Phạm Hồng Sơn
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1996), trong một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc tại Hà Nội vào ngày 30/10/1956, đã có bài diễn văn phê bình Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) và chính sách xử lý, sửa sai CCRĐ của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN, lúc đó có tên là Đảng Lao động Việt Nam).
Đề cập cụ thể tới biến cố CCRĐ, nhưng Nguyễn Mạnh Tường không sa vào
các chi tiết, vấn đề cục bộ. Ngay từ đầu, không hề úp mở, Nguyễn Mạnh
Tường đã chẩn đoán xác định trách nhiệm cao nhất về CCRĐ nằm ở sự lãnh
đạo của ĐCSVN, ông nói:
“Chủ yếu tôi sẽ phê phán và truy nguyên các sai lầm trong Cải
cách Ruộng đất, nhưng theo ý tôi các sai lầm này chỉ là biểu hiện điển
hình và bi đát nhất của những thiếu sót trong sự lãnh đạo của Đảng Lao
động…
Tại sao tôi lại tin như vậy? Là vì, không những trong Cải cách
Ruộng đất chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng mà cả trong nhiều khu
vực khác nữa. Trong các khu vực này, sai lầm cũng đã đưa một số người
trong quần chúng đến cái chết thê thảm. Do đó, nếu chỉ cục bộ hóa các
sai lầm, chúng ta không thể rút được bài học kinh nghiệm.”
Có thể do hiểu được tâm lý e ngại của cử tọa khi động chạm tới ĐCSVN, ông lại mạnh mẽ nêu rõ trách nhiệm đó một lần nữa: “các
sai lầm ta đã mắc trong cuộc Cải cách Ruộng đất này chỉ là những biểu
hiện cực độ của các sai lầm ta đã phạm, và các sai lầm ấy nêu lên, như
tôi trình bày trên đây, một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề lãnh đạo
của Đảng Lao động.”
Sau khi xác định rõ trách nhiệm cao nhất về CCRĐ phải thuộc giới lãnh
đạo của ĐCSVN, Nguyễn Mạnh Tường đề cập tới các sai lầm có tính kỹ
thuật trong CCRĐ, đó là vấn đề pháp lý, đúng hơn là sự bất chấp pháp lý,
coi khinh pháp luật của những người thực hiện CCRĐ. Với một sự chân
thành tha thiết Nguyễn Mạnh Tường như muốn dốc hết những kiến thức cơ
bản về pháp luật để thuyết phục cử tọa:
“Tôi xin phép nhắc tóm tắt sau đây các nguyên tắc căn bản mà pháp lý nêu lên để đạt mục đích ấy.
…Một nguyên tắc thứ ba là muốn kết án một người phải có bằng
chứng xác đáng. Phải có nhân chứng là những kẻ đã mục kích sự phạm pháp
và cung khai một cách cụ thể, rõ ràng, chắc chắn. Một nhân chứng thôi
chưa đủ, ít ra cũng phải có hai nhân chứng cung khai phù hợp với nhau
mới được coi là đáng kể. Cung khai của các nhân chứng phải ăn khớp với
nhau và trong quá trình phạm pháp các tang vật thu được phải có tác dụng
hợp lý, sát hợp với kết quả do cuộc điều tra mang lại.
Một nguyên tắc thứ tư là thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm
quyền lợi của bị tố nhân. Bị tố nhân có quyền nhờ luật sư bào chữa cho
mình, và khi thiếu điều kiện nhờ luật sư, khi nào là một trọng tội, Tòa
phải cử luật sư bào chữa không, cho bị can. Trong tất cả, giai đoạn điều
tra ở trình độ công an thẩm vấn trong phòng dự thẩm, buộc tội trước
tòa, quyền lợi của công tố viện ngang với quyền lợi bị can, nghĩa là nếu
công tố viện đưa hết lý lẽ để buộc tội, bị can đưa hết lý lẽ để minh
oan. Cuộc đấu lý diễn ra trong tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét
xử giữa công tố viện và luật sư. Các vị thẩm phán ngồi xét xử phải là vô
tư, đứng giữa để theo rõi cuộc đấu lý diễn ra dưới mắt mình. Như thế
mới nhận định đúng và xử công minh. Toà án xét xử không chịu lệnh của ai
trong khi xét xử, chỉ biết xét xử theo lương tâm của mình và căn cứ vào
tài liệu trong hồ sơ, sau khi nghe hai tiếng chuông buộc tội và gỡ tội.
Người thẩm phán phải được đủ đảm bảo để làm nhiệm vụ của mình mà không
sợ ai khiển trách hay gây khó khăn cho mình được. Khi điều tra thẩm vấn,
tuyệt đối cấm không được dùng phương pháp tra khảo, đánh đập, hành hạ
bị can, mớm cung cho bị can, dọa nạt hay dụ dỗ hắn. Khi nào có điều nghi
ngờ thì bị can được miễn nghị. Nếu bị kết án thì còn quyền chống án lên
tòa trên. Nếu bị kết án tử hình thì lại còn quyền xin ân giảm trước vị
Chủ tịch Chính phủ. Con người của bị can, trong tất cả quá trình truy tố
và xét xử phải được tôn trọng triệt để, khi bị can ra trước tòa thì
không được xiềng xích họ và không lúc nào được dùng nhục hình đối xử với
họ.
Theo một nguyên tắc căn bản, không phải vì một người tác hại cho
một người khác mà người ấy phải chịu trách nhiệm trước hình luật. Tác
hại cho ai thì chỉ nêu trách nhiệm về phương diện dân sự, nghĩa là bồi
thường thôi — của người đã tác hại. Muốn truy tố người ấy để thi hành
hình luật đối với hắn thì phải chứng minh rằng hắn phạm một tội, nghĩa
là phạm vào một điều khoản nào qui định trong hình luật, và hình luật
không bao giờ có tác dụng đối với quá khứ cả: nếu hành động của một
người diễn ra trong thời kỳ mà hình luật chưa quan niệm là một tội thì
người ấy không thể mang ra truy tố được. Không những bị can phải phạm
một tội đã qui định rồi trong pháp luật, mà ta lại còn phải xét xem rằng
lúc phạm tội ấy bị can có ý thức, có ý chí phạm pháp hay không, hay là
vô tình mà phạm pháp. Sự đối xử trong hai trường hợp ấy khác nhau…”
Không dừng lại ở những sai phạm kỹ thuật pháp lý, điều mà có thể
nhiều lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN lúc đó không phải không biết, Nguyễn
Mạnh Tường đã chỉ thẳng vào sai phạm cốt lõi của hệ thống chính trị là
tính chất phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu. Với con mắt của nhà luật học
từ quê hương của Montesquieu, Nguyễn Mạnh Tường đã điểm từng bộ phận
giả trong hai nhánh hành pháp, lập pháp của chính thể “dân chủ cộng hòa”
giả hiệu, đồng thời kèm theo những lý lẽ chặn trước những bao biện có
thể:
“Chính thể ta thiếu dân chủ như thế nào, ta đã từng biết. Vai trò
của các vị Bộ và Thứ trưởng ngoài Đảng như thế nào, các vị đó làm được
những gì trong Hội đồng chính phủ, trong các ngành chuyên môn mà các vị
ấy phụ trách, ta không nên đi quá sâu. Ta chỉ cần liếc mắt nhìn qua công
việc làm trong mỗi Bộ, ta chỉ cần nghe tiếng than phiền của các cán bộ,
công chức làm việc trong các Bộ là ta hiểu. Ta cũng biết rằng chủ
trương của Đảng có lẽ không phải như vậy đâu, nhưng trong thực tế công
tác, mỗi anh em ta tiếp xúc với các vị Bộ hay Thứ trưởng ngoài Đảng, đều
nhận thấy rằng quyền hành của các vị ấy hình như không phải là quan
trọng cho lắm. Nhận định như vậy có lẽ ta lầm đấy. Nhất định ta lầm.
Nhưng dù sao có “dư luận” không ai chối cãi được. Do đó, nếu chủ trương
của Đảng không phải như vậy thì ít ra Đảng cũng mang trách nhiệm không
làm thế nào để tiêu tan cái dư luận tai hại mà chúng ta thấy tồn tại từ
thời kỳ kháng chiến đến giờ. Nhưng cũng có điều chắc chắn không ai chối
cãi được, là các vị Bộ hay Thứ trưởng không có trách nhiệm gì trước Quốc
hội, trước nhân dân, chỉ có trách nhiệm trước Chính phủ mà thôi. Chưa
bao giờ ta thấy vị Bộ truởng nào bị lật đổ cả. Phải đợi đến các sai lầm
đặc biệt nghiêm trọng trong Cải cách mới thấy hai vị Thứ trưởng phải rút
lui khỏi Hội đồng Chính phủ. Các hiện tượng ấy chứng tỏ rằng Chính phủ
ta chưa thực hiện được dân chủ trong khi lập Hội đồng Chính phủ, vì các
vị Bộ hay Thứ trưởng đều được cử hay bị truất, ngoài sự tham gia trực
tiếp hay gián tiếp (qua Quốc hội) của quần chúng.
Tình trạng của Quốc hội lại rõ hơn nữa. Mười năm Quốc hội đã
thành lập. Các vị đại biểu Quốc hội còn phản ảnh được ý nguyện của quần
chúng không, quần chúng có tín nhiệm ở Quốc hội nữa không, đó là một vấn
đề. Nhưng dù vấn đề ấy ta giải quyết như thế nào đi nữa, có một điều
chắc chắn là một Quốc hội già 10 năm rồi mà vẫn tồn tại ngoài sự can
thiệp của quần chúng, sự lựa chọn của quần chúng, chứng minh rằng quần
chúng 10 năm nay đã bị truất quyền cử đại biểu của mình rồi. Dĩ nhiên
trong thời kỳ kháng chiến, bầu lại Quốc hội là một điều không làm được.
Và hiện thời, Nam-Bắc bị tạm chia cắt, do đó sự bầu lại toàn thể Quốc
hội cũng là khó khăn. Nhưng dù sao riêng ở các miền giải phóng này, nếu
ta chú ý đến quyền người dân cử đại biểu của họ thì nhất định ta phải
cho phép người dân bỏ phiếu rồi. Từ khi hòa bình trở lại, 2 năm đã qua,
mãi bây giờ trước phong trào quần chúng đòi thực hiện dân chủ, ta mới
nghĩ đến quyền bỏ phiếu của người dân và bổ sung Quốc hội.
Nào có thế thôi đâu? Ngay cái Quốc hội ta đang có hiện thời, ta
có thực hiện dân chủ với nó không? Chắc chắn là không. Thỉnh thoảng ta
mới họp Quốc hội, và trong các buổi họp đó ta chỉ thấy Chính phủ đưa ra
các báo cáo để Quốc hội nghiên cứu, xây dựng, hay các chính sách để Quốc
hội tán thành và bổ khuyết. Quyền lập pháp của Quốc hội ở đâu? Quyền đề
ra đường lối, chủ trương trong nội trị, ngoại giao, quyền nêu trách
nhiệm của Chính phủ và các Bộ, quyền lựa chọn nhân viên trong Hội đồng
Chính phủ, bấy nhiêu quyền, Quốc hội có được hưởng dụng không? Dư luận
quần chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có quyền thông qua các chính sách
mà thôi. Còn như các sắc lệnh hay đạo luật thì thường thường, quyền
thông qua ấy chỉ thuộc ban Thường trực của Quốc hội. Nếu Quốc hội là tổ
chức cao nhất của quần chúng, đại diện cho quần chúng, thì ta phải khách
quan nhận thấy rằng, với vai trò vô cùng yếu ớt của Quốc hội hiện thời,
quyền dân chủ của quần chúng không được thực hiện.”
Về Mặt trận Tổ quốc, theo ngôn ngữ ngày nay, là một tổ chức dân sự mẹ
của mọi tổ chức dân sự khác, Nguyễn Mạnh Tường đã vạch thẳng ra ý đồ
của ĐCSVN chỉ muốn cái tổ chức dân sự đó đóng vai trò làm fan, làm đẹp
cho Đảng:
“Ta thấy khó chịu khi nó thỏ thẻ —chỉ thỏ thẻ thôi— những lời làm
ta một phút chốc tỉnh giấc mộng chủ quan mà ta trong cấp lãnh đạo đang
say sưa. Vì vậy ta chỉ thường cho phép nó, chỉ khuyến khích nó phụ họa
ta, tán đồng ta với thái độ của đứa con khen hay khi mẹ nó hát.”
Là một trí thức đầy uy tín về cả chuyên môn lẫn tư cách, lại đang
được ĐCSVN rất quan tâm, dành cho nhiều ưu ái, nhưng không vì thế mà
Nguyễn Mạnh Tường im lặng trước thực trạng giới trí thức bị hắt hủi, bị
biến thành nô lệ, thành công cụ cho quyền lực của ĐCSVN. Chân tình và
chua xót, ông giãi bày:
“Đại đa số các anh em trí thức nói chung, không mơ ước các cương
vị, công tác lộng lẫy đâu, họ vui lòng nhường chỗ cho các nhà chính trị,
các đảng viên. Họ chỉ thiết tha đòi hỏi được mang khả năng chuyên môn
và kinh nghiệm của họ ra phục vụ nhân dân mà thôi. Họ chỉ thiết tha mong
muốn được bảo toàn danh dự trí thức của họ và cái tự do tư tưởng mà họ
quan niệm là cần thiết cho nhân phẩm của người trí thức mà thôi. Họ đã
từng nghe thấy Đảng tuyên bố: Người trí thức là vốn quí của dân tộc.
Nhưng họ cảm thấy vốn ấy quí quá đến nỗi phải cất nó đi thật kỹ, giữ gìn
nó trong một bán ảnh, một hoàng hôn trường cửu. Nếu có ai cho rằng tôi
nói không đúng, tôi cứ đề nghị người ấy quay mặt nhìn chung quanh, ở các
cương vị công tác trong chính thể của ta. Có một chỗ nào mà người trí
thức ngoài Đảng nắm được thực quyền không? Tác dụng “hiếu hỉ” hay “cười
gật” thì có, mà lại có nhiều. Nhưng ngay ở các cương vị ấy, ngoài vai
trò hiếu hỉ, cười gật, người trí thức có một trách nhiệm gì không, có
quyền nói gì làm gì không, quần chúng đã biết và miễn tôi giả nhời.”
Các biện pháp sửa sai CCRĐ có tính đối phó, mỵ dân, trốn tội có thể
làm hài lòng, thậm chí nức lòng nhiều người nhưng đối với một người yêu
nước nồng nàn lại am tường chính trị thì không thể. Nhẹ nhàng nhưng dứt
khoát, Nguyễn Mạnh Tường yêu cầu phải sửa lại toàn bộ tinh thần và qui
trình sửa sai:
“Đảng Lao động và chính phủ có nhận thấy cần thiết, trong chính
sách sửa chữa các sai lầm trong Cải cách, phải “tăng cường chế độ pháp
trị” của ta. Tôi e rằng trong tư tưởng lãnh đạo, sự nhận thức về vấn đề
pháp trị chưa được rõ và đầy đủ. Chính trị vẫn coi pháp luật như một “bà
con nghèo”. Chữ “tăng cường” là một chứng minh. Tuy rằng trong nước ta
có một Bộ Tư pháp, có các toà án, có luật lệ, nhưng chế độ pháp trị hầu
như không có. Đó là một điều tôi sẽ nghiên cứu sâu sắc hơn khi nào tôi
trình bày ý kiến về chế độ pháp trị, một chế độ pháp trị chân chính.
Theo ý tôi, thì vấn đề không phải là tăng cường mà là xây dựng.
Một chứng minh khác trong chính sách Sửa sai trong Cải cách này,
tôi vẫn thấy chính trị lấn áp pháp lý. Trước hết bức thư của ông Hồ Viết
Thắng tự phê bình và xin rút lui khỏi Mặt trận Trung ương chỉ là một
giải pháp chính trị mà thôi. Trong cuộc mạn đàm với các vị đại biểu đến
họp hội nghị này, tôi nhận thấy không ai “thông” về ý kiến và biện pháp
ông Hồ Viết Thắng trình bày cả. Riêng về phần tôi là một nhà luật học,
tôi chưa thể nào nhận định được trách nhiệm của ông Thắng. Có thể trách
nhiệm của ông ấy rất lớn, có thể rất nhỏ. Đứng trên tinh thần pháp lý,
sự nhận tội lỗi của một người không đủ để qui định trách nhiệm của người
ấy. Trong Cải cách, khi những đảng viên ưu tú bị đoàn Cải cách gán cho
là phản động, ra trước nhân dân, có người cũng nhận tội trong khi biết
là mình oan. Ta nên rút kinh nghiệm vừa qua, sửa sai không phải là phạm
các sai lầm khác.
Do đó, đứng trên một lập trường pháp trị chân chính, tôi đề nghị
phải lập một ủy ban điều tra gồm các vị đại biểu Quốc hội, Mặt trận,
Đảng Lao động với sự cộng tác của các vị thẩm phán cao cấp, giàu kinh
nghiệm để lập một hồ sơ theo phương pháp pháp lý đã nhận định, trên quá
trình đi từ lãnh đạo qua chỉ đạo đến chỗ thực hiện chính sách, trách
nhiệm ở chỗ nào và do những ai phải chịu. Sau khi kết thúc cuộc điều
tra, ủy ban ấy sẽ phân tách trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp
lý. Ai chịu trách nhiệm chính trị sẽ trả lời trước Quốc hội biến thành
Toà án tối cao. Ai chịu trách nhiệm pháp lý sẽ trả lời trước các tòa án
tư pháp. Dưới con mắt của quần chúng theo dõi xây dựng cuộc điều tra và
xét xử, công lý phát huy, không còn ai thắc mắc nữa.”
Rất hệ thống, hàn lâm và quyết liệt trong việc truy nguyên sai phạm
nhưng khi đề cập tới giải pháp, Nguyễn Mạnh Tường lại rất thực tế, dung
dị, nhưng vẫn nền tảng, chỉ nêu ra ba vấn đề cấp thiết nhằm thực hiện
một “yêu cầu thiết tha nhất hiện thời của quần chúng là được phản ảnh lên ý nguyện của mình”. Một trong ba vấn đề cấp thiết đó là “Một chế độ tự do ngôn luận, xuất bản báo chí.”
Đó là lối tiếp cận giải quyết, nói theo Fareed Zakaria, có tính Dân chủ
Tự do (liberal democracy), vừa kinh điển kiểu Thomas Jefferson, vừa dân
tộc kiểu Phan Chu Trinh và lại rất toàn cầu hóa.
Bài diễn văn kết thúc với những ngôn từ thường có ở một nhân cách lớn: “Các
ý kiến của tôi, dù sai hay đúng, tôi cứ thành khẩn đề đạt lên các vị,
gọi là để góp phần vào hội nghị, một phần nhỏ mọn nhưng chan chứa một
niềm hi vọng và tin tưởng vô biên ở tương lai của đất nước.”
Người đọc diễn văn sau đó đã bị cầm cố cho đến tận cuối đời. Và hơn
55 năm sau khi bài diễn văn vang lên ở Hà Nội, một biến cố về đất đai
lại xảy ra ở Tiên Lãng.
Biến cố Tiên Lãng so với Cải cách Ruộng đất –“cách mạng long trời lở đất”
(chữ của Hồ Chí Minh) – chỉ như một giọt nước độc trong một hồ nước
độc. Nhưng cả hai đều cùng chung một cái nền sinh ra chất độc. Lớp trên
của cái nền đó là chính sách (luật) về đất đai, còn lớp dưới cùng là hệ
thống chính trị phi dân chủ do ĐCSVN nắm giữ. Để thay hay sửa cái nền đó
không thể là việc đơn giản hay không nguy hiểm. Nhưng nếu muốn nước
sạch thì không thể vì sự phức tạp hay nguy hiểm mà lại cho rằng không có
hay quên đi cái nền độc tính đó.
Bài đăng ngày 29.2.2012
© 2012 pro&contra