Nguyễn Ngọc Gìa
Gửi tới TTHN
-
(Kami) – Khi viết bài này xong, tôi đã lường trước sẽ xảy ra một trận cuồng phong giận dữ của các bạn đọc là fans của bà BTMH, song phản ứng lại là quá nhẹ nhàng so với tôi nghĩ. Có người bảo tôi “quái”, thích gây sock … Sự thật tôi chỉ nghĩ rất đơn giản, viết chỉ để khuyên những ai đó làm người tranh đấu thì phải có ít nhất 03 yếu tố cần và đủ, đó là sự khôn ngoan, bản lĩnh và niềm tin. Việc tôi so sánh bà VTT & bà BTMH cũng chỉ là cách so sánh cho bạn đọc dễ hiểu, sự khác nhau giữa người có và người không có 03 yếu tố trên. Điều đó không có nghĩa là tôi ca ngợi CNCS hay cổ vũ cho bạo lực. Xin cảm ơn bác Nguyễn Ngọc Gìa, bạn viết của tôi từ lâu đã có bài phản biện.
Trân trọng
.
Sáng nay, trên trang Tin Tức Hàng Ngày có bài: “Sự khôn ngoan, bản lĩnh và niềm tin là những cái cần phải có của người tranh đấu” (1) của tác giả Kami bàn về những đặc tính người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam cần phải có, xoay quanh ba yếu tố mà tác giả cho là quan trọng:
- Sự khôn ngoan.
- Bản lĩnh.
- Niềm tin.
- Bản lĩnh.
- Niềm tin.
một khi bất kỳ ai muốn dấn thân làm một điều gì đó cho đất nước.
Tác giả phân tích và viện dẫn các trường hợp như: cô Phạm Thanh Nghiên, LS. Lê Thị Công Nhân và đặc biệt cô Đỗ Thị Minh Hạnh về tinh thần bất khuất, bản lĩnh đối mặt trước bạo quyền không khiếp nhược với tư cách những anh thư thời đại. Điều này hoàn toàn xác đáng không có gì tranh luận thêm.
Song song đó, tác giả cũng nhắc về bà Võ Thị Thắng với nụ cười “kiêu hãnh, bất khuất” khi bị chính quyền VNCH kết án 20 năm tù khổ sai với tuyên bố nổi tiếng một thời trước tòa án: “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi hay không?” để so sánh với bà Bùi Thị Minh Hằng như một hình tượng phụ nữ Việt Nam đấu tranh cho dân chủ nhưng thiếu khôn ngoan, bản lĩnh, niềm tin lý tưởng, trong khi tỏ ra háo danh và dễ bị kích động, khi bà Hằng được một nhóm bạn (không quá vài chục người) vinh danh như là “Người phụ nữ của năm”.
Kèm theo bà Hằng được tác giả nhận định khi bị sự tung hô có vẻ làm lóa mắt và “là đà say men” danh vọng, còn có bà Trần Thị Nga cũng được tác giả Kami cho rằng thích khiêu khích, trêu ngươi, chọc ngoáy chính quyền như bà Hằng. Những hành vi đó của bà Hằng, bà Nga (theo tác giả) trước sau gì cũng “sẽ đi vào trong Quận (CA), (và) vào đó mà tìm (sự nổi tiếng, bản lĩnh, dũng cảm)”.
Bà Võ Thị Thắng (trái) và Bà Bùi Thị Minh Hằng (phải)
Tác giả cũng đưa vào bài viết hình ảnh hai người phụ nữ: Võ Thị Thắng (với nụ cười nhẹ, bình thản và tỏ ra một chút khinh miệt (thì đúng hơn là “kiêu hãnh”, “bất khuất” như tác giả dùng) khi bị tuyên án) và Bùi Thị Minh Hằng (với bàn tay nắm lại, đôi tay đưa cao, bật khóc khi nhìn thấy bạn hữu đến thăm) và môt hình ảnh khác của bà Hằng khi mạnh mẽ vung cao tay, ngửa mặt lên trời trong cuộc biểu tình trước đây để minh họa cho thấy sự đối nghịch (đến bi hài) qua hai hình ảnh của bà Hằng: một bên là (có vẻ) dũng cảm, đầy hào khí; bên kia là sự thảm não và hối hận, tiếc nuối với những giọt nước mắt đáng thương cảm (mà tác giả dường như tự cho bà Hằng là như thế) khi bị nhốt vào Thanh Hà mà không qua xét xử, để kết luận bà Hằng đã quá trớn và lãnh hậu quả ngày nay (24 tháng tù dưới danh nghĩa mỹ miều “cải tạo”) đã phải bật khóc cho hành động nông nổi, bồng bột đấy.
Có vẻ tác giả Kami đã so sánh bà Thắng và bà Hằng thiếu tính khách quan, tính lịch sử, tính khoa học và chuyên nghiệp như một nhà bình luận sắc sảo lâu nay. Vì:
1. Khác biệt lớn nhất giữa bà Thắng và bà Hằng: bà Thắng ám sát hụt một viên chức của chính quyền VNCH mà bà biết rõ và chủ tâm thực hiện VỚI TƯ CÁCH LÀ ĐẢNG VIÊN MỘT CHÍNH ĐẢNG NHẬN LỆNH CẤP TRÊN HẲN HÒI. Bà Hằng ngược lại, không hề là một người của bất kỳ đảng phái nào cả.
2. Khác biệt thứ hai: từ khác biệt một, chúng ta thấy, bà Thắng được huấn luyện kỹ càng (từ những bài học nhồi sọ về chính trị cho đến nghiệp vụ điệp báo, sử dụng vũ khí thuần thục, kể cả những tình huống cần ứng phó khi bại lộ và bị bắt khi rơi vào tay “địch” cùng nhiều nghiệp vụ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản khác) mà bà Hằng KHÔNG TÀI NÀO CÓ ĐƯỢC. Có phải đây là sự khác biệt mà tác giả Kami gọi tên “BẢN LĨNH”, ‘KHÔN NGOAN”, “NIỀM TIN”??? Quả nhiên, làm sao bà Hằng có đủ những phẩm chất ấy như bà Thắng mà tác giả Kami đòi hỏi ở một THƯỜNG DÂN (như bà Hằng)???
3. Khác biệt thứ ba: hệ quả tất yếu do khác biệt thứ hai mang lại để gọi về: lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh của bà Thắng khi quyết định đứng trong đội ngũ những người CS. Trong khi đó bà Hằng xuất phát từ lòng yêu nước bất vụ lợi (cứ cho rằng, vì bà Hằng uất ức từ sự oan trái, sai phạm pháp luật của chính quyền CSVN trong vấn đề đất đai đối với cá nhân bà, từ đó làm cho bà hiểu rõ hơn chính trị không phải là cái gì quá cao xa, luôn ở quanh ta như hơi thở, khi không có dân chủ, thì lợi ích cá nhân cũng bị xâm phạm nghiêm trọng, nước mất thì nhà tan v.v…) và từ ý thức đó, bà Hằng tự phát tham gia biểu tình chống TQ theo phong trào kêu gọi vô tư vào lúc bấy giờ.
4. Khác biệt thứ tư: cần khẳng định thật rõ ràng, tất cả các cuộc biểu tình chống TQ đều do tự phát của một vài nhóm bạn (khởi nguồn từ nhóm Nhật Ký Yêu Nước) trong năm qua và mọi người tự nguyện vì thấy đó là trách nhiệm công dân phải lên tiếng, không phải do bất cứ tổ chức nào đứng ra tổ chức biểu tình. Đây cũng là yếu tố mấu chốt mà phía chính quyền cứ cố săm soi để tìm ra kẻ cầm đầu, nhóm tổ chức VỚI TƯ CÁCH LÀ TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ để quy chụp và dễ khép tội vào điều 79. Đó là một trong những điều quan trọng mà tác giả Kami không đề cập tới.
Từ phong trào tự phát như vậy, bà Hằng nói riêng và hàng ngàn người nói chung CHƯA BAO GIỜ được huấn luyện KỸ NĂNG biểu tình để có đủ kinh nghiệm. Không có kinh nghiệm khoan hãy nói đến “bản lĩnh”, “khôn ngoan”, “niềm tin”. Chủ yếu từ thực tế mà người biểu tình tự rút ra bài học cho riêng mình qua những lần xuống đường.
Cần nói rõ, biểu tình thành công hay không, một trong các yếu tố là có người ĐIỀU KHIỂN, TỔ CHỨC, HUẤN LUYỆN, LÊN KẾ HOẠCH. Theo đó, các luận cứ “KHÔN NGOAN”, “BẢN LĨNH” mà tác giả Kami viện dẫn đều PHẢI ĐƯỢC ĐÀO TẠO, TẬP DƯỢT từ đó mới nói đến “NIỀM TIN” cần phải có.
Các cuộc xuống đường trước 1975, đại đa số đều được chuẩn bị kỹ càng, bài bản chuyên nghiệp, e rằng tác giả Kami không chứng kiến vào lúc bấy giờ để có thể nhận định hợp lý hơn.
Nhớ lại các cuộc xuống đường trước 1975 như: “Ngày ký giả ăn mày”, “Chống chính quyền tham nhũng” v.v… với những tên tuổi một thời như: Kiều Mộng Thu (mẹ bà Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng trường Luật Tp.HCM hiện nay), Lý Quý Chung, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Ni sư Quỳnh Liên, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng v.v… đều là DÂN CHUYÊN NGHIỆP hẳn hòi khi đi đầu trong các cuộc xuống đường.
Nhìn lại thử: Các học giả Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Đỗ Xuân Thọ v.v… hay LS. Nguyễn Thị Dương Hà, LS. Lê Quốc Quân, BS. Phạm Hồng Sơn cho đến thường dân Đặng Bích Phượng, Nguyễn Chí Đức, Trịnh Kim Tiến, các cụ già (như bác Trâm, bác Khánh v.v…), cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy hay ông Phạm văn Điệp (Việt Kiều Nga), bà Nguyễn Thị Hường (Việt Kiều Đức)… hầu như không hề được huấn luyện, đào tạo kỹ năng biểu tình, cách thức tổ chức biểu tình (các khâu hậu cần, người tiên phong, khẩu hiệu thống nhất, nhất loạt nhất tề…) bởi đa số họ đều sinh sống và lớn lên ở miền Bắc (hàng mấy chục năm chưa bao giờ có biểu tình) và phải KHẲNG ĐỊNH HỌ XUỐNG ĐƯỜNG CHỈ VÌ LÒNG YÊU NƯỚC ĐƠN THUẦN, KHÔNG DO AI XÚI GIỤC HAY TỔ CHỨC CẢ. Họ chỉ biết rút kinh nghiệm, bảo ban nhau sao cho hình ảnh của đoàn biểu tình ngày càng đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn trong mắt mọi người và cả quốc tế. Đó không là điều đáng ghi nhận sự học hỏi quá nhạy bén của họ sao?
Đừng đòi hỏi và nhìn họ như là những người chuyên nghiệp cho phong trào dân sự như – Biểu Tình! Đó là sai lầm và thiếu khách quan khi phân tích một hiện tượng, một biến cố như các cuộc biểu tình vừa qua tại Hà Nội.
Khóc lóc do cảm động hay khóc lóc tỏ thái độ bất lực với cuộc đời với chính bản thân mình khi có bàn tay CA phía sau nâng đỡ?
5. Tác giả Kami đưa hình ảnh bà Hằng khóc lóc để áp đặt bà nông nổi, háo danh và đang hối tiếc vì những điều đó cho cái án tù hai năm là không công bằng, trừ phi, tác giả hay tôi hoặc bất kỳ ai có cơ hội phỏng vấn bà Hằng về cảm xúc lúc đấy của bà bằng những câu hỏi khách quan, bình thản và giản dị, ví dụ:
- “Chị có thể cho biết vì sao lúc chị nhìn thấy bạn bè chị lại khóc?”
- “Chị nghĩ gì nếu có người cho rằng chị đang hối tiếc vì hành động mà có người cho rằng xốc nổi để chống chính quyền với án tù 2 năm không qua xét xử?”
- “Nếu bây giờ được trả tự do, chị có tiếp tục biểu tình khi có lời kêu gọi?”
- “Chị nghĩ sao, giữa việc 2 năm tù không qua xét xử và qua xét xử?”
- “Chị có hối tiếc vì chị đã từng là người đi đầu trong các cuộc biểu tình và vì điều đó chị bị 2 năm tù trái luật mà bạn bè chị vẫn đang ở ngoài?”
- “Chị có bao giờ nghĩ vì bạn bè tặng chị danh hiệu “Người phụ nữ của năm” làm cho chính quyền tức giận vì bị trêu ngươi dẫn đến án tù 2 năm không qua xét xử?”
v.v…
Lúc đó, chúng ta mới biết được, bà Hằng khóc vì việc gì, khóc vì lý do gì và khóc vì ai.
Trên hết, tại sao không hướng về những điều đáng lẽ ra có trong tâm thức bà Hằng, ví dụ: Bà Hằng đang rất uất ức vì bị bỏ tù không qua xét xử?
Sau nữa, nếu bà Bùi Thị Minh Hằng đứng trước vành móng ngựa đàng hoàng như bà Võ Thị Thắng ngày xưa, thì kết cục câu chuyện sẽ rẽ sang hướng nào? Giữa một người (bà Thắng) được đào tạo chuyên nghiệp với tư cách “NỮ BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN” để sử dụng súng ống giết người mà vẫn được đưa ra tòa xét xử công khai và một người (bà Hằng) chẳng làm cái gì (ví dụ giết người), chẳng là ai (đảng viên một đảng phái hẳn hòi), vô danh thì chính quyền CSVN hiện nay có quá đê hèn và bỉ ổi???
Bài viết của tác giả Kami mang hơi hướm chủ quan và đòi hỏi quá nhiều trình độ chính trị, kỹ năng tổ chức biểu tình chuyên nghiệp đối với một thường dân như bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Trần Thị Nga. Tác giả hãy nhìn các chị phụ nữ ấy chỉ là những thường dân đang dần hiểu ra sự oan ức [bà Hằng (thì về đất đai) bà Nga (thì đã từng bị làm nô lệ lao động)] để thấy rõ bản chất CSVN chỉ là lừa đảo và dối trá, xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi để cùng với mọi người vạch trần bộ mặt bán nước, hại dân của CSVN. Nếu tác giả kami có cái nhìn như vậy, sẽ đẹp hơn rất nhiều và mang đầy tinh thần bao dung, hào sảng.
Tóm lại, tác giả Kami đã nghiêm trọng hóa, chuyên nghiệp hóa việc biểu tình tự phát vừa qua, cùng sự khủng bố hèn hạ của CS đối với bà Hằng, bà Nga và nhiều người khác. Xin đừng áp cái nhìn của tác giả – với tư cách (đã từng) là một cựu chiến binh, cựu đảng viên CSVN, (như tác giả cho biết), cùng với trình độ lý luận chính trị uyên thâm, hiều nhiều, biết rộng, vào những thường dân vô danh, chưa bao giờ được huấn luyện, đào tạo chuyên nghiệp về bất kỳ vấn đề gì thuộc phạm vi chính trị hay xã hội.
***
Ít nhất, bà Võ Thị Thắng và nhiều ông (bà) CS nằm vùng ngày xưa, chưa từng bị ném phân, mắm tôm vào nhà, đụng xe dằn mặt, bóp d…, ném đá vào đầu, vục hai bao cao su vào mặt, giam giữ không qua xét xử v.v… bất chấp họ là những tay khủng bố thứ thiệt và chuyên nghiệp hẳn hòi!
Đừng hỏi vì sao những ông (bà) CS nằm vùng ngày xưa không bị như thế, bởi giới cầm quyền CS của ngày nay còn chưa phân biệt nổi sự khác nhau giữa “con-người” và “con-vật-người”, như Nhà văn Dương Thu Hương đã từng phải “khóc khi thấy nền văn minh đã thua một chế độ man rợ!” (2)
Nguyễn Ngọc Già
_______________
_______________