Có lần ông Bùi Tín được một nhóm trí thức Việt kiều mời sang San José
nói chuyện về chế độ CSVN và tình hình hiện nay ở Việt Nam. Cuộc nói
chuyện ấy đã không xuôi chèo mát mái. Thoạt tiên là việc bất đồng trong
Ban tổ chức buổi nói chuyện, vì có những kẻ phản đối cho rằng việc gì
phải đi nghe một “tên cán bộ cộng sản” nói chuyện.
Kế đến, khi buổi nói chuyện diễn ra thì có người la ó phản đối, có
người xé ảnh Bùi Tín, chà đạp dưới chân rồi lên tiếng chửi rủa. Sau buổi
nói chuyện đến phần chất vấn thì ôi thôi, nhiều vị đem chuyện xưa tích
cũ ra mà chì chiết, nào là: hồi ấy chính ông giết cha tôi, nào là ông đã
từng như thế này… như thế kia…làm cho cụ Bùi nhà ta phải vất vả chống
đỡ… Thế rồi sau buổi nói chuyện, ra khỏi hội trường lại có kẻ chạy theo
cô Võ Ngọc Trang, biên tập viên của báo mạng Đàn chim Việt mà… nhổ vào
mặt.
Trong bài này tôi sẽ không bày tỏ chính kiến của mình về ông Bùi Tín.
Tôi chỉ muốn phát biểu về “phương pháp đấu tranh cách mạng” cơ bản mà
bất cứ ai muốn tranh đấu và giành thắng lợi đều phải biết.
*
Trước ngày 30/4/1975 chánh quyền của Tổng thống Thiệu đang đứng trước
nguy cơ sụp đổ. Ngoài mặt trận thì Việt cộng đánh rất mạnh, ở Sài Gòn
thì phong trào sinh viên tranh đấu hoạt động ráo riết.
Lúc ấy ông Nguyễn Cao Kỳ và các cộng sự của ông thừa biết Huỳnh Tấn
Mẫm và các thành viên trong Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn là đảng viên cộng
sản nằm vùng nhưng ông Kỳ vẫn mời Huỳnh Tấn Mẫm đến họp để bàn “quốc
sự”.
Tại sao? Vì một lý do rất đơn giản là: tuy hai ông Kỳ và Mẫm một bên
là “quốc gia” một bên là “cộng sản” nhưng họ đã biết dẹp bỏ thù riêng để
liên minh với nhau vì một mục đích chung: chống ông Thiệu.
Vậy thì tại sao Bùi Tín lại bị cái nhóm người kia chửi rủa, xé ảnh và
chà đạp dưới chân. Rõ ràng họ không có ý niệm gì về “liên minh”, về
“tính mục đích” của một phong trào tranh đấu. Họ đã hành động hoàn toàn
vì cá nhân và rất “ngây thơ chính trị”.
Đừng nói Ông Bùi Tín đã từ bỏ chế độ CSVN và đã phản tỉnh sâu sắc
(thông qua các bài viết rất đa dạng của ông), ngay cả khi ông chẳng viết
lách gì cả mà ông đồng ý đến dự một hội thảo như thế thì cũng đáng để
cho những người chống cộng kia phải trải thảm đỏ đón ông rồi. Có thể
những người đó trong lòng vẫn còn ấm ức vì tư thù, nhưng vì hai bên đều
có cùng một “mục đích đấu tranh chính trị” nên họ phải đưa tay ra và nở
nụ cười. Đó là điều cơ bản, sơ đẳng nhất của những người làm chính trị.
Gần đây, chị Kim Chi, một diễn viên điện ảnh lão thành cách mạng của
Việt Nam đã ngang nhiên từ chối bằng khen của thủ tướng với lý do: “Tôi
không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước,
làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác
mình bị xúc phạm.” Chị cũng khẳng định: ”Tôi là một người cộng sản
chính hiệu”.
Chỉ vì cái câu này mà có người phê phán chị là “vẫn còn ảo tưởng khi
tự hào mình là một người cộng sản”. Họ không biết rằng khi chị Kim Chi
khẳng định mình là người cộng sản tức là chị đang dùng một chiêu tự vệ
cần thiết.
Cũng cần nói thêm: những kẻ phê phán chị Kim Chi thật giống những
“quý ông” ở San José: quá ngây thơ chính trị và chẳng hiểu gì về ý niệm
“liên minh” về “tính mục đích” của phong trào.
Đấu tranh chính trị cũng giống như đá bóng: cho dù anh ghét cay ghét
đắng cầu thủ X cầu thủ Y nào đó (vì nó lăng nhăng với vợ anh chẳng hạn)
nhưng đã đá cùng một đội thì khi anh ta chuyền bóng cho anh, anh cũng
phải đón bóng và tấn công đối phương, thậm chí đường chuyền của anh ta
có vụng về, sai sót kỹ thuật, thì anh cũng phải cố cứu lấy bóng mà tiếp
tục tấn công. Trong tình huống ấy nếu anh bỏ bóng và chê anh ta là một
thằng ngu thì chính anh lại là một thằng ngu. Tệ hơn nữa, nếu anh đưa
bóng vào lưới nhà thì chỉ còn cách mời anh ra khỏi sân và thay cầu thủ
khác mà thôi.
Đấu tranh chính trị mà không coi nhau như “đồng chí”, hở một chút là
lên án, chụp mũ, chê bai … thì chẳng khác nào đá bóng vào lưới nhà.