Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Phát súng lệnh của một đợt trấn áp dân oan mới?

Sao Hồng

Theo thông tin từ báo chí nhà nước, hôm 18/04/2013, trong cuộc họp bàn “nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ các kỳ họp của Trung ương Đảng và Quốc hội” do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố. Ông Huỳnh Phong Tranh, vị “Tổng chỉ huy” ngành Thanh tra nêu quan điểm: “Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các tỉnh, thành phố phải dự báo, nắm tình hình khiếu kiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý. Quan trọng nhất là phải tăng cường đối thoại, giải quyết tại cơ sở theo thẩm quyền”. Đối với các đoàn đông người quá khích, đặc biệt là những đoàn mang màu sắc chính trị tại Hà Nội và TP.HCM, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu “phải tiến hành cưỡng chế, các địa phương có đoàn đông người phải phối hợp để xử lý; sau cưỡng chế, tiếp tục nắm tình hình, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý dứt điểm”.
* * *
Mình không được nghe trực tiếp ông Tranh phát biểu. Nhưng nếu đúng như các đài, báo đưa tin, thì mình quá thất vọng về phát ngôn của ông.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong tranh phát biểu tại Cuộc họp (Ảnh: HNV)
Mình đã từng làm “chủ nhiệm ban thanh tra nhân dân” ở cơ sở (tức là một cơ quan). Vẫn biết rằng làm “thanh tra nhân dân” ở cơ sở là “cầm cu cho người ta… đái”, nhưng phàm đã làm bất cứ việc gì thì trước hết phải nắm rõ CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ (CN-NV) của bộ phận, đơn vị, cơ quan đó. Nếu một đơn vị, cơ quan chưa có CN-NV thì phải được viết ra và phê duyệt trước khi thành lập đơn vị, cơ quan đó.
Vì thế mình đã từng đọc CN-NV của ngành Thanh tra từ trung ương đến cơ sở (1).
Vậy CN-NV của Thanh tra Chính phủ là gì? Xin bà con xem TẠI ĐÂY. Chỉ chép lại nguyên văn “vị trí và chức năng” của Thanh tra Chính phủ, như sau:
Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”.
CHỨC NĂNG thì chỉ cần ngắn gọn và súc tích thế thôi. Nhưng muốn làm hết chức năng thì phải có những nhiệm vụ cụ thể.
Chức năng của thanh tra là bảo vệ quyền công dân; đồng thời cũng bảo vệ uy tín của chính phủ, đảm bảo các cơ quan công quyền hay bất cứ công dân nào cũng tuân thủ và làm đúng luật nhà nước đã ban hành.
Những vụ “khiếu kiện, tố cáo” của dân đâu chỉ đơn thuần là kinh tế hay đất đai?
Thử hỏi, một cơ quan hành pháp bắt giữ người sai luật; hoặc tiếp nhận thông tin sai hay vì mục đích xấu mà vu khống, quy chụp quan điểm chính trị cho người dân thì họ không được khiếu nại tố cáo chăng?
Mặt khác, khái niệm “quá khích” còn tùy thuộc ngữ cảnh và cách hiểu của từng đối tượng, từng vị trí khác nhau trong xã hội. Muốn hiểu đúng, thường là theo luật, thì phải có những cơ quan như Thanh tra đứng ra tìm hiểu và phối hợp với các ngành khác phân xử.
Ông bảo quá khích, nhưng có những người dân oan đi khiếu kiện hằng chục năm trời mà không có kết quả thì liệu họ có kiên nhẫn?
Đáng ra nhiệm vụ của ngành ông là làm minh bạch, xem xét đúng sai và giải quyết những bất công, những oan ức trong tất cả các lĩnh vực của xã hội và đời sông nhân dân. Để giải quyết thấu đáo, đem lại niềm tin cho công dân và ổn định xã hội.
Cơ quan thanh tra đâu phải thuộc ngành an ninh chính trị, hay cơ quan quản lý trật tự xã hội. Quyền khiếu nại, tố cáo của người dân chẳng phải đã được hiến định bằng các Luật đó sao?
Chẳng nhẽ, khi ngành ông không hoàn thành CN-NV thì ông đổ lỗi cho ngành an ninh trật tự xã hội ở các địa phương?
Phát biểu của ông Tổng thanh tra làm người ta đặt lại nhiều vấn đề. Mà trước hết là “chức năng và nhiệm vụ” của Thanh tra chính phủ.
Phải chăng, chính cái tên “thanh tra chính phủ” vì mất đi hai chữ “nhân dân” (mà cấp cơ sở vẫn gọi là “thanh tra nhân dân”) nên làm cho ông Tổng chỉ huy Thanh tra đã hiểu sai CN-NV của mình?
Một Tổng chỉ huy của một ngành có “chức năng” bảo vệ dân, bảo đảm luật thi hành công minh mà hiểu sai CN-NV của ngành mình; phát biểu thiếu cân nhắc thì vô tình đẩy người dân về phía đối lập.
Chẳng nhẽ chức năng chống tham nhũng của Thanh tra chính phủ đã đẩy về Ban nội chính trung ương nên ông Tổng chỉ huy ngành phát biểu mang tính bạo lực như vậy?
Hay đây là phát súng lệnh của một đợt trấn áp dân oan mới?
20/04/2013
Tác giả gửi cho Quê Choa
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
_________________
Tham khảo:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"