Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Khi niềm đau gõ cửa!

AFR Dân Nguyên
“…Đây là một vài điều khiến mình thêm tổn thương, thêm đau khổ, thêm bức xúc, thêm buồn chán về cái xã hội này. Mình viết ra không phải nói xấu chế độ hay tạo scandal, anh hùng bàn phím hay bất cứ cái gì ngớ ngẩn mà các bạn có thể đặt ra cho mình. Mình chỉ muốn cho xã hội biết sự thật đang bị bóp méo hay chưa ai vạch trần nó ra. Mình mong các bạn chia sẻ bài viết này cho tất cả mọi người, để mọi người được biết. Chỉ thế thôi…”.
Đó là đoạn kết của bài viết: “Nhà báo các người có lương tâm hay không?”, tác giả là một bạn trẻ- nạn nhân của tai nạn giao thông thảm khốc vừa qua tại Sapa, bạn Phạm Công Trình.
Theo như bài viết, Trình và bạn gái, cũng là vợ chưa cưới- cô Đỗ Lan, một cô gái rất xinh, có khuôn mặt và nụ cười dịu hiền gặp tai nạn từ chuyến đi nghỉ tại Sapa. Tai nạn đã cướp đi của Trình người bạn gái- người bạn đời tương lai.
Niềm đau khôn nguôi khó có thể diễn tả. Có lẽ sẽ không có bài viết của Trình, (nếu các nhà báo là người có lương tâm!?). Đằng này…

Tại sao bạn trẻ Phạm Công Trình lại thốt lên một câu đầy căm hận và không chút chần chừ như thế? (cho dù điều đó là hơi bất công, là “vơ đũa cả nắm”; Nhưng ta hoàn toàn có thể thông cảm cho Trình, khi mà có nhiều bái báo, có nhiều nhà báo viết với những “ sự thật bị bóp méo”. Phải thừa nhận rằng, bên cạnh những bài viết ngày càng bị “lá cải hóa”, thì một vấn nạn khác là “sự thật bị bóp méo”. Đây là một lời phàn nàn, một complain về ba vấn nạn, thông qua một sự việc. Nói cụ thể hơn, Phạm công Trình phàn nàn về các nhà báo với các bài viết đã “bóp méo sự thật”, “viết về những tai nạn thương tâm mà vẫn còn nghĩ tới chuyện tô vẽ để thu hút độc giả…”; phàn nàn về một xã hội mà những kẻ đi cứu hộ cũng đồng thời là những kẻ đi hôi của; phàn nàn về một thể chế đẻ ra các ban ngành nói thả phanh, “nói cho sướng cái mồm, lời nói có mất tiền mua đâu?...”. Ba vấn nạn được bạn trẻ Phạm công Trình phàn nàn, tuy không mới, và có lẽ quá nhiều người đã rõ, song nó vẫn có sức cảnh báo, vẫn gây được sự chú ý của dư luận cách đặc biệt. Về hôi của, thì đây không phải là trường hợp cá biệt. Người ta đã được chứng kiến nhiều vụ hôi của, mà gần đây là vụ hôi bia; nhưng vụ hôi của từ những nạn nhân của tai nạn giao thông lần này nó ti tiện hơn nhiều, vì nó xảy ra ngay trong những kẻ được coi là có chức trách, làm nhiệm vụ cao cả: Cứu hộ. Những việc như chuộc lại chiếc điện thoại, mà ngay cả cái sim cũng bị bớt lại, chỉ vì cái sim đó tài khoản chưa hết… Cao hơn những kẻ cứu hộ mà không cứu hộ, lấy việc hôi của làm chính, là những kẻ quyền cao chức trọng, “chỉ nói cho sướng mồm…”, tắc trách, chỉ “tranh công thì nhanh lắm”, còn “trách nhiệm là chưa thấy cụ nào nhận cho thôi!...”. Đó là những Bộ nọ, Ngành kia. Hứa chi trả viện phí, nhưng cuối cùng thì người nhà nạn nhân phải thanh toán…
Nếu đây là bài viết mà tác giả không giới thiệu rõ về nhân thân, hẳn người ta lại cho là một bài viết của một blogger, một người phản biện nào đó chuyên chỉ trích chính quyền… Dám nói thẳng ra cái sự nhẫn tâm của nhà báo, “…viết về những tai nạn thương tâm mà vẫn nghĩ tới tô vẽ để thu hút sự chú ý…”, hẳn bạn trẻ này muốn “chia sẻ nỗi buồn chán” về “cái xã hội này”, điều khiến cho không riêng Phạm Công Trình, mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng thấy “tổn thương, đau khổ, bức xúc, buồn chán…” với cái xã hội do chế độ tạo ra như hiện nay.
“Chế độ nào, xã hội ấy. Xã hội nào, con người ấy”. Ai đó đã đúc kết như vậy. Và nếu điều đó là đúng, thì CHẾ ĐỘ trong ba thực thể trên là cội rễ, là kiến trúc thượng tầng. Ba thực thể trên có mối quan hệ hữu cơ, quan hệ tương hỗ không tách rời. Muốn cải tạo xã hội, không thể không cải cách chế độ. Và như thế, không ai đứng ngoài sự quan tâm tới vấn đề thể chế, tức là không ai được phép bàng quan với vấn đề chính trị…
Đáng buồn thay, vấn đề chính trị là vấn đề “nhạy cảm!?”. Chẳng biết nó “nhạy cảm” như thế nào, nhưng rõ ràng nó nhức đầu, khô khan hơn cả lĩnh vực khoa học. Ở VN nói riêng, thế giới độc tài nói chung, nó còn là lĩnh vực nguy hiểm nữa… Nhưng một quốc gia muốn đạt được sự thinh vượng, chưa hẳn phải thỏa mãn yếu tố tài nguyên giàu có, hay khí hậu ôn hòa. Mà nó phụ thuộc vào thể chế chính trị trước hết. Vận mệnh của một đất nước, tương lai của một quốc gia, là của lớp trẻ. Vậy làm sao lớp trẻ có thể đứng ngoài sự quan tâm tới nền chính trị quốc gia? Nhưng, những gì người ta đang thấy là sự vô cảm của giới trẻ về lĩnh vực chính trị- lĩnh vực nhàm chán và nguy hiểm này. Ngoài những “hạt giống đỏ”, hiếm thanh niên trong xã hội ngày nay quan tâm tới thể chế, quan tâm tới chính trị. Đó là điều đáng thương hơn đáng trách!.
Người ta cũng thấy, cùng với công an, tòa án, giáo dục, y tế…thì “nền báo chí cách mạng” cũng là một trong những thành phần góp phần tạo nên bộ mặt thật- bộ mặt nhem nhuốc của chế độ.
Mặt khác, có thể nói chưa có một blogger, tức nhà báo tự do nào “bóp méo sự thật” trong bài viết của mình. Họ khác hoàn toàn những “nhà báo” mà Phạm Công Trình nói tới trong bài viết “nhà báo các người có lương tâm không”. Muốn trở thành một blogger, trước hết phải có lòng trung thực. Một nhà báo “quốc doanh”, muốn trở thành nhà báo tự do, thì việc trước tiên phải từ bỏ thói quen “bóp méo sự thật”, hay “tô vẽ” trong các bài viết… Điều đó cho thấy, chưa có hiện tượng một blogger nào “chạy sang” hàng ngũ những nhà báo “quốc doanh”, mà ngược lại, chỉ có những nhà báo “quốc doanh”- những người phản tỉnh chạy sang với “Lề trái” mà thôi!...
Ấy vậy mà gần đây vẫn có kẻ bất chấp, lớn tiếng tuyên bố Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là không cần thiết!
Có thể không cần thiết với họ, rằng họ thấy không cần thiết; nhưng nó là cần thiết, rất cần thiết trong tiến trình dân chủ hóa Đất Nước, nhất là làm gương cho một nền báo chí trong sáng, hiệu quả và đích thực.
Sept/20th/2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"