Tháng
Năm 2012, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có chuyến công tác từ Hà Nội vào Thành
phố Hồ Chí Minh. Một buổi sáng đẹp trời, ông ghé thăm tòa soạn tạp chí Kiến thức ngày nay
– tờ báo mà ông gắn bó cộng tác từ những số đầu tiên. Với tình thân hữu
đó, ông dành cho phóng viên ít phút quý báu của mình để chia sẻ những
niềm vui, nỗi buồn, trăn trở của ông ở tuổi 75, khi nhìn về chặng đường
lao động trí tuệ hơn 50 năm với những thành quả giá trị được ghi nhận.
Giáo
sư Nguyễn Huệ Chi còn quá trẻ, khỏe so với tuổi của mình. Phía sau cặp
kiếng là ánh nhìn luôn tin yêu vào cuộc sống và đầy ắp những tâm huyết,
lý tưởng cho công việc. Dường như tuổi tác không mấy tác động tới tư duy
cũng như sức làm việc bền bỉ của ông. Cả cái cách mà ông nhìn về tôi –
một cô phóng viên trẻ – ông luôn tin vào sức bật của giới trẻ, như chính
những bậc thầy ngày xưa đã tin ông, để ngày nay, chúng ta biết đến một
tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học cổ Việt Nam.
GS. Nguyễn Huệ Chi (bên trái) cùng PGS. Trần Hữu Tá (giữa) đến thăm tạp chí Kiến thức ngày nay ngày 16-5-2012. Người ngồi bên phải là nhà văn Vu Gia
Thưa Giáo sư, trong các công trình nghiên cứu của ông, người đọc thấy ông có quan tâm đến văn hóa, văn học Trung Quốc?
Tôi
là nhà nghiên cứu Văn hóa học, Văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc. Sở dĩ
có cả Trung Quốc vì văn học và văn hóa Việt Nam đã có một thời gian rất
dài chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Từ khi Việt Nam trở thành
thuộc địa của Tàu qua 1.000 năm Bắc thuộc, dù không muốn văn hóa Trung
Hoa vẫn đóng vai trò chi phối đối với chúng ta bên cạnh việc họ cũng
nhạy bén tiếp thu và “Hán hóa” vô số các tinh hoa lâu đời của Việt Nam
và của các dân tộc phía Nam Trường Giang cũng như phía Tây, phía Bắc mà
họ ngoạm dần lãnh thổ và đồng hóa một cách giai giẳng. Bởi thế, mình
đang là một nước Đông Nam Á dần dà phải ngoảnh mặt lại để thành một nước
trong khu vực Đông Á. Cái cưỡng bức ấy trong 1.000 năm trở thành tự
nguyện, để rồi đến thời tự chủ thì quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và
Trung Quốc đã nghiễm nhiên là quan hệ phối thuộc giữa “ngoại vi” và
“trung tâm”. Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam là 3 nước nằm trong vùng
văn hóa Đông Á này. Nhưng trước sau thì mình vẫn là một nước Đông Nam Á,
nên đồng thời vẫn mang nền văn hóa Đông Nam Á trong mình, cái cốt lõi
mình không hề mất đi. Chính vì vậy, Việt Nam có hai nguồn ảnh hưởng:
nguồn ảnh hưởng từ Ấn Độ, các nước Đông Nam Á sang và nguồn ảnh hưởng
khác từ phía Bắc xuống. Trong người chúng ta có hai nền văn hóa thế đấy,
nên muốn nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nhất là thời kỳ cổ cho sâu, cho
hay thì đương nhiên ngoài cái vốn bản địa, không thể không hiểu biết cặn
kẽ văn hóa, văn học Trung Quốc.
Nghiên cứu
văn học cổ là một lãnh vực rất khó, đặc biệt đối với những người trẻ.
Được biết, năm 21 tuổi, ông đã được Viện trưởng Viện Văn học – Giáo sư Đặng Thai Mai –
giao nhiệm vụ này. Đó là trách nhiệm quá sức đối với một thanh niên vừa
mới chân ướt chân ráo rời khỏi ghế nhà trường. Hẳn ông đã có một niềm
tin vững vàng vào bản thân ngay từ bấy giờ?
Nguyễn Huệ Chi lúc còn là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958)
Lúc
còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi chuyên nghiên cứu giai đoạn văn học
1932 - 45. Thích thì lại thích Tự lực văn đoàn. Thời sinh viên, tôi đã
có vài bài viết khá có tiếng tăm có liên quan đến văn chương thời đoạn
ấy. Ra trường, đinh ninh là mình sẽ được đi theo ý thích. Nhưng khi mới
chân ướt chân ráo về Viện, tôi được gọi vào phòng riêng của Viện phó,
lúc bấy giờ là nhà phê bình Hoài Thanh, ông nhẹ nhàng hỏi tôi thích mảng
nào. Tôi trả lời thành thật là mình đang theo đuổi giai đoạn 32 - 45.
Khi ấy, sắc mặt ông hơi trầm xuống. Im lặng một lúc sau, ông mới nói với
tôi:“Ở một nước như nước mình, các “núi lớn” chính là thuộc về chặng
đường văn học cổ. Những đỉnh cao như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... là những
đỉnh không bao giờ với tới. Văn học hiện đại đến nay cũng chưa hề theo
kịp. Mình làm công việc nghiên cứu này là làm khoa học, chứ không phải
làm sáng tác. Mà đã làm khoa học thì sự hiểu biết phải rất rộng… Thế thì
được đi vào những đỉnh cao như thế mới là triển vọng lớn cho những
người trẻ. Nếu như đi vào những giai đoạn khác thì rất nhiều người có
khả năng đi, cần gì đến mình nữa. Ở Trung Quốc, nếu ai được phân công
nghiên cứu về các thi hào như Lý Bạch, Đỗ Phủ hay những nhà thơ nhà văn
các thời đại tương tự thì người ta cho là một phần thưởng mà mình không
dám mơ. Trong khi mình cứ mải mê với Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng,
Nam Cao... dẫu có giỏi đến mấy rồi cũng chẳng tiến xa bao nhiêu. Thế mà,
nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam một thời kỳ rất dài đã bị bỏ trống
khá nhiều. Những mảng lớn còn trống ấy cần có những thanh niên xông xáo,
có chí, có tài. Người chúng tôi nhắm tới chính là anh”. Tôi nghe
cũng bùi tai và cảm động nhưng vẫn xin về suy nghĩ. Lúc bấy giờ, người
bạn thân học cùng khóa với tôi là Phong Lê, anh ấy được phân vào giai
đoạn hiện đại nên rất muốn tôi đi vào giai đoạn 32 - 45 để cả hai có sự
liên kết với nhau trong công việc. Vì thế mà khi tôi vào phòng gặp Viện
phó, Phong Lê đứng ở ngoài cửa phòng chờ đợi. Khi tôi đi ra, nhìn vẻ mặt
trầm ngâm của tôi là Phong Lê hiểu ra ngay. Tuy nhiên, cậu ta cũng lặng
thinh chứ không tỏ thái độ gì khiến tôi mất tự chủ. Sau vài đêm suy
nghĩ, mấy hôm sau, tôi quyết định nhận lời ông Hoài Thanh. Vẫn biết là
rất khó nhưng tuổi trẻ mà, tôi cũng muốn thử xông vào lãnh vực khó một
cái.
Được biết, Giáo sư chính là học
trò cưng của cụ Cao Xuân Huy, là một nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử
tư tưởng triết học phương Đông, từng được gọi là “nhà Đạo học”. Ông được
thừa hưởng gì từ bậc thầy tài năng này?
Viện
trưởng Đặng Thai Mai ngày ấy rất tâm đắc với lớp trẻ, khi vào làm ở
đây, ông theo dõi tôi từng tí một nên tôi tiến khá nhanh. Đến khoảng gần
giữa những năm 60, sau ba, bốn năm làm việc tại Viện nghiên cứu, Viện
trưởng gọi tôi vào phòng, bảo: “Cháu viết bài thì được đấy nhưng chỉ
viết bài với vốn liếng nhà trường và ba năm Trung văn như thế là không
đi xa nổi đâu. Bây giờ cháu phải theo ngay một lớp Đại học Hán học để có
vốn liếng Hán học thật dày, thật sâu. Và phải học tiếng Pháp nữa. Có
như thế mới làm được nhiều việc lớn”. Thế rồi ít lâu sau, cụ xin Thủ
tướng Chính phủ cho mở một lớp Đại học Hán học (nghe nói việc mở lớp
học này vốn do gợi ý của Cụ Hồ trước cả ông Phạm Văn Đồng).
Nguyễn Huệ Chi lúc học Đại học Hán học tại nơi sơ tán ở Hà Bắc (1967)
Tôi
là sinh viên được chọn thẳng vì đã tốt nghiệp Đại học Khoa Ngữ văn
trước đó. Khi ấy, tôi đã có khá nhiều bài viết được công bố trên các báo
và đã được giới chuyên môn xa gần để ý. Cũng từ lớp Hán học này, tôi đã
được đào tạo bởi những bậc thầy như Cao Xuân Huy. Nam Trân, Phạm Thiều,
Phạm Phú Tiết, Đỗ Ngọc Toại... có thể nói Cụ Huy là linh hồn của lớp
học, là người rất uyên bác và đặc biệt quan tâm đến những người trẻ có
tâm huyết. Sau một thời gian gắn bó, cụ đã truyền lại cho tôi tất cả
những kinh nghiệm, những kiến thức quý báu để mong tôi vượt được lên
mình. Ngoài những buổi học ở trường, cụ còn chủ động gọi tôi đến nhà
trao đổi thêm. Cụ xem tôi như một người con, người bạn vong niên, sẵn
sàng chia sẻ những tâm tư về cuộc đời, về hoài bão mà cụ từng đeo đuổi.
Thậm chí tất cả những gì cụ viết, cụ đều trao cho tôi, bao gồm những
nghiên cứu về Lão giáo, Lão Tử, về tư tưởng phương Đông đối sánh với
phương Tây... Từ đó, vốn liếng của tôi ngày một khá thêm lên. Đó là vốn
kiến thức và vốn sống quý giá mà tôi may mắn nhận được từ cụ. Đến cuối
năm 68, tôi tốt nghiệp loại ưu. Có 5 người trong diện này mà nay chỉ còn
lại ba là anh Ngô Thế Long, tôi và PGS Trần Thị Băng Thanh, người nhiều
năm làm phó cho tôi ở Ban văn học Cổ cận đại Viện Văn học.
Từ bệ phóng đó, Giáo sư đã tổ chức và thực hiện thành công bộ sách Thơ văn Lý – Trần, gây được tiếng vang và trở thành tài sản có giá trị rất lớn trong nền văn học nước nhà?
Thời
đại Lý – Trần là một thời kỳ hết sức rực rỡ. Tính từ năm 938, khi Ngô
Quyền giành độc lập, cho đến năm 1418 là năm Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa,
quân dân ta đã đánh thắng oanh liệt giặc Nam Hán và giặc Tống bốn trận
lớn, và cũng đánh thắng giặc Nguyên Mông dũng mãnh bậc nhất thế giới đến
ba phen. Đây là một thời kỳ nhân ái, nhân hậu, có hiện tượng nhường
chức chưa từng thấy của Lý Thường Kiệt cho nguyên Tể tướng Lý Đạo Thành
mà trước đó bằng thế và lực đang lên, ông đã mượn tay Hoàng hậu Ỷ Lan hạ
bệ; có Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng; có sơ khởi của tinh
thần dân chủ; có nhân bản của Phật giáo… Là một thời kỳ rất đẹp như thế
nhưng di sản lại không còn bao nhiêu. Cho nên thật đáng tiếc nếu như nền
văn học của hơn 5 thế kỷ này, vì lý do gì đó mà không khôi phục và bảo
tồn được. Viện Văn học muốn thành lập một nhóm Lý – Trần để làm thế nào
công bố cho được một bộ sách văn học thời Lý – Trần đang bị trống. Thế
là cử tôi làm Nhóm trưởng của Nhóm Lý – Trần. Đây là gánh nặng quá lớn
vì khi ấy tôi mới 27 tuổi. Mà việc này đúng ra giao cho nhà thơ Nam
Trân, thầy giáo của tôi đảm nhiệm, vì ông ấy đã có công duyệt lại một số
tư liệu trong thư viện từng được hai dịch giả Nguyễn Đức Vân và Đào
Phương Bình sưu tầm và dịch trước đó. Nhưng ông đã mất đột ngột vào năm
1967 nên cuối cùng đành “bắt nghé làm trâu”. Thấy tôi còn chần chừ, một
lần GS Đặng Thai Mai gọi tôi đến nhà chơi, cụ nhờ tôi đọc lại cho cụ
nghe một bài cụ viết về văn học cổ Việt Nam để sang Viện Hàn lâm khoa
học Đông Đức trình bày – lúc ấy, giọng đọc của tôi tương đối tốt. Đến
tận khi ra về, cụ mới nói với tôi: “Bố đã làm công trình Việt Nam cổ văn học sử thì con làm Lý – Trần là đúng rồi, còn gì mà “lầu bầu” nữa?”.
Phải đến giây phút đó tôi mới biết mục đích cụ gọi tôi đến nhà là để
kín đáo đả thông tư tưởng cho tôi. Với lòng tin yêu của cụ, tôi không
còn lý do nào để từ chối, đành cùng bạn bè lao vào công trình nghiên cứu
lớn này. Đến năm 1977 thì Tập I được phát hành.
Trong 8 năm để cho ra đời Tập I Thơ văn Lý – Trần,
ngoài vốn tài liệu ít ỏi trong thư viện, và bản dịch của các bậc tiền
bối, Giáo sư làm thế nào để thu thập thêm những tài liệu bên ngoài khác?
Tại phòng khách tạp chí Kiến thức ngày nay
Tôi
cùng một số cộng sự do chính tôi tuyển chọn, gồm những người sau này
trở thành Phó Giáo sư như Đỗ Văn Hỷ, Trần Băng Thanh, Phạm Tú Châu...,
chúng tôi thừa hưởng bản dịch của các cụ Trong Tổ Hán Nôm để lại, nhưng
theo yêu cầu của Viện, để xử lý những bản dịch ấy thì phải đối chiếu lại
với bản gốc, khảo đính kỹ lưỡng, đồng thời cùng nhau đi khắp nơi để sưu
tầm thêm. Thuở ấy chúng tôi hăng lắm. Có thể nói, suốt thời gian mấy
chục năm, dấu chân của chúng tôi đã in hầu khắp trên địa bàn của nước
Đại Việt thời xưa. Kể từ biên giới phía Bắc và phía Tây cho đến Đèo
Ngang. Chỉ cần nghe ở đâu có bia hay có sách Hán Nôm cổ còn lưu giữ là
chúng tôi đánh đường tìm đến, bất kể núi cao hay rừng thẳm (như có lần –
1970 – chỉ có mấy anh chị em mà hì hục dập tấm bia Lý giữa rừng Tuyên
Quang đến gần sáng mới xong; có lần – 1992 – trèo lên Ngọa Vân Am, cả
mấy anh chị em phải ngủ lại một đêm trên đỉnh núi cao tít cùng một vị sư
và vài chú tiểu, họ đốt lửa xung quanh để đề phòng thú dữ cho mình).
Những tấm bia mà chúng tôi tìm được đều có văn chương cực hay. Ngoài các
triết thuyết Phật giáo uyên thâm, chúng còn xây dựng được những chân
dung văn học cô đọng nhưng phong phú màu sắc và giàu tính nghệ thuật. Ví
dụ như chân dung Lý Thường Kiệt trong bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng.
Hay ở chỗ, bia thì nằm trong chùa, nhưng lại tập trung soi rõ một chân
dung nhân vật ngoài đời, lấy công tích làm “việc đời” của nhân vật để
coi là “việc đạo”, thừa nhận đấy là công tích của nhà Phật – cái cách
hoán chuyển tinh tế ấy giữa đạo và đời tạo nên hứng thú thẩm mỹ. Công
lao lừng lẫy giúp nước của Lý Thường Kiệt như phá Tống bình Chiêm đều
được đưa vào tấm bia và được đúc kết thành một bài văn rất hay. Cho nên
những di sản đó hầu hết đều là các kiệt tác văn học đương thời và tìm ra
được chúng phải coi là những kỳ tích. Tôi cùng các cộng sự không ngần
ngại đi khắp nơi để tìm kiếm, từ năm này đến năm khác. Ngày đó, phương
tiện đi lại rất khó khăn, gặp đâu ngủ đó, rất cực nhọc vất vả nhưng cũng
để lại nhiều kỷ niệm khó quên.
Đó là những kỷ niệm gì, thưa Giáo sư?
Trong
một lần được mời về khảo sát ở Đông Triều vào năm 1992, chúng tôi tìm
ra nhiều di tích quý giá đang mai một, như mấy chữ Hán rất lớn “Thiên
Long uyển” khắc trên một hòn núi đá ở xã Yên Đức gần con sông chạy dọc
theo dãy núi đá Tràng Kênh thông vào sông Bạch Đằng, gần bên cạnh lại
phát hiện ra một tấm bia của Đỗ Khắc Chung soạn trước khi mất, nói rõ
mình xin trả khu đất này lại cho con cháu hoàng tộc nhà Trần, và gần đó
có một địa điểm còn mang tên Đồn Canh. Đây là một vùng đất rộng rãi,
trước kia nghe nói là rừng sồi mới bị chặt để trồng sắn từ năm 1977.
Nhìn từ xa thấy rõ có ba đợt từ thấp lên cao, dưới là đền, lưng chừng là
chùa, trên cao nhất là miếu thờ Đạo giáo nhưng tất cả cũng đều đã bị
phá từ năm 1977. Ngắm nhìn quang cảnh ấy, và suy tính độ dài từ đấy đến
sông Bạch Đằng, tôi bỗng dự đoán ra một điều nếu được xác minh cặn kẽ
thêm thì sẽ là một căn cứ quan trọng để biết hoạt động của hai vua Trần
trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288: hai vua không đich thân áp sát nơi
mũi tên hòn đạn mà trú ngụ tại đây, rất an toàn, các phía đều có núi che
chắn, và từ đây mà chỉ huy chiến dịch ở tầm xa. Nếu không phải thế thì
sẽ rất khó giải thích ai khắc chữ “Thiên Long uyển” vào núi? Một vị quan
nào mà dám làm thế ư, sẽ mất đầu như chơi, vì đây là “vườn Nghìn Rồng”
kia mà. Cho đến nay, tuy phát hiện đã lâu, chúng tôi vẫn chưa công bố di
tích này trên bất kỳ một tờ báo nào.
Mấy chữ “Thiên Long uyển” khắc trên núi đá do Đoàn khảo sát của GS Nguyễn Huệ Chi phát hiện tại Yên Đức năm 1992. Ảnh Văn Anh.
Cũng
trong lần khảo sát Đông Triều năm ấy, khi vừa chân ướt chân ráo về đến
UBND huyện, mới được chừng đâu vài tiếng đồng hồ, chưa kịp trao đổi kế
hoạch với các vị lãnh đạo ở đây thì đã nghe ngoài cổng huyện có tiếng
xôn xao. Hóa ra không biết ai mách mà người dân thị trấn Đông Triều biết
tin có đoàn cán bộ Viện Văn học về địa phưng nên kéo nhau đến xin được
gặp gỡ. Đang nhìn nhau ngạc nhiên không biết họ gặp về việc gì thì bỗng
ông Phó chủ tịch huyện tên Ch. ở đâu vội vã đi vào, mặt mày không lấy gì
làm tươi tỉnh. Ông ta hạ giọng nói với tôi và chị Băng Thanh: “Xin các
GS đừng ra gặp dân. Ngày mai các GS yêu cầu đi khảo sát bất kỳ đâu chúng
em sẽ xin phục vụ đến nơi đến chốn”. Chúng tôi không biết nói gì hơn là
đành gật đầu chấp nhận, bởi mình về khảo sát địa bàn Đông Triều không
phải tự ý hay do quyết định của Viện mà do chính Tỉnh ủy Quảng Ninh mời
về. Vậy thì mình phải nghe lời họ chứ chống lại sao được. Mặc dầu đành
ngồi yên trong phòng khách không ra, trong đầu tôi cứ vương vấn với ý
nghĩ: chắc phải có việc gì hệ trọng liên quan tới một di tích lịch sử
nào người dân mới tìm đến mình tha thiết như vậy. Vài hôm sau thì mới vỡ
lẽ: ngôi đền Trạo Hà ở ngay giữa thị trấn Đông Triều, nơi thờ một vị
tướng Tây Sơn chết năm 1788 mà điều đặc biệt hơn mọi ngôi đền khác là
phần mộ hoành tráng còn tồn tại ngay giữa đền với ba đạo sắc khắc trên
ba phiến đá trắng dài rộng, hợp thành ba mặt của mộ, một đạo của Nguyễn
Nhạc, một đạo của Nguyễn Huệ vào thời vị tướng còn sống và một đạo sắc
truy phong của Quang Toản, chữ đẹp và sắc nét như chỉ mới khắc đâu hôm
kia hôm qua. Nhưng cái điều “sinh sự” là ở chỗ này: đình Trạo Hà tọa lạc
trên một khuôn viên rất rộng, lại ở ngay giữa ngã ba thị trấn, vì thế
những người cầm quyền địa phương bỗng đâm ra tiếc rẻ, phải tìm cách...
“xén” bớt đi, nay khoảnh này mai khoảnh kia, để còn có đồng ra đồng vào,
thành thử họ cứ nấn ná chùng chình không muốn xếp hạng cho di tích mà
họ thừa biết là vô cùng quý giá... Có lẽ không cần nói tiếp thêm nữa làm
gì vì ai chẳng rõ, cho đến nay đâu đâu cũng thế thôi, đất đai vẫn là
một vấn nạn mà trên khắp cả nước, chúng ta đang ngày càng phải đối diện
với nó một cách tồi tệ. Lần ấy chúng tôi chỉ biết nén nỗi tiếc xót vào
lòng, nhìn những mảnh vỡ vương vãi giữa đền của hoành phi câu đối bằng
đá trắng, cũng hết sức tinh xảo, nói như đùa với lãnh đạo huyện Đông
Triều: “Các cậu xoay xở kiểu ấy thì tội nghiệp cho di tích quá đi”. Cũng
chẳng biết đến nay số phận đình Trạo Hà đã như thế nào rồi.
Lại có lần chúng tôi được mời tham dự một cuộc hội thảo khoa học ở Thanh Hóa vào năm 1974, có một người đến nói với tôi: “Cách đây khoảng 100km, có một tấm bia to lắm. Không biết bia thời nào, các ông cứ đi coi thử”.
Tôi gọi ngay hai cộng sự của mình lén bỏ cuộc họp để lên đường đi gấp. 3
chiếc xe đạp thì mượn của Ty Văn hóa cũng chẳng mấy khó khăn, và cứ
liều lĩnh mà đi theo hướng người thông báo mách cho mình, chứ cũng không
có bất cứ một thông tin cụ thể nào khác. Đi ròng rã 3 ngày trời, vừa đi
vừa hỏi thăm xem địa phương có bia cổ không. Rất nhiều người nhiệt tình
bảo có, dắt chúng tôi đến nhưng đến nơi thì hóa ra chỉ là bia liệt sĩ.
Chúng tôi tiếp tục đi đến một vùng cách Sầm Sơn khoảng 20km, thuộc một
nơi trồng lạc rất lớn của địa phương. Dân ở đây bảo có một tấm bia trong
vùng trồng lạc này. Khi đến nơi thì quả thật có một tấm bia rất lớn.
Vào đọc mới phát hiện đây là tấm bia quá hay. Kể chuyện về một ông Hào
trưởng tên Lê Công Mạnh. Khi Toa Đô mang quân từ Chiêm Thành ra để phối
hợp với quân của Thoát Hoan, là một người yêu nước, ông ta đã mộ dân
chúng địa phương, hình thành một đội quân chặn đánh y. Toa Đô bị hoảng
hồn vì không ngờ có một đám “hương binh” dám đột kích bất thình lình như
thế. Từ đó, tiếng tăm của ông Hào trưởng trở nên vang động khắp vùng.
Khi nhà Trần thu phục được giang sơn liền phong tước cho ông và cho hẳn
một khoảnh đất lớn làm phong ấp. Đến khi ông chết, nhân dân đã dựng chùa
cùng với tấm bia này để ghi ơn. Sau khi hay tin có đoàn đi tìm bia, một
ông Bí thư Đảng ủy xã chạy đến, hỏi chúng tôi trên tấm bia đó viết gì.
Tôi thuật lại đại ý bài văn, ông Bí thư tỏ ra rất biết ơn vì nếu chúng
tôi không kịp thời đến đây, họ đã cho đập bia để dành phần đất trồng
lạc. Tôi mới nói: “Cả mấy trăm năm trời, cả cái đất Thanh Hóa này chỉ
còn một ông Hào trưởng lừng lững còn tồn tại, tất cả đã chìm hết xuống
lòng đất. Nếu các anh mà đập đi, con người lừng lững này cũng sẽ mất
luôn. Nên tôi mong các anh suy nghĩ lại”.
Mãi
đến năm 1994, tôi được đi nghỉ mát cùng cơ quan ở Sầm Sơn. Tình cờ một
buổi tối, có người đến hỏi: “Ở đây có ai là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
không?”, tôi đi xuống, vị khách đó bắt tay mừng rỡ: “Chúng tôi biết ơn
Giáo sư nhiều lắm. Sáng mai, chúng tôi mời Giáo sư về thăm lại tấm bia
mà ngày xưa, Giáo sư đã phát hiện và lên tiếng bảo vệ nó”. Sáng hôm sau
tôi đến nơi và quá xúc động, vì vùng đất trồng lạc ngày đó đã được xây
dựng thành một khu vườn có ngôi chùa khang trang, bên trong vườn là tấm
bia được đặt trên bệ cao và che bằng nhà mái cong khá kiên cố. Từ đấy,
nơi đây trở thành một địa điểm cho khách đến tham quan.
Câu
chuyện về những kỷ niệm trong công việc của ông hiện lên thật rõ nét,
gây cho tôi một ấn tượng không thể nào quên. Tôi chợt nghĩ, chỉ có những
người thật sự tâm huyết, thật sự dấn thân, hết mình với sự nghiệp thì
mới nhận lại được những niềm vui còn trào ra từ khóe mắt mỗi khi hồi
tưởng về những việc mình đã trải, đã làm.
Có
một người cha là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng: Giáo sư
Nguyễn Đổng Chi, thời trai trẻ, ông đã học được những điều gì ở người
cha đáng kính ấy?
Tôi được sinh ra trong một
gia đình Nho học yêu nước. Ông tôi, bác tôi, bố tôi, anh tôi, đều là
những người có để lại ít nhiều truyền thống cho con cháu. Những gì tôi
học ở bố tôi thì nhiều. Ông dạy tôi làm luận từ thời còn bé tí và ra
những đề bài hóc búa cho tôi, chẳng hạn tôi còn nhớ một đầu đề ông bắt
tôi làm năm học lớp Nhất: “Hãy kể lại câu chuyện một hôm em đi cắt tóc
bị người thợ cạo vô ý làm chảy máu ở đầu và nói lên cảm nghĩ của mình”.
Tôi làm bài này không chỉ được bố khen mà một hôm chú tôi nhân đi công
tác ghé thăm (bấy giờ chúng tôi ở với bố tại cơ quan của bố đóng ở Nam
Đàn, Nghệ An), vô tình thấy bài luận lấy ra đọc, đọc xong quá ngạc
nhiên, sau đó nói với bố tôi: “Cái thằng này đã bị thợ cúp làm chảy máu
lần nào chưa mà viết tinh quái đến thế. Giỏi quá!”. Bố tôi còn dạy chữ
Hán và tiếng Pháp rẩt sớm cho anh em chúng tôi. Bên cạnh khối lượng kiến
thức mà ông có, ông là một người cha biết cách gần gũi các con. Khi tôi
đã lớn, ông tôn trọng mọi quyết định của con và bất cứ chuyện gì về học
thuật hay những “sự cố” ông gặp trong đời, ông đều đem ra bàn bạc với
tôi. Sau này, có con, tôi cũng áp dụng cách xử sự ấy. Bây giờ, tôi và
con trai có thể ngồi với nhau tâm sự thâu đêm như hai người bạn.
Thưa Giáo sư, ngoài công việc, cuộc sống gia đình của ông như thế nào?
Nguyễn Huệ Chi cùng vợ chưa cưới, tại Ô Đống Mác Hà Nội năm 1965
Tôi
lấy vợ năm 27 tuổi. Bà xã là người cùng học ở lớp đại học Hán học từ
1965. Qua thời gian học chung, chúng tôi phải lòng nhau và nên duyên vợ
chồng. Bà ấy hiểu tính tôi là người đam mê công việc nên hỗ trợ tôi rất
nhiều trong quá trình đi vào những công trình lớn. Phải công nhận đó là
một người phụ nữ hiền dịu mà tôi may mắn gặp được. Lúc nào cũng nhận
phần thua thiệt về mình.
Giáo sư là người đại
diện cho giới trí thức đưa ra kiến nghị của mình khi gặp những vấn đề
gây bức xúc trong xã hội, đó là những vấn đề nào và nhận được sự phản
hồi ra sao?
Năm 2008, tôi cùng với 6 người
bạn văn có lên tiếng kiến nghị không được hủy tập thơ của Trần Dần vừa
in xong. Có thể là tập thơ chưa hay, tùy sở thích của từng người đọc nó,
nhưng đâu có vấn đề gì để phải hủy nó đi. Đây là cách hành xử theo thói
quen cửa quyền vốn có từ lâu, tùy tiện, không có cơ sở, lại để lại một
hình ảnh rất phản văn hóa, làm người ta nhớ lại thời CCRĐ hay là mới
giải phóng SG. Sau đó 3 ngày có phản hồi, Bộ Thông tin Truyền thông đã
dừng lại việc thu hồi và đốt. Ấy cũng là lần đầu tiên kiến nghị dân sự
chúng tôi đưa ra được chấp nhận.
Tiếp theo, là
kiến nghị về Dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên năm 2009. Trước đó,
vấn đề bauxite đã rộ lên trong giới chính khách, giới khoa học. Đại
tướng Võ Nguyên giáp đã viết đến mấy lá thư hết mực can ngăn. Hai hội
thảo về bauxite đã được tổ chức, có những người như TS Nguyễn Thành Sơn,
nhà văn Nguyên Ngọc tham dự và đều tỏ thái độ phủ định quyết liệt. Nước
ngoài cũng có các chuyên gia lên tiếng như Kỹ sư Đặng Đình Cung. Nhưng
những dư luận như thế trước sau vẫn chỉ mới khoanh lại trong phạm vi
luận đàm giữa các nhà khoa học và các nhà chính trị. trong môi trường
chính thống mà thôi. Đến khi thấy bức thiết quá, nhà giáo Phạm Toàn bàn
với tôi, tôi kéo thêm người bạn ít tuổi hơn là GS Nguyễn Thế Hùng, và
chúng tôi cùng đề xuất một bản Kiến nghị vào đầu tháng Năm 2009, có tính
cách công khai hóa trong dư luận rọng rãi, gửi cho một số bạn bè cũng
như trực tiếp mang đến văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ và văn
phòng Trung ương Đảng. Việc đó lập tức gây nên tiếng vang, chỉ vài ba
ngày sau đã có mấy trăm người phản hồi qua thư điện tử, tình nguyện cùng
ký tên vào kiến nghị, và số người ký cứ tăng vọt lên, cả trong nước lẫn
ngoài nước, cuối cùng con số tăng đến trên 2000. Quả là cả một sự bất
ngờ đối với nhiều người, nhất là những người trong chính giới. Có thể
nói tác động chủ yếu của bản Kiến nghị này là nó xuất hiện rất đúng thời
điểm (sát trước ngày họp Quốc hội, dư luận đang hướng vào nhiều điều
bức bối của đất nước, trong đó nổi cộm lên là câu chuyện bauxite), và
nhờ ra đời đúng thời điểm nên chính nó đã chuyển một vụ việc từ trong
hai cánh cửa của những căn phòng hội thảo quan phương ra giữa đời sống
xã hội. Thế là một phong trào dân sự khởi phát lên từ đây, ngày một mạnh
mẽ thêm, bạo dạn cứng cỏi thêm. Rôi kế tiếp sau đó, thực tế đất nước
lại nảy sinh nhiều biến cố không hay, không tốt cho nhân dân, cho sự tồn
vong của dân tộc và quốc gia, trên mảnh đất mà chúng ta đã tốn không
biết bao nhiêu xương máu mới giành lại được. Chúng tôi tất nhiên cũng
lại phải lên tiếng. Kiến nghị này tiếp kiến nghị kia, mỗi lần đều có
hàng mấy ngàn người hưởng ứng, thói quen phản biện hình thành dần trong
xã hội như một nếp tư duy mới, thói quen gọi dạ bảo vâng mất đi. “Chân
lý ban phát từ trên” không còn là điều nghiễm nhiên phải tuân phục nữa.
Đó chính là cái được rất lớn bắt đầu từ kiến nghị của chúng tôi.
Tất
cả những ý kiến của chúng tôi đều chân thành. Nếu là một người trí thức
có tư cách thì trước thực trạng xã hội ngày càng suy thoái, mình không
thể lờ đi, làm ngơ, coi như không biết hoặc vô can. Không thể né tránh
những câu hỏi động đến tận sâu thẳm lương tri, những câu hỏi rất nhạy
cảm về nhân bản, nhân đạo, về tình nghĩa ruột thịt với đồng bào của
mình, với dân tộc mình.
Thời của ông có những bức xúc tương tự như thế?
Thời
của tôi thì tất cả mọi người tập trung vào chống Mỹ cứu nước, cho nên,
bức xúc xã hội nếu có cũng đặt ra ở đâu đó chứ không tới tầm chúng tôi
hiểu. Riêng môi trường tôi làm việc lại khá dân chủ, Viện trưởng cho
phép mỗi cán bộ có “khoảng trời” riêng. Thậm chí, khi tập Núi đồi và thảo nguyên
(Aitmatov) xuất bản, ngoài xã hội chưa được phép lưu hành nhưng chúng
tôi vẫn được đọc. Đọc xong còn tổ chức thảo luận để thoải mái nói lên
suy nghĩ của mình. Ngoài ra, chúng tôi vẫn hát nhạc tiền chiến không
thấy bị cấm đoán gì. Về phương diện văn hóa, nơi tôi làm việc phải nói
là cởi mở, thông thoáng, kể cả chuyện yêu đương – mà tôi cũng từng “đóng
một vai” gây nhiều bận tâm cho Viện – miễn là biết dồn tâm sức làm
chuyên môn hết mình. Từ môi trường như vậy, tôi lớn lên trong ý thức của
một người trí thức tự do.
Nếu được đề xuất cải cách, Giáo sư quan tâm đến điều gì nhất?
Thứ
nhất là phải mở rộng dân chủ. Để cho người dân có quyền được phát biểu,
tự do ngôn luận, miễn là những lời ấy không đe dọa trực tiếp đến Đảng
cầm quyền, như Hiến pháp 1992 hiện đang quy định. Phải bảo đảm thực thi
các quyền được ghi trong Hiến pháp một cách thực chất để người dân thấy
rõ họ quả thực đã phấn đấu hy sinh suốt bao nhiêu năm để đạt được một
mục tiêu có thực dù rất nhỏ, và muc tiêu nhỏ nhoi đó đang trong tầm tay
họ chứ không phải đến đời chút chít nào mới sờ thấy.
Thứ
hai là người dân được làm ăn sinh sống trên những phương tiện mà mình
có, đừng biến sở hữu đất đai thành sở hữu toàn dân, bởi chính sở hữu
toàn dân là cơ sở để cho những nhóm lợi ích có cơ hội cướp đất của dân.
Chính cướp đất dưới nhiều hình thức là điều kiện làm giàu nhanh nhất ở
nước ta lâu nay chứ làm gì mà mới có vài chục năm, bằng lao động chân
chính, chúng ta lại có một tầng lớp phất lên như diều vậy. Như thế, cuối
cùng nông dân không còn được chút quyền làm người tối thiểu nào nữa.
Điều này rất quan trọng, vì nước ta có đến trên 70-80% là nông dân. Một
khi nông dân bị đẩy đến bước đường cùng thì nguy cơ là rất lớn.
Giữa
buổi nói chuyện, thỉnh thoảng Giáo sư ngả người ra chiếc sofa. Ánh mắt
xa xăm nhìn về một nơi vô định. Chợt nhận ra vẻ tiếc nuối hiện lên trên
gương mặt có phần mệt mỏi. Tôi đánh liều hỏi:
Với những thành quả đạt được trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, hình như Giáo sư vẫn còn điều gì đó nuối tiếc?
Đúng
vậy. Tôi nuối tiếc vì mình chưa thực sự đào tạo được vài thế hệ nối
tiếp. Trong khi văn học thời Lý – Trần và Văn học Cổ nói chung còn quá
nhiều phương diện chưa khai thác hết, như tư tưởng triết học, tư tưởng
thẩm mỹ, tinh thần nhân bản, tính dung hợp giữa Nho, Phật, Lão và quan
niệm vũ trụ nhân sinh bản địa, rồi sự vận động của các loại hình thể
loại… Còn nhiều khía cạnh để nói lắm.
Vì lý do gì mà ông không đào tạo được thế hệ nối tiếp, để phải tiếc nuối?
Câu
hỏi của bạn lại khơi dậy trong tôi một nuối tiếc khác. Đó là tôi quá
cầu toàn. Cầu toàn nó có hai mặt, lợi và hại. Ngẫm nghĩ về mình thì đến
nay tôi đã ít nhiều nhận ra, cố tật cầu toàn của tôi đã phải trả một cái
giá không phải là không đắt. Vì cầu toàn quá nên tôi mất rất nhiều thì
giờ cho những công việc tỉ mẩn mà không dứt điểm được cái cần dứt điểm.
Trong quá trình nghiên cứu bộ Thơ văn Lý - Trần, chỉ cần tôi cảm
thấy có một câu, từ nào đó chưa ổn là ngay tức khắc cho ngưng lại. Có
khi chỉ vì một vài chữ mà tôi mất cả tháng trời để tìm tài liệu đối
chứng lại cho chính xác, cho chỉn chu. Đến khi nào hài lòng hẳn mới
thôi. Vì vậy mà tôi mất quá nhiều công sức và thời gian. Thậm chí không
còn thời gian cho nhiều việc khác. Hiện tại, có thể gọi thế hệ nối tiếp
là những cộng sự rất giỏi của tôi, nhưng có điều, họ cũng đã lớn tuổi.
Nữ thì đã về hưu, nam thì còn làm việc nhưng cũng chỉ mấy năm nữa. Tôi
muốn có một thế hệ trẻ hơn, ở độ tuổi hai mươi mấy thôi. Tuổi đó họ có
thừa nhiệt huyết và có nhiều năm tháng phía trước để thực hiện các công
trình dài hơi. Nền văn học nước nhà rất cần đến họ.
Lớp
sinh viên bây giờ, nhất là ngành văn, dù có yêu nghề mấy họ cũng thường
không làm một nghề, trừ khi nghề đó đảm bảo cho họ một đời sống kinh tế
vững vàng. Giáo sư có nghĩ là mỗi thời mỗi khác?
Tôi có hình dung ra điều đó. Bây giờ đồng tiền mất giá quá. Thời của chúng tôi, nhuận bút cuốn Thơ văn Lý – trần
Tập I lên tới 5.000đ, riêng phần Khảo luận của tôi đã là 2.500đ. Thời
điểm năm 1977, số tiền này có thể mua ngay một ngôi nhà khang trang ở
Sài Gòn. Bây giờ Nhà nước trả lương cho một Cử nhân, Kỹ sư mới ra trường
may lắm là đủ sống. Một số sinh viên ngành văn mà tôi qien biết hoặc có
góp phần đào tạo cũng thế, nhiều người rất giỏi, nhưng họ đều phải làm
thêm nghề tay trái để đảm bảo cuộc sống. Ngày đó, lương sau khi hết thực
tập của tôi là 64 đồng, mà một bữa ăn chỉ hết 3 hào.
Giáo
sư cũng đồng ý với việc rất khó có thế hệ trẻ tiếp nối sẵn sàng dấn
thân bỏ ra một đời người để tìm lại những tinh hoa trong nền văn học của
ông cha ta trong vòng 5 thế kỷ bị lãng quên kia?
Đối
với nhiều lãnh vực nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn, thường
chỉ duy trì được ở một đất nước có nền kinh tế thật phát triển. Khi mà
chi phí đầu tư cho chất xám của những con người sống ở những nước này có
thể gọi là đủ bảo đảm về mặt sinh hoạt để họ tập trung làm việc. Nói
thế, không có nghĩa là nước ta không đầu tư được. Theo tôi thì Nhà nước
cần đưa ra những chính sách cụ thể hơn, ưu tiên hơn. Hoặc có thể cho mở
những trung tâm bảo tồn và đi sâu vào vốn cổ văn hóa. Từ các trung tâm
này sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp đầu tư cho việc nghiên cứu của
các nhà chuyên môn. Ngay các nước phát triển cũng vậy thôi. Không có
Mạnh Thường Quân thì làm văn hóa sao được.
Xem ra ông vẫn còn rất nhiều dự định và kế hoạch cho công việc. Ông tính sẽ làm việc đến năm bao nhiêu tuổi?
Hiện
tại tôi còn nhiều công việc phải làm, như hoàn thành tiếp phần cuối bộ
Lý – Trần, và một số việc liên quan đến các chuyên khảo còn dang dở. Tôi
sẽ cố gắng làm việc trong vòng 10 năm nữa. Sau đó mới nói đến nghỉ
ngơi. Ấy là nói nếu Trời để cho mình được sống đến tuổi ấy...
Ông là một trong những cộng tác viên kỳ cựu nhất của báo Kiến thức ngày nay. Lý do gì mà ông chọn Kiến thức ngày nay làm nơi gắn bó lâu dài?
Trước khi giã từ Tòa soạn Kiến thức ngày nay. Chủ biên tờ tạp chí Hàn Tấn Quang đứng giữa
Tôi được Phó giáo sư Trần Hữu Tá giới thiệu với tờ Kiến thức ngày nay
ngay từ những số báo đầu tiên mới phát hành. Khi đọc xong ấn phẩm này,
tôi cảm thấy thích thú. Không ngờ lại có một ấn phẩm không quá chuyên
sâu nhưng giàu kiến thức cho đại chúng muốn hiểu biết đến thế. Đây là
một tờ báo dành cho nhiều loại độc giả, từ trung bình trở lên đều đọc
được. Đó cũng là lý do tôi chọn tờ báo làm nơi gửi gắm những bài viết
ngắn mà mình tâm đắc. Cho đến nay, tôi vẫn gửi đều đặn bài cho báo.
Ông tâm đắc với chuyên mục nào của báo?
Tôi đọc nhiều chuyên mục, cá biệt có số báo không bỏ sót trang nào. Tôi cũng thích chuyên mục “Đọc chuyện đêm khuya”.
Ở đó có những truyện dịch về truyền thuyết, truyện ma rất hay. Vì tôi
đang viết về lĩnh vực này nên muốn đọc để tiếp cận với hơi hướng văn
chương truyền kỳ của thời hiện đại.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị. Chúc ông sức khỏe để tiếp tục thực hiện những công việc của mình.
Sài
thành đã bước vào mùa mưa. Hôm nay cũng là một ngày trời mưa. Tôi kết
thúc buổi nói chuyện với Giáo sư và ra về giữa màn mưa trắng xóa. Ông
tiễn tôi ra cửa, dáng hao gầy, cặp kiếng trắng bị mờ đục bởi nước mưa,
chỉ có giọng nói của ông vẫn chắc khỏe và đầy tin yêu: “Cố lên, cô gái.
Còn trẻ phải làm nhiều vào, đừng ngại gì cả nhé!”. Tôi gật đầu, giữ một
lời cảm ơn ông chân thành nhất tận sâu trong đáy lòng, về những điều tôi
học được ở ông sau buổi trò chuyện này.
Bìa cuốn Gương mặt văn học Thăng Long biên soạn trong
chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội , 2010
Nguồn: Kiến thức ngày nay số 818, ra ngày 10-4-2013
Bản gốc trọn vẹn chưa lược bớt và có bổ sung, hoàn thành tháng 5-2012. Người được phỏng vấn đã soát kỹ lại.