Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Một cố tật của người Việt !

Đào Dục Tú
Không biết trên thế giới còn có tộc người nào như người Việt, truyền đời nhắc nhở nhau “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Ừ thì cũng là tâm lý thường tình của con người. Trong cuộc sống trần gian muôn mầu đầy những chuyện hên sui, may rủi, thắng thua, được mất, hỉ nộ ái ố này, hỏi người đời mấy ai không thế !
Tốt đẹp thì khoe ra, biết đâu một đồn mười, tô bồi thêm cái tốt cái đẹp cho mình ,chẳng hay sao ?. Còn xấu xa ,kém cỏi ư,ém nhẹm, dấu diếm “như mèo dấu. . .” được chừng nào hay chừng nấy. Ai . . .dở hơi để lộ vết nhọ nồi tinh thần trên mặt làm gì cho miệng thế cười chê !
Thế nhưng (lại nhưng. . .) cái nét tính cách ấy quả là lợi bất cập hại. Nó quá đà đâm chồi nẩy lộc; không phải truyền một đời trong vòng ” mười năm trồng cây” ” trăm năm trồng người” mà là hàng ” nghìn năm truyền thống” !Tâm lý thông thường kia sẽ như hạt đa trung cổ nẩy mầm, người thời a-còng vô tư ngỡ tưởng nó vụt lớn Phù Đổng thành cổ thụ. Xấu che ,tốt khoe thoái hóa biến chất biến tướng trở thành một căn bệnh.
Căn bệnh thích khoe khoang thổi phồng cái không thành có , cái bé thành to, trốn tránh sự thật không vừa ý, chưa vừa lòng mình ,nhất là chưa đẹp lòng mãn ý nhà quan “miệng có gang có thép”. Thời xưa sợ quan phụ mẫu phải dấu sự thật ,thời nay sợ quan thủ trưởng quyền sinh quyền sát càng phải dấu sự thật. Thói thường cá nhân chủ nghĩa vụ lợi ích kỷ, tiểu khí tiểu nhân dối trên lừa dưới, thích hoa hòa hoa sói, lâu đời thành căn bệnh có tên giả dối.

Gần đây, căn bệnh ấy đúng thời tiết chính trị giàn khoan Tầu khựa, tầu đánh cá “lạ” nhiễu động biển đông , dân cầm bút nhà ta tung hê trên mạng xã hội. Người người xem đó như một nét căn cước tinh thần Việt, cần “ phản tỉnh” “phản biện” “tự phê tự phán” để dân tôi cầu tiến trưởng thành , nước tôilớn mạnh !.Bệnh ấy,tùy thế cuộc thịnh suy, có khi hiển lộ, trắng trợn hoành hành , ngồi xổm trên dư luận; có lúc khuất chìm trong tiềm thức từng cá nhân và cả cộng đồng, lâu đời quá thành cố tật-bệnh cũ ,bệnh mãn tính. . . tính hàng nghìn năm, nên khó bắt mạch kê đơn chữa trị ! Hoa Đà tái thế cũng bó tay.com thôi.
Xin nhắc lại chuyện cũ mà không cũ, vì ý nghĩa quá điển hình vượt thời gian của nó . Nước mình có cường thịnh hơn ai, dân mình có sung sướng hớn hở mở mày mở mặt hơn ai, chưa nói chiến tranh giặc dã với trình độ tiểu nông cá thể nghèo nàn lạc hậu “trung cổ kéo dài”, cộng hưởng làm cho dân ta cơ cực nhất nhì thiên hạ.
Ấy thế mà sau bao nhiêu năm bom đạn tơi bời khói lửa, có thời hậu chiến bao cấp thiếu đói triền miên ,khốn khổ khốn nạn là vậy mà các quan văn vẫn cứ tỉnh bơ soạn sách giáo khoa như …làm thơ! Biết bao thế hệ học trò được ấn vào đầu tinh thần “tự sướng”, “nước ta rừng vàng biển bạc”. Chả bù người Nhật .Thiên hạ cuối thế kỷ trước cố công nghiên cứu tìm hiểu, tìm cách lý giải về một nước Nhật thần kỳ, một con rồng con hổ nổi bật, in hình như đắp nổi trên bản đồ địa- kinh tế châu Á; cường thịnh đích thực.
Thế mà người Nhật tư bản giãy chết vẫn đấm ngực thở than dạy học trò rằng nước mình nghèo, nghèo quỹ đất ,nghèo tài nguyên khoáng sản, nghèo nhiên liệu, nguyên liệu; đủ thứ nghèo để . . . con em họ biết thân biết phận ý thức vượt lên số phận. Ừ thì có ai cãi chuyện nước ta rừng vàng biển bạc ! Tự hào về giang sơn gấm vóc tốt quá . Nhưng rừng vàng mà chi, nghe chuyện thật như đùa.
Trên diễn đàn quốc hội cuối thời bao cấp, đầu thời thị trường, có đại biểu ngành lâm nghiệp dân miền núi thì phải, thật thà như đếm khơi khơi nói rằng ta căn bản đã khai thác bừa bãi ,phá xong rừng ! Còn hiện thời ,có mấy bản tin thời sự vắng bóng chuyện rừng đầu nguồn ,rừng phòng hộ bị phá tan hoang ? Biển bạc ư ? Mấy mươi năm sau đất nước thống nhất cùng đi lên CNXH mà ngao ngán thay, không có lấy một hải đoàn đánh bắt cá xa bờ nào cực mạnh, “chuẩn quốc tế” không phải chỉnh để ngư dân Việt vượt trùng khơi , khai thác kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo .
Nhìn cảnh tầu ngư chính ,hải cảnh của ta thấp bé nhẹ cân nghiêng ngả trong luồng nước xối xả của vòi rồng tầu “lạ” to đùng, đã buồn lòng. Trông thấy tầu ngư dân xứ Quảng ván gỗ xập xệ hoặc tầu sắt bé bỏng bị tầu “lạ” húc như trâu mộng húc nghé con ,rồi quây tròn bắt nạt, uy hiếp ,trấn lột như lũ côn đồ bắt nạt trẻ nít mà thấy rầu thối ruột.
Chả lẽ ngót bốn mươi năm sau chiến tranh ,cứ đổ mãi nguyên nhân gây ra mọi kém cỏi cho “thằng chiến tranh đế quốc” hay cho “con mẹ lịch sử phong kiến” hay “các thế lực thù địch” trừu tượng mơ hồ mãi hay sao ?. Ba nghìn cây số bờ biển ! Biết bao quốc gia lọt thỏm giữa lục địa,cố quẫy cựa tìm đường ra bốn biển năm châu nằm mơ chả có mà thấy tiếc của trời.
Lại xin quay trở về với căn bệnh giả dối, một cố tật. . . chưa chết người !
.
Căn bệnh ấy đâu chỉ gây ra đủ thứ hệ lụy cho quan hệ cá nhân giữa người với người mà ác hại thay, đã biến tướng thành căn bệnh thổi phồng thành tích giả dối , phổ biến từ trên xuống dưới ,từ trong hệ thống công quyền ra ngoài đời sống xã hội. Đặc biệt hệ thống giáo dục đào tạo- chìa khóa phát triển, có lúc đã phải khàn hơi khản cổ hô hào nhau ” nói không với bệnh thành tích” !. Nghe chừng bệnh đã ngấm vào người, có dễ từ cháu bé ngày đầu tiên đi học đến các đầy tớ của dân, tóc đã pha sương!.
Con số GDP của các tỉnh thành ,các ngành kinh tế mũi nhọn, các quả đấm thép chưa đấm đã rỉ, lại càng được thổi phồng bong bóng bẩy mầu như trẻ nít thời xưa . Vô số thống kê giả, thành tích giả, thành công ảo làm nhiễu loạn thông tin, rất khó định vị định hướng chính xác cho việc hoạch định mũi nhọn kinh tế và chính sách kinh tế vĩ mô. Chuyện đó mấy thập niên qua như chuyện thường ngày ở huyện.
Thôi thì mình giả dối với mình, đóng cửa thanh toán phải quấy với nhau ,thiệt thòi đâu mình chịu đã đành. Đằng này đến chuyện đối ngoại , ngoại giao, liên quan đến an nguy, thể diện quốc gia dân tộc, đặc biệt trong quan hệ với nước láng giềng khủng & khùng phía Bắc, cứ giả mãi ,bưng bít sự thật mãi đến mức yếu kém cả bản lĩnh mới nguy chứ !.
Ví như công luận xã hội đòi bạch hóa “cam kết Thành Đô” quá nhiều điều khuất tất, phủ bóng đen quan hệ Trung Việt gần một phần tư thế kỷ nay, thì cứ quyết để Đảng ,Nhà nước lo, mắc gì đến dân ! Ví như một thời gian dài biển Đông không có gì mới;tầu của ngư dân Việt có bị tầu Trung Quốc bủa vây săn bắt trái phép thi gọi “tầu lạ” như ngoài hành tinh.
Ví như mười sáu chữ vàng nguyên gốc người ta biếu không cho không là “sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông,văn hóa tương đồng,vận mệnh tương quan” mắc gì phải chuyển ngữ vu khoát thành láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện ,ổn định lâu dài,hướng tới tương lai. Ở đâu ra cái nghĩa này thế ? v.v…
Nói về căn bệnh giả dối, dối trên lừa dưới, không dám nhìn thẳng sự thật ở xứ hình chứ “et-sì” có lẽ là chuyện… nghìn đêm lẻ. Hàng trăm cây bút, trong đó phải kể đến các vị chí sĩ ái quốc, các học giả khả kính như Phan Bội Châu ,Phan Chu Trinh ,Phạm Quỳnh ,Nguyễn Văn Vĩnh,Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Lê Văn Hòe , Phan Kế Bính…., ngay từ đầu thế kỷ hai mươi đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết tật “nội tâm nội tại” của người Việt với tinh thần thực sự cầu thị ,hướng tới văn minh văn hóa mới, sao cho nước Việt dân Việt không lỗi thời. Đâu phải là chuyện bới bèo ra bọ ,vạch áo cho người xem lưng như đám thư lại hủ nho xưa nay “bình loạn”
Thêm một chuyện thời sự. Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế cho hay Việt Nam sau 10 năm thực thi quyết liệt Luật phòng chống tham nhũng nhưng hiện đang đứng hàng thứ 116/ 177 quốc gia xếp hạng trên lĩnh vực tham nhũng tài chính công. Mà đâu cần đến “tổ chức ngoại” này nói ra người ta mới biết tham nhũng ở xứ mình trầm trọng. Mấy thập kỷ nay,có thể nói không ngoa ngôn rằng người dân Việt buộc phải sống chung với tham nhũng,với lợi ích nhóm như sống chung với lũ.
Tham như thế nhũng như thế nhưng gần một triệu ông cán bộ đảng viên có chức có quyền từ đỉnh thượng lương cao chót vót xuống “anh phó phòng” thực hiện kê khai tài sản; thanh tra Chính phủ chỉ tóm được mỗi một phần tử kê khai không trung thực. Nghĩa là giả dối chỉ chiếm tỷ lệ rất. . . rất không đáng kể.
Minh bạch tài sản như thế của đội ngũ công chức công bộc của dân Việt “hảo lớ” đạt chuẩn toàn cầu rồi , khó có quốc gia đạo đức văn minh nào sánh kịp!
Không hiểu sao nói tới Thanh tra Chính phủ , cửa công quyền làm cái việc thẩm định tài sản kê khai của lãnh đạo các cấp các ngành , là trớ trêu thay, khối người chỉ liên tưởng đến cái ông cựu Tổng thanh tra Trần Văn Truyền có một tài sản “khủng long tiền sử” đã hạ cánh an toàn ở biệt điện hàng đế vương đất Bến Tre !.Ông ấy lao động cật sức ở cơ quan thanh tra cao nhất nước, đến thối cả móng tay đấy các cụ ạ !
Liệu dân ta , mượn ý thơ của cụ Tản Đà, “dân chín mươi triệu” có ai còn “trẻ con” đến mức tin ở con số cán bộ có chức có quyền tuyệt đối liêm chính như thế ! Hãy nhìn vào khối tài sản của cựu Tổng thanh tra Chính Phủ ,của nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Dương, của cựu Bí thư tình ủy Lâm Đồng, của nguyên chủ tịch tỉnh Hà Giang v.v…, mà dư luận báo chí trong lề ngoài lề đã song song “phơi áo” nội bộ giữa thanh thiên bạch nhật thời gian gần đây.
Ngao ngán “sự đời” không minh bạch, ngao ngán kiểu tuyên truyền “vải thưa che mắt thánh (nhân). . . dân” .
Bao giờ người Việt mình mới được tự do sống thật với mình nói ra những điều mình nghĩ; dân chủ sống thật với người để cùng bàn việc dân, việc nước? Mong lắm thay đến thời sự thật lên ngôi, câu cổ ngữ “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại” được các nhà ngữ học đưa vào . . . .bảo tàng ngôn ngữ Việt thời a-còng!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"