Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Xung đột "bên trong" người Việt và đề xuất mới cho công cuộc đấu tranh vì dân chủ

Vạn Tường
 
Người Việt chúng ta có lẽ là một trong những dân tộc chất chứa nhiều mâu thuẫn bên trong nhất thế giới. Đành rằng mỗi người ai cũng có những mặt tốt - xấu đan xen lẫn nhau nhưng có lẽ người Việt đã để cho sự xung đột bên trong của mình tồn tại dai dẳng. Các suy nghĩ nội tâm cứ liên tục xuất hiện, đấu tranh và giằng xé lẫn nhau, bất phân thắng bại. Một người Việt có thể xúc động, rơi lệ cho những mảnh đời bất hạnh nhưng cũng con người đó có thể nghĩ ra các hình phạt ghê gớm nhất dành cho kẻ giết người, hoặc, thờ ơ nếu những mảnh đời đó ở 1 nơi xa xôi hẻo lánh bên châu Phi v.v…! Những lời bình phẩm trên các báo Việt Nam về vụ án Lê Văn Luyện là minh chứng rõ nét cho thấy “tính 2 mặt” của nội tâm người Việt. Tục ngữ Việt Nam có câu: ”Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Không phải là chỉ toàn bộ dân tộc Việt nhưng nó cho thấy con người Việt Nam tồn tại song song 2 đặc tính mâu thuẫn nhau trên cùng 1 con người, không hẳn làm biếng nhưng chắc chắn không phải siêng năng. Văn hóa làng xã Việt Nam cũng cho thấy người Việt tuy đoàn kết nhưng cũng có óc cục bộ địa phương, thủ cựu.
Đoàn kết trong dòng tộc họ hàng, trong làng. Nếu khác làng thì “thần làng nào làng ấy thờ”. Vừa đoàn kết, vừa chia rẽ. Triết lý âm-dương hay 2 mặt mâu thuẫn tồn tại song song ăn sâu vào tâm trí người Việt đến nỗi nó khiến cho người Việt trở nên cầu toàn, nửa vời trong tư duy lẫn suy nghĩ. Vấn đề không phải là dập tắt các suy nghĩ, tư tưởng xung đột ấy ra khỏi đầu óc mà là kiểm soát nó. Người Việt hầu như không kiểm soát hoặc không muốn kiểm soát những suy tư của chính mình. Họ sẵn sàng nổi giận nếu ai đó nói ngược lại ý muốn. Có những thứ thực ra mọi người cùng chung một chí hướng, cùng đồng ý về một đích đến nhưng nếu không đồng tình về cách thức thực hiện thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ, thậm chí là địa ngục.
Đại đa số người Việt chỉ mới ở dạng “nhất nguyên”, còn lâu lắm mới đạt tới “đa nguyên”. Có lẽ một phần nào đó, đây là nguyên nhân khiến các tổ chức đấu tranh vì dân chủ ở Hải ngoại không huy động được lực lượng quần chúng tại Việt Nam. Đảng cầm quyền đã làm quá tốt điều này. Họ hô hào, tuyên truyền, làm đủ mọi cách mị dân để quần chúng tin họ. Họ thành công rực rỡ. Các lực lượng đấu tranh ở Hải Ngoại tuy có rất nhiều thuận lợi về mặt con người, tài chính, trong tay có khá nhiều phương tiện nhưng tới nay vẫn chưa đạt được thành tựu gì đáng nói. Họ bận cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí công kích lẫn nhau hơn là thu phục cảm tình của người dân trong nước bằng tài năng, và quan trọng hơn, bằng tấm lòng của họ. Họ sẽ và chẳng bao giờ là đại diện của dân tộc Việt Nam nếu không phục vụ cho lợi ích cho nhân dân trong nước. Một điều mỉa mai mà đa số người dân trong nước nói về các tổ chức đấu tranh vì dân chủ: Mấy anh dân chủ này cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết nhưng có một thứ mà mấy ảnh không biết. Đó là biết... thắng Cộng sản. Vì đâu nên nỗi? Có thể có lời giải thích nào thỏa đáng không? Câu chuyện sau phần nào đó nói lên thực trạng hiện nay.
Ở Việt Nam, hầu như ai cũng biết truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi. Xin lược sơ qua nội dung câu chuyện. Có 5 ông thầy bói mù, chưa từng biết đến con voi bao giờ, một ngày nọ nhờ 1 người đem 1 con voi đến để xem voi la như thế nào. 5 ông sờ 5 bộ phận khác nhau của con voi là vòi, ngà, tai, chân, đuôi, và cùng đưa ra quan điểm của mình.
Thầy sờ vòi bảo:
- Tưởng con voi nó thế nào, hóa ra nó dài như con đỉa!
Thầy sờ ngà bảo:
- Không phải, nó cứng như cái đòn càn chứ!
Thầy sờ tai bảo:
- Ðâu có! Nó to bè bè như cái quạt thôi!
Thầy sờ chân cãi lại:
- Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột nhà!
Thầy sờ đuôi lại nói:
- Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùng.
Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xác, đánh nhau toạt máu đầu, chảy máu.
Đoạn kết của câu chuyện Thầy bói xem voi vẫn còn nguyên giá trị dù nó đã tồn tại từ rất lâu. Từ quy mô nhỏ như đánh nhau vì quẹt xe ở ngoài đường ngoài chợ, cho tới quy mô lớn là chiến tranh Nam-Bắc huynh đệ tương tàn. Chúng ta vẫn chưa học thuộc bài học này và nghiêm trọng hơn, không thèm học bài học này. Người dân Việt Nam vẫn dành sự tin tưởng cho những tổ chức chính trị đấu tranh cho dân chủ nước nhà hệt như họ vẫn thường tin vào những ông thấy bói, nhưng nếu những ông thầy bói này nông cạn, không nhìn xa trông rộng, chỉ biết đến mình, không ai chịu ai và sẵn sàng ẩu đả thì họ liệu có ủng hộ và sát cánh vì mục tiêu lớn hơn cho dân tộc?
Hãy bình tâm, đối xử tương kính với nhau trước khi bàn đến những chuyện đại sự. Hãy là những người bạn trước khi trở thành những… ”đồng chí”.
Trong bài viết đăng trên Dân Luận, một trong những phản hồi phê phán rằng, những bài "kiểu Dân Luận" (nghĩa là phân tích có lý, lập luận sâu xa) nhiều quá rồi, nói riết cũng nhàm chán, hãy làm gì đó cụ thể. Tôi rất tâm đắc và xin đề xuất 1 giải pháp nhỏ. Có thể sơ sài nhưng nếu được mọi người ủng hộ, đóng góp ý kiến, nó có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho công cuộc đấu tranh vì dân chủ cho nước ta hiện nay.
Đó là: Dân Luận (hay Tập hợp dân chủ đa nguyên) hoặc các tổ chức dân chủ khác hãy làm 1 tài khoản trên mạng xã hội như facebook chẳng hạn. Mục đích không phải tuyên truyền cho dân chủ nữa vì ở Việt Nam ai cũng biết quá rõ chuyện gì đang diễn ra (biết sâu tới đâu thì xin không bàn đến). Mỗi tổ chức hãy cùng phân tích và đưa các chính sách của mình nhằm phản biện lại chính sách của nhà cầm quyền. Không biết có quá chủ quan hay không nhưng tôi có cảm giác hầu hết các tổ chức dân chủ đều chưa hành xử như những nhà chính trị chuyên nghiệp. Có rất nhiều người nặng lòng với đất nước, có tâm huyết nhưng không xem chính trị là... nghề. Hầu như vắng bóng các phản biện về chính sách trong nước. Gần như là phủ định hoàn toàn. Chính khách chuyên nghiệp (theo nghĩa đẹp của nó) phải đưa ra được các chính sách hoặc giải pháp canh tân cho đất nước. Nếu có cạnh tranh giành quyền lực thì cũng nên đấu một cách minh bạch, sòng phẳng. Có lẽ chính vì thế mà Đảng cầm quyền đã chiến thắng vì họ đều là nhà chính trị lão luyện với đủ mọi “chiêu thức”, đối lập với những người chỉ là... “học giả chính trị”. Người trong nước do thiếu vắng thông tin, chỉ nghe được toàn là “chửi rủa” từ bên ngoài thì dẫu không ghét gì nhưng họ không thể ủng hộ những kẻ “chỉ biết chửi” như thế. Cách tốt nhất là đọ sức một cách công khai nhất có thể. Chính sách của anh tốt, nhưng không tốt bằng cái của tui nên tui phải được chọn, đại loại như thế. Các phản biện sâu sắc, hợp lý như vậy sẽ kích thích quần chúng nhân dân ý thức hơn về những vấn đề đang diễn ra, đồng thời góp phần minh bạch hóa - tự do hóa thông tin, dẫn đến ý niệm về dân chủ tự do. Người dân Việt Nam nhìn vào kết quả đó, sẽ biết phải ủng hộ cho ai, tổ chức nào bênh vực, khai sáng cho họ. Rõ ràng nếu phải cạnh tranh một cách minh bạch như vậy, nhà cầm quyền sẽ thua vì đối lập của họ quá mạnh, với đầy đủ phương tiện và con người ưu tú. Người dân trong nước sẽ được “khai trí” qua những chính sách cụ thể và từ đó, đặt niềm tin vào các tổ chức có uy tín và mạnh mẽ. Các tổ chức cũng công khai cạnh tranh lẫn nhau dựa trên sự minh bạch, từ đó thúc đẩy các sáng kiến cũng như viễn kiến cho nước nhà. Các tố chức dân sự trong nước nhờ đó mà từng bước lớn mạnh nhờ vào sự hậu thuẫn to lớn về mặt lý luận cũng như pháp lý vững chắc. Một xã hội dân sự dần được hình thành.
Hãy khoan đặt mục tiêu là giành chiến thắng trước Đảng cầm quyền. Mục tiêu là sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trong nước và sự hình thành của xã hội dân sự. Đó mới là điểm đến cuối cùng mà những chính trị gia cần nhắm tới. Một khi đã dành được sự ủng hộ của dân chúng (trong nước cũng như hải ngoại), điều tốt đẹp sẽ đến với dân tộc chúng ta. Nhưng chúng ta cũng cần đề phòng, Đất nước chúng ta sẽ không bị tan vỡ như đoạn kết của câu chuyện thầy bói xem voi nếu như chúng ta không chịu tương kính, lấy đối thoại thay vì sự ích kỷ cục bộ.
Vào thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, sức mạnh của mạng xã hội vô cùng to lớn. Sự lan truyền theo cấp số nhân. Các vấn đề sẽ được cập nhật 1 cách nhanh chóng. Và, quan trọng hơn, nhà cầm quyền sẽ khó ngăn chặn được mạng xã hội vì đa phần giới trẻ Việt Nam thường dành thời gian cho các mạng này và đủ hiểu biết để vượt tường lửa. Nếu có một “chính sách marketing” tốt + “sản phẩm tốt”, người dân Việt Nam sẽ “mua sản phẩm” với bất kỳ giá nào và “kế hoạch kinh doanh” sẽ thành công rực rỡ.
Sài Gòn, 26 tháng 3 năm 2012
Vạn Tường

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"