở về sau
khi dâng lễ an táng cho một giáo dân ở làng Kon Hnong, xã Đăk Hring,
huyện Đăk Hà. Suy đoán này có cơ sở, vì trước đó một ngày, ủy ban nhân
dân xã đã có thông báo cho rằng việc mục vụ của linh mục Nguyễn Quang
Hoa tại địa phương là “trái phép, vi phạm pháp luật” và hăm dọa sẽ “kiên
quyết xử lý”.
Đây
là hành vi xâm phạm quyền tự do tôn giáo, dựa trên hai văn bản pháp
luật phi lý bất công là Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo số 21 năm 2004
và Nghị định số 22 năm 2005 (vốn đang được dự thảo sửa đổi theo chiều
hướng khắc nghiệt hơn, và càng khắc nghiệt với việc trung tướng công an
Phạm Dũng vừa được đặt làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ). Ngoài ra, đây
cũng là kiểu dằn mặt hăm dọa của nhà cầm quyền đối với vị lãnh đạo Giáo
phận Kon Tum là Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, vốn đang là khuôn
mặt Mục tử nhân lành và Ngôn sứ can đảm.
d- Cực lực lên án việc nhà cầm quyền Cộng sản thành phố Đà Nẵng tiếp
tục kế hoạch xóa sổ giáo xứ Cồn Dầu, quận Cẩm Lệ, đẩy giáo dân vào chốn
tái định cư đầy bấp bênh, lấy đất đai ruộng vườn, nhà cửa nghĩa địa của
giáo dân để bán cho Sun Group, tập đoàn triển khai dự án khu đô thị
sinh thái ven sông Hòa Xuân. Hành vi này tiếp nối bao hành vi bạo ngược
đối với cộng đoàn tôn giáo nhỏ bé tại đây kể từ năm 2010: như cưỡng bức
di dời, ngăn chặn đám tang, hành hung bắt bớ, tra tấn đến chết, sách
nhiễu cuộc sống, kết án giam tù, khiến cho nhiều giáo dân phải chạy ra
nước ngoài tỵ nạn. Nhà cầm quyền đã bất chấp nguyện vọng chính đáng của
giáo dân là được quy tụ chung quanh ngôi nhà thờ để yên tâm sống đạo,
được giữ lại nghĩa địa thiêng liêng của tiền nhân và được làm ăn sinh
sống với ruộng vườn cha ông để lại.
Đây
là hành vi tước đoạt quyền tư hữu đất đai chính đáng của nông dân dựa
theo nguyên tắc bất công, phi lý và lường gạt: “Đất đai thuộc về toàn
dân do nhà nước đại diện sở hữu” ghi trong Luật đất đai 1993 (có sửa
đổi), vốn đã gây điêu đứng cho hàng triệu nông dân cả nước. Ngoài ra,
đây cũng nằm trong kế hoạch phân sáp (xóa sổ hay phân tán các giáo xứ
Công giáo kỳ cựu) đã có từ lâu của nhà cầm quyền Đà Nẵng.
2-
Đức Giáo hoàng Bênêđictô 16, trong huấn từ ngày 27-6-2009 cho Hội đồng
Giám mục Việt Nam, đã có nhắn nhủ: “Người công giáo tốt cũng là người
công dân tốt”. Với kinh nghiệm trên quê hương Đức Quốc của Ngài
và trên cả Đông Âu trước đây, Đức Giáo hoàng thừa hiểu rằng trong chế
độ độc tài duy vật vô thần Cộng sản, nơi mà các quyền Dân sự bị chà đạp,
các quyền Chính trị bị tước bỏ, các quyền Kinh tế bị thao túng, các
quyền Xã hội bị khinh khi, các quyền Văn hóa bị xem nhẹ, nơi không có tự
do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bầu cử, tự do lập
hội… thì chỉ có thần dân hay nô dân chứ chẳng hề có công dân! Thành thử theo chúng tôi hiểu, lời nhắn nhủ trên của Đức Giáo hoàng chính là một mệnh lệnh: người Công giáo Việt Nam hãy ra tay xây dựng quyền Công dân cho mình và cho đồng bào.
Theo đòi hỏi của Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo hội, xây dựng quyền Công dân trong chế độ độc tài cộng sản,
- Đối với Giáo sĩ và Tu sĩ là phải có thái độ chính trị (thay
cho hoạt động chính trị mà mình không được phép xét theo ơn gọi). Thái
độ đó là lên tiếng vạch trần sai lầm và tố cáo tội ác của nhà cầm quyền,
là công bố sự thật và bảo vệ lẽ phải trước toàn thể xã hội, là bênh vực
những kẻ nghèo khó về nhân quyền và cứu giúp những con người thấp cổ bé
miệng, là giáo dục và cố vấn cho Giáo dân về các vấn đề công lý hòa
bình, chính trị xã hội. Điều này đã được hàm ý trong Tông huấn Giáo hội
tại Á châu số 33: “Các Nghị phụ Thượng Hội đồng biết rõ những vi
phạm liên tục về các quyền con người trong nhiều nơi trên thế giới, và
cách riêng tại Á châu, nơi “hàng triệu người đang đau khổ do sự kỳ thị,
bóc lột, nghèo đói và loại trừ”. Các ngài khẳng định rằng các dân tộc
tại Á châu cần hiểu rõ thách đố không tránh được và không loại bỏ được,
gắn liền với việc bênh vực nhân quyền và cổ võ công lý và hoà bình”
- Đối với Giáo dân là phải có hành động chính trị (do ơn gọi sống giữa trần đời), theo như xác nhận của Tông huấn Giáo hội tại Á châu số 45: “Khi
làm chứng cho Tin mừng trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội, người
giáo dân có thể đóng vai duy nhất trong việc nhổ tận gốc sự bất công và
áp bức”. Hành động đó là không những có thái độ như các giáo sĩ và
tu sĩ nói trên mà còn là dấn thân vào chính trị -với tư cách công dân
mang tinh thần Công giáo- qua việc xuống đường biểu tình để bày tỏ lòng
yêu nước, nêu lên những đòi hỏi chính đáng đối với nhà cầm quyền, qua
việc thành lập hay tham gia các hình thái, tổ chức đấu tranh cho nhân
quyền và dân chủ, công lý và sự thật cách bất bạo động, để các giá trị
này sớm khôi phục trên Quê hương.
Cuối
cùng, chúng tôi nguyện cầu Thiên Chúa ban cho mọi tín hữu Công giáo
Việt Nam ơn kiên trì chịu đựng các cuộc bách hại của nhà nước độc tài
Cộng sản với tâm lòng tha thứ và ơn can đảm đấu tranh giải thể chế độ vô
thần Cộng sản với ý chí quyết liệt.
Lên tiếng tại Việt Nam ngày 12 tháng 03 năm 2012
Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
- Linh mục Têphanô Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn
- Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế.
- Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh
với sự hiệp thông của Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, đang bị cầm tù tại Nam Hà.
****** Phụ lục *****
Giáo hội mang tính cách chính trị
Sứ điệp của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ
nhân ngày Quốc khánh Thụy Sĩ, 1-08-2011
Đan viện phụ Martin Werlen OSB
Giáo hội
không làm chính trị đảng phái, nhưng đứng về phía con người và vì con
người. Giáo hội dấn thân vì trung tín với Tin Mừng mà thôi chứ không
phải với một đảng phái nào. Trong sứ điệp ngày 1/8, Đức Đan viện phụ
Martin Werlen, nhân danh Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ, giải thích lý do tại
sao Giáo hội cũng mang tính cách chính trị.
Đi đầu…
Giáo
hội hiển nhiên mang tính cách chính trị, thậm chí còn đi đầu… Nhiều
người đã quá vội quên điều này. Đại đa số người Thụy Sĩ là những người
đã được rửa tội. Họ là thành viên của cộng đồng giáo hội. Là công dân
của đất nước này, họ được mời gọi đi bỏ phiếu, họ dấn thân vào chính
trị. Nhiều người được rửa tội nắm giữcác trọng trách ở cấp Nhà nước,
bằng cách nỗ lực cổ vũ cho công ích, với hiểu biết và lương tâm của
mình.
… và ở nhiều cấp độ
Thường
xảy ra là các hội đoàn và tổ chức của Giáo hội, cũng như các Ủy ban của
Hội đồng giám mục hay chính Hội đồng giám mục, phát biểu về chính trị.
Chúng ta được nghe những người lãnh đạo các hội đoàn và ủy ban, cũng như
những người dấn thân trong mục vụ hay các thành viên của Hội đồng giám
mục công khai bày tỏ quanđiểm của họ về một số chủ đề chính trị.
Thế còn chính trị đảng phái ? Có và không
Giáo
hội với tưcách giáo hội không can thiệp vào trong chính trị đảng phái.
Tuy nhiên, mỗiđảng đều dựa trên sự dấn thân của người tín hữu. Mọi đảng
phái đều nêu lên những vấn đề hợp pháp và đưa các vấn đề này vào trong
cuộc tranh luận chính trị. Người kitô hữu dấn thân vào cuộc tranh luận
được mời gọi làm chính trị vì thiện ích của mọi người, với tư cách người
tín hữu, độc lập đối với quốc tịch, tôn giáo, giới tính, tuổi tác và
sức khỏe.
Đứng về phía
Giáo
hội không làm chính trị đảng phái, tuy nhiên Giáo hội có chọn lựa của
mình. Mọi người nam cũng như nữ loan báo Tin Mừng đều đứng về phía con
người. Mọi con người đều phải được quyền sống thực sự, tìm được sự sống
viên mãn (xem Gioan 10,10). Giáo hội đứng về phía những người không có
tiếng nói. Giáo hội đứng về phía những người bị chà đạp phẩm giá – khi
mới là bào thai, những người khuyết tật, những người ốm đau hay tuổi
tác, hay người ngoại quốc. Giáo hội đứng về phía những người, không được
xem như một người ngang hàng, mà như những đồ vật. Giáo hội kêu gọi sự
liên đới ở đâu có người cần đến người khác trợ giúp. Giáo hội đòi hỏi
công lý cho tất cả mọi người như nền tảng của hòa bình, dấn thân để mọi
ngườiđều được hưởng công bằng và bảo vệ xã hội, lên tiếng ở đâu có kẻ
làm giàu một cách ích kỷ trên người khác. Giáo hội dấn thân vì gia đình,
vì sự giáo dục vàđào tạo, cổ vũ việc phát triển một thái độ có trách
nhiệm đối với tạo thành và các nguồn tài nguyên. Có nhiều thách thức
Giáo hội phải lên tiếng trong dư luận xã hội, nếu muốn trung tín với sứ
vụ của mình.
Bao hàm con người
Giáo
hội không có giải pháp cho tất cả các thứ ấy. Nhưng Giáo hội có thể và
muốn góp phần vào việc tìm ra những giải pháp tốt đẹp. Nhờ chiều kích
công giáo (= toàn cầu) của mình, Giáo hội có cả một kho tàng kinh nghiệm
lớn. Giáo hội có thói quen nhìn ra ngoài các ranh giới. Giáo hội có
phận sự trước tiên đưa con người với nhữngđòi hỏi cụ thể của con người
vào cuộc tranh luận chính trị. Giáo hội không ngừng nhắc nhở rằng nếu
chỉ phát triển kinh tế mà thôi thì không đủ, còn có các khía cạnh khác
cần được xem xét. Nó liên quan đến con người toàn diện. Đến từng con
người.
Phục vụ sự hội nhập
Giáo
hội không phải là một xã hội song song. Giáo hội ở giữa cuộc sống – bên
con người. Ơn gọi riêng của Giáo hội là trở thành men –vì sự cứu rỗi
của con người, vì sự cứu rỗi của thế giới. Chính bởi vì Giáo hội có mặt
trong mọi nền văn hóa, tầng lớp nhân dân, lĩnh vực lao động, đảng phái,
thế hệ, nên Giáo hội có một sức mạnh hội nhập đặc biệt. Giáo hội có thể
tập hợp xung quanh cùng một bàn những người có quan điểm và thế giới
quan khác nhau, để cùng đấu tranh vì những giải pháp công bằng trong
tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Loan báo Tin Mừng
Làm
như vậy, Giáo hội hoạt động vì trung tín với Tin Mừng, trong một truyền
thống sống động. Giáo hội đã học được không ít điều từ những sai lầm
của quá khứ – cả liên quanđến chính trị. Khi dấn thân, Giáo hội phải trả
lẽ không phải cho các cuộc đầu phiếu, mà cho Tin Mừng, tự định hướng
mình không phải theo tinh thần thế gian mà theo Đức Giêsu Kitô. Ai đặt
trọng tâm nơi Đức Giêsu Kitô sẽ đặt mình thực sựtrước những thách thức
của thời hiện tại và gặp được con người cụ thể. Ai sống hiệp thông với
Thiên Chúa không thể thờ ơ với người đồng loại của mình.
Cám ơn
Nhân
danh Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ, tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành và
chúc lành cho mọi người: tất cả anh chị em, những người đã được rửa tội
và dấn thân vào chính trị nơi đất nước chúng ta; những người tham gia
vào các cuộc bỏ phiếu và bầu cửtheo sự hiểu biết và lương tâm mình;
những người tích cực tìm kiếm những giải pháp tốt đẹp ; những người hằng
cầu nguyện cho hiện tại và tương lai của quê hương chúng ta. Cám ơn rất
nhiều. Chớ gì Giáo hội tại đất nước chúng ta tiếp tục mang tính chính
trị sẵn có – đi đầu và ở các cấp độ khác nhau.
Fribourg/Einsiedeln, tháng Bảy 2011
Viện phụ Martin Werlen OSB,
Thừa ủy nhiệm Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ
(Nguồn: HĐGM Thụy Sĩ)
Giuse Nguyễn chuyển dịch