Nguyễn Trần Sâm
Tôi chưa được thấy ở đâu một định nghĩa chính xác về tâm lý bầy đàn.
Nhưng tôi đoán, cụm từ này có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất là
giống như “tâm lý đám đông”, tức là tâm lý chung của một đám người, với
những “hiệu ứng” của nó, nhưng nghiêng về kiểu không có suy nghĩ, gần
với bầy đàn động vật.
Thứ hai là tâm lý của những cá thể, luôn muốn sống giữa đám đông, sợ
những khoảng thời gian đơn độc, và làm gì cũng đều nhìn đám đông mà làm
theo, gần như không suy nghĩ, không có quan điểm và sở thích riêng.
Trong bài này, chúng tôi nói về tâm lý bầy đàn theo cách hiểu thứ hai.
Mỗi một con người đều cần đến những người chung quanh: gia đình, bạn
bè, đồng nghiệp, đoàn thể,… Cần vì nhiều lý do. Thứ nhất là vì có những
nhu cầu trong cuộc sống mà có sự phối hợp tập thể thì việc đáp ứng sẽ dễ
dàng hơn. Thứ hai, quan trọng hơn, là nhu cầu tình cảm: người thân là
chỗ dựa tinh thần cho chúng ta. Và thứ ba là nhu cầu nhận thức: việc
trao đổi, bàn bạc, học và dạy lẫn nhau là vô cùng quan trọng đối với
việc thu nhận và sàng lọc kiến thức, chắt lọc lấy chân lý.
Tuy nhiên, nhận thức và thế giới nội tâm của một con người chỉ có thể
hoàn thiện (theo nghĩa tương đối) nếu người đó có khả năng ở một mình
trong những khoảng thời gian khá dài (có thể là nhiều ngày). Việc đó vừa
thể hiện năng lực tự giải quyết những vấn đề riêng tư, vừa thực sự cần
thiết cho việc suy tư, nghiền ngẫm để đạt tới tri kiến sâu sắc, thứ mà
người ta khó có thể nhận được khi ở trong đám đông ồn ào, dù là đám đông
tụ tập để thảo luận những vấn đề nhận thức, như hội thảo khoa học chẳng
hạn. Nhà khoa học không thể lúc nào cũng ở trong hội thảo; người đó cần
có những lúc ngồi một mình để ý nghĩ và trí tưởng tượng phát huy hết
tác dụng. Nhà văn khi viết cũng cần ngồi một mình. Đối với một vài tôn
giáo, việc “luyện hồn” càng cần đến sự đơn độc, thậm chí là sự cô độc.
Có thể nói, nhu cầu và khả năng sống đơn độc là thước đo sự trưởng thành
của con người.
Ngược với nhu cầu và khả năng sống đơn độc, khả năng suy ngẫm để chắt
lọc chân lý, là tâm lý bầy đàn. Đó là hiện tượng tồi tệ, với nhiều hệ
lụy. Ở đây chỉ xin nêu hai hệ lụy của tâm lý bầy đàn, một liên quan đến
đời sống xã hội, và một liên quan đến đời sống cá nhân.
Khi trong xã hội có quá ít người không thoát khỏi tâm lý bầy đàn thì
xã hội đó sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề nhức nhối. Trong xã hội đó, chân
lý không tìm được chỗ đứng. Mỗi thành viên trong xã hội đều sẽ trông chờ
có người đem “chân lý” đến cho họ. Khi đó, dù là cái gọi là “chân lý”
thực ra là “giả lý”, họ cũng sẽ tiếp nhận một cách hào hứng, và tôn sùng
cái nhân vật đem “giả lý” đến cho họ như một vĩ nhân, một vị cứu tinh.
Rồi một nhóm người ham quyền lực sẽ quàng cái thòng lọng vào cổ họ, kéo
họ đi bất cứ đâu mà nhóm người này muốn. Để giữ an toàn, nhóm người này
tiếp tục gieo rắc và khuyến khích tâm lý bầy đàn, không cho mọi người
tiếp cận chân lý thực sự.
Trong một xã hội như vậy, luân lý, đạo đức sẽ suy đồi. Đạo đức chân
chính sẽ bị thế chỗ bởi sự trung thành với những kẻ cầm thòng lọng. Ai
dám hé răng nói lên sự thật chẳng những sẽ bị những kẻ cầm thòng lọng
thít cổ cho đến chết, mà còn bị đồng loại ghét bỏ. Con người sẽ trở nên
dối trá, và coi dối trá là lẽ sống.
Trong cuộc sống cá nhân (và gia đình), tâm lý bầy đàn làm người ta
không thể phấn đấu vì những gì thực sự có ích lợi cho bản thân. Những kẻ
không giàu, thậm chí rất nghèo, cũng thi nhau vung tiền, kể cả tiền vay
mượn, vào những việc lễ lạt, thủ tục vô bổ, để rồi sau đó sống trong
nghèo túng và cắn xé lẫn nhau. “Con gà tức nhau tiếng gáy” chính là một
biểu hiện của tâm lý bầy đàn. Một biểu hiện khác là “miếng giữa làng
bằng sàng xó bếp” – xô xát, tranh cướp nhau chỉ để được một “miếng”
không đáng gì, để sau đó sống trong thù hằn, mệt mỏi.
Có những kẻ thấy người khác ở trong tổ chức này nọ có vẻ oai và có
“màu”, cũng cố “phấn đấu” để lọt được vào cùng “đội ngũ” với những ông
bà oai oách đó, cuối cùng chỉ làm rào chắn để các ông bà đó yên tâm mà
“ăn” của thiên hạ. Có kẻ thấy người ta có chức tước, được trọng vọng,
cũng cố chạy chọt chỉ để cũng có được tí chức sắc, dù hữu danh vô thực.
Có kẻ thấy người ta là giáo sư, tiến sỹ, được xưng tụng rổn rảng tại
chốn đông người, cũng cố bỏ tiền để kiếm lấy cái chữ “tiến” hay “thạc”
chi đó cho đỡ kém cạnh, mà không biết trước được rằng cái giá phải trả
lớn hơn nhiều so với cái thu được, trong khi nhận thức thuần túy cũng
chẳng tăng thêm được tí nào.
Về lâu dài, muốn tiến tới một xã hội lành mạnh, còn trước mắt là tìm
được sự yên tĩnh trong tâm hồn cho chính mình, con người ta buộc phải
thoát khỏi tâm lý bầy đàn. Đã có cái đầu riêng của mình, hãy dùng nó để
suy nghĩ!
(Tất nhiên, tôi biết có hàng ngàn người nghĩ giỏi hơn tôi, và vì vậy
những lời tôi nói đây là lời tâm sự với những người không ở trong hàng
ngàn người đó.)