Phạm Chí Dũng
Chẳng mấy dị biệt với các kỳ hội nghị trung ương trước đây,
trước hội nghị trung ương đảng thứ 10 cuối năm 2014, bầu không khí
“chính trị nội bộ” ở Việt Nam có vẻ đang dần được sưởi ấm bởi một chiến
dịch “phản tuyên truyền” manh nha khởi phát.
Nhưng khác hẳn với năm 2012 khi các bài viết đả kích nội bộ tập trung
trên hệ thống trang điện tử cá nhân của dư luận viên, giờ đây mặt bằng
dân trí “phản tuyên truyền” đã được “nâng lên một tầm cao mới”: thông
qua kênh thông tin “lề dân” và hải ngoại để “khách quan.”
Năm câu hỏi về ông Lê Hồng Anh
Hồi Tháng Tư, loạt bảy bài “Ai đang làm khánh kiệt đất nước?” của
một tác giả có tên Dương Vũ cũng được gửi đến Dân Luận, gây náo động dư
luận. Rất nhiều chi tiết về “phe lợi ích” và cả về giới chính khách cao
cấp ở Việt Nam được lột tả trong loạt bài viết rất đáng nghi ngờ về xuất
xứ này. Tất nhiên những trang thông tin như Dân Luận không thể hoặc rất
khó có điều kiện kiểm chứng những tin tức chỉ tồn tại trong nội bộ đảng
và chính quyền, mà chỉ có thể đăng tải như một tin tức mang tính tham
khảo.
Hoặc vài bài viết mang màu sắc “bình luận chính giới” khác xuất hiện trên trang Ðàn Chim Việt, Tin Tức Hàng Ngày...
Mới đây, bài “Những gì diễn ra sau chuyến đi Bắc Kinh của phái viên
Lê Hồng Anh,” ký tên “Một cán bộ Viện Nghiên cứu Quốc tế (xin được phép
giấu tên)” đăng tải trên trang Dân Luận lại là một dẫn chứng thú vị và
đáng xem xét (https://www.danluan.org/tin-tuc/20140915/nhung-gi-dien-ra-sau-chuyen-di-bac-kinh-cua-phai-vien-le-hong-anh#comment-128551).
Tuy nhiên khác nhiều với những bài phân tích cùng chủ đề nội bộ, bài viết trên đặt ra năm câu hỏi trực tiếp:
1- Tại sao ông Lê Hồng Anh được cử sang Trung Quốc gặp ông Tập Cận
Bình lại mang danh nghĩa phái viên của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
(trong khi ông Lê Hồng Anh được coi là phó đảng) và cũng không mang danh
nghĩa gì về mặt nhà nước. Như vậy danh nghĩa này được hiểu thế nào?
2- Trung Quốc vi phạm chủ quyền của ta, bị thế giới lên án, phê phán;
ta phản đối quyết liệt, kiên quyết hành động của họ vi phạm nghiêm
trọng luật pháp quốc tế nhưng sao không mời Trung Quốc sang ta mà lại cử
phái viên sang Trung Quốc để hòa giải với họ?
3- Chuyến đi của Lê Hồng Anh đã tác động đến tình hình nội bộ thế nào?
4- Sau chuyến đi của ông Lê Hồng Anh quan hệ hai nước thế nào, những biến động sẽ ra sao?
5- Chuyến đi của phái viên Lê Hồng Anh sang Trung Quốc dư luận quốc tế quan tâm như thế nào?
Dưới mỗi câu hỏi là phần “đánh giá” và “bình luận” của tác giả.
Báo cáo phân tích nội bộ?
Không hẳn là chủ đề hay nội dung bài, mà đặc trưng hiển thị nhất của bài viết này là cấu trúc câu hỏi - đánh giá - bình luận.
Về phương pháp, bài viết này được thể hiện theo dạng báo cáo, chuyên
đề phân tích và có hàm lượng phân tích khoa học. Về nội dung, bài viết
này nêu những vấn đề theo phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh và
quy nạp. Phương pháp và nội dung như thế là khác hẳn với dạng bài viết
thông thường theo dạng mô tả, phân tích và có tính báo chí hơn.
Ðiểm đặc biệt có thể ghi nhận về phương pháp cấu trúc bài viết này có
thể khiến cho một số bạn đọc liên tưởng đến cách thức diễn đạt những
báo cáo nội bộ. Nếu giả thiết này là đúng, bài viết trên phải có nguồn
tin xuất xứ từ một báo cáo phân tích nội bộ nào đó, thậm chí có thể từ
một cơ quan “nghiên cứu chiến lược” sâu xa, được chuyển cho tác giả để
“chế tác.”
Và nếu giả thiết trên là đúng, nhiều khả năng tác giả là người trong
nội bộ chứ không thuộc về nhóm nhân sĩ, trí thức phản biện độc lập hay
cả những trí thức “phản biện trung thành.”
Liên hệ với những bài “phản tuyên truyền” trong thời gian gần đây,
giả thiết về nguồn tin và gốc gác nội bộ của bài viết lẫn tác giả chiếm
xác suất cao nhất.
Những câu hỏi còn lại chỉ là tác giả thuộc “phe” nào, và bài viết tung ra nhằm mục tiêu gì.
“Những nhân sự cứng rắn với Trung Quốc”?
Trong bài “Những gì diễn ra sau chuyến đi Bắc Kinh của phái viên Lê
Hồng Anh,” có thể lược dẫn một số đánh giá và phân tích đáng chú ý:
“Ðiều này đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa các phản ứng mạnh của thủ
tướng và các cơ quan của chính phủ vừa qua có những tuyên bố cứng rắn
đối với Trung Quốc” (Ðánh giá câu hỏi 1).
“Nguyễn Phú Trọng tự biến mình thành bầy chuột để tế lễ con mèo như tranh dân gian của nước ta” (Ðánh giá câu hỏi 2).
“Trung Quốc nhân cơ hội này tấn công vào nội bộ ta để phá nhân sự đại
hội lần thứ XII, gây áp lực loại những nhân sự có quan điểm cứng rắn
với Trung Quốc” (Ðánh giá câu hỏi 3).
“Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là người chịu trách nhiệm chính, ông
cần nghiêm túc kiểm điểm để thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc
đối phó với Trung Quốc ở Biển Ðông và việc ngày càng tránh né Việt Nam
của Lào, Cambodia để lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc” (Bình luận câu hỏi
5).
“Mong Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông đọc kỹ các
câu hỏi và bình luận của dư luận trong và ngoài nước sau chuyến đi của
phái viên Lê Hồng Anh để soi lại mình, vẫn còn đủ thời giờ để điều chỉnh
nếu như muốn tránh sự phế truất của đảng viên và nhân dân” (Bình luận
câu hỏi 5).
Phần đánh giá và bình luận về những đánh giá và bình luận - tuy riêng rẽ nhưng có tính kết tập trên - xin tùy thuộc độc giả.
Một gợi ý nho nhỏ để góp phần “giải mã” về xuất xứ nguồn tin và tác
giả của bài viết trên là văn phong của tác giả này đã đột ngột biến đổi
trong đoạn ví Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng “như bầy chuột để tế lễ con
mèo” (Ðánh giá câu hỏi 2). “Chuột” cũng là hình ảnh mà một số dư luận
viên rất thích dùng để đặc tả những khuôn mặt trong giới đấu tranh dân
chủ ở Việt Nam.
Phần bình luận tại câu hỏi 5 về “hướng dẫn kiểm điểm nghiêm túc” đối
với ông Nguyễn Phú Trọng cũng dường như muốn hàm ý về một không khí “chi
bộ” nào đó sắp tới (có thể Hội Nghị Trung Ương 10?), và có thể không
kém phần “nghiêm túc” như Hội Nghị Trung Ương 6 của đảng vào cuối năm
2012 - thời điểm xuất hiện khái niệm “đồng chí X” và tiếp theo hình ảnh
tổng bí thư rơi lệ.
Ðể cuối cùng, chúng ta hãy cùng đoán xem “những nhân sự cứng rắn với Trung Quốc” là ai và có “cứng rắn” thật hay không.