Bác Thanh, người Hải Phòng, sang Washington DC ở với con trai. Từng
là Giám đốc một Xí nghiệp của thành phố cảng khá lâu nên bác biết nhiều
người, nhiều chuyện, có tài nhớ và kể khá hay.
Xin hầu bạn đọc một chuyện bác kể cuối tuần qua.
Hồi mới tiếp quản Hải Phòng, ở gần khu phố bác ở, có một người tên là
Lai. Bác Lai từng bị Pháp bắt đi lính, nhưng ở một thời gian,
bác đã trốn (đào ngũ). Hòa bình lập lại, cứ nghĩ mọi việc sẽ ổn, chẳng
thấy ai hỏi về gốc gác, bác lấy vợ và có 3 cô con gái nhỏ. Bác buôn bán,
kiếm sống qua ngày. Mọi việc đều tốt đẹp, do biết làm ăn, ngày càng
giầu có, bác mua nhà ba tầng mặt phố.
Nhưng Cải cách ruộng đất, rồi cải tạo tư thương cũng không tha người
hiền lành chất phác như bác Lai, chủ nghĩa lý lịch đổ tai họa lên đầu
bất kỳ ai. Không hiểu kẻ nào ghen ghét đã tố cáo với chính quyền về
chuyện bác Lai từng phục vụ cho Pháp nhưng không khai báo, dù bác đã đào
ngũ.
Từ một người chủ, bỗng trắng tay và bác vào tù cải tạo. Khỏi phải nói
về quãng đời “một ngày trong tù, thiên thu tại ngoại”. Ông Hồ Chí Minh
từng than như thế bên nhà tù Hương Cảng (Hong Kong) và nhiều nhà lãnh
đạo VN từng bị bắt, giam cầm và tra tấn, nhưng không vì thế mà họ nhớ ra
có bao nhiêu người dưới quyền từng ngàn ngày phía sau song sắt chỉ vì
có ý kiến trái chiều.
Thời những năm 1960, người bên ngoài không có mà ăn, nói gì đến
chuyện tù, nhất việt gian, phản động. Là một người chất phát, chịu
thương chịu khó làm ăn, nghe theo quản giáo, vì bản thân bác biết chữ,
lại quen với kỷ luật tây, nên vào một ngày đẹp trời, bác Lai được tha
tù.
Suốt mấy năm trong tù, bác không hề nhận được đồ tiếp tế, thăm hỏi
hay tin tức quê nhà, về vợ con, gia đình. Bước chân ra khỏi cổng trại
giam, với cái bị cói có mấy bộ quần áo rách tơi tả, trong túi vẻn vẹn có
5 hào do trại giam cấp phí đi đường.
Từ trại về Hải Phòng, bác lê bước mấy chục km bằng đôi chân trần,
nhưng trong lòng rất vui, vì nghĩ sẽ được gặp vợ con quây quần. Bác còn
nghĩ, về buổi tối, nhìn qua hàng rào, thấy bốn mẹ con đang ăn bữa chiều
trong ngôi nhà ba tầng ánh sáng điện lung linh. Ôi, hạnh phúc xiết bao.
Vừa đói vừa khát, nhưng bác vẫn cố đi vì thời đó làm gì có xe đạp, xe
máy hay xe bus như bây giờ. Trại giam thường ở nơi hẻo lánh, tù trốn
trại muốn đi xa cũng khó.
Cách Hải Phỏng khoảng 15km, bác ngồi nghỉ ở một quán nước bên đường
quốc lộ giữa trưa nắng kinh người. Nhâm nhi chén nước vối đắng cho đỡ
khát, dù bụng đói meo, nhưng bác quyết không ăn, để dành tiền mua quà
cho các con.
Nhìn xa xa, thấy hai đứa con gái lít nhít đang bắt cua dù trời nóng
như đổ lửa, đội nón mê chỏm đã rách, hở cả tóc phía trên. Chúng mò mẫm
góc bờ, vợt từng con tép, cá lẹp bé tý, quần áo rách bươm, bùn đất bắn
đầy mặt và khắp người đen nhẻm.
Bác Lai hỏi người chủ quán, con cái nhà ai mà khổ thân thế kia. Bác
chủ quán thở dài. Đây là hai đứa bé của một người đàn bà ở Hải Phòng
mang gửi họ hàng ở quê, nhờ trông giúp. Nhà ấy hình như vướng chuyện gì
đó nên phải cho con đi. Người cưu mang cũng chẳng dư dật gì nên các cháu
phải làm mới có ăn, phải ra đồng đi cấy, bắt cua cá, giúp gia đình. Cả
làng ai cũng biết nhưng họ cũng khổ, nên đành chịu.
Bác Lai thở dài, cơ khổ, con trẻ bé tý mà khổ trần ai, cha mẹ nào để
con thế này cũng là thất đức. Tự nhiên nước mắt muốn ứa ra. Hình như
thời đó, nỗi khổ đau, nghèo đói không tha bất kỳ ai, từ người già còng
lưng đến tuổi thơ, kể cả người muốn sống lương thiện.
Uống chén nước và ăn củ khoai hết 5 xu, còn lại 4 hào rưỡi, bác Lai
đi tiếp. Về đến gần nhà, dân quanh phố thấy bác liền reo lên, ôi, anh
Lai đã về đấy à, sao mà già và khổ thế. Ra tù rồi à.
Tuy nhiên, có vài người thân đã gọi bác Lai vào nhà và thì thầm, ngôi
nhà cũ đã bán cho người khác rồi, vợ anh đi lấy chồng, hiện ở nơi khác
cùng với đứa con gái út, hai đứa con gái lớn đem gửi ai đó ở quê rồi.
Sững người trước thảm cảnh người ra tù bơ vơ, không nhà cửa, vợ bỏ đi
với người khác, con cái và của cải thất tán, mặt đất như sụp dưới chân
của người cựu tù khổ sai.
Trước thực tế phũ phàng, nhưng không hiểu trời xui đất khiến, bác Lai
không mất trí trong hoàn cảnh ấy. Bỗng linh tính nhắc bác về hai đứa bé
đội nón mê cách Hải Phòng hơn chục km. Bụng đói meo, vừa đau đớn, vừa
khóc thầm, bác quay lại quán nước bên đường, dò hỏi người nuôi hai đứa
trẻ.
Tìm được, người chủ thật thà kể lại, mẹ của các cháu đi theo một kỹ
sư học Bách Khoa, họ đã cưới nhau và có giấy đăng ký kết hôn đàng hoàng.
Chồng của cô ta đi tù, hình như là lính ngụy (đi lính cho Pháp) nên
chính quyền cho phép ly hôn mà không cần sự đồng ý của người chồng. Thời
đó làm gì có chuyện tôn trọng nhân quyền.
Nhưng đôi ấy cũng chẳng làm ăn được gì, vợ già không thể có con thêm,
dù tay kia trẻ hơn mấy tuổi. Họ chỉ đủ sức nuôi đứa bé nhất, còn hai
đứa lớn họ gửi nhà này.
Biết chắc chắn hai đứa bé là con gái của mình, bác Lai móc túi lấy
nốt 4,5 hào còn lại đưa cho người chủ và nói “Có người gửi tiền cho bác
mua quà cho hai cháu, nhưng không tiện nói tên, đó là ai”. Người chủ nhà
nhận tiền và hứa sẽ tiếp tục nuôi nấng hai bé.
Quay trở lại Hải Phòng, bác Lai tìm những người bạn hàng cũ ở chợ
Sắt và xin làm thuê. Từ bưng bê, rửa bát, đến gò sắt, làm đủ mọi nghề để
kiếm sống qua ngày. Thỉnh thoảng dành được chút tiền, bác lại về làng
nơi hai con bé ở để gửi người chủ thêm chút tiền để nuôi các cháu ăn
học.
Cứ thế qua năm tháng, vốn thông minh và nghị lực sẵn có, từ người làm
thuê, bác Lai trở nên giầu có. Mua lại ngôi nhà ba tầng xưa với một cái
giá rất cao, bác về quê đón hai con gái lúc đó đã 13 và 11 tuổi về ở
cùng. Các cháu được người chủ ở quê cho ăn học nên khi về thành phố cũng
hòa nhập nhanh.
Sau đó bác Lai đi tìm vợ cũ và ông chồng cùng đứa con gái để nói
chuyện. Khỏi phải nói về sự hối hận của bà vợ. Nhưng người tù không có
tội vẫn bình tĩnh giải quyết theo cách của một người đàn ông đàng hoàng.
Bác bảo, về danh chính ngôn thuận, hai anh chị đã là vợ chồng, tuy
nhiên ba đứa con vẫn là của mẹ nó và tôi. Chúng ta cần giải quyết chuyện
này thỏa đáng để con cái có tương lai và hạnh phúc.
Không dừng ở chuyện gia đình, bác nhờ chính quyền địa phương chứng
kiến. Biết chắc chắn, bác có thể làm ra tiền nhưng nuôi con thì khó bằng
các bà mẹ. Mời bà con trong phố tới dự, bác tuyên bố, hai anh chị có
thể ở nhà 3 tầng này, nhưng phải có trách nhiệm nuôi các con. Hoặc để
lại ba đứa con cho bác nuôi, nhưng hai người phải ra khỏi đây.
Đôi kia cũng là người nghèo khổ vì lương ba cọc ba đồng, nay bỗng có
người cho ngôi nhà ba tầng, làm sao mà từ chối. Họ ở đó và ba đứa con
gái. Các cháu lớn lên, vào đại học và ai cũng thành đạt. Ít người biết
rằng đó là tinh hoa của một người tù của chế độ.
Bác Lai mua một ngôi nhà gần đó, thỉnh thoảng sang thăm các con, chu
cấp thêm, và cũng để giám sát việc nuôi nấng. Bác ở vậy đến cuối đời
cho dù tiền bạc, danh vọng, đủ cho bác kiếm một chân dài khác.
Nếu hỏi về kinh nghiệm sống ra sao, có lẽ bác chẳng muốn nhắc đến chủ
nghĩa lý lịch đẩy con người ta đến sự khốn cùng. Cũng có khi không muốn
kể về 5 hào lẻ đã làm nên một cuộc đời khác cho chính bác và những đứa
con mò cua bắt ốc giữa trưa hè.
Thời nay tìm người đàn ông có 5 hào lẻ để làm bạn đời ngang bằng mò kim đáy biển.
Liệu bạn đọc có tin chuyện này có thật hay không?
Hiệu Minh. 20-9-2014