Giáp Văn Dương
1. Thời gian gần đây, chúng tôi hay có những trao
đổi về tương lai của Việt Nam trong cơn gian khó: Trong đất liền thì lạm
phát cao, kinh tế khó khăn, sức sản xuất giảm, doanh nghiệp phá sản
hàng loạt. Ngoài biển Đông thì Trung Quốc liên tục gây căng thẳng, gia
tăng tranh chấp không chỉ với Việt Nam mà còn cả khu vực. Nhìn xa hơn
sang các nước Âu – Mỹ, tình hình cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu. Châu
Âu vẫn ngập trong khủng hoảng. Một số nước nếu chỉ năm ngoái thôi còn
được coi là vững vàng, như Pháp chẳng hạn, thì sang năm nay, đã bị nhiều
chuyên gia coi là một “quả bom hẹn giờ” mới.
Trước tình hình đó, nhiều người đã rất bi quan. Nhiều lúc chúng tôi
có cảm giác, sự bi quan chán nản đã rút hết sinh khí của ngay cả những
người được coi là từng trải và vững vàng nhất. Nhưng với riêng tôi, cảm
thức bi quan chưa bao giờ là chủ đạo. Lý do: Thay vì nhìn mãi vào bức
tranh màu xám, tôi nhìn vào những người Việt trẻ.
Tôi tin vào sức trẻ. Tôi tin đó là tài sản lớn nhất của dân tộc. Và
tôi tin, chính tuổi trẻ chứ không phải các lý thuyết kinh tế xã hội kinh
điển và nhiều tranh cãi, hay những lý tưởng khuôn sáo đã không còn sức
sống, sẽ là cứu tinh của đất nước.
Tôi đi tìm tương lai của đất nước trên khuôn mặt những người Việt trẻ.
2. Có những ngày, tôi dành hàng giờ để quan sát
những người trẻ tuổi, nghe họ nói, họ cười, họ đi lại, họ tranh cãi, họ
thở dài… Ở hai đầu đất nước, và ở cả những nơi khác mỗi khi tôi có dịp.
Tôi quan sát họ trong quán nước vỉa hè, trước cổng trường đại học, giữa
đám tắc đường trên phố, trên mạng xã hội, trong các buổi nhóm họp tán
gẫu…
Những quan sát này mách bảo tôi điều gì? Có phải người Việt trẻ không
có lý tưởng? Có phải người Việt trẻ không có hoài bão lớn? Có phải
người Việt trẻ không còn yêu nước? Có phải người Việt trẻ đang ngày càng
vô cảm? Có phải người Việt trẻ đang ngày càng ích kỷ và thực dụng?
Tôi không phán xét. Tôi chỉ quan sát.
Không. Tôi không thấy như vậy. Tôi thấy họ đang sống. Họ đang sống
theo cách của họ và giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ của họ. Cách sống này,
thứ ngôn ngữ này, có thể xa lạ với nhiều người có tuổi, nhưng không thể
coi đó là không tốt, là đáng lo ngại.
Chúng ta chỉ có thể ghi nhận và tôn trọng họ.
Họ đang sống. Đôi khi hết mình. Đôi khi dật dờ. Đôi khi chao đảo.
Nhưng chắc chắn là họ đang sống. Mà tôi tin rằng, ở đâu có sự sống thì ở
đó có sự phát triển.
Chính vì vậy mà tôi không bi quan.
Tôi cũng không quá hân hoan. Vì đằng sau những gương mặt trẻ trung
kia, ẩn sau bộ tóc xanh đen kia, có thể là những trống rỗng, những đổ vỡ
và hoang mang mà người ngoài không thể hiểu hết được. Những lo toan
thường ngày có thể quật ngã họ bất cứ lúc nào. Giữa bộn bề của khó khăn
chung, người trẻ và người nghèo bao giờ cũng bị ảnh hưởng lớn nhất. Vì
thiếu vị thế và không được tôn trọng đúng mức.
Nhưng tôi lo lắng. Đôi khi đến mức dằn vặt, thậm chí cáu bẳn vì cảm
giác bất công và bất lực. Trong số những người Việt trẻ tôi gặp thì phần
đông là sinh viên, tức thành phần ưu tú của đất nước, nhưng tôi không
thấy một sự rực rỡ hiện lên trên khuôn mặt, trong ánh mắt, trong sự tự
tin quả cảm. Tôi không thấy được sự lan tỏa của một tuổi trẻ tự do phóng
khoáng, sự rực sáng của khát vọng.
Rất ít lửa trong những đôi mắt. Rất nhiều lảng tránh xa xôi. Rất dài những tiếng thở. Và rất thường xuyên cam chịu.
Rất ít ngọn đuốc trên những con đường.
3. Tôi đã đi qua một rừng sinh viên trong ngày hội
“Sáng tạo vì khát vọng Việt” ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23 tháng 11
vừa qua. Tôi đã nhìn sâu vào những gương mặt trẻ mà tôi gặp. Cảm giác
đau nhói vì có quá nhiều khuôn mặt sạm đen, tuy chưa đến mức tiều tụy
nhưng thiếu sắc khí. Tôi nhìn một người, rồi nhìn mọi người, cảm giác
mặn chát vì thấy quá nhiều người trẻ gầy gò ốm yếu. Nhiều người còn còi
cọc hơn cả thế hệ chúng tôi khi đất nước đang trong thời bao cấp khó
khăn, còi cọc hơn cả thế hệ trước tôi khi đất nước đang trong chiến
tranh. Tôi chợt nghĩ: suy dinh dưỡng?
Suy dinh dưỡng giữa thời bình.
Tôi tự hỏi vì đâu? Tôi không tin đó là vì họ thức khuya học nhiều.
Tôi cũng không tin đó là vì chủng tộc hay khí hậu vùng miền. Những sinh
viên Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… mà tôi gặp đều
học hành chăm chỉ dữ dội, chủng tộc và khí hậu cũng tương tự như mình,
nhưng đôi má họ căng phính, giọng nói và ánh mắt đầy vẻ tự tin. Chiều
cao cân nặng của họ cũng đều vượt xa những sinh viên tôi đang trò chuyện
trong sân Dinh Thống Nhất này.
Tôi hỏi họ vì sao? Tụi em khó khăn. Khó khăn với cả chuyện ăn uống hàng ngày? Vâng…
Tôi và họ không còn dám nhìn vào mặt nhau nữa. Không xa xôi nhưng
ngăn cách bởi một chông chênh. Bảng lảng xa xôi. Nỗi đau riêng người ta
chỉ có thể hiểu chứ không thể xoáy mãi vào.
Tôi lắng nghe lòng mình. Có một cái gì rất vô lý ở đây. Có thể gọi đó
là sự bỏ rơi chăng? Nhiều người đã bị bỏ rơi, tự bươn chải để tự đánh
vật với những nhu cầu tối thiểu hàng ngày. Sự bươn chải này nhiều khi
làm họ kiệt sức.
4. Ngoài hội trường, có bạn tìm mọi cách gặp tôi chỉ
để hỏi một câu: Em muốn trở thành doanh nhân, vậy thì em phải quan tâm
đến loại người nào nhất? Một thoáng sửng sốt trước câu hỏi đó. Dù không
phải là doanh nhân, tôi cũng trả lời ngay lập tức: Doanh nhân thì cần
quan tâm đến khách hàng nhất.
Trong hội trường, có bạn trẻ bật khóc vì không tìm được việc làm
thêm. Có quá ít cơ hội dành cho người trẻ tuổi. Cảm giác bất lực và bị
bỏ rơi hiện lên rất rõ. Rất nhiều trẻ đã hoàn toàn đánh mất sự tự tin
vào bản thân mình. Ý niệm về một đời sống trẻ tuổi sung mãn đầy hoài bão
hoàn toàn vắng bóng.
Tôi chợt nhớ đến những buổi tranh luận với bạn bè quốc tế, khi tôi
cho rằng không nên quá bi quan: Việt Nam là một đất nước trẻ. Tuổi trung
bình của toàn dân chưa đến 30. Hãy nghĩ xem, trước 30 tuổi thì người ta
làm gì? Người ta sẽ khám phá và hừng hực sức sống. Người ta sống. Và
khi người ta sống thì người ta phát triển.
Vì thế không nên quá bi quan.
Nhưng lúc này đây, giữa quảng trường này, lập luận của tôi dường như
đã bị lung lay. Khi người ta trẻ và bị bỏ rơi, người ta mất hết tự tin
thì không chắc người ta đã sống. Họ chỉ đơn giản là đang tồn tại.
Khi người ta bị bỏ rơi và mất tự tin, không chắc người ta sẽ khám phá
và hừng hực sức sống. Người ta cũng sẽ mệt mỏi, chán nản và tiều tụy
như thường.
5. Người Việt trẻ nhưng không hẳn là trẻ. Tôi đã
nhìn thấy sự mệt mỏi và chán nản trên gương mặt họ. Tôi đã nhìn thấy sự
tiều tụy trong cơ thể họ. Tôi mong đợi một sức sống hừng hực, một tinh
thần phóng khoáng, một sự tò mò tươi mới, một bạo dạn khám phá dấn thân.
Nhưng điều tôi thấy lại quá ít so với trông đợi.
Có một cái gì đó thiếu vắng ở đây. Có một cái gì đó như bị bóp nghẹt
không thoát ra được. Một cảm giác như bất lực, như hờn trách, như dằn
dỗi dâng trào.
Nhiều người trẻ đã vô tình đánh mất tài sản quý giá nhất của mình. Đó
là tuổi trẻ. Những vật lộn và toan tính đời thường đã quật ngã họ. Ý
niệm về một sức trẻ dũng mãnh, một tinh thần tự do bay bổng, giờ đây
bỗng trở thành xa lạ.
Lỗi tại ai? Không hẳn đã là lỗi của người trẻ tuổi. Nhưng chắc chắn
là lỗi một phần của những người đi trước, của hệ thống, của xã hội, đã
phần nào bỏ rơi họ.
6. Câu chuyện của người Việt trẻ chính là câu chuyện
của đất nước. Vì tuổi trẻ không phải là một tương lai xa xôi, mà chính
là hiện thực của đất nước này. Hiện thực ở đây và ngay lúc này. Gương
mặt của người trẻ chính là gương mặt của đất nước. Khi tuổi trẻ bị bỏ
rơi thì cũng chính là đất nước bị bỏ rơi. Khi tuổi trẻ bỗng nhiên trở
nên già nua mệt mỏi thì cũng chính là đất nước đã trở nên già nua mệt
mỏi.
Không gì đáng sợ hơn tuổi trẻ mỗi ngày mỗi trở nên tiều tụy. Không gì
xót xa hơn khi nhìn thấy những người Việt trẻ ốm yếu còi cọc hơn so với
bạn bè đồng lứa năm châu. Với sức vóc đó, với tinh thần đó, đòi hỏi họ
phải gánh vác giang sơn, đưa đất nước đến bến phồn vinh là một đòi hỏi
quá lớn và quá vô lý. Vì thế, những người đi trước, những người hữu
trách trong hệ thống công quyền, cần thiết nhìn lại xem mình đã làm được
gì cho người trẻ, trước khi đặt lên vai họ những gánh nặng quá lớn như
vậy.
7. Đất nước cần vượt lên. Vì thế, với người Việt
trẻ, một cuộc vượt lên chính mình là cần thiết. Khi còn mò mẫm trong
sáng tối, khi còn chao đảo giữa muôn vàn xô đẩy của cuộc đời, thì không
còn cách nào khác là phải tự đốt đuốc cho mình, phải tự mình vạch đường
mà tiến bước.
Sức trẻ là tài sản quý giá nhất mà mỗi người đang nắm giữ. Vậy thì đừng bỏ phí nó.
Hãy sống.
Hãy sáng tạo.
Hãy bay bổng.
Hãy tò mò khám phá.
Hãy cất bước dấn thân.
Hãy tin vào bản thân mình.
Hãy vun đắp những khát vọng lớn.
Hãy xây dựng cho mình hình ảnh về một con người tự do một công dân.
Vì không phải ai khác, mà chính người Việt trẻ mới là cứu tinh của đất nước.
Bài đã đăng trên Tạp chí Lifestyle, số Xuân 2013.