Nguyễn Phương Uyên
Ngày 12/08/2014 sau khi phóng sự Bay Theo Giá Xăng của một học viên khóa kỹ năng truyền thông công giáo được đăng tải trên www.ducme.tv,
ngay lập tức những người tham gia trả lời phỏng vấn trong phóng sự này
đồng loạt nhận giấy mời của an ninh. Trong giấy mời ghi chung chung lý
do: “làm việc có liên quan”.
Trả lời phỏng vấn về xăng dầu có thể ở tù 10 năm?!
Những người bị an ninh mời liên quan đến việc trả lời phỏng vấn Bay
theo giá xăng của bà Nguyễn Thị Nhung là ông Nguyễn Đức Dũng, ông Nguyễn
Văn Bảy, bà Trần Thị Thu và bà Trần Thị Mười cùng ngụ tại xã Hàm Trí –
huyện Hàm Thuận Bắc – tỉnh Bình Thuận.
(Bà Nguyễn Thị Nhung là mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam vào năm 2012 vì chống Tàu.)
Một người bị mời lên làm việc cho biết: -“Trong giấy mời họ chỉ nói
là làm việc có liên quan mà không đề cập rõ là làm việc gì. Tưởng là họp
dời chợ nên đi. Lên đến công an xã, một người tự giới thiệu là đội
trưởng an ninh yêu cầu bắt trả lời một số câu hỏi.”. Người này nói: “họ
hỏi bà Nhung đã hỏi cái gì? Trả lời thế nào? Bà Nhung quay video bằng
gì?…”.
Những người còn lại đều bị hỏi những câu hỏi tương tự, thậm chí họ còn bị an ninh đe dọa ở tù.
Ông Bảy là một người có tiền án 9 tháng tù về tội đá gà cho biết:
-“Nó nói đá gà thì 9 tháng chứ tội này liên quan tới chính trị thì 10
năm.”. Ngoài ra an ninh cho ông biết có người tên Minh đã báo với họ và
họ biết chính xác giờ giấc bà Nhung tới nhà ông để phỏng vấn. Vừa trao
đổi với chúng tôi ông Bảy vừa xua tay: -“Thâu không nói nữa đâu, sợ quá
rầu.”.
Không được tiếp xúc với phản động?!
Ngoài ra, dù không trả lời phỏng vấn, một số người khác cũng bị mời
lên làm việc tương tự vì thường xuyên lui tới tư gia của học viên này.
Qua ông Nguyễn Văn Bảy, chúng tôi được biết ông Nguyễn Ngọc Thanh cũng bị an ninh mời làm việc vì thường xuyên đến nhà bà Nhung.
Bà Chi là vợ ông Nguyễn Đức Dũng cũng bị an ninh mời lên làm việc
cách ông Dũng mấy ngày. Bà Chi cho biết: -“Nó nói là không được tiếp xúc
với gia đình của bà Tám (Ngoại của Phương Uyên), vì gia đình bà Tám là
gia đình cá biệt, phản động.”.
Tự do phát biểu ý kiến là một quyền căn bản của con người được hiến
pháp của mọi quốc gia ghi nhận trong đó có hiến pháp 2013 của Việt Nam
quy định tại Điều 25 như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp,…”. Tuy nhiên chưa bao giờ nhà cầm
quyền tôn trọng những điều khoản này. Cách làm việc của vị an ninh trong
trường hợp trên là một minh chứng rõ ràng nhất về cách mà nhà cầm quyền
ngồi bẹp lên chính hiến pháp của họ.