Mạnh Quân
Tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã có một cuộc hội thảo có tính
chất tham vấn, trao đổi ý kiến với các chuyên gia ngân hàng Thế giới
(WB) tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn.
Tại hội thảo này, ông Phạm Viết Muôn, trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát
triển doanh nghiệp Trung ương cho biết, có 21 tập đoàn, tổng công ty lớn
phải trình Chính phủ ngay trong quý 1 đề án tái cấu trúc để trong quý
2, 21 đề án này được phê duyệt, và sau đó triển khai ngay từ năm 2012
cho đến năm 2015.
Nhưng chính ông Muôn cũng tỏ ý lo ngại, để có 21 bản đề án tái cấu
trúc các tập đoàn, tổng công ty lớn nhất vừa kịp thời hạn vừa có chất
lượng cao là rất khó. Vì lúc bàn đến chuyện này đã là giữa tháng 2. “Cứ tính trung bình hai ngày phải làm một chiếc (đề án) thì thấy tính khả thi là… hạn chế”,
ông Muôn nói. Mặc dù cổ phần hoá (CPH) hay tái cấu trúc (TCT) là hai
cách làm khác nhau, nhưng nhìn lại quá trình CPH tập đoàn, tổng công ty
trước đây thì thấy rõ: có muốn làm nhanh cũng khó, bởi “dục tốc bất
đạt”. Có rất nhiều tổng công ty để CPH, thời gian thường mất là hàng
năm. Mỗi khâu: định giá, kiểm toán, giải bài toán lao động dôi dư… đều
có thể mất đến cả năm. Cho nên, có thể nhìn thấy trước, nếu chưa tìm
được cách thức TCT đúng đắn, khoa học, thì kết quả của nó sẽ khó đạt yêu
cầu.
Vậy, Chính phủ dự định TCT các “anh cả đỏ” của nền kinh tế như thế
nào? Theo tiết lộ của ông Nguyễn Trọng Dũng, phó vụ trưởng vụ Đổi mới
doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Chính phủ yêu cầu tập trung TCT vào
ba điểm: thứ nhất là hoàn thiện cơ chế chính sách để doanh nghiệp 100%
vốn nhà nước hoạt động hiệu quả theo cơ chế thị trường; thứ hai là thúc
đẩy, xây dựng cơ chế để thực hiện tốt quá trình TCT các tập đoàn, tổng
công ty; thứ ba là xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động
đầu tư của tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), hoàn
thiện cơ chế cho tổng công ty này hoạt động. TCT khối doanh nghiệp nhà
nước (DNNN). Theo ông Dũng, sẽ không phân biệt cấp quản lý, cơ quan quản
lý, sẽ mở rộng TCT cả các đơn vị thành viên các tập đoàn, tổng công ty
và nguồn lực của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong quá trình
này, Chính phủ cũng yêu cầu phân ra các nhóm TCT khác nhau, có nhóm thực
hiện TCT trước CPH, có nhóm sau CPH vẫn thực hiện TCT (như tập đoàn Bảo
Việt); phân biệt hiệu quả kinh doanh và dịch vụ công ích…
Theo lời ông Mishra, kinh tế trưởng của WB thì có tới mười lý do để
TCT khối DNNN. Những lý do cơ bản có thể nêu như: DNNN hoạt động kém
hiệu quả hơn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nước
ngoài; việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách công nghiệp
không nhất thiết phải sử dụng công cụ tập đoàn kinh tế nhà nước; vai trò
của Nhà nước trong nền kinh tế đang thay đổi; “sân chơi” (môi trường
kinh doanh) vẫn chưa bình đẳng; có thể coi việc TCT khối DNNN là đòn bẩy
để phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Nhìn vào các động thái mới về quản lý khối DNNN, có thể thấy Chính
phủ đang tỏ ra sốt sắng với việc TCT các tập đoàn, tổng công ty với việc
đặt ra các thời hạn khá ngắn cho việc nộp đề án, phê duyệt đề án từng
đơn vị. Một số hướng đi TCT các tập đoàn, tổng công ty là đúng đắn, cần
thiết. Nhưng ở đây, vẫn có thể đặt ra những băn khoăn về mục tiêu, hiệu
quả của quá trình TCT ấy, trên những thông tin phát đi từ vụ Đổi mới
doanh nghiệp. Đó là việc vẫn đặt mục tiêu TCT phải khiến cho các tập
đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước là “nòng cốt” trong nền kinh tế, như
lời ông Nguyễn Trọng Dũng. Tại sao lại phải như vậy khi thời gian đã
chứng minh, nhiều tập đoàn, tổng công ty, trong nhiều năm qua, đã không
thể nào thực hiện nổi vai trò đó như: tổng công ty Thép, các tổng công
ty Lương thực, tổng công ty Ximăng…khi thị truờng biến động, nào thấy
vai trò “trụ cột”, có khả năng can thiệp, điều tiết thị trường của những
“quả đấm thép” ấy đâu? Thì nay, liệu một đợt TCT có tiếp tục giúp các
“ông lớn” này thực hiện được yêu cầu đó?
Hay đặt ra yêu cầu TCT nhanh, hiệu quả nhưng các tập đoàn, tổng công
ty vẫn được nuôi dưỡng trong một môi trường thiếu tính cạnh tranh. Người
ta cũng có thể nghi ngờ, TCT các tập đoàn, tổng công ty gắn với việc
thị trường hoá (các sản phẩm độc quyền: điện, xăng dầu…) nhưng có nhất
thiết phải tăng giá mới là kinh tế thị trường? Vẫn có quan điểm cho rằng
cần nâng giá một số sản phẩm như điện, giá còn thấp để sát với giá
thành sản xuất, nhưng lại không cân nhắc việc giá thành sản xuất có thể
giảm nếu có sự cạnh tranh lành mạnh hơn. Để có được điều này thì một số
tập đoàn, tổng công ty cần phải được chia nhỏ ra, đặt chúng vào một môi
trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh
tế khác. Và đó có nên là một việc cần thiết của quá trình tái cơ cấu
này?
MẠNH QUÂN