Athena, cộng tác viên Dân Luận
Ngày 22/9 tại phòng dạ hôi Thăng Long, khách sạn Melia Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Quyền sống trong pháp luật quốc tế và Việt Nam” do Viện Chính sách công và Pháp luật kết hợp với Trung tâm Nhân quyền Na Uy – Đại học Oslo tổ chức. Tham dự hội thảo có một số khách mời từ trường đại học Oslo, đại học Oxford (Anh), đại học Nottingham (Anh), đại sứ Na Uy tại Việt Nam… Nội dung buổi thảo luận chủ yếu xoay quanh việc xóa bỏ án tử hình cho tất cả các loại tội phạm.
Trước hết, thuật ngữ “hình phạt tử hình” trong tiến Anh có nghĩa là
“capital punishment” có nguồn gốc từ tiếng Latin là “capitalis”, có gốc
từ là “caput”, nghĩa là “cái đầu” với hàm ý rằng đầu là bộ phận gắn liền
với sự sống, hình phạt làm mất đầu có nghĩa là tước bỏ sinh mạng của
một người. Trong từ gốc Hán – Việt “tử hình” có nghĩa là hình phạt buộc
người ta phải chết. Xét trên phương diện pháp lý, có thể hiểu hình
phạt tử hình là việc tước bỏ tính mạng của con người theo bản án được
tuyên bởi một Tòa án được lập ra một cách hợp pháp, nhằm trừng phạt
người nào đó vì đã phạm phải tội ác đặc biệt nghiêm trọng (khoa Luật – đại học Quốc gia Hà Nội, Những điều cần biết về hình phạt tử hình, NXB Lao động – Xã hội, 2010).
Hiện nay, tại Việt Nam án tử hình vẫn được áp dụng nhiều nhất cho tội
danh giết người và buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên
có thực sự hình phạt tử hình có tác dụng trong việc trừng trị, đem lại
công lý và răn đe người khác hay không? Liệu án tử hình có vi phạm quyền
sống được ghi nhận trong Luật quốc tế và nó có phù hợp với xu thế phát
triển chung của nhân loại văn minh?
Mở đầu hội thảo giáo sư – tiến sĩ khoa học Đào Trí Úc (đến từ Viện
Chính sách công và Pháp luật) đã dẫn lại lời nói rằng quyền sống (the
right to life) đã được khẳng định trong các văn bản pháp luật nổi tiếng
như Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân
quyền năm 1789 của Pháp… Quyền sống là quyền cơ bản, được phản ánh
nhiều trong giáo lý Công giáo và lời răn dạy chúng sinh từ giáo lý nhà
Phật. Quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân là những quyền tối ưu,
luôn gắn bó với nhau và phải được pháp luật bảo vệ.
Quyền sống trong pháp luật Việt Nam cũng được khẳng định trong bản
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và chỉ đến năm 2013 thì hiến pháp mới ban
hành ghi rõ ràng: không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Hiện tại,
bộ Luật hình sự hiện hành ở Việt Nam có 22/272 tội danh có quy định hình
phạt tử hình, chiếm tỉ lệ khoảng 8%.
Giáo sư Roger Hood đến từ đại học Oxford, Anh cũng trình bày quan
điểm xóa bỏ hình phạt tử hình là “một yêu cầu” cấp thiết về nhân quyền.
Ông Hood cho rằng trong khoản 1, điều 6 của Công ước quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị (ICCPR) có nêu: “Mỗi người sinh ra đều có
quyền sống. Quyền này phải được bảo vệ bởi pháp luật. Không ai có thể bị
tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện.”
Hiện nay trên thế giới các quốc gia đang có xu hướng đình chỉ, hoãn
và bãi bỏ hoàn toàn việc thực thi án tử hình. Nếu như vào năm 1998 có
tới 37 quốc gia thi hành và 78 nước áp dụng ít nhất một bản án tử hình
thì vào năm 2003, chỉ còn 22 trong tổng số 57 quốc gia áp dụng một bản
án tử hình. 99 quốc gia độc lập trên thế giới đã xóa bỏ hoàn toàn hình
phạt này.
Đặc biệt, tại Ấn Độ mức phạt thông thường dành cho tội danh giết
người là tù chung thân và án tử hình chỉ dành cho các vụ giết người “đặc
biệt hiếm gặp” và “đặc biệt nghiêm trọng”. Hình phạt này chỉ áp dụng
cho 0.5% số người bị kết tội và chỉ có duy nhất hai bản án tử hình cho
tội danh khủng bố kể từ năm 2004.
Riêng ở Mỹ số lượng các bản án tử hình đang có xu hướng giảm và phân
bố không đồng đều về tần suất áp dụng. Mới đây 6 tiểu bang đã xóa bỏ
hình phạt tử hình và các tiểu bang khác cũng đang đi theo phong trào
này.
Ông Roger cho rằng sự thay đổi này là do một “động lực mới” (new
dynamic), thuyết phục các quốc gia vẫn còn duy trì án tử hình rằng việc
áp dụng biện pháp trừng phạt nặng nề này là vi phạm các quyền của con
người được cả thế giới công nhận.
Giáo sư Roger Hood cũng gợi ý rằng đối với các quốc gia còn đang lúng
túng trong việc nên giữ hay bỏ án tử hình thì chính phủ nên lắng nghe
dư luận xã hội và tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý.
Tiến sĩ Lill Scherdin thuộc đại học Oslo, Na Uy cũng bày tỏ “hình
phạt án tử hình phải chăng là sự mạo hiểm với công lý bền vững?”. Nó
không chỉ gián tiếp xâm phạm quyền được sống của con người mà còn gây ra
những hậu quả và hệ lụy không mong muốn với những người có liên quan,
đặc biệt là các nạn nhân và thành viên trong gia đình của tử tù. Ngay cả
với những người trực tiếp nhận lệnh thi hành án, họ cũng bị stress và
ám ảnh trong thời gian dài. Đó là điều không ai mong muốn khi muốn thực
thi công lý nhưng không ngờ rằng việc này lại gây ra những hậu quả nặng
nề.
Chưa kể không ai có thể chắc chắn rằng các bản án đều được thực thi
đúng luật. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều án oan, chưa kể những người
phạm tội thường là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Hơn nữa, không ai có thể chắc chắn rằng tỉ lệ tội phạm sẽ giảm xuống
nếu các nước tiếp tục duy trì án tử hình. Trong thực tế, trước khi xóa
bỏ án tử hình tại Canada, tỉ lệ các vụ giết người có chiều hướng tăng
lên. Nhưng sau 40 năm bãi bỏ hình phạt này, con số đó giảm xuống chỉ còn
44% so với trước đó.
Tương tự, khi so sánh các quốc gia có chung đặc điểm nhân khẩu học và
kinh tế xã hội đã cho thấy rằng tại những nước áp dụng hình phạt tử
hình, số lượng các vụ giết người giảm đi không đáng kể. Nghiên cứu ở
Singapore và Hong Kong đã chỉ ra rằng trong cùng một giai đoạn, tỉ lệ
các vụ giết người đã dần giảm mạnh ở hai quốc gia này, mặc dù án tử hình
được thi hành ở Singapore và không được áp dụng tại Hong Kong.
Tất nhiên sẽ có nhiều nước cho rằng án tử hình phản đối với họ là cần
thiết để răn đe người dân, cũng như phản ánh một phần văn hóa, ví dụ
như Trung Quốc với quan điểm “lấy mạng đền mạng”. Tuy nhiên
giáo sư Borge Bakken (đại học Oslo) đã phản bác lại rằng lập luận về văn
hóa không còn phù hợp cho việc ủng hộ án tử hình. Bên cạnh đó quan điểm
trên mang hơi hướm trả thù hơn là mong muốn thực thi công lý. Chính vì
vậy, tâm lý trả thù này không những không ổn định được trật tự an ninh
mà còn khiến xã hội trở nên tàn bạo hơn.
Tại Na Uy, nơi đã bãi bỏ hoàn toàn án tử hình và chung thân cho tất
cả các tội danh từ hàng chục năm nay, sau khi sát thủ Anders Behring
Breivik xả súng làm 77 người thiệt mạng thì ý kiến của công chúng vẫn
không hề thay đổi đối với việc bỏ hình phạt tử hình (chỉ có 8% người dân
đồng ý với việc thiết lập lại hình phạt này).
Chia sẻ về các mô hình và hình phạt thay thế cho án tử hình, giáo sư
Jane Dullum trình bày rằng ở Na Uy thường áp dụng các biện pháp giam giữ
phòng ngừa (preventive detention). Với các biện pháp đặc biệt
này, khái niệm “sửa chữa” và “điều trị” đóng vai trò trung tâm. Các biện
pháp này kéo dài vô thời hạn, nếu cần thiết sẽ kéo dài cho đến khi
người phạm tội tái hòa nhập với xã hội mới dừng lại. Người trẻ được chữa
trị qua trường lớp còn người lớn tuổi hơn thì lao động. Mục đích chính
ban đầu của việc giám sát phòng ngừa là nhằm bảo vệ xã hội khỏi những
tội phạm bất thường. Mặc dù ban đầu biện pháp lại vấp phải rất nhiều chỉ
trích vì gây ra những phiền phức với xã hội và tạo nên các vấn đề pháp
quyền quan trọng nhưng về sau các biện pháp phòng ngừa mới đặc biệt đã
được áp dụng trở lại cho các đối tượng nguy hiểm.
Đối với riêng tình hình Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hoàn, Vụ phó Vụ Pháp
luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư Pháp) đã trình bày rằng từ nay đến hết
năm 2015 sẽ trình Quốc hội xem xét bỏ án tử hình đối với các tội danh
mà hiện nay vẫn được duy trì.
Giáo sư Borge Bakken trình bày về thái độ của công chúng đối với hình phạt tử hình
Khách mời, đại biểu và BTC buổi hội thảo