Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Trong một xã hội độc tài thích bí mật, chúng ta cần sự công khai

Thông qua việc Hội Nhà báo Độc lập đang gặp nhiều khó khăn (qua các sự kiện gần đây), đặc biệt là việc linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh từ nhiệm. Nhiều thắc mắc đã được đặt ra từ những người quan tâm về Hội. Dân News đã xin linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh chút thời gian để trao đổi về việc này:
1. Thưa Cha, qua sự kiện cha vừa phát đi thư từ chức Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, cũng như qua một vài sự cố mâu thuẫn đáng tiếc từ các thành viên hội, có thể coi rằng việc hình thành các hội nhóm dân sự xã hội ở Việt Nam hiện nay, đôi khi vẫn còn nhiều ngẫu hứng, non yếu và mang tính mặt trận trước thời cuộc không?
– Các tổ chức Xã hội dân sự (XHDS) được hình thành từ nhu cầu của cộng đồng, nhằm bảo vệ cộng đồng bằng cách kêu gọi những thành viên trong cộng đồng đó tích cực tham gia các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví dụ người nông dân tham gia các dự án cải thiện môi trường nước nông nghiệp như hạn chế đào giếng, làm kênh dẫn nước từ suối nguồn về làng, ngăn không cho một nhà máy công nghiệp xả chất thải vào nguồn nước, đòi nhà nước phải có chính sách tái tạo và tạo mới nguồn nước nông nghiệp từ thuế thu được của các nhà máy công nghiệp … Có thể nói gọn là XHDS tác động thay đổi cộng đồng của mình và tác động thay đổi chính sách.

Hầu hết các XHDS ở Việt Nam hiện nay được thành lập do ý tưởng từ trên xuống. Không phải có ai lãnh đạo ép phải làm đâu, mà từ một người có uy tín nào đó, rồi kêu gọi một số người tham gia và chính thức ra mắt XHDS, xem như nó đã được sinh ra. Điểm non yếu của các XHDS là mỗi XHDS không gắn liền với lợi ích cụ thể của một cộng đồng nhất định.
Hội nhà báo độc lập Việt Nam (Hội) cũng vậy. Tuy hiện nay có một số nhà báo, blogger bị bắt nhốt tù, nhưng điều này không trở thành nhu cầu cấp thiết của những người đang tham gia Hội, họ chỉ muốn, mà muốn thì không có cũng không chết. Chỉ khi nào điều đó trở thành nhu cầu của cộng đồng những người làm báo thì nó sẽ trở thành lý do vững chắc cho việc thành lập Hội. Hoặc hiện nay Hiến pháp 2013 công nhận công dân có quyền tự do báo chí, tự do thông tin …, nhưng trong thực tế, các văn bản luật đều tước đi quyền này của công dân, và biến nó thành đặc quyền để nhà nước ban cho những ai mà họ thấy phù hợp. Đây là việc làm sai trái có hệ thống của nhà cầm quyền, nên phải đấu tranh để giành lại quyền đó thực sự cho mỗi công dân Việt Nam. Trong trường hợp này Hội không nhất thiết phải là những người làm báo, mà là những người muốn đòi cho được quyền tự do báo chí tự do thông tin cho mình và người khác thì có thể tham gia. Đây cũng là lý do mạnh để Hội tồn tại lâu dài, vì trong thực tế khi nào còn chế độ độc tài thì khi đó các quyền này còn bị cản trở.
Nhưng không may cả hai lý do nền tảng đó lại không được chọn để ưu tiên xây dựng hoạt động Hội. Hội hiện nay ưu tiên chuyện làm báo. Việc này vô hình chung, Hội chỉ là cái vỏ để một tờ báo có thể quy tụ được những người làm nghề từ các báo khác hay từ những người có nghề nhưng đang làm tự do, từ đó phát triển tờ báo cạch tranh với các tờ báo khác. Những nhà báo “hai mang” sẽ khổ tâm vì vừa viết cho báo của Hội, vừa phải giấu ông bà chủ bút, kẻo họ biết là mình sẽ mất việc. Đó là chưa nói đến việc các nhà báo đang làm việc cho một bản báo nhất định sẽ “ăn cắp” thông tin của tờ báo mình mà viết cho báo Hội. Như vậy đẩy hội viên đến tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng.
Còn về quan niệm “Mặt trận” như thể Mặt trận tổ quốc là một khái niệm chỉ tồn tại ở các nước XHCN độc đảng toàn trị. Họ muốn dùng cơ cấu này để thâu tóm toàn bộ quyền lực nhân dân. Đây là mô hình không thể chấp nhận trong một xã hội dân chủ, do đó, Hội ra đời trong bối cảnh này không hề có ý nghĩa “mặt trận” như vậy (ít là ý tôi).
2. Sự ra đời của Việt Nam Thời Báo vào buổi đầu thật sự là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người yêu mến thông tin tự do, nhưng ngay từ đầu dường như Hội đã bộc lộ nhiều bất cập do có quá nhiều thành viên có tên nhưng thiếu hoạt động tham gia. Cho đến nay, nhược điểm đó vẫn chưa được thay đổi, theo Cha thì Việt Nam Thời Báo, về mặt báo chí thuần tuý, sẽ có thể mất dần độc giả và đi đến bế tắc không?
Dân News bảo “Sự ra đời của Việt Nam Thời Báo vào buổi đầu thật sự là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người yêu mến thông tin tự do”, tôi thấy rất đúng. Tuy nhiên “nhiều người yêu mến thông tin tự do” lại chỉ quan sát tờ báo thì rất uổng cho công tờ báo ấy gây ra là “nguồn cảm hứng”. Đúng ra phải từ nguồn cảm hứng của tờ báo này, những người yêu mến tự do thông tin sẽ liên kết với nhau để làm ra những cái tương tự như tờ báo đó và lúc đó tự do thông tin thật sự mới đến với dân Việt mình.
Việc một tờ báo có thêm độc giả hay mất đi bạn đọc không chỉ tùy thuộc vào các cây viết, mà còn phụ thuộc chính vào khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin và phản hồi thông tin của công chúng cách nhanh chóng, khách quan và trung thực. Ngoài ra việc phát hành – đừng nghĩ báo mạng không cần phát hành – cũng rất quan trọng. Những độc giả quen thuộc tuy nhiều, nhưng vẫn là một con số rất khiêm tốn với cộng đồng mạng hiện nay. Và nếu vì một chút trục trặc làm cho nó phát triển chậm lại chút thì đó là cơ hội cho nhiều tờ báo độc lập hay tư nhân khác ra đời để có “đối thủ” cạnh tranh.
Tôi muốn nói thêm chút nữa về chuyện “phát hành” này. Hiện nay các công dân mạng đang tiếp cận thông tin ngày càng nhiều theo phiên bản “Net.5″. “Net.5″ là cái gì? Đây là cái tôi đặt cho tôi dễ nhớ và không cho phe`p mình thụt lùi. Net.1 là website tĩnh, Net.2 là website động – khởi đầu cho ý niện mạng xã hội – Net.3 là blog, Net.4 là miniblog – như Facebook – Net.5 là apps điện thoại thông minh. Hiện nay giới làm báo đang bám vào website, trong khi đó, công chúng bắt đầu dùng điện thoại để tiếp cận với internet, mà ai dùng internet điện thoại thì chỉ thích dùng apps, không thích vào website.
3. Có cái gì đó không ổn. Khi những người rất tên tuổi về báo chí đứng riêng lẻ thì hoạt động rất mạnh, nhưng khi cùng đứng chung vào Hội thì lại phản tác dụng. Đây là vấn về cá nhân hay là do cách tổ chức của Hội Nhà Báo Độc Lập có sai lầm?
Việc các nhà báo tên tuổi đứng riêng lẽ hoạt động rất mạnh là một ý kiến chủ quan. Trong thực tế, chỉ một nhà báo mà cho chạy một tờ báo hoặc một trang blog như tờ báo thì người đó đã phải “cầu cứu” khắp nơi để có bài mới liên tục cho độc giả của mình. Vì một người có viết khỏe đến đâu cũng không đủ sức cung cấp liên tục điều hấp dẫn và đa dạng về cách thể hiện cho cộng đồng độc giả đa dạng trên internet hiện nay.
Đúng ra các nhà báo ấy nên liên kết các nhà báo khác, hoặc với những “đệ tử” do mình đào luyện để cùng làm thì tờ báo đó sẽ đứng vững lâu hơn. tất nhiên khởi đầu khó khăn, vì mình phải bỏ dần đi cái “tuyệt đối đúng” trong suy nghĩ và cách làm của mình.
Việc các nhà báo tên tuổi vào Hội không phải để làm báo. Nhưng thực tế nó thành làm báo, nên đó là lý do đụng và tan. Lúc này thì Hội chưa tan, nhưng nếu tiếp tục chỉ ưu tiên cho việc làm báo thôi thì sẽ tan trong thời gian tới.
4. Thưa Cha, theo thực tế cho thấy, chỉ trong hơn một tháng, Hội Nhà Báo Độc Lập đã đối diện một cuộc khủng hoảng nội bộ, mà lại luôn dùng facebook như một cách bày tỏ. Nhiều người đã sử dụng hình thức này, kể cả thư từ chức của Cha, liệu qua đó người ta có thể phỏng đoán rằng các cuộc đối thoại trong nội bộ Hội đã bất khả?
Điều phải nói ngay là vì toàn thể hội viên không thường xuyên gặp nhau trực tiếp, nên Hội đã dùng điện thư để liên lạc, thảo luận cho nhau là chính. Các thư tôi đều viết chính thức cho Ban lãnh đạo và các hội viên trong emailing list chư không viết trên facebook. Việc trích đăng lại hay đăng lại toàn lá thư của tôi trên facebook là của người khác chứ không phải của tôi, tuy nhiên tôi không phản đối. Tại sao mình không làm mà không phản đối? Thưa vì tôi quan niệm những gì mình đã nói, đã viết và đã gởi cách chính thức (mặc dù nó chưa hoàn thiện) thì người biết là nhóm nhỏ hay cộng đồng lớn đã vượt khỏi tầm kiểm soát tuyệt đối của mình. Mặc khác, chúng ta đang sống trong xã hội độc tài, người ta dùng bí mật để thêu dệt quá nhiều điều với công chúng, nên tôi chủ trương rất ít bí mật, rất ít riêng tư trên internet.
Còn vấn đề của Hội có bất khả giải quyết nội bộ hay không còn tùy cách đánh giá của mỗi người, tuy nhiên, nhưng người bên ngoài cũng chỉ có thể bàn luận chứ không thể quyết định gì được chuyện của Hội. Chuyện của Hội phải do Hội giải quyết. Những áp lực bên ngoài nếu có chỉ đơn giản là “cung cấp thêm thông tin” giúp các hội viên đủ hiểu rõ trước khi làm một quyết định đúng hơn cho Hội.
5. Sự ra đời của một Hội chủ trương tự do về truyền thông thật sự là đáng quý trong bối cảnh kiểm duyệt độc tài Cộng Sản, theo Cha, với hiện trạng này, Hội Nhà Báo Độc Lập có thể vượt qua và thật sự làm được những gì như công chúng đã chờ đợi không?
Hội có thể vượt qua những khó khăn hiện tại để mưu cầu một nền tự do báo chí cho Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên một mình Hội không thể gánh hết mong mỏi này, mà cần rất nhiều XHDS khác cùng nhập cuộc.
Riêng Hội, để vượt qua và phát triển cần:
– gấp rút điều chỉnh lại Điều lệ
– trao website VNTB và trang facebook lại cho các nhóm hội viên theo nguyên tắc đấu thầu. Khuyến khích các hội viên liên kết mở ra thêm nhiều tờ báo độc lập hay tư nhân.
– tập trung vào việc bảo vệ các nhà báo bị tấn công, bắt bớ do thi hành sứ mạng báo chí
– nếu cần thì bầu lại Ban lãnh đạo.
Cám ơn Dân News đã quan tâm đến tôi và vấn đề này.
Vâng, xin cám ơn Cha
Dân News thực hiện
———————–
Tựa do Dân News đặt, dựa trên ý từ cuộc phỏng vấn

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"