Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tại diễn đàn Phát triển Châu Á (ADF) tổ chức ngày 19/9/2014 tại Hà
Nội, đại diện Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá Việt
Nam sẽ mất 40 năm tức tới 2058 mới vượt ngưỡng thu nhập trung bình.
Điều này phản ánh thực trạng kinh tế Việt Nam hay là một đánh giá quá bi
quan.
Theo Ngân hàng Thế giới, một quốc gia có thu nhập trung bình có
nghĩa là lợi tức bình quân đầu người ở trong khoảng 1.000 USD đến 12.000
USD một năm. Tuy vậy Việt Nam mới chỉ bước vào các nấc thang đầu tiên
của nhóm các nước thu nhập trung bình, vì người Việt Nam mới chỉ đạt GDP
đầu người khoảng 1.900 USD. Đây là cách tính máy móc lấy tổng sản phẩm
nội địa chia cho dân số.
Để người Việt Nam tiến tới mức GDP đầu người 12.000 USD/năm thì có
lẽ đã quá tầm mơ ước của Đảng và Nhà nước Việt Nam; vượt qua ngưỡng này
và bước vào câu lạc bộ các nước thu nhập cao vào năm 2058 được xem là
một đánh giá có phần lạc quan chứ không phải bi quan.
Trả lời chúng tôi, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh
tế từ Hà Nội nhận định rằng Việt Nam có thể bị ách tắc trong bẫy thu
nhập trung bình. Ông nói:
“Hoàn toàn có thể xảy ra nếu không thực hiện cải cách thể chế,
cải cách quyết liệt tạo sự bình đẳng sân chơi giữa các thành phần kinh
tế; coi con người là nhân tố quyết định, cốt lõi là phải tạo ra năng
suất cao. Hiện nay năng suất lao động so với thế giới và khu vực thì
Việt Nam đứng vào loại thấp nhất. Đây là mối nguy hiểm tạo một rào cản
rất lớn cho động lực phát triển kinh tế. Cho nên nếu tất cả những thách
thức, những khó khăn tồn tại bất cập hiện nay nếu không được giải quyết,
không được xử lý một cách quyết liệt triệt để, thì chắc chắn nền kinh
tế Việt Nam sẽ còn tụt hậu, 40 năm nữa không những không thể đuổi kịp mà
còn tụt hậu xa hơn nữa so với các nước trong khu vực.”
So với láng giềng Việt Nam tụt hậu khá xa, cụ thể năm 2013 Malaysia
có GDP đầu người 10.514 USD, Thái Lan 5.779 USD. Những láng giềng này
cũng đang nằm trong mức thu nhập trung bình, nhưng theo OECD Malaysia sẽ
là quốc gia Đông Nam Á tiến lên nước thu nhập cao vào năm 2020, Thái
Lan và năm 2031. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có GDP đầu
người 6.807 USD và có khả năng thoát ngưỡng thu nhập trung bình vào năm
2026.
Theo VnExpress, phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Châu á tổ chức ở
Hà Nội, Giáo sư Keun Lee thuộc Đại học Quốc gia Hàn Quốc, lấy kinh
nghiệm phát triển thành công của quốc gia mình và lập luận: “yếu tố có thể giúp các nước vươn lên thoát bẫy thu nhập trung bình là con người và sự đổi mới sáng tạo.”
Vì đâu nên nỗi?
Phải chăng những vấn đề vừa nêu đã cản trở sự phát triển của Việt Nam. Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
Một người buôn bán vỉa hè đang đếm tiền. Ảnh chụp ngày 27/1/2014 tại Hà Nội. AFP photo
“Đây là cách nhận định hoàn toàn đúng mà nhiều chuyên gia cũng đã
có kiến nghị với các cơ quan chức năng cũng như với chính phủ. Bởi vì
cho tới hiện nay nếu không có sức sáng tạo, cũng như đặc biệt về năng
suất lao động mà không phát huy, không đổi mới thể chế thì chắc chắn
Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và sẽ tụt hậu hơn nữa so với
các nước trong khu vực. Đây là điều nhà nước Việt Nam cũng đã nhìn thấy
và đang quyết tâm đẩy mạnh. Thế thì giữa quyết tâm đấy và việc có thực
hiện được hay không hãy chờ xem xét ở phía trước.”
Yếu tố con người và tinh thần đổi mới sáng tạo có thể hiểu như thế
nào trong hoàn cảnh Việt Nam. Gần bốn thập niên sau khi Cộng sản Việt
Nam thống nhất đất nước và thiết lập thể chế một đảng toàn trị, nền kinh
tế Việt Nam được Ngân hàng phát triển Châu Á đánh giá kém sáng tạo và
xếp một bậc sau nước Lào. Đánh giá này có thể máy móc dựa vào một số yếu
tố, chỉ tiêu và có thể không mang nhiều ý nghĩa lắm.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế
giới được báo Đất Việt Online trích lời, đã đề cập đến nhược điểm của
người Việt Nam là thích ăn sổi, không thích sáng tạo trong sản xuất, cho
đến nay từ cây kim sợi chỉ, cái lược chải đầu cũng nhập từ Trung Quốc.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh, chỉ số thông minh IQ của người Việt cao
hơn nhiều nước khác, IQ xét về xử lý bộ não nhưng xử lý cái gì lại là
chuyện khác. Theo lời vị chuyên gia Việt Nam có tiềm năng nhưng không đi
vào thực tế.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nhìn nhận vấn đề theo cách riêng của mình. Ông nói:
“Nguyên nhân chính là do cả cái cơ chế này ở Việt Nam, người ta
sống trong một thời kỳ giả dối thời gian rất dài. Giả dối biểu hiện rõ
nhất là trong thời kỳ làm ăn hợp tác xã, việc công người ta làm ẩu. Làm
hợp tác xã kẻng rồi mãi bà con mới đi, đi thì làm qua quýt chưa kẻng đã
thấy về nhà. Tư duy bao cấp, tư duy làm ăn dối trá đối phó đó của người
Việt nó nặng nề lắm và bây giờ ảnh hưởng nhiều thế hệ, đặc biệt giới
lãnh đạo thì nói dối kinh khủng…
Trong ngành giáo dục chúng tôi tỷ lệ nói dối thật khủng khiếp,
thầy cô cũng nói dối, học sinh sẽ học được bệnh nói dối ngay từ sớm và
như thế thì còn cái gì là sáng tạo nữa, còn cái gì là động lực trung
thực nữa.”
Việc Việt Nam sập bẫy thu nhập trung bình là điều đã được dự báo từ
lâu. Nhưng dự báo thẳng thắn là Việt Nam có thể mất 40 năm mới ra khỏi
cái “ao” thu nhập trung bình, thì quả là một thông tin gây sốc cho người
dân.
Bên cạnh sự kiện Diễn đàn Phát triển Châu Á diễn ra hôm 19/9 tại Hà
Nội. Cùng ngày Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ông Takehiko
Nakao có họp báo ở Thủ đô Việt Nam nhân chuyến viếng thăm hai ngày. Ông
Nakao khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện hiệu quả những luật lệ và qui
định trong kinh doanh để tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh
nghiệp và hỗ trợ phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
Theo lời Chủ tịch ADB, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong
việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tránh bẫy thu nhập
trung bình.
Thế nhưng Việt Nam dường như đã bỏ lỡ một cơ hội để sửa sai thể chế
kinh tế ngược đời của mình. Việt Nam kiên định với kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vẫn minh
định kinh tế Nhà nước là chủ đạo nền kinh tế.