Nguyễn Quốc Vĩ [*]
Dân Luận: Đúng là hoàn cảnh Việt Nam khác với nhiều quốc gia thuộc địa khác, khi Pháp không phải là một anh "thực dân tốt" sẵn sàng trả lại quyền tự quyết cho dân tộc thuộc địa. Nhưng nói đi cũng phải nói lại: Có con đường nào để dành độc lập mà tránh phải đổ máu, tránh phải ngả vào trong vòng tay các ông lớn Nga và Trung Quốc không? Những người như Phan Chu Trinh, như Trần Trọng Kim nếu được lịch sử lựa chọn làm đầu tàu để kéo Việt Nam ra khỏi chế độ thuộc địa thì chúng ta có thể tránh được những sai lầm sau này như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, ngăn sông cấm chợ, đánh tư sản, đánh trí thức v.v... không?
Lời dịch giả: Bài dịch này tôi đã dịch và đưa lên mạng từ mấy năm nay - Nay đọc xong cuốn Đèn Cù, thấy nên nhắc lại các sự kiện quan trọng trong tiến trình vì sao VN đi vào con đường Cộng Sản. Từ khi phải nhận vũ khí tiếp liệu từ Trung Quốc thì cái Bộ Chính Trị ngay từ đầu đã ngả theo Trung Quốc mà ông Hồ Chí Minh cũng không thể làm gì hơn khi mà Mao đã cài cắm, trùm vòng Kim Cô lên họ - Đèn Cù cũng cho thấy chuyện các ông Hồ, Giáp đã bị "ra rìa" từ lâu.
Tôi vừa dịch vừa đánh vật với tài liệu 270 trang “Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I”
(Pentagone Paper Part I) suốt mấy tháng với sự giúp sức của ông Google
và đã hoàn tất, khiêm tốn nhưng đủ cho tôi trả lời cho tôi về một giai
đoạn của lịch sử đau thương của Dân Tộc. Suốt mấy mươi năm, sinh ra
chiến tranh đã có, lớn lên vác súng đánh nhau như bao thế hệ khác mà vẫn
không thể hiểu tại sao cho tường tận. “Tại sao lại có Việt Nam Quốc
Gia, Việt Nam Cộng Sản và họ đã đánh nhau suốt hơn hai mươi năm, hàng
triệu người chết, hàng chục ngàn gia đình ly tán?” một câu hỏi mà suốt
mấy mươi năm với tôi vẫn chưa bao giờ có một lời giải thỏa đáng, dù là
bé tí. Hai mươi bảy ngàn trang tài liệu được viết trong khoảng từ tháng
7-1967 đến tháng 2/1969 nghĩa là lúc chiến tranh ở miền Nam với sự tham
dự của người Mỹ đang diễn ra sôi động… “Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I” chỉ là phần đầu.
Kết luận mà tôi rút ra cho tôi là đau khổ của Dân Tộc Việt Nam từ Thế
Chiến II là do chủ nghĩa Thực Dân ăn sâu vào trong đầu dân Pháp sau hơn
80 năm đô hộ và bóc lột Việt Nam, vào thời điểm đó, kẻ thực dân đại
diện là De Gaulle. Dù ông này là anh hùng của dân Pháp cũng không ngăn
tôi gọi ông ta là tên thực dân đầu têu đã làm cho dân tộc tôi đau khổ
bao nhiêu năm và sẽ còn tiếp tục đau khổ vì đưa đẩy của lịch sử đã tròng
lên đầu các lãnh đạo hiện nay chiếc vòng Kim Cô chưa sao thoát đươc.
Một kết luận nữa cho riêng tôi là, ít nhất những qua gì ghi lại trong “Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I”
ông Hồ Chí Minh rất xứng đáng được coi là một lãnh tụ tuy cộng sản
nhưng cực kỳ dân tộc chủ nghĩa, dành mọi tâm trí, thủ đoạn và ưu tiên
cho Độc Lập của Việt Nam. Chỉ rất tiếc và rất đau, chính vì sự ngoan cố
của Thực Dân chỉ muốn tiếp tục vai trò chủ nhân ông của Đất Nước cộng
thêm với thế chính trị của Mỹ sau Thế Chiến là ưu tiêng cho đồng minh
của mình dù đồng minh ấy là thứ chủ nghĩa thực dân mà chính Mỹ cũng
không muốn. Không ít hơn tám lần Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã liên lạc với
Tổng Thống Mỹ Roosevelt và sau đó là Truman sẳn sàng hợp tác toàn diện
với Mỹ và chỉ mong một điều mà Dân Tộc ta đã qua bao nhiêu lần vùng dậy
mà không đạt được: Độc Lập. Mười ba liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng bị
chém đầu, hai vì Vua yêu nước bị đi đày … nỗi đau dân tộc quá lớn, khát
khao Độc Lập quá lớn. Ông Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm sống, đã sống và
chứng nghiệm thực tiển cuộc sống ở các quốc gia hàng đầu của Tư Bản lẫn
Cộng Sản chắc chắn đã thấy Cộng Sản không thể nào thích hợp cho Việt
Nam. Mọi bước đi chính trị của ông đều theo hướng đó: Việt Nam Độc Lập
trong Liên Hiệp Pháp hay ít nhất là được hưởng chế độ giám hộ (ủy trị)
do Mỹ chịu trách nhiệm như trường hợp của Phi Luật Tân. Nhưng than ôi,
thực dân nào chịu nhả thuộc địa béo bở của mình, Mỹ lấn cấn thế đồng
minh với Pháp, ưu tiên ngăn làn sóng đỏ ở Âu Châu đành cho cuộc đời đưa
đẩy theo bước chân của Pháp … Vừa lúc Trung Hoa Cộng Sản đánh bại Trung
Hoa Quốc Gia năm 1949, ông Hồ đành phải ngã vào vòng tay của người anh
em cộng sản Tầu và Liên sô, chủ yếu là Tầu Mao để nhận vũ khí đạn dược
và các phương tiện chiến tranh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy
lừng chấm dứt chế độ Thực Dân ở Đông dương và kích động cuộc khởi nghĩa
vũ trang chống thực dân Pháp ở Algerie … Vì nhận nên phải mang nợ, mang
nợ nên phải “nghe lời”, nghe lời rồi rập khuông từ chính sách đến quần
áo, điệu nhảy, lời hát; nghe lời nên đã sinh ra 6 đợt Cải Cách Ruộng Đất
Kinh Hoàng mà dư chấn đầu tiên là cả triệu người bỏ quê hương mồ mã tổ
tiên để đi vào Nam. Rồi đến khi “hết nghe lời”, mười năm biên giới chiến
chinh làm bài tập xương máu để trả bài học cho “người anh” cộng sản.
Phải chi, “Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I”
cũng đã nhiều lần “phải chi”, ngay sau khi Thế Chiến II chấm dứt, người
Pháp chấp nhận đề nghị của Hồ Chí Minh là Việt Nam Độc Lập trong Liên
Hiệp Pháp như người Anh đã trả Độc Lập cho Ấn Độ và giữ họ trong Khối
Thịnh Vượng Chung, thì có lẽ, nếu có chiến tranh xảy ra là một thứ chiến
tranh giữa quốc gia với quốc gia (Tầu Cộng với Đồng Minh hay Liên Hiệp
Pháp trong đó có Việt Nam). Người Mỹ đã biết rất rõ Hồ Chí Minh và Việt
Minh là ai và họ cũng đã tính nếu Việt Nam thành cộng sản thì cũng là
thứ Cộng Sản yêu nước dân tộc chủ nghĩa độc lập với đàn anh Tầu Cộng
tương tự như Tito của Nam Tư cộng sản đối với đàn anh Liên sô … Và họ
sẳn sàng chấp nhận như thế vì cái mà họ muốn là ngăn chận làn sóng cộng
sản từ Tầu tràn xuống phía Nam. Ngày nay họ vẫn tiếp tục chính sách ngăn
chận, lần này không phải cộng sản mà Tầu là chính…
Không trách được vì sao nên cớ sự (Ông Hồ ngả về khối Cộng
Sản), vì cớ sự khởi đầu là do Thực Dân không muốn cho ta Độc Lập, nhưng
rồi cũng vỡ đầu bêu trán ở Điện Biên Phủ chạy đi, nhưng để lại cái thế
Quốc, Cộng làm dân tôi thêm hai mươi năm nội chiến từng ngày chịu bao
nhiêu là đau khổ mất mát…
Qua “Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I” tôi còn được thấy thêm phe người
Việt “quốc gia” với cái muốn thật to nhưng cái tài không lớn. Cái này
người Mỹ nói chứ không phải tôi.
Khi bỏ công dịch, tôi mong ba chuyện:
Một, cho tôi cái nhìn khách quan qua các chứng cớ lịch sử mà “Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I” là một “thứ thiệt” không chịu mấy màn che của hỉ nộ ái ố, của kẻ mù rờ chân voi.
Hai, để đồng bào tôi thấy sự thực là dân tộc ta, nhược tiểu yếu kém
về mọi phương diện trừ tình yêu Tổ Quốc vĩ đại, phải chịu thân phận con
chốt cho các cường quốc trong bàn cờ chia chác tài nguyên, thị trường.
Ba, lãnh đạo Việt Nam đọc để thấy chuyện đời là một màn chơi với
những quy luật và thế trận của nó, tiếp tục lấy Tổ Quốc làm trọng vì đó
là cái tinh túy nhất của những người làm và đi theo cách mạng chỉ mưu
cầu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc. Họ cần phải thấy “không ai mãi mãi là bạn, không ai mãi mãi là thù”,
phải thấy nước nào cũng xem quyền lợi của nước họ là tối thượng mà bỏ
qua trong trong tâm trí mấy chữ “anh em” và càng cảnh giác hơn nữa với
những danh từ hoa mỹ.
Sau khi dịch và hiểu “Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I”,
tôi sẵn sàng gọi ông Hồ Chí Minh là Bác với tất cả kính trọng và thương
mến, ít nhất là trong khung thời gian mà “Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần I”
1940-1950 đã đề cập đến.
“Bí Mật Ngũ Giác Đài Phần II” nói về chiến tranh Việt Pháp 1950-54 là cố gắng sắp đến của tôi.
Ghi chú thêm: trong tài liệu chữ “nationalist” được
dùng rất nhiều nhưng chưa có nghĩa QUỐC GIA trong nghĩa Quốc Gia đánh
nhau với Cộng Sản như trong chiến tranh ở Miền Nam sau này. Như phong
trào Việt Minh là “quốc gia” gồm cả phe Cộng Sản lẫn quốc gia như Việt
Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt v.v… chữ quốc “nationalist” ở đây được hiểu
là “dân tộc chủ nghĩa”. Cho nên xin quí vị độc giả lưu ý chỗ này.
Paris, tháng Mười, đầu Thu 2011
Nguyễn Quốc Vĩ NgQuocVi@gmail.com
Nguyễn Quốc Vĩ NgQuocVi@gmail.com
[*] Tác giả là người đã về hưu. Tác giả đã nhiều năm tự mình đi tìm
hiểu vì sao Dân Tộc mình phải chịu đau thương qua hàng chục năm chiến
tranh - là người bình thường và tâm thường với một lòng yêu thương Tổ
Quốc mãnh liệt - rất muốn thấy dân tộc mình cơm ăn đủ, áo đủ ấm, học đủ
cao, sức đủ mạnh và nhất là công bằng cho mọi người.