Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Lấy lòng Việt Nam, Mỹ chuẩn bị nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí

Lesley Wroughton và Andrea Shalal | Reuters
Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ
Dân Luận: Trinh sát cơ P-3 Orion do hãng Lockheed sản xuất từ năm 1960 với khả năng giám sát và phát hiện tàu ngầm nên thường được gọi là máy bay săn ngầm. Việc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí này là một chỉ dấu tốt cho mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, tuy nhiên vào lúc này Việt Nam cần tập trung xây dựng nội lực, xây dựng niềm tin của người dân để có sức mạnh chống lại Trung Quốc hơn là trang bị khí tài. Một khi lòng người ly tán thì dù có vũ khí hiện đại cũng vẫn có thể mất nước. Muốn vậy phải đảm bảo quyền con người và quyền tự do dân chủ của người dân, để họ thấy rằng đất nước này thực sự là của họ.
Báo chí trong nước cũng có "lược dịch" lại bài này của Reuters nhưng cắt bỏ những đoạn được cho là "nhạy cảm". Bản dịch của Lê Quốc Tuấn đầy đủ và đã được hiệu đính bởi Dân Luận.

Chiếc máy bay P-3 Orion thuộc Không Quân Hàn Quốc cất cánh từ căn cứ Pearce ngày 26/3/2014, để hỗ trợ công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia. Ảnh: Reuters/Richard Wainwright/Pool.
Gần 40 năm sau khi Mỹ không vận người lính cuối cùng rời khỏi Việt Nam trong cuộc rút lui ô nhục, Washington đang đi gần hơn đến việc tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí người cựu thù của mình, với việc bán các vũ khí đầu tiên có khả năng giúp Hà Nội đối phó với những thách thức hải quân ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Các quan chức cao cấp của Mỹ nắm tình hình vụ việc cho rằng Washington muốn hỗ trợ Việt Nam bằng cách tăng cường khả năng giám sát, bảo vệ bờ biển, và tuyên bố rằng trinh sát cơ không trang bị vũ khí P-3 có thể là một trong những mẻ hàng đầu tiên.
Loại trinh sát cơ như vậy sẽ cho phép Việt Nam theo dõi các hoạt động ngày càng mang tính gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, một điểm nhạy cảm tiềm năng vì nhiều tranh chấp chủ quyền đan chéo nhau trên các đảo và rạng san hô từ nhiều quốc gia.
Hai quan chức cao cấp của chính quyền Obama cho biết các cuộc thảo luận về việc nới lỏng lệnh cấm vận đang diễn ra ở Washington và có thể dẫn đến quyết định vào cuối năm nay.
"Tình hình đang thay đổi, và đó là điều mà chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc," một trong những quan chức cho biết trong điều kiện giấu tên. "Những gì chúng tôi đã tìm thấy là một đối tác có được các quyền lợi chung với mình".
Việc quan tâm đến các mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam, bất chấp những lo ngại về thành tích nhân quyền của chính quyền Việt Nam, là phù hợp với chiến lược của Tổng thống Barack Obama để tái tập trung sự chú ý về kinh tế, chính trị và quân sự hướng tới châu Á.
Động thái tháo gỡ lệnh cấm vận đã đến sau cuộc nối lại các liên kết giữa Mỹ và Việt Nam trong hơn hai thập kỷ, vốn đã tăng tốc bằng một loạt các cuộc gặp của giới ngoại giao và quân sự cao cấp trong những tháng gần đây.
Hai giám đốc điều hành cao cấp trong ngành công nghiệp vũ khí Mỹ nói với Reuters rằng họ mong chính phủ Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. "Có rất nhiều cuộc bàn cãi về việc cho phép bán vũ khí sang Việt Nam. Đây là khu vực đầy hứa hẹn cho chúng ta," một trong những giám đốc điều hành,không được phép tiết lộ danh tính cho biết.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không có nhận định gì.

Mất cảnh giác

Tình trạng dễ tổn thương của Việt Nam trước Trung Quốc đã phơi bày vào đầu tháng Năm khi Bắc Kinh đặt giàn khoan dầu khổng lồ trong vùng biển Hà Nội tuyên bố thuộc khu vực độc quyền kinh tế 200 hải lý.
Mặc dù đã bắt tay vào một chương trình hiện đại hóa quân sự trị giá nhiều tỉ mỹ kim, khả năng giám sát của Việt Nam vẫn còn giới hạn, và việc triển khai không báo trước của giàn khoan đã khiến Hà Nội bị bất ngờ. Trung Quốc di chuyển giàn khoan vào bờ biển Việt Nam vào giữa tháng Bảy.
Hai bên đã đụng độ trên biển vào năm 1988 khi lần đầu tiên Trung Quốc chiếm quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát một quần đảo khác ở Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, sau một cuộc hải chiến với hải quân Nam Việt Nam trong năm 1974.
Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc có tranh chấp riêng với Nhật Bản về quần đảo ở biển Đông.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, một cựu tù binh chiến tranh tại Việt Nam, người đã dẫn đầu trách nhiệm bình thường hóa quan hệ với Việt Nam trong những năm 1990, nói rằng ông sẽ sớm trình bày một đề xuất của cả hai đảng để để tháo gỡ một số hạn chế về việc bán vũ khí.
McCain là một trong bốn thượng nghị sĩ Mỹ đã gặp các nhà lãnh đạo Hà Nội và thảo luận về lệnh cấm vận vũ khí vào mùa hè này tại một thời điểm khi quan hệ Trung-Việt xuống thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong tháng tám, sáu ngày sau chuyến thăm của Thượng nghị sĩ, tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, đã thực hiện chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam trong tư cách người quân nhân cao cấp nhất của Mỹ từ năm 1971. Tuần trước, Chỉ huy trưởng Hải quân nhân dân Việt Nam đô đốc Nguyễn Văn Hiến đến Mỹ tham gia tập trận hải quân với bộ trưởng hải quân Ray Mabus.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ thăm Washington vào đầu tháng Mười để hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ đến Việt Nam trước cuối năm.
Có lẽ Việt Nam khó đi lạc quá xa vào quỹ đạo của Mỹ. Chẳng bao lâu sau các cuộc họp với viên chức dân sự và quân sự Mỹ, Hà Nội đã gửi một nhân vật nặng ký của bộ Chính trị đến Bắc Kinh để cố gắng sửa chữa mối quan hệ bị hư hỏng giữa hai nước láng giềng cộng sản.
"Việt Nam hiểu rằng Trung Quốc sẽ mãi mãi ở trước cửa nhà mình và muốn có một chính sách ngoại giao độc lập” Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết.
Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á/Thái Bình Dương, cảnh báo phản đối những cường điệu về việc Mỹ Việt xích lại gần nhau.
Russel nói với Reuters: "Tôi không tin rằng Việt Nam sẽ đánh đổi mối quan hệ lâu dài mà họ đang có với với Bắc Kinh, mặc dù đã có một số cuộc chiến tranh khá bạo lực, để lấy mối quan hệ hoặc một liên minh chặt chẽ với Mỹ."

Vị trí Chiến lược

Russel cho biết vị trí chiến lược của Việt Nam là một lý do đúng đắn để làm việc chặt chẽ hơn với Hà Nội, ông nói thêm rằng việc nới lỏng lệnh cấm vận "không phải là một điều xấu."
"Chúng ta sẵn sàng - và sẽ xem xét căn cứ vào quyền lợi của chúng ta – để giúp các nước như xây dựng nhận thức về lĩnh vực hàng hải cũng như năng lực hàng hải của họ, và hy vọng sẽ có nhiều việc hơn diễn ra", ông nói.
Việt Nam đã là khách mua nhiều vũ khí từ Nga, ông chủ của họ từ thời Chiến tranh lạnh.
Hiện họ có hai tàu ngầm hiện đại loại Kilo và sẽ có chiếc thứ ba vào tháng 11 theo một hợp đồng 2.6 tỉ với Moscow trong năm 2009. Ba tàu ngầm nữa sẽ được chuyển giao trong hai năm tiếp theo.
Việt Nam cũng mua các tàu khu trục hiện đại chủ yếu là từ Nga. Nhưng các trinh sát cơ P-3 sẽ thu hẹp khoảng cách cho Việt Nam.
Hiện có 435 chiếc P-3 do Lockheed Martin sản xuất đang được 21 chính phủ trên thế giới sử dụng. Hải quân Mỹ sẽ thay thế P-3 của mình với loại P-8 tiên tiến hơn Boeing thiết kế.
Trong tháng Tư 2013, một giám đốc Lockheed được HISJanes, ấn phẩm thương mại, trích dẫn cho biết, Việt Nam có thể đã yêu cầu mua sáu chiếc P-3, và có thể đã có nhiều ủng hộ hơn trong chính phủ Hoa Kỳ để phê duyệt yêu cầu này. Các quan chức Lockheed từ chối không nhận định gì với Reuters, vì việc mua bán vũ khí như vậy có chính phủ tham gia giải quyết.
Bộ Ngoại giao từ chối không cho biết việc Việt Nam có chính thức gửi một “thư yêu cầu” mua máy bay hay không. Một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết các quan chức vẫn đang làm việc để có thể có các quyết định trước khi một yêu cầu như thế được đệ trình.
Một nguồn tin cho biết: Các quan chức chính phủ Mỹ coi mẻ hàng bán thiết bị giám sát hàng hải là một khởi đầu tốt cho thời kỳ mới trong mối quan hệ Mỹ-Việt và nhìn chiếc P-3 như là một “lựa chọn hợp lý".

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"