Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Thoát trung hay thoát cái bóng của chính mình?

Nguyễn Thế Duyên
Vài lời mở đầu
Tôi biết khi bài này được đưa lên tôi sẽ bị ném đá tơi bời. Cũng đúng thôi! Khi mà cả dân tộc đang bừng bừng tức giận, tâm lý bài trung đang dâng lên đến cực điểm vì cái dàn khoan 981 đang khoan thẳng vào cái ý chí tự tôn của cả dân tộc mà một tiếng nói lạc điệu cất lên thì quả là một điều nguy hiểm. Vì vây tôi phải đợi cho đến tận bây giờ khi cái không khí bài trung đang có phần lắng dịu mới dám đăng bài viết này mặc dù bài viết được viết trong thời điểm phong trào “Thoát Trung” đang ở đỉnh điểm của nó. Tuy vậy, tôi biết, sẽ vẫn có những phản ứng gay gắt nhưng xin mọi người hãy bình tĩnh và suy nghĩ những điều tôi đã từng nung nấu và cùng nhau mạn đàm một cách bình tĩnh, không thiên kiến để chúng ta có thể rút ra được những bài học bổ ích cho chính chúng ta.
Xin chân thành cám ơn tất cả mọi người đã đọc.
Nguyễn Thế Duyên
Khi Trung Quốc mang dàn khoan Hải Dương 981 ngang nhiên khoan thẳng vào lòng tự tôn dân tộc của chúng ta thì một phong trào “Thoát Trung” đã được những trí thức Việt phát động. Một tâm lý bầy đàn nở rộ và chúng ta kêu gọi thoát trung ở mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa thậm chí đến cả tiêu dùng người ta cũng kêu gọi “Thoát Trung”.
Nhưng nếu bình tĩnh, chúng ta tự đặt ra câu hỏi “Sao lại là thoát trung?” Đúng là từ chính trị, văn hóa, kinh tế, đến tiêu dùng đâu đâu chúng ta cũng thấy bóng dáng của Trung Quốc nhưng thử hỏi:
Về chính trị: Có phải Trung Quốc chạy sang bắt chúng ta phải theo con đường xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc? Câu trả lời là không phải. Chính đảng Cộng Sản Việt Nam tự chọn con đường này.
Về kinh tế: Có phải Trung Quốc bắt ta phải mua thiết bị, máy móc của Trung Quốc nếu không họ sẽ đánh hay cấm vận chúng ta? Câu trả lời cũng là không phải. Chúng ta tự nguyện mua hàng hóa, máy móc của họ.
- Về văn hóa: Có phải Trung Quốc bắt ta phải chiếu những bộ phim của họ sản xuất hay phải dịch những cuốn tiểu thuyết, những bộ dã sử của họ? Câu trả lời vẫn là không phải.
Họ chẳng cưỡng ép gì chúng ta cả. Tất cả đều là chúng ta tự nguyện vậy thì chúng ta cần phải “Thoát Trung” hay cần thoát khỏi “Cái bóng” Của chính chúng ta?

Đâu mới là cái gốc của vấn đề?
Mỗi một dân tộc do đặc điểm địa lý, đặc thù lịch sử, nó tạo ra một tập quán sinh hoạt. Chính từ tập quán sinh hoạt ấy nó lại tạo thành một hình thái văn hóa và rồi chính cái hình thái văn hóa này nó lại tạo ra một hình thái ý thức của riêng dân tộc đó.
Các nước phươg tây đi theo hướng “Duy Lý”. Cái duy lý luôn đặt ra cho giới trí thức của họ một câu hỏi “Tại sao?” Và vì đi trả lời cho câu hỏi “Tại sao” ấy mà nền khoa học và công nghệ của các nước phương tây phát triển một cách nhanh chóng. Hệ quả tất yếu của nó là nền triết học của họ trở nên sáng sủa mạch lạc, ý thức dân chủ cũng vì thế mà bén rễ rất sớm trong các nước phươg tây
Ngược lại, các nước phương Đông lại đi theo hướng “Duy Tâm” (Từ duy tâm tôi dùng ở đây không theo cái nghĩa thông thường mà ta vẫn hiểu). Hướng duy tâm không nhằm trả lời câu hỏi tại sao mà lại đi trả lời câu hỏi “Như thế nào”. Như vũ trụ được hình thành như thế nào. Chính để trả lời câu hỏi đó mà thuyết âm dương và ngũ hành đã ra đời.
Hệ quả tất yếu của cai hướng “Duy tâm” là hệ thống triết học phươg đông rối rắm, phức tạp không chặt chẽ kéo theo hệ thống tư tưởng cũng phức tạp nhưng nó lại làm cho nền văn hóa trở nên đa dạng chính nhờ sự rối rắm đó. Tư tưởng dân chủ trong xã hội bị kìm hãm.
Chúng ta không ngạc nhiên khi mà mặc dù nền văn minh phương Đông đã có từ rất sớm. Những thành tựu kĩ thuật như đúc, làm giấy, thuốc súng được phát minh rất sớm ở phương đông, nhưng rồi rất nhanh chóng, nền văn minh phươg tây đã bỏ xa những nước phương đông.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta chẳng giống ai, một mình một hướng Chúng ta theo hướng “Duy ngã”.
Có lẽ do đặc điểm về địa lý đã dẫn chúng ta đi theo hướng này. Địa hình nước ta không đồng nhất, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, đầm lầy đan xen lại mưa nhiều. Địa hình đồng nhất là điều cực kì quan trọng vì chỉ cần một loại phương tiện giao thông là con người có thể đi lại khắp mọi nơi. Chúng ta thì không vậy, chỉ cần đi vài chục cây số thậm chí là không đến chúng ta đã phải thay đổi phương tiện. Chính vì vậy nền văn hóa của chúng ta là một nền văn hóa làng xã khép kín. Làng xã của chúng ta lại rất nhỏ bé. Mỗi làng, thôn chỉ độ dăm chục nóc nhà đông nhất là đơn vị hàng trăm, tôi cho rằng có lẽ làng, thôn chúng ta ngày xưa không có làng nào có đến đơn vị nghìn nóc nhà..
Địa hình bị chia cắt, nên nền nông nghiệp của chúng ta không thể trở thành một nền sản xuất hàng hóa mà chỉ là một nền sản xuất nhỏ, manh mún theo kiểu tự cung, tự cấp và hệ quả của nó là thươg mại của nước ta gần như không có. Điều đó lại dẫn đến một hệ quả cực kì xấu, làm cho sự chia cắt, cô lập càng tăng lên do là giao thông không phát triển. Đường xá được hình thành chủ yếu do nhu cầu của thươg mại. Không có thươg mại nên giao thông không phát triển kéo theo những đô thị lớn không thể hình thành. Đến tận thế kỉ thứ XVI mà nước ta mới chỉ duy nhất có kẻ sặt và kinh thành Thăng Long. Còn Hội An thì mãi tận sau này khi chúa Nguyễn vào khai phá miền nam nó mới được hình thành.
Đô thị có tính quyết định cho việc phát triển kinh tế, văn hóa và học thuật. Đó là nơi của cải được tích tụ lại với số lượng lớn. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến kiến trúc. Nó cho ta hiểu tại sao các công trình kiến trúc của chúng ta nhỏ bé và không tinh xảo. Sẽ chẳng làm được điều gì khi không có tiền. Đô thị còn là nơi hội tụ giới tinh hoa của một dân tộc. Tại đó họ có điều kiện để trao đổi, nghiên cứu. Sự trao đổi giữa các bậc trí giả làm kiến thức tích luỹ tăng theo cấp số chứ không tăng theo một phép cộngđơn thuầnnhư khi giớ trí thức bị xé lẻ. Thiếu vắng các đô thị lớn, giớ trí thức của chúng ta mất đi điều kiện cần của sáng tạo
Cũng vì điều đó mà giới trí thức Việt Nam cũng bị xé nhỏ mỗi người có một góc trời riêng của mình. Sự giao lưu về học thuật gần như không tồn tại. Tất cả những điều kể trên làm nảy sinh tư tưởng “Duy ngã” trong người Việt. Tình trạng cát cứ cả trong chính trị lẫn trong văn hóa làm cho chính quyền trung ương không thật sự mạnh. Nên nhớ ngay tại thời Trần, có lẽ là thời huy hoàng nhất trong lịch sử, quân đội vẫn gồm những đạo quân của các hương binh được các chủ đất chiêu mộ. Mạn Đà Bắc nằm trong tay các tù trưởng của các dân tộc thiểu số và nhà vua phải gả cả con gái mình cho những tù trưởng ấy để cầu thân, mua chuộc.
Hình như ở Việt Nam không có một làng nào có đến hai ông đồ cùng một lúc chứ đừng nói đến có hai ông tiến sỹ. và thế là cái tư tưởng “Duy ngã độc tôn” cứ bén rễ, ăn sâu vào trong não trạng của người Việt chúng ta.
Có một câu chuyện kể rằng: Một hôm Ngọc Hoàng đang ngồi đánh cờ thì nghe thấy tiếng ầm ỹ ở cửa Thiên môn bền sai Thiên Lôi ra xem có chuyện gì. Thiên Lôi đi một lúc rồi về bẩm với Ngọc Hoàng.
- Có một bọn người trần kéo nhau lên thiên đình để kiện.
Ngọc Hoàng liền hỏi:
- Bọn ấy là người nước nào?
- Bẩm Ngọc Hoàng đó là bọn người Việt Nam.
- Thế thì cứ kệ chúng nó. Chỉ một lúc nữa là bọn chúng nó sẽ tự tan.
Nói rồi cứ điềm nhiên ngồi đánh cờ như không có việc gì xảy ra. Quả nhiên chỉ một lúc sau tiếng ầm ỹ ở bên ngoài thiên môn lặng hẳn. Ngạc nhiên, Thiên Lôi bèn hỏi Ngọc Hoàng.
- Bẩm Ngọc Hoàng sao người lại biết bọn chúng sẽ tự tan?
Ngọc Hoàng vuốt râu cười trả lời:
- Bọn người Việt chẳng thằng nào phục thằng nào. Thằng nào cũng coi mình là nhất thì làm sao có thể chọn ra được thằng thủ lĩnh. Rắn mà không có đầu thì làm được chuyện gì.
Tất nhiên đây chỉ là một câu chuyện tiếu lâm nhưng nó đã phản ánh được rất rõ đặc điểm nổi bật của người Việt chúng ta. Cứ nhìn vào hội nhà báo độc lập thì rõ, mới ra đời chưa được hai tháng mà nội bộ đã lục đục.
Một hệ quả tất yếu của tư tưởng “Duy ngã” ấy là lớp trí thức người Việt hình như ai cũng mắc bệnh “Chê” và gần đây nó biến tướng thành bệnh “Chửi”. Chê tuốt, chửi tuốt. Sự phủ định người khác chính là sự khẳng định chính mình. Khẳng định cái “Duy ngã” của mình. Thực ra, sự phê phán, tranh luận đúng sai là một điều bình thường trong học thuật cần phải khuyến khích. Nhưng giới trí thức Việt thì khác. Với họ, không phải là trao đổi mà là phủ nhận. Trong một bài viết được đưa ra có những ý đúng và cũng có những ý chưa đúng. Những ý kiến đúng chúng ta cần công nhận và nhưng ý chưa đúng chúng ta cần tranh biện, trao đổi với một lời lẽ ôn tồn, một lập luận chắn chắn.
Nhưng không! Họ phủ nhận tuốt và chửi với những lời lẽ rất vô văn hóa.
Thời Đường, thơ, ai hơn đuộc Lý Bạch? Thôi Hạo có là gì so với Lý Bạch? Nên nhớ nếu xếp mười nhà thơ Đường nổi tiếng nhất sẽ không có Thôi Hạo. Thế nhưng khi đọc Hoàng hạc lâu của Thôi Hạo Lý bạch đã thốt lên:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi-Hạo đề thi tại thượng đầu.
(Trước mắt có cảnh nói không được,
Thôi-Hạo đề thơ ở trên đầu).
Hãy chú ý đến ba từ cuối “Tại thượng đầu” chứ không phải là “Tại thượng lầu”.
Cái “Duy ngã” làm cho giới trí thức việt là những người kiêu ngạo nhất thế giới và bạc nhược cũng nhất thế giới. Họ bạc nhược vì chính họ cũng không tin những điều họ viết là đúng và họ rất tránh tranh luận vì tranh luận nếu lòi ra cái sai của mình sẽ làm cho cái “Duy ngã” của họ bị tổn thương.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chỗ xôn xao
Khi bất đắc chí, giới trí thức việt thường tìm con đường ở ẩn. Cái ở ẩn của trí thức Việt nó lại không nằm trong cái nghĩa « Vô vi » siêu thoát của đạo giáo mà chính là thể hiện một sự đầu hàng bạc nhược. Chúng ta cần nhắc đến Trương Nghi khi há mồm ra hỏi vợ. « Lưỡi của ta có còn không? » Hoặc phải nhớ đến Khổng tử đi khắp nơi để truyền bá học thuyết của mình dù cho cả đời ông không được trọng dụng. Phải có được niềm tin sắt đá vào điều mình đã nghĩ ra thì họ mới có được cái dũng khí như vậy. Sự bạc nhược của giớ trí thức việt cội nguồn của nó nằm trong chính cái: « Duy ngã » Của chính họ.
Nhân nhắc đến khổng tử, tôi muốn kể với mọi người cuộc gặp gỡ giữa Khổng tử và Lão tử. Hai bậc hiền nhân này ngược nhau như nước với lửa. Một người chủ trương cai trị đất nước bằng những phép tắc (Lễ) ngược lại người kia lại chủ trương loại bỏ những phép tắc mà thuận theo tự nhiên (Đạo). Thế nhưng sau cuộc gặp, Khổng tử bảo với môn sinh rằng:
Loài chim ta biết nó bay được, loài cá ta biết nó lội được, loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Còn loài rồng cưỡi gió mây ở trên trời thì ta không sao biết được. Nay ta đã được gặp Lão Tử – ông ấy như con rồng vậy.
Các bạn thấy đấy! Họ không phủ nhận nhau, không những thế họ còn rất tôn trọng nhau mặc dù họ không công nhận nhau.
Các nhà nghiên cứu thường dung cụm từ tâm lý “Tiểu nông ,lúa nước” để lý giải về những cái chậm phát triển của chúng ta nhưng họ không chỉ ra cái gì là gốc rễ dẫn đến điều đó. Tôi cho rằng gốc rễ nằm ở cái tâm lý “Duy ngã”. Làm mình nổi bật trước com mắt của một vài chục hộ gia đình là điều khá dễ dàng. Làm mình nổi bất trước con mắt của hàng trăm hộ gia đình thì khó hơn rất nhiều nhưng cũng vẫn có thể làm được nhưng làm mình nổi bật trước hàng nghìn hoặc vài nghìn hộ gia đình thì là điều không thể. Chính vì vậy mà người Việt luôn có tâm lý “Đầu gà còn hơn đươi voi” Mà thậm chí tôi thấy không phải là đầu gà nữa mà chỉ cần là đầu con kiến. Cái tâm lý này ảnh hưởng nặng nề đến những người lãnh đạo đất nước. Người ta không bao giờ sử dụng người tài giỏi hơn mình.
Người Việt ta không thiếu người tài. Ngay từ năm 1967 Kim Ngọc đã đưa ra mô hình khoán 10, nghĩa là trước cải cách “Mèo trắng, mèo đen” của Đặng Tiểu Bình một chục năm, nhưng ông đã bị ban lãnh đạo đảng vô hiệu hóa. Kim ngọc không sai nhưng cái “Duy ngã” của ba lãnh đạo đảng lại đúng để rồi hai mươi năm sau chúng ta lại bê nguyên cái điều Kim ngọc đề ra ấy từ Trung Quốc về áp dụng tại việt nam.
Cũng cần phải kể ra đây một câu chuyện khác đã được đăng trên báo chí chính thống. Một giáo sư, tiến sỹ y khoa từ mỹ nghỉ hưu về việt nam làm từ thiện (nghĩa là không nhận lươg) nhưng không một bệnh viện nào ở việt nam tiếp nhận.
Đến đây lại cần phải kể lại câu chuyện của Hàn Tín.
Khi Hàn Tín bị bắt, Hán Cao Tổ hỏi Hàn Tín
- Như ta có thể cầm được bao nhiêu quân?
Hàn Tín trả lời.
- Bệ hạ cùng lắm chỉ cầm nổi một trăm vạn quân.
- Thế còn ngươi?
Hán Cao Tổ hỏi. Hàn Tín trả lời.
- Hạ thần thì càng nhiều quân càng tốt.
- Thế sao nhà ngươi vẫn bị ta bắt?
- Bệ hạ không có tài cầm quân nhưng lại có tài thống lĩnh các tướng.
Tôi kể ra mấy mẩu chuyện này là để mọi người có thể lí giải được tại sao ta với Trung quốc cùng chung một hình thái xã hội chủ nghĩa. Trung quốc chỉ mở cửa trước ta có gần một chục năm thế nhưng những thành tựu mà trung quốc đạt được lại vuột xa chúng ta khoảng ba bốn mươi năm. Vì giới tinh hoa của Trung Quốc dám dùng người tài hơn mình.
Luôn luôn song hành cùng với cái “Duy ngã” chính là tính háo danh và sỹ hão của giới tinh hoa người Việt.
Ca dao xưa từng nhạo báng:
Ra đường mũ áo nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày?
Thế nhưng người Việt vẫn luôn:
“Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”
Cái bệnh sỹ hão ấy khiến cho giớ tinh hoa Việt có xu hướng khép kín không muốn trao đổi về mặt học thuật mà ta biết rằng tri thức là một sự kế thừa và tiếp nối liên tục từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác chính điều đó làm cho tri thức việt là những mảng rời rạc với một cái tầm ‘Lùn tịt”. Thử kiểm điểm lại trong nền văn hóa và minh triết của chúng ta, chúng ta đã sang tạo nên cái gì có tiếng tăm? Câu trả lời là không có gì. Tất cả chúng ta đều bê ở bên ngoài mang về xào xáo thêm dấm thêm ớt rồi còn có khi nhận xằng đó là của chúng ta. Một hình thức tự sướng. Thế nên mới có cái chuyện ngược đời mấy ông tiến sỹ giáo sư chỉ ngồi phán láo còn làm ra những máy móc nông nghiệp lại là mấy anh hai lúa không được học hành.
Những người nêu ra thuyết “Thoát Trung” thường lấy ví dụ về thời Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản để làm một minh chứng cho luận thuyết của mình. Họ cho rằng cứ thoát Trung là mọi việc sẽ tốt lên. Điều đó không thực sự là chính xác.
Chúng ta nên nhớ trước thời Minh Trị, nước Nhật là một quốc gia phong kiến lạc hậu. Dưới sự thống trị của Mạc phủ, nước nhật đã bế quan tỏa cảng trong suốt 300 năm. Dưới áp lực về quân sự của các đế quốc phươg tây mà đi đầu là Mĩ, Nhật Bản đã bược phải mở cửa tạo điều kiện cho những thành phần ủng hộ mối quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nước nhật vùng dậy lật đổ Mạc phủ. Và, mở ra một thời kì mới, thời kì phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa ra đời. Vậy gốc rễ của vấn đề không phải vì “Thoát Trung” mà nước Nhật phát triển như ngày nay. Mà đây là cuộc cách mạng tư bản chủ nghĩa tại Nhật. Có ba vấn đề lớn chúng ta cần rõ tại thời kì này của nước Nhật để từ đó nhìn lại phong trào “Thoát Trung” của chúng ta hiện nay
Một là - Tại thời kì minh trị thiên hoàng toàn bộ ban lãnh đạo đất nước đã bị thay đổi. Đây là yếu tố quyết định. Thay đổi hẳn một tư duy chỉ có một cách duy nhất là thay đổi con người. Nếu còn giữ nguyên ban lãnh đạo cũ thì sẽ không bao giờ có được những cải cách triệt để mà chỉ là những cái cách nhỏ giọt nhằm xoa dịu đi những bức xúc của quần chúng hơn là sự nhận thức ra vấn đề.
Thứ hai — Sau khi Mạc Phủ bị lật đổ vấn đề “Thoát Trung” không được đặt ra. Minh Trị Thiên Hoàng bản chất là một cuộc cách mạng tư bản chủ nghĩa vậy hiển nhiên nó không thể theo Trung Quốc một đất nước đang ở trong giai đoạn phong kiến (Nhà Thanh)
Thứ ba – Thế giới tại thời kì đó chưa phải là môt thế giới phẳng phụ thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc như bây giờ
Chúng ta là một nước nhỏ nằm cạnh một người khổng lồ đầy dã tâm. Mà bất cứ một nước lớn nào (Kể cả Mĩ) lại có thể để yên cho cái sân sau nhà mình nổi loạn. Ucraina cũng là một bài học đáng để chúng ta suy ngẫm.
Phải nói rằng người Việt ta không có thói quen dân chủ, nhà nước cũng vậy, những nhà dân chủ hiện nay cũng vậy và cả dân chúng của chúng ta cũng vậy. (Nói ra điều này tôi dễ bị ăn chửi lắm). Nhưng cứ bình tĩnh nhìn lại gia đình mình, nhìn lại các các nhóm xã hội mà mình đang tham gia (Còn nhà nước thì khỏi phải nói) mọi người sẽ thấy ngay điều tôi nói thể hiện rất rõ trong những hành vi nho nhỏ mà chúng ta ứng xử hàng ngày.
Tuy vậy, ý thức dân chủ đang nổi lên một cách mạnh mẽ trong xã hội nhưng để đạt được một xã hội dân chủ thực sự thì nó còn cần thời gian.
Phải nói rằng không bao giờ có được một nhà nước dân chủ trong một xã hội không có thói quen dân chủ. Nếu có thì cái dân chủ ấy chỉ là một cái bánh vẽ. Và ngược lại trong một xã hội có thói quen dân chủ thì không có một nhà nước độc tài nào có thể tồn tại. Vậy nên song song với cái đòi hỏi dân chủ, chính chúng ta phải tự cải tạo chính mình.
Không phải là “Thoát Trung” hay không “Thoát Trung” mà phải thoát chính cái bóng của mình
Vậy nên chúng ta cần tỉnh táo. Yêu nước bằng một trái tim bỏng cháy nhưng lại phải bằng một cái đầu lạnh lùng. Đừng để tình cảm che mờ lý trí.
Nên chăng chúng ta chỉ nên đòi hỏi ở nhà nước những điều có thể còn những điều chúng ta biết chắc là chưa thể thì ta nên chờ đợi.
Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh nhưng chân lý thuộc về thời gian. Không nên tự mình làm suy yếu chính mình.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"