Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy
Gửi cho BBC từ Pháp
Gửi cho BBC từ Pháp
Trong khoảng thời gian gần đây, cộng đồng người Khmer Krom
tại Campuchia đã liên tục tổ chức nhiều cuộc biểu tình trước sứ quán
Việt Nam phản đối chính sách đất đai của Việt Nam.
Nguyên do của những cuộc xuống đường này là phát biểu của ông Trần
Văn Thông, tham tán sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh, nói rằng
miền đất Nam Bộ thuộc về Việt Nam từ lâu trước khi Pháp chuyển
giao lại cho Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 09/09/2014, ông Thach Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Krom ở Campuchia, cho biết:
"Chúng tôi không đòi lại đất, mà chúng tôi muốn gửi thông điệp tới
chính phủ Việt Nam, yêu cầu họ phải tôn trọng chủ quyền của chúng tôi,
không được can thiệp vào công chuyện của chúng tôi.
Việt Nam không hiểu đúng về lịch sử của người Khmer, hoặc là họ cố
tình muốn quên lịch sử bằng cách tuyên bố rằng đất đai Kampuchea Krom
thuộc về Việt Nam từ lâu.
Đất đai Kampuchea Krom là của chúng tôi, và bị người Pháp giao cho
người Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam tôn trọng lịch sử, tôn trọng
chủ quyền của chúng tôi, công khai xin lỗi chúng tôi và không can thiệp
vào chính trị của các quốc gia khác".
Với tất cả sự trân trọng và lòng kính mến, người ta thực sự không hiểu ông Thach Setha muốn nói gì.
Yêu sách của Khmer Krom
Yêu sách của ông Thach Setha, một trong những người lãnh đạo cuộc
biểu tình đồng thời là một nhà hoạt động thuộc đảng Cứu quốc của chính
trị gia Sam Rainsy và cựu Thượng nghị sĩ trong Quốc hội Campuchia, gồm
ba vế: đất đai và chủ quyền; lịch sử Kampuchea Krom và yêu cầu không can
thiệp vào chính trị của một quốc gia khác.
Cụ thể hơn, ông Thach Setha muốn "phía Việt Nam chính thức công khai
xin lỗi người Khmer Krom và công nhận lịch sử của chúng tôi bằng văn
bản" và yêu cầu: "không can thiệp vào việc nội bộ của các quốc gia khác
của khối ASEAN".
Để làm áp lực, ông Thach Setha đe dọa:
"Nếu như không có phản hồi hay giải quyết gì từ phía Việt Nam thì đầu
tháng 10 này chúng tôi sẽ có biểu tình lớn để yêu cầu chính phủ
Campuchia tạm cắt đứt quan hệ với Việt Nam cho tới khi nào Việt Nam thừa
nhận lịch sử của chúng tôi. Chúng tôi cũng kêu gọi người Campuchia tẩy
chay hàng hóa Việt Nam".
Thấy gì qua phát biểu này?
Những yêu sách của ông Thach Setha phần lớn dựa trên tài liệu của Cộng đồng người Khmer Krom phổ biến trên mạng (https://vi-vn.KhmerKromNews), theo đó:
Về đất đai và chủ quyền, "Kampuchea Krom, nguyên là một phần của
Vương quốc Kampuchea ở phía đông, hiện nay nằm dưới sự quản lý của chính
quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Về lịch sử Kampuchea Krom, "Kampuchea Krom bị Thực dân Pháp cắt khỏi
lãnh thổ Kampuchea và cho xác (!) nhập vào lãnh thổ Việt Nam, chịu sự
quản lý của chính quyền Việt Nam bằng văn bản số 49-733, ký ngày 04
tháng 6 năm 1949 ở Thành phố Toulon, Tỉnh Var, nước Pháp".
Lãnh đạo Campuchia thường dựa vào TQ để bài Việt Nam
Về danh xưng: "Vào thời đó, vùng đất Kampuchea Krom được gọi là
Kampuchea Ngập Nước hay Kampuchea Krom (Kampuchea Hạ), và còn được gọi
là Đồng bằng Châu thổ sông Mekong (Mekong Delta). Dưới thời Thực dân
Pháp quản lý Đông Dương (Indochina), vùng đất Kampuchea Krom được gọi là
Basse Cochinchine (Cô-săng-sin Hạ)", với 68 965 km2.
Về dân số: "Nếu căn cứ vào số liệu thống kê dân số theo từng địa
phương của Mặt trân Giải phóng Kampuchea Krom tiến hành vào năm 1968
thực hiện trên 21 tỉnh - thành của Kampuchea Krom và thực hiện phương
thức tính 20 năm thì cho đến tháng 1 năm 2005, dân số người Khmer ước
khoảng 14 571 000 (Mười bốn triệu năm trăm bảy mươi mốt ngàn) người".
Sự thật là thế nào?
Người Khmer Krom thường viện dẫn những lý do lịch sử và văn hóa để
chứng minh chủ quyền của họ trên lãnh thổ miền Nam. Cách tiếp cận này
tuy hợp lý nhưng không đúng. Hợp lý vì những nhóm dân cư bản địa đầu
tiên trên vùng đất này là con cháu những người Khmer trốn chạy các cuộc
vây bắt nô lệ để xây dựng đền đài quanh khu vực Seam Reap và Battambang
từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14, và sau đó là những cuộc nội chiến hay tấn
công của người Thái từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18.
Nhưng không đúng vì các vương triều Khmer chưa bao giờ làm chủ khu vực đồng bằng sông Cửu Long như thường tuyên bố.
Nhắc lại, đế quốc Angkor trong thời cực thịnh nhất, từ thế kỷ 8 đến
thế kỷ 12, là một đế quốc lục địa. Các trung tâm chính trị và tôn giáo
được thiết lập:
- về phía tây, quanh khu vực phía bắc hồ Tonlé Sap (Battambang, Siem
Reap), sông Chao Phraya và lưu vực hai sông Menam và Irrawaddy, mà những
đền đại nổi tiếng là Angkor Wat và Angkor Thom được xếp vào di dản nhân
loại;
- về phía đông, từ vùng trung lưu sông Mekong (Kompong Cham) tới khu
vực phía nam hồ Tonlé Sap (Biển Hồ), Longvek, Udong, Kampong Cham và
Banteay Prey Nokor (Gia Định). Sau khi đế quốc Angkor bị Xiêm La xóa
tên, năm 1439 vua Ponhea Yat bỏ chạy về Wat Phnom Daun Penh (Phnom Penh)
và thành lập kinh đô.
- Vùng phía nam (đồng bằng châu thổ sông Cửu Long), cho đến nay chưa tìm thấy dấu ấn cai trị của vuơng triều Khmer.
Những lý cớ chống Việt Nam
Lý cớ đầu tiên là đất đai. Tổ chức Khmer Krom không ngừng tố cáo Việt
Nam chiếm vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long của người Khmer. Củng
cố lý cớ này là sự hiện diện của khoảng 500 đền đài Khmer trên khắp châu
thổ. Đây là vấn đề rất được bàn cãi của những chuyên viên và những nhà
nghiên cứu lịch sử, vì sự thật không hẳn như vậy.
Về điểm này tưởng cũng nên nhắc lại một vài dữ kiện địa lý-lịch sử.
Cách đây hơn 300 năm, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là một vùng sình
lầy hoang dại, đầy muỗi mồng và rắn độc nên ít người dám đến sinh cư
lập nghiệp, trừ khi bị bắt buộc như những người trốn chạy những cuộc
ruồng bắt nô lệ thời đế quốc Angkor.
Những người này sống tập trung trên những vùng đất cao để tránh lụt
lội, gọi là giồng, và sinh sống bằng nghề làm rẫy. Không có tư liệu nào
trong Văn khố hoàng gia Khmer (Chroniques royales khmères) nhắc đến sự
triều cống của những nhóm dân cư sinh sống trên đồng bằng châu thổ sông
Cửu Long (Mekong).
Trong thế kỷ 17, nội chiến và tranh chấp nội bộ giữa các vương tôn
buộc những phe tranh chấp tìm sự hỗ trợ của những thế lực mạnh hơn để
triệt hạ đối thủ hay để được bảo vệ. Đó là trường hợp của vua Jayajettha
II (1619-1627) kết nghĩa với chúa Nguyễn để được tiếp cứu khi bị Xiêm
La tấn công. Bù lại, Jayajettha II nhượng cho Sãi vương quyền khai thác
lãnh thổ Prei Nokor trong vòng 5 năm để làm nơi thu mua và vận chuyển
thực phẩm ra miền Trung. Sau nhiều lần đánh bật quân Xiêm ra khỏi lãnh
thổ Chân Lạp trong những năm 1622-1623, việc thu hồi hai nhượng địa Prei
Nokor và Kompong Trabei không còn đặt ra nữa, vì vua Khmer rất cần sự
hiện diện của quân Việt trên lãnh thổ của mình.
Phải chờ đến năm 1679, khi hai vị tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên) cùng với hai phó tướng Hoàng Tiến và Trần An Bình, với hơn 3.000 quân và 50 chiến thuyền, xin tị nạn và được chúa Nguyễn cho vào khai thác những vùng đất hoang miền Đông Nam Bộ. Tại đây người Minh Hương đã cùng những di dân Việt khẩn hoang, xây nhà, lập chợ, dựng đình. Với thời gian, những khu đất mới này trở nên trù phú và thu hút đông đảo di dân khác tới, kể cả người Khmer trong nội địa. Năm 1698, vùng đất Sài Gòn - Gia Định, tức miền Tây Nam Bộ, chính thức được chúa Nguyễn xác lập chủ quyền.
Phải chờ đến năm 1679, khi hai vị tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên) cùng với hai phó tướng Hoàng Tiến và Trần An Bình, với hơn 3.000 quân và 50 chiến thuyền, xin tị nạn và được chúa Nguyễn cho vào khai thác những vùng đất hoang miền Đông Nam Bộ. Tại đây người Minh Hương đã cùng những di dân Việt khẩn hoang, xây nhà, lập chợ, dựng đình. Với thời gian, những khu đất mới này trở nên trù phú và thu hút đông đảo di dân khác tới, kể cả người Khmer trong nội địa. Năm 1698, vùng đất Sài Gòn - Gia Định, tức miền Tây Nam Bộ, chính thức được chúa Nguyễn xác lập chủ quyền.
Năm 1671, một quan nhân nhà Minh khác tên Mạc Cửu cùng với 400 người
đổ bộ lên vùng đất hoang vu trong vịnh Thái Lan và xin thần phục vương
triều Khmer. Năm 1681, vua Jayajettha IV cho Mạc Cửu khai thác vùng đất
dọc bờ biển phía nam Campuchia ngày nay, gọi là Căn Khẩu, nhằm ngăn chặn
những cuộc tấn công của hải tặc. Sau nhiều lần bị hải tặc Xiêm La đánh
phá và không được vua Khmer hỗ trợ, năm 1724 Mạc Cửu xin thần phục chúa
Nguyễn, vùng đất Căn Khẩu đổi tên thành Long Hồ dinh, sau này là Hà
Tiên. Con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ đã tận tình giúp các vua Khmer
đánh trả quân thù để bảo vệ ngôi báu, sau mỗi chiến công các vua Khmer
trao tặng đất đai để tưởng thưởng. Năm 1759, toàn bộ lãnh thổ đồng bằng
sông Cửu Long chính thức được sát nhập vào lành thổ nhà Nguyễn.
Những giải thích dài dòng này để nói lên một sự thật các triều vương
Khmer không hề quan tâm đến vùng đất sình lầy đồng bằng châu thổ sông
Cửu Long, khi có cơ hội là sẵn sàng trao tặng cho những người đã giúp họ
giữ được ngôi báu. Dựa vào yếu tố này, có thể nói người Khmer chưa bao
giờ làm chủ đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mặc dù đã hiện diện trước
đó.
'Người ta thực sự không hiểu ông Thach Setha muốn nói gì'
Lý cớ thứ hai là pháp lý. Dưới thời bảo hộ Pháp (1863-1953), các vị
vua Khmer đã nhiều lần yêu cầu hay van nài Pháp giao lại lãnh thổ Nam Kỳ
cho Hoàng gia Khmer (thư vua Ang Duong gởi cho hoàng đế Napoléon III
ngày 25/11/1856, cuộc gặp mặt giữa vua Norodom (cha) và Toàn quyền Đông
Dương, tướng de La Grandière, năm 1864). Nhưng người Pháp từ chối bởi
một lý do giản dị là chính nhà Nguyễn đã giao phần đất này cho Pháp năm
1862 và sau đó năm 1874 chứ không phải các vua Khmer, hơn nữa khi ký
Hiệp ước bảo hộ vương quốc Cambốt năm 1863, hoàng gia Khmer không hề đề
cập tới phần lãnh thổ phía nam, mà người Pháp gọi là Cochinchine (miền
Nam Việt Nam).
Văn bản pháp lý nào?
Tài liệu chủ quyền pháp lý mà Tổ chức Khmer Krom dựa vào là "Luật số
49-733 ban hành ngày 04/06/1949 về việc thay đổi quy chế vùng đất Nam Kỳ
(Cochinchine) trong Liên hiệp Pháp (Union française)", theo đó lãnh thổ
Nam Kỳ được sát nhập vào lãnh thổ Liên hiệp Việt Nam và không còn là
lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp.
Qua luật này, tổ chức Khmer Krom trách Pháp đã không trao trả Nam Kỳ
cho vua Khmer, do đó mỗi năm cứ đến ngày 04/06 họ tổ chức xuống đường
biểu tình đòi Việt Nam trả lại đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cho
Campuchia. Tất cả mọi phương tiện đều được áp dụng, kể cả bạo loạn,
trong mục đích tuyên truyền rằng “chính quyền Việt Nam đàn áp sư sãi và
tôn giáo”.
Để gây hận thù dân tộc, tổ chức Khmer Krom còn dựng đứng những tội ác
"ghê rợn" của các chính quyền Việt Nam để tố cáo trước dư luận thế giới
như : thiêu sống 10.000 người Khmer năm 1945, giết rồi thả hàng ngàn
xác người Khmer trôi sông từ 1976 đến 1979, tàn sát hàng ngàn người
Khmer tại Trà Vinh và Vĩnh Long từ 1980 đến 1990.. với hy vọng được thế
giới hỗ trợ và làm áp lực với Việt Nam trả lại miền Nam cho họ.
Lý cớ thứ ba là chính trị. Quan sát kỹ, những cuộc biểu tình chống
Việt Nam chỉ mạnh lên trước những cuộc bầu cử Quốc hội. Bài Việt Nam có
lẽ là mẫu số chung để các tổ chức chính trị tranh thủ sự ủng hộ của quần
chúng. Hiện nay, tổ chức chính trị bài Việt Nam mạnh nhất là Đảng Sam
Rainsy do ông Sam Rainsy lãnh đạo. Sam Rainsy hiện nay là đối thủ chính
trị chính của đương kim Thủ tướng Hun Sen.
Hai phái Sam Rainsy và Hun Sen nay đã hợp tác
Cho đến một ngày gần đây, dưới sự kích động của đảng Sam Rainsy,
chống Việt Nam hiện nay không còn là một chiêu bài tranh cử nữa mà là
một chính sách kỳ thị chủng tộc rõ ràng. Để tránh bị mang tiếng thân
Việt Nam, nghĩa là chư hầu, Đảng Nhân dân Campuchia của đương kim Thủ
tướng Hun Sen còn đi xa hơn khi ban hành những luật lệ siết chặt nhập
cư, hạn chế sự đi lại của người Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia và trục
xuất những người Việt nhập cư bất hợp pháp. Một cách tiệm tiến, chủ
nghĩa dân tộc cực đoan của người Kher đang hình thành mà đối tượng là
cộng đồng người Việt sinh sống trên lãnh thổ Campuchia, an ninh của họ
đang bị đe dọa.
Thêm vào đó, lãnh tụ đảng Sam Rainsy còn khơi động sự thù hận giữa
Việt Nam và Trung Quốc bằng cách đề cao những hành vi ức hiếp Việt Nam
của Trung Quốc trên Biển Đông và dành cho người Trung Quốc những ưu đãi
về đầu tư cũng như về kinh tế tài chính để loại thương nhân Việt Nam ra
khỏi thị trường Campuchia, hay đưa xuống hàng thứ yếu, nghĩa là phải
dưới người Khmer.
Tại sao đi đến tình trạng này?
Có nhiều lý giải, nhưng giải thích chính vẫn là các dân tộc Đông
Dương là nạn nhân của chính sách chia để trị của người Pháp trong suốt
thời gian đô hộ và bảo hộ.
Chế độ thực dân Pháp là thủ phạm kích thích sự thù ghét người Việt
Nam của những dân tộc khác. Đọc lại những tài liệu và sử sách viết về
người Việt Nam, không một tác giả người Pháp nào không nói Việt Nam là
một dân tộc bành trướng, lịch sử Việt Nam là lịch sử thôn tính những dân
tộc yếu kém hơn. Họ viện dẫn kinh nghiệm mất đất và mất văn hóa của
người Chăm, người Khmer Nam Bộ, người Thượng trên Tây Nguyên...
Dưới thời Pháp thuộc, Đông Dương bị chia thành 5 vùng, trong đó Việt
Nam bị cắt ra làm ba miền (Bắc Trung Nam) để hạn chế người miền này tiếp
xúc với người miền kia, và họ đã phần nào thành công. Sau khi Pháp rời
khỏi Việt Nam, sự hợp tác giữa các dân tộc Đông Dương đã rất khó khăn và
phải trải qua nhiều cuộc chiến đẫm máu để giải quyết sự thống nhất. Vấn
đề tồn đọng còn lại là xây dựng niềm tin giữa các dân tộc và giữa người
Việt Nam với nhau.
Nếu chịu khó quan sát, tâm lý bài Việt Nam thường xuất phát từ những
cấp lãnh đạo hay trí thức do Pháp đào tạo: Sihanouk, Pol Pot, Sam
Rainsy, Sarin Chhak...
Campuchia viện dẫn ra các tài liệu của Pháp để nêu yêu sách lãnh thổ
Đầu tàu của chính sách bài Việt là quốc vương Norodom Sihanouk, đứa
con tinh thần của chế độ thực dân Pháp. Từ lúc còn tấm bé ông đã được
người Pháp nuôi dưỡng và đã hấp thụ tất cả những gì mà người Pháp muốn
truyền bá : chống Việt Nam. Trong suốt thời gian trị vì, không hiểu vì
lý do gì nhà vua Sihanouk đã liên tục chống phá trực tiếp hay gián tiếp
các chính quyền miền Nam Việt Nam, và chính quyền cộng sản Việt Nam sau
1975. Nhà vua sẵn sàng liên minh hay ủng hộ với mọi phe phái, kể cả
Khmer Đỏ, để chống Việt Nam.
Sihanouk còn đào tạo ra được một thế hệ bài Việt tiếp nối, đặc biệt
là Sarin Chhak, tác giả "Những vùng biên giới của Cambodge" năm 1965.
Dựa theo tài liệu này, đầu năm 1967, Sihanouk chính thức công bố khu vực
biên giới Campuchia-Việt Nam, theo đó tỉnh Đắc Lắc, toàn khu hữu ngạn
sông Bé đến Thủ Dầu Một, toàn bộ tỉnh Tây Ninh và Long An và vùng đất
phía tây thị xã Hà Tiên thuộc Campuchia. Những phe nhóm Khmer chống Việt
Nam khác cũng đã sử dụng bản đồ này để tố cáo chính quyền Hun Sen ký
những hiệp định về vùng nước lịch sử ký với Việt Nam năm 1982 và hiệp
ước biên giới đất liền tháng 10/1985 bất lợi cho nhân dân Campuchia.
Nội dung những văn bản bản này thật ra không khác gì với những văn
bản đã ký với Pháp trước đó: vùng biên giới đất liền ghi lại tỉ mỉ hơn
làn ranh đã có dưới thời Pháp thuộc; trên biển hai bên giữ nguyên làn
ranh Brévié đã có từ năm 1939. Thật ra vấn đề không phải được hay mất
đất và biển mà chỉ giản dị là tâm lý bài Việt Nam đang lên cao trong
sinh hoạt của những tổ chức chính trị đối lập với chính quyền Hun Sen.
Cũng nên lưu ý trong những văn bản này, Điều cuối cùng ghi: "Trong
trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Pháp được lấy làm
căn cứ".
Giải thích thứ hai là sự trù phú của đồng bằng châu thổ sông Cửu
Long. Nếu đồng bằng này là một vùng đất nghèo nàn như dãy Cardamones
phía tây, chắc không người Khmer nào muốn đòi lại. Ước muốn sở hữu vùng
đất trù phú là lẽ thường tình của người đời, nhưng sự phát triển và
giàu có của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long không phải tự nhiên mà có.
Đó là công lao của người Minh Hương và di dân Việt Nam từ cuối thế kỷ 17
đến nay. Trong suốt thời gian đó, cộng đồng người Khmer vui hưởng cuộc
sống bình yên, những chùa chiền lớn, "wat" theo văn hóa Xiêm La. Trong
những sinh hoạt khác, cộng đồng người Khmer đứng bên lề những tranh
chấp và sinh hoạt chính trị.
Có một điều khó hiểu là dân số người Khmer sinh sống tại Việt Nam
hiện nay khoảng 1,4 triệu người (2011), nhưng tài liệu của Khmer Krom
cho biết là trên 14 triệu người (2005), nghĩa là gấp 10 lần và ngang
bằng tổng dân số Campuchia (15,14 triệu người năm 2013). Thật ra dựa vào
yếu tố lịch sử để đòi lại đất chỉ là lý cớ, sự giàu có của đồng bằng
châu thổ sông Cửu Long mới là động cơ chính. Tổ chức Khmer Krom không
phải là người trồng cây ăn trái nhưng muốn thu tóm mọi hoa lợi vào tay
mình, chỉ giản dị là vậy.
Giải thích thứ ba là yếu tố văn hóa. Tại sao người Khmer dễ ghét
người Việt Nam hơn người Thái, mặc dù tất cả những tai họa chính của dân
tộc Khmer đều do người Thái gây ra? Chính người Thái đã tiêu diệt các
triều vương Angkor. Chính sách cai trị của người Thái chắc chắn phải rất
hung bạo để ký ức về triều đại Angkor bị xóa hẳn trong tâm trí người
Khmer trong suốt hơn 400 năm (1431-1861).
Chính người Thái đã góp phần làm hao kiệt di sản văn hóa của người
Khmer, phần lớn những di tích của nền văn minh Angkor được giới buôn lậu
đưa qua Thái bán. Cho tới một ngày gần đây, người Thái còn muốn chiếm
di tích Preah Vihear của người Khmer. Trong Thế chiến II, quân Pháp đã
rất phải cực nhọc mới xua đuổi quân Thái ra khỏi Battambang và Seam
Reap. Cũng chính người Thái đã cho Khmer Đỏ lập căn cứ trên lãnh thổ của
mình để chống lại chính quyền Phnom Penh từ 1979 đến 1989. Có điều lạ
là không người Khmer nào tỏ ra thù ghét người Thái.
Với người Việt Nam thì ngược lại, làm ơn đôi khi còn mang họa. Mỗi
khi bị đe dọa, người Khmer nhờ cậy người Việt Nam vào giúp đỡ. Khi kẻ
thù bị đánh đuổi ra khỏi lãnh thổ, những người mang ơn thường quay ngược
khí giới chống lại Việt Nam. Có cái gì không bình thường trong cách cư
xử này.
Có lẽ người Khmer thuộc văn hóa Ấn Độ nên chỉ thích giao lưu với
người cùng văn hóa (cũng như Việt Nam với Trung Quốc), Việt Nam thuộc
văn hóa Trung Hoa nên rất khó hiểu nhau và hợp tác. Nắm được lý giải này
mới hiểu tại sao rất nhiều người Việt Nam đã bỏ mạng để bảo vệ người
Khmer, nhưng công lao này thường hay quên lãng và đôi khi còn bị hiểu
lầm. Khi rút quân khỏi Campuchia, hài cốt nhưng người lính Việt Nam đều
được mang về nước vì sợ bị phá hoại. Hành trình thông cảm lẫn nhau có lẽ
còn khá dài.
Nhưng cho dù có thế nào đi nữa, hai dân tộc Campuchia và Việt Nam
buộc phải đi với nhau suốt đoạn đường dài còn lại. Không quốc gia nào
chọn láng giềng, chúng ta phải tìm cách sống chung với nhau trong khôn
ngoan và hòa bình. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chính sách bài Việt Nam
có thể thỏa mãn kết quả của những cuộc tranh cử nhưng chỉ mang lại tiêu
cực và không giải quyết được quan hệ giữa hai dân tộc.
Người ta chỉ gặt những gì được gieo trồng, do đó phải cẩn thận. Giải
pháp hay nhất để hóa giải tâm lý hận thù là tìm cách đối thoại với nhau
trong tinh thần tương kính, và nhất là tránh không bị chi phối bởi những
định kiến.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tiến sỹ Nguyễn Văn
Huy từ Paris, Pháp.Diễn đàn BBC Tiếng Việt mong nhận được các
ý kiến khác nhau về chủ đề này, gồm cả các quan điểm phản
bác lại tác giả đã đăng.