Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Nguyên tắc của nền dân chủ

Nguyễn Quang dịch và giới thiệu

Từ khắp nơi trên thế giới người ta đã xác định các nguyên tắc cơ bản phải tồn tại để có một chính phủ dân chủ. Những nguyên tắc này thường trở thành một phần của hiến pháp hoặc tuyên ngôn dân quyền trong một xã hội dân chủ. Mặc dù không có hai quốc gia dân chủ hoàn toàn giống nhau, người dân trong các nền dân chủ đều cùng ủng hộ những nguyên tắc cơ bản như nhau và đều cùng mong muốn những lợi ích như nhau từ chính phủ của họ.
1. Công dân tham gia
Democracy for allMột trong các chỉ dẫn cơ bản nhất của một nền dân chủ là sự tham gia của các công dân trong chính phủ. Việc tham gia là vai trò quan trọng của công dân trong nền dân chủ. Đó không chỉ là quyền của họ, mà còn là nhiệm vụ của họ. Sự tham gia của công dân có thể có nhiều hình thức bao gồm ra ứng cử bầu cử, đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử, tìm hiểu thông tin, thảo luận các vấn đề, tham dự các cuộc họp cộng đồng hay xã hội, làm thành viên của các tổ chức tình nguyện tư nhân, nộp thuế, và thậm chí phản kháng. Sự tham gia của công dân tạo dựng một nền dân chủ tốt hơn.

2. Bình đẳng
Xã hội dân chủ nhấn mạnh nguyên tắc rằng tất cả mọi người đều bình đẳng. Bình đẳng có nghĩa là tất cả các cá nhân đều được đánh giá bình đẳng, có cơ hội bình đẳng, và không thể bị phân biệt đối xử vì chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc, giới tính hoặc khuynh hướng tình dục. Trong một nền dân chủ, cá nhân và các nhóm vẫn duy trì quyền được có nền văn hóa, tính cách, ngôn ngữ và tín ngưỡng riêng.
3. Khoan dung Chính trị
Xã hội dân chủ có tính khoan dung về chính trị. Điều này có nghĩa rằng mặc dù trong một nền dân chủ quyền cai trị thuộc về đa số người dân, nhưng quyền của thiểu số phải được bảo vệ. Những người không giữ quyền lực phải được phép tổ chức và lên tiếng. Thiểu số đôi khi được gọi là phe đối lập vì họ có thể có những ý tưởng khác với đa số. Các cá nhân công dân cũng phải học cách khoan dung với nhau. Một xã hội dân chủ thường bao gồm những người từ các nền văn hóa, các nhóm chủng tộc, tôn giáo và dân tộc khác nhau và có quan điểm khác với đa số dân chúng.
Một xã hội dân chủ được làm phong phú thêm bởi sự đa dạng. Nếu đa số từ chối quyền của thiểu số và tiêu diệt đối lập, thì họ cũng tiêu diệt luôn nền dân chủ. Một mục tiêu của nền dân chủ là đưa ra quyết định tốt nhất có thể cho xã hội. Để đạt được điều này, cần phải tôn trọng mọi người và , tôn trọng quan điểm của họ.
Quyết định có nhiều khả năng được chấp nhận, ngay cả những người chống đối họ, nếu tất cả các công dân được phép thảo luận, tranh luận và chất vấn về các quyết định đó.
4. Chịu trách nhiệm
Trong một nền dân chủ, quan chức được bầu và bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước người dân. Họ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Các quan chức phải thực hiện các quyết định và thực hiện các nhiệm vụ của mình theo ý chí và nguyện vọng của người dân, chứ không phải vì bản thân mình.
5. Minh bạch
Để chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, người phải có nhận thức về những gì đang xảy ra trong nước. Điều này được gọi là tính minh bạch trong chính phủ. Một chính phủ minh bạch tổ chức các cuộc họp công khai và cho phép người dân tham dự. Trong một nền dân chủ, báo chí và người dân có thể nhận được thông tin về những quyết định nào đang được thực hiện, ai đang thực hiện và tại sao phải thực hiện.
6. Bầu cử tự do và công bằng thường kỳ
Một cách để công dân của đất nước thể hiện ý chí của họ là bầu các quan chức đại diện cho họ trong chính phủ. Nền dân chủ khẳng định rằng những quan chức được bầu chọn một cách tự do và công bằng vào các chức vụ và được giải nhiệm một cách hòa bình. Hăm dọa, hối lộ, và đe dọa người dân trong hoặc trước một cuộc bầu cử là đi ngược lại các nguyên tắc của nền dân chủ. Trong một nền dân chủ, các cuộc bầu cử được tổ chức thường kỳ sau mỗi vài năm. Sự tham gia bầu cử không nên dựa vào tải sản của công dân. Để có các cuộc bầu cử tự do và công bằng, hầu hết các công dân trưởng thành cần phải có quyền được ứng cử vào chức vụ chính phủ. Ngoài ra, không được có các cản trở gây khó khăn cho người dân đi bỏ phiếu.
7. Kinh tế Tự do
Người dân sống trong một nền dân chủ phải có một hình thức tự do kinh tế nào đó. Điều này có nghĩa là chính phủ cho phép một số sở hữu tư nhân về tài sản và doanh nghiệp, và người dân được phép chọn công ăn việc làm và công đoàn lao động của họ. Vai trò chính phủ phải thực hiện trong nền kinh tế là đề tài mở với nhiều tranh luận, nhưng người ta thường được chấp nhận rằng thị trường tự do nên tồn tại trong một nền dân chủ và nhà nước không hoàn toàn kiểm soát nền kinh tế. Một số người cho rằng nhà nước nên đóng vai trò mạnh mẽ hơn ở các quốc gia nơi tồn tại sự bất bình đẳng quá lớn về tài sản do sự phân biệt đối xử trong quá khứ hay các thực thế không lành mạnh khác.
8. Kiểm soát lạm dụng quyền lực
Xã hội dân chủ nỗ lực ngăn chặn bất kỳ viên chức dân cử hoặc nhóm người nào lợi dụng hoặc lạm dụng quyền lực của họ. Một trong các vi phạm phổ biến nhất của quyền lực là tham nhũng. Tham nhũng xảy ra khi các quan chức chính phủ sử dụng công quỹ cho lợi ích của mình hoặc vân dụng quyền lực một cách bất hợp pháp.
Các phương pháp khác nhau đã được sử dụng ở các quốc gia khác nhau để bảo vệ chống lại những lạm dụng. Thông thường chính phủ được cấu trúc sao cho hạn chế được quyền hạn của các nhánh chính quyền: có tòa án độc lập và các cơ quan có quyền lực để hành động chống lại bất kỳ hành động bất hợp pháp nào của một viên chức dân cử hoặc một nhánh chính quyền, cho phép công dân tham gia và bầu cử, và để kiểm tra tình trạng lạm dụng quyền lực của cảnh sát.
9. Tuyên ngôn dân quyền
Nhiều quốc gia dân chủ cũng có thể chọn để có một tuyên ngôn dân quyền để bảo vệ người dân khỏi bị lạm dụng quyền lực. Một tuyên ngôn dân quyền là một danh sách các quyền và quyền tự do được bảo đảm đối với tất cả người dân trong nước. Khi một tuyên ngôn dân quyền trở thành một phần của hiến pháp của một quốc gia, tòa án có quyền lực để thực thi các quyền này. Một tuyên ngôn dân quyền giới hạn quyền lực của chính phủ và cũng có thể quy định các nghĩa vụ đối với cá nhân và tổ chức.
10. Chấp nhận kết quả bầu cử
Trong các cuộc bầu cử dân chủ, có người thắng và kẻ thua. Thường thì những người thất bại trong cuộc bầu cử tin tưởng mạnh mẽ rằng đảng hoặc ứng cử viên của họ là tốt nhất, cho nên họ từ chối không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử. Điều này là vi phạm nguyên tắc dân chủ. Hậu quả của việc không chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử có thể là một chính phủ không hiệu quả và không thể ra quyết định. Nó thậm chí có thể dẫn đến bạo lực cũng là đi ngược lại nền dân chủ.
11. Nhân quyền
Tất cả các nền dân chủ quyết tôn trọng và bảo vệ quyền của công dân. Nhân quyền là những giá trị phản ánh sự tôn trọng đối với cuộc sống của con người và phẩm giá con người. Dân chủ nhấn mạnh giá trị của mỗi con người. Ví dụ về các quyền con người bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp, quyền bình đẳng và quyền được giáo dục.
12. Hệ thống nhiều đảng
Để có một hệ thống đa đảng, nhiều hơn một đảng chính trị phải tham gia trong các cuộc bầu cử và đóng một vai trò trong chính phủ. Một hệ thống đa đảng cho phép có sự đối lập với đảng thắng cử. Điều này sẽ giúp cung cấp cho chính phủ với các quan điểm khác nhau về các vấn đề. Ngoài ra, một hệ thống đa đảng cung cấp cho cử tri một sự lựa chọn các ứng cử viên, các đảng và chính sách để họ bỏ phiếu. Trong lịch sử, khi một quốc gia chỉ có một đảng, kết quả đã được một chế độ chuyên chính.
13. Pháp quyền/trị
Trong một nền dân chủ không có ai đứng trên luật pháp, ngay cả một ông vua hay tổng thống được bầu cũng không thể. Điều này được gọi là pháp trị. Nó có nghĩa là tất cả mọi người phải tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu họ vi phạm. Dân chủ cũng nhấn mạnh rằng luật pháp được thực thi một cách bình đẳng, công bằng và nhất quán. Điều này đôi khi được gọi là “theo đúng thủ tục quy định của pháp luật.”
Nguyễn Quang dịch từ Democracy for All
Trích từ Một góc của tôi

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"