Chúng ta, những người yêu chuộng tự do và nhân phẩm, cần tiếp sức với
anh để gióng vang xa những gì anh đã phải đánh đổi sự an nguy của mình
để có được. Chúng ta cần kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế lên
tiếng bảo vệ anh và các anh em của anh trước phiên toà sơ thẩm sắp tới
mà đọc qua bản cáo trạng đã có thể thấy trước sự bất công đã được dàn
xếp sẵn để áp đặt lên các anh. Anh xứng đáng là biểu tượng của hàng chục
triệu dân oan đang hàng ngày phải khiếu kiện đòi công bằng trước những
luật lệ bất công. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ để những
người cầm quyền thấy rằng nếu họ áp đặt một bản án tàn nhẫn lên các anh
thì đó cũng sẽ là một cáo trạng cho chính họ và biến anh thành người anh
hùng, một biểu tượng của sự dũng cảm dám vùng lên để bảo vệ lợi ích và
quyền con người, truyền cảm hứng và sức mạnh cho cuộc đấu tranh vì tự
do, công bằng và nhân phẩm.
Lê Thăng Long
Lê Thăng Long
Vụ án anh Đoàn Văn Vươn xảy ra lúc tôi còn trong tù. Đầu tiên
nghe tin trên VTV nói rằng có một việc chống người thi hành công vụ rất
táo tợn tại Hải Phòng, hung thủ dùng súng tự chế gây thương tích cho lực
lượng công an. Bản tin không nói rõ vụ việc này xuất phát từ việc cưỡng
chế đất đai nên lúc đầu chúng tôi tưởng đây là sự táo tợn của các tội
phạm hình sự. Nhưng không lâu sau đó cũng trên VTV phát một phóng sự cho
biết sự việc liên quan đến chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế thu
hồi đất đai và có nhiều sự khuất tất trong cách hành xử của quan chức.
Ngay khi xem xong phóng sự này anh Trần Huỳnh Duy Thức nói với tôi rằng
anh Vươn không phải là tội phạm mà là nạn nhân của cường quyền nhân danh
"chính quyền" và "đất đai thuộc sở hữu toàn" để cưỡng đoạt tài sản của
người dân. Rồi anh Thức dẫn lời Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: “Nếu
không muốn người dân phải vùng lên như một biện pháp (hoặc một chỗ dựa)
cuối cùng để chống lại cường quyền và áp bức thì bắt buộc phải bảo vệ
quyền con người bằng pháp luật”. Rồi anh phân tích rất nhiều để cho thấy
rằng anh Vươn là một người dũng cảm đã dám vùng lên chống lại cường
quyền khi mà mọi biện pháp bằng đấu tranh pháp lý không giúp được cho
gia đình anh và những người nông dân bảo vệ được quyền lợi chính đáng
của mình. Pháp luật không còn là chỗ dựa cho người dân lành thì tất yếu
như quy luật “tức nước vỡ bờ”, họ phải sử dụng vũ khí để tự vệ chính
đáng nhằm bảo vệ mình và gia đình.
Lúc đó anh Thức kể tôi nghe câu chuyện về nhân vật vĩ đại, huyền
thoại Nelson Mandela. Ông xuất thân từ dòng dõi quý tộc, đã có thể thừa
kế vương vị của một bộ tộc lớn nhất của Nam Phi. Dù có một giai đoạn khó
khăn ngắn sau khi cha mất, nhưng sau đó ông được một nhiếp chính vương
triều, người nhận ơn từ cha ông, đỡ đầu và sống một cuộc sống đầy đủ.
Ông được cho học những trường tốt nhất của Nam Phi thời đó. Nhưng khi
sắp tốt nghiệp trở thành luật sư thì ông chấp nhận bị đuổi học chứ không
chịu thỏa hiệp với sự sắp đặt cho một cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu để
đưa ông lên làm lãnh đạo sinh viên. Đây là bước ngoặt đã đưa chàng thanh
niên Mahiba (tên theo bộ tộc của Nelson Mandela) dấn thân vào con đường
đấu tranh cho quyền công dân của người da màu ở Nam Phi. Ông gia nhập
phong trào Đại hội Dân tộc Phi (ANC) – một phong trào đấu tranh bất bạo
động vốn đã từng được lãnh đạo bởi chính ngài Gandhi. Nhiều năm đầu ông
kiên trì theo đuổi các hành động phi bạo lực như biểu tình, bất tuân dân
sự, thỉnh nguyện thư. Cuộc đấu tranh này đã dẫn đến nhiều cao trào được
quần chúng ủng hộ mạnh mẽ nhưng vẫn không buộc được chính quyền phân
biệt chủng tộc Nam Phi chấp nhận thay đổi để tôn trọng quyền công dân
cho người da màu. Mỗi lần các phong trào quần chúng phát triển đến cao
trào thì chính quyền ra tay đàn áp và bỏ tù
những lãnh đạo của các phong trào này bằng những thủ đoạn vu vạ cho họ sử dụng bạo lực. Chính Nelson Mandela trong giai đoạn đó đã từng bị đưa ra xét xử theo kiểu như vậy nhưng cuối cùng được trắng án nhờ sự ủng hộ và bảo vệ nhiệt tình của rất nhiều luật sư da trắng tiến bộ.
những lãnh đạo của các phong trào này bằng những thủ đoạn vu vạ cho họ sử dụng bạo lực. Chính Nelson Mandela trong giai đoạn đó đã từng bị đưa ra xét xử theo kiểu như vậy nhưng cuối cùng được trắng án nhờ sự ủng hộ và bảo vệ nhiệt tình của rất nhiều luật sư da trắng tiến bộ.
Sau biến cố trên Nelson Mandela đã suy nghĩ rất nhiều và dẫn đến một
nhận định rằng không thể ôn hoà để đấu tranh giành lại quyền chính đáng
đó với một chính phủ cường quyền như vậy. Tất cả mọi biện pháp hợp pháp
theo pháp luật của chế độ này đều bị đàn áp và chà đạp. Pháp luật đó
không phải là chỗ dựa của đa số nhân dân Nam Phi để bảo vệ quyền lợi
chính đáng của mình. Ông buộc phải tin rằng không thể phi bạo lực với
một chính phủ chỉ biết dùng vũ lực của an ninh để đáp ứng đòi hỏi của
người dân. Và dù vẫn tôn trọng nguyên tắc bất bạo động cho đích đến cuối
cùng, ông quyết định lập ra nhóm vũ trang có tên gọi là MK nhằm mục
tiêu đánh phá các cơ sở kinh tế của nhà cầm quyền độc tài Nam Phi lúc
đó. Ông chủ trương tránh các khu vực có thể ảnh hưởng đến dân cư. Dù vậy
đó vẫn là một tổ chức có tính chất khủng bố cho dù nó vì mục tiêu chính
đáng. Bởi điều này mà sau đó ông bị bắt và cuối cùng bị kết án tù chung
thân. Bản án này biến ông trở thành người một người hùng của thanh niên
da đen nói riêng và của cả dân tộc da màu ở Nam Phi nói chung. Từ đó,
dù ở trong tù nhưng ông trở thành một biểu tượng để các phong trào và
lực lượng đấu tranh vì quyền công dân cho người da màu ở Nam Phi duy trì
hoạt động trong suốt 26 năm ông bị tù đày. Trong suốt thời gian đó ông
luôn kiên định lý tưởng và mục tiêu của mình và không chịu từ bỏ phương
thức đấu tranh vũ trang cho đến khi tổng thống Botha của Nam Phi lúc đó
chấp nhận đối thoại với ông để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho đất
nước. Sự kiện này cuối cùng đã dẫn đến kết quả là tổng thống De Clerk,
người kế nhiệm Botha buộc phải thả ông trước áp lực trong nước và quốc
tế và khởi đầu cho tiến trình hoà giải dân tộc, dẫn đến bầu cử tự do vào
năm 1994. Chính sự kiện này đã mang đến giải Nobel Hoà bình cho cả hai
ông Mandela và De Clerk. Cuộc bầu cử tự do đã trao chức tổng thống cho
Mandela và phó tổng thống cho De Clerk.
Từ nhỏ Nelson Mandela được biết đến như một thiếu niên hiền lành, có
phần rụt rè. Lớn lên ông là một thanh niên ôn hoà, cư xử rất đúng mực.
Chính sự cường quyền của chế độ phân biệt chủng tộc đã buộc ông phải sử
dụng vũ lực như một chỗ dựa cuối cùng để đấu tranh loại bỏ chế độ độc
tài cường quyền. Câu chuyện của ông là một minh chứng cho tính tất yếu
của quy luật “tức nước vỡ bờ” mà Liên Hiệp Quốc đã thừa nhận là không
thể tránh khỏi nếu những kẻ cầm quyền không tôn trọng và bảo vệ chính
đáng quyền con người cho con người.
Sau khi ra tù tôi tìm đọc lại hồi ký “Đường dài đến với tự do” của
Nelson Mandela. Điều làm tôi thật xót xa là những sự cường quyền, bạo
ngược mà ông lên án về chế độ độc tài phân biệt chủng tộc ở Nam Phi thời
đó còn thua xa những gì đang xảy ra trên đất nước Việt Nam của mình.
Những người da màu ở Nam Phi dù không được công nhận quyền công dân
trong việc bầu cử và ứng cử vào bộ máy cầm quyền nhưng hầu hết các quyền
con người của họ đều được tôn trọng. Họ có quyền biểu tình bất bạo động
bất kỳ lúc nào họ muốn. Họ có nhiều tờ báo tư nhân của cả người da màu
lẫn da trắng để hỗ trợ người da màu thực hiện quyền tự do ngôn luận của
mình. Không có sự kiểm soát và đàn áp tôn giáo nào xảy ra trong thời
gian đó. Người da màu dù không được đối xử công bằng trong việc quy
hoạch một số các vùng đất tốt ưu đãi cho người da trắng nhưng họ vẫn có
quyền sở hữu đất đai của mình và không có chuyện bị thu hồi, tước đoạt
bất kỳ lúc nào ngoài ý muốn của họ và cộng đồng của họ. Chính Mandela
khi bị đưa ra xét xử trong vụ án mà ông phải lãnh án tù chung thân nói
trên đang là một tù nhân chính trị trong một vụ án khác trước đó. Nhưng
tất cả mọi quyền con người của ông trong quá trình điều tra và xét xử
được tôn trọng và bảo vệ một cách nghiêm túc. Ông được tạo mọi điều kiện
cần thiết và đầy đủ để thực hiện quyền tự bào chữa của mình. Cho dù lực
lượng an ninh Nam Phi tìm mọi cách để hạn chế quyền của ông nhưng toà
án nước này vẫn bác bỏ các yêu cầu của an ninh để bảo đảm quyền và điều
kiện tự bào chữa cho ông. Phiên toà của ông có đến hàng ngàn người ủng
hộ đến tham dự mà cành sát Nam Phi được lệnh toà án phải thực hiện mọi
biện pháp cần thiết để đảm bảo cho họ được tham dự một cách trật tự.
Không một ai bị đòi hỏi phải có giấy mời được vào phiên toà dù vụ án này
thuộc loại an ninh quốc gia. Trên đường dẫn giải vào phiên toà những
người ủng hộ ông hát vang các bài ca tranh đấu mà không cảnh sát nào
được quyền ngăn chặn quyền bày tỏ đó của họ. Điều rất đáng chú ý là ông
được cung cấp đầy đủ sách luật các loại, giấy viết và phòng làm việc để
ông có thể viết ra bản tự biện hộ cho mình mà an ninh lẫn cai tù không
ai được phép can thiệp, xem trước. Và dù đoán biết trước rằng ông sẽ tận
dụng bản tự biện hộ để viết thành một bản cáo trạng lên án chính quyền
và chế độ phân biệt chủng tộc, nhưng an ninh Nam Phi cũng không có quyền
ngăn cản ông chuyển văn bản đó trực tiếp cho con gái của mình cầm ra
khỏi nhà tù.
Vào ngày mà ông đứng trước toà đọc bản biện hộ đó thì cùng lúc ấy con
gái ông đứng trước công chúng đọc bản cáo trạng đó cho hàng chục ngàn
người đang xuống đường tuần hành ủng hộ ông. Ngay lập tức hàng loạt tờ
báo lớn ở Nam Phi đã đăng tải bản tự biện hộ kiêm cáo trạng này. Không
một ai bị bắt hoặc sách nhiễu vì đã thực hiện các quyền tự do ngôn luận
như thế của mình. Nhờ những áp lực dư luận trong nước như vậy và sự lên
án của quốc tế mà ông đã thoát án tử hình.
So sánh với những phiên toà bị gọi là an ninh quốc gia ở Việt Nam hơn
nửa thế kỷ sau vụ án trên của Nelson Mandela, cảm xúc không chỉ xót xa
mà còn hổ thẹn cho ngành tư pháp và những quan toà chỉ biết phán theo
chỉ thị. Có một chi tiết “thú vị” là khi bắt đầu phiên toà, Nelson
Mandela đã yêu cầu thay đổi một thẩm phán vì ông cho rằng người này
không thể đảm bảo sự vô tư vì đã từng có mối quan hệ với bộ Tư pháp Nam
Phi. Vị thẩm phán này đã phải thừa nhận và xin lỗi rồi xin rút lui. Ngay
phút đầu tiên của phiên toà sơ thẩm xét xử chúng tôi, anh Thức đã yêu
cầu thay đổi toàn bộ hội đồng xét xử bằng những người không phải đảng
viên đảng Cộng sản Việt Nam với những lập luận chặt chẽ từ bộ luật tố
tụng hình sự. Hội đồng xét xử này đã đáp lại yêu cầu của anh bằng việc
bác bỏ “vì không có đủ căn cứ pháp lý” trong khi đó bộ luật tố tụng hình
sự mà họ căn cứ để xét xử chúng tôi ghi rất rõ rằng những người tiến
hành tố tụng (bao gồm thẩm phán, hội thẩm, thư ký, kiểm sát viên,…)
Không được có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến các bên tham gia tố
tụng (gồm bị cáo, người/đối tượng xâm phạm mà trong trường hợp này là
chính quyền của đảng Cộng sản Việt Nam) Ấy vậy mà cáo trạng lẫn bản án
đã cáo buộc chúng tôi lật đổ “chính quyền nhân dân” bởi vì đã cố gắng
loại bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.
Không chỉ các vụ án chính trị, mà trong hầu hết các vụ án hình sự ở
Việt Nam quyền con người đều không được tôn trọng. Điều trớ trêu là
trong những vụ án như vậy công dân nước ngoài còn được bảo vệ quyền con
người nhiều hơn là công dân Việt Nam ngay trên tổ quốc của mình. Quyền
công dân của người Việt Nam chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Còn trên thực
tế thì nó được dùng để hợp thức hoá sự cầm quyền của đảng Cộng sản Việt
Nam trong những cuộc bầu cử cho những người do đảng lựa chọn. Sự lựa
chọn duy nhất mà người dân có được trong những cuộc bầu cử đó là chọn
giữa “tự nguyện” từ bỏ quyền công dân và quyền con người của mình với bị
đánh mất sự bình yên, an toàn vì miếng cơm manh áo. Chọn lựa nào cũng
là sự hạ thấp nhân phẩm. Trong một xã hội như Nam Phi thời phân biệt
chủng tộc, người ta còn phải vùng lên với vũ khí trong tay. Đừng nói đến
một xã hội bị bóp nghẹt bởi toàn trị như Việt Nam. Chúng ta không
khuyến khích bạo lực. Chính sự cường quyền đã thúc đẩy bạo lực, buộc
những người dân lành phải sử dụng nó như một chỗ dựa cuối cùng và duy
nhất để bảo vệ mình. Trong các bức thư bác Trần Văn Huỳnh gửi cho chính
phủ Việt Nam và các nước để kêu gọi trả tự do cho anh Trần Huỳnh Duy
Thức, bác viết rằng khi chính phủ kết tội những người đã đấu tranh đòi
quyền con người bằng cách bất bạo động là những tội phạm âm mưu “diễn
biến hoà bình” thì chính phủ đó đang khuyến khích bạo lực và cổ vũ cho
chiến tranh.
Anh Đoàn Văn Vươn là một nông dân hiền lành, chất phát, chịu thương
chịu khó. Anh cùng với anh em và gia đình mình đã chấp nhận rủi ro và
gian khổ hàng chục năm trời để khai hoang đầm lầy, rừng thiêng nước độc
thành những vùng đất, ao hồ nuôi sống gia đình mình và đóng góp lợi ích
cho quốc gia. Nhưng những thành quả đó đã bị tước đoạt không thương
tiếc, đẩy cả đại gia đình anh và những bà con nông dân ở đó vào chỗ khốn
cùng.
Anh và bà con đã tin tưởng luật pháp gửi đơn khiếu nại khắp nơi nhưng
chỉ nhận được sự phũ phàng. Còn chỗ dựa nào khác ngoài sự cam chịu hoặc
vùng lên. Anh Vươn và các anh em mình đã chọn làm người để vùng lên
bảo vệ quyền con người và lợi ích của gia đình mình nói riêng và của
hàng triệu người dân oan nói chung. Đó là sự hy sinh to lớn của anh để
gióng lên những nỗi lòng của dân chúng và những lời cảnh báo đối với
cường quyền.
Chúng ta, những người yêu chuộng tự do và nhân phẩm, cần tiếp sức với
anh để gióng vang xa những gì anh đã phải đánh đổi sự an nguy của mình
để có được. Chúng ta cần kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế lên
tiếng bảo vệ anh và các anh em của anh trước phiên toà sơ thẩm sắp tới
mà đọc qua bản cáo trạng đã có thể thấy trước sự bất công đã được dàn
xếp sẵn để áp đặt lên các anh. Anh xứng đáng là biểu tượng của hàng chục
triệu dân oan đang hàng ngày phải khiếu kiện đòi công bằng trước những
luật lệ bất công. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ để những
người cầm quyền thấy rằng nếu họ áp đặt một bản án tàn nhẫn lên các anh
thì đó cũng sẽ là một cáo trạng cho chính họ và biến anh thành người anh
hùng, một biểu tượng của sự dũng cảm dám vùng lên để bảo vệ lợi ích và
quyền con người, truyền cảm hứng và sức mạnh cho cuộc đấu tranh vì tự
do, công bằng và nhân phẩm.
31/03/2013
Lê Thăng Long
Đồng khởi xướng và sáng lập phong trào Con đường Việt Nam
Lê Thăng Long
Đồng khởi xướng và sáng lập phong trào Con đường Việt Nam