Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Thiếu vắng những cái “dám” thì… Ế là đúng!

Hà Văn Thịnh



Chỉ ca ngợi một chiều theo cách hô khẩu hiệu từ đầu đến cuối thì làm sao có thể có khán giả đến xem?
Nỗi đau từ 21 tỷ bị thả trôi sông, chìm dưới những lớp sóng lạnh lẽo, thờ ơ là bài học – dẫu đau đớn cũng nên một lần nhìn thẳng: Nghệ thuật đích thực không dung chứa sự nửa vời, cái một chiều; không chấp nhận sự bất tài; không bao giờ tha thứ cho tất cả những ai cứ cho rằng đã là Kỷ niệm thì cứ phải hô to, hò nhiều về ta thắng, địch thua.
Đọc tin mà xót, mà xa: Bộ phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tôn vinh Tướng Giáp, đầu tư đến 21 tỷ đồng mà mỗi buổi chiếu chỉ bán được có vài ba vé, đến nỗi phải “tắt đài, dẹp máy”, nhờ báo chí than van, mong tìm đến sự “cảm thông” cho tiền dân của nước ngang nhiên bị bỏ bụi, quăng bờ…
Trước hết, nếu mọi sự bao cấp (phim được làm bằng tiền thuế) đều không dẫn tới những chế tài về chất lượng sản phẩm để kết cục chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm thì chắc chắn tình trạng trên đã, đang và sẽ còn tiếp tục dài dài.
Mô-típ của phim: Ba bạn trẻ đi phượt (thời hiện đại), gặp lại – hóa thân thành những nhân vật anh hùng trong cuộc kháng chiến vĩ đại… Tất cả những cách dàn dựng, “sáng tạo” này, đã có trong nhiều bộ phim của Mỹ hoặc hợp tác Mỹ – Trung Quốc, như Khu mỏ chết chóc (Dead Mine); Truyền thuyết đánh cắp kho báu (Stealing Legend)… Cách sao chép đó tưởng chừng như là đúng nhưng bởi vì nó không… mới, không thể vượt qua người ta nên sự thờ ơ của khán giả là lẽ đương nhiên.


Lịch sử cũng như cuộc đời, nếu chỉ tồn tại bằng sự thêu dệt phi logic, luôn luôn nhận được từ hiểu biết sự lạnh nhạt

Điều tiếp theo nhất thiết phải luận bàn cho đến nơi, đến chốn là số tiền cả triệu USD sao lại có thể dễ chi, dễ tiêu, dễ lụi tàn đến thế trong khi đất nước còn nghèo, nợ công đang ở thời khó đỡ, doanh nghiệp đang khốn đốn, lao đao…? Phải chăng quy trình duyệt, cấp dự án phim đang thực sự có vấn đề? Bởi, điều giản dị nhất về kinh tế là khi bỏ ra hàng chục tỷ đồng để làm một cái gì đó, luôn phải cần đến – hội đủ những điều kiện nghiêm ngặt, cẩn trọng về tài năng, kịch bản, đạo diễn, đội ngũ diễn viên… Thế nhưng, chẳng thấy báo chí nói gì về những điều mà lẽ ra dư luận nhất thiết phải biết.
Đề tài lịch sử muốn thể hiện tốt trong nghệ thuật luôn phải tuân theo những nguyên tắc như sự thật, tính sử thi, chức năng giáo dục, chức năng phản biện… “Sống cùng lịch sử” dường như đã bỏ quên tất cả các yếu tố trên. Chẳng hạn, đến bây giờ mà vẫn còn lấy biểu tượng lấy thân mình lấp lỗ châu mai làm một trong những bản anh hùng ca chính thì thật khó chấp nhận. Cho dù anh hùng Giót đã làm nên điều phi thường trong chiến tranh nhưng, khoa học và thực nghiệm nói không với huyền thoại đó.
Bao nhiêu con người mới lấp cho vừa cái lỗ châu mai? Lỡ có “lấp” xong rồi, kẻ địch có thể chẳng nhọc nhằn gì mà chỉ cần gạt cái xác sang bên rồi bắn tiếp? Tại sao đã có gan, có trí bò đến tận lỗ châu mai mà lại quên đem theo trái lựu đạn vì chỉ cần một lần nổ thôi là lô cốt địch tắt lửa lặng câm. Không ai chấp nhận nổi một người có đủ trí và dũng lại phải hy sinh thân mình cho việc “lấp” (nếu như có thể) trong vài giây, một ổ hỏa lực có ý nghĩa sống còn.
Lịch sử cũng như cuộc đời, nếu chỉ tồn tại bằng sự thêu dệt phi logic (có thể chấp nhận sự cần thiết để tuyên truyền trong chiến tranh), luôn luôn nhận được từ hiểu biết sự lạnh nhạt mặc nhiên. Cho dù nhân vật Phan Đình Giót có thật đi nữa thì người xem cũng khó chấp nhận bởi những lý do như đã nói ở trên.

Người làm phim phải dám biết, phải dám nói, phải dám đương đầu… Bởi nếu thiếu vắng những cái dám đó, phim không thể đủ hấp dẫn

Một sự thật nữa là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có trận đánh ta khó thắng, những người làm phim có dám nhìn thẳng vào đó để KỂ những câu chuyện xác thực bằng hình ảnh? Ví dụ, Đồi A1, ta nổ súng tấn công từ 13.3 nhưng mãi đến 6.5.1954 mới có thể chiếm được sau khi hy sinh rất nhiều.
Sự thật đó chưa được nói rõ trong lịch sử nhưng những người làm phim phải dám biết, phải dám nói, phải dám đương đầu… Bởi nếu thiếu vắng những cái dám đó, phim không thể đủ hấp dẫn và làm xúc động những trái tim không thể đập dối, đập lầm…
Tất nhiên, đòi hỏi ở những người làm phim điều này là rất khó do ngay chính các nhà sử học cũng chưa dám nói thật về những góc khuất, bao giờ. Điều nghịch lý trong nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng là chất anh hùng ca của chiến thắng vĩ đại chỉ có thể cuốn hút khán giả từ những bi kịch của không ít nhầm lẫn, tổn thất. Chính những tổn thất và sai lầm đó làm cho chiến thắng trở nên phi thường.
Ai đã từng đọc Chân dung tướng ngụy Sài Gòn, xuất bản sau năm 1975 đều đau một nỗi đau chung: Kẻ địch kém cỏi, dốt nát, tệ hại như thế, sao phải chiến đấu suốt mấy chục năm ròng?… Chỉ ca ngợi một chiều theo cách hô khẩu hiệu từ đầu đến cuối thì làm sao có thể có khán giả đến xem?
Nỗi đau từ 21 tỷ bị thả trôi sông, chìm dưới những lớp sóng lạnh lẽo, thờ ơ là bài học – dẫu đau đớn cũng nên một lần nhìn thẳng: Nghệ thuật đích thực không dung chứa sự nửa vời, cái một chiều; không chấp nhận sự bất tài; không bao giờ tha thứ cho tất cả những ai cứ cho rằng đã là Kỷ niệm thì cứ phải hô to, hò nhiều về ta thắng, địch thua.
Chợt nhớ đến đề thi văn mà nữ văn sĩ F. Sagan (tác giả của tiểu thuyết Buồn ơi, chào mi) đã kể lại. Bà đã viết một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về bi kịch nhưng thi trượt Chứng chỉ dự bị đại học Sorbonne, vì bà đã không phân biệt nổi, không thể làm tốt cái đề thi chỉ có một câu hỏi ngắn: Bi kịch khác cuộc đời ở chỗ nào?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"