Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Dân oan: Sự sỉ nhục vào học thuyết Mác - Lênin và chính thể chuyên chế

Dương Hoài Linh
Dân oan không phải là một sản phẩm mang tính đặc thù. Nó là sản phẩm lỗi của bất kỳ chế độ xã hội nào, bởi đòi hỏi một nền luật pháp hoàn thiện là một điều bất khả thi. Xã hội càng thượng tôn luật pháp thì oan sai càng ít đi. Đồng thời với việc giảm và đi đến bãi bỏ án tử hình, các nền luật pháp tiến bộ trên thế giới đã cho thấy việc coi trọng và giải quyết oan sai một cách đầy nhân bản và văn minh, trong đó tính nghiêm minh của pháp luật đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, quyền sống của con người mới là cái đáng giá và được tôn trọng nhất.
Chủ nghĩa Marx-Le nin ra đời với học thuyết "đấu tranh giai cấp" và xóa bỏ "chế độ tư hữu" đã tạo ra những sai lầm quan trọng về nhận thức. Điều này đã dẫn đến tội ác hủy diệt nhân loại dưới thời Stalin và Mao Trạch Đông, đó là "Cải cách ruộng đất" và chính sách "Đại nhảy vọt". "Sông Đông êm đềm" của nhà văn Nga Mikhail Aleksandrovich Sholokhov và "36 Millions de morts" của Dương Kế Thắng đã phơi trần những thực trạng gây nên vết thương lòng đau xót trong xã hội loài người.
Điều sỉ nhục lớn nhất là tính phổ biến của oan sai dưới chế độ Cộng Sản và thể chế độc tài toàn trị. Bỏ qua những dân oan được tạo ra từ một nền tư pháp yếu kém với lối xét xử, định tội tùy tiện... hãy nhìn vào những thảm án mang tính dân tộc xảy ra trong lịch sử Việt Nam: "cải cách ruộng đất", "nhân văn giai phẩm", "xét lại chống Đảng", "cải tạo tư sản"... bất cứ ai cũng có thể nhận ra lỗi hệ thống, trong đó thủ phạm chính không ai khác hơn chính là Đảng CSVN. Từ ngày thành lập cho đến nay Đảng CS là nguyên nhân chính gây ra những thảm kịch cho dân tộc. Điều đáng nói là sau khi rũ bỏ hệ tư tưởng Marx-Lênin, Đảng vẫn tiếp tục đi vào vết xe đổ đó. Dân oan trên cả nước được tạo ra ngày càng đông. Lực lượng dân oan ngày càng lớn mạnh và có thể nói không ngoa rằng đang lấn át cả phong trào dân chủ trên phạm vi cả nước.

Quyền tư hữu là một quyền chính đáng của con người. Nhưng với chính sách đất đai đền bù không thỏa đáng, bằng việc phá hủy nông thôn để nuôi thành thị... Đảng CSVN đang tạo ra một mâu thuẫn cực kỳ lớn trong lòng xã hội. Hủy bỏ quyền tư hữu là tự sát. Bởi vì điều này sẽ tạo ra một tầng lớp người không còn gì để mất, sẽ đẩy họ vào bước đường cùng của Đặng Ngọc Viết, Cấn Thị Thêu: "Tôi căm thù các ông và quân cướp đất đến tận xương tủy, trừ khi các ông ám sát tôi trong nhà tù thì tôi phải chịu, tôi còn sống ngày nào tôi còn chiến đấu đến cùng để đòi lại đất đai, đòi lại tư liệu sán xuất cho gia đình tôi và bà con nông dân Dương Nội"(Lời của Cấn Thị Thêu trong phiên tòa ngày 19/9/2014)
Tháng 4/2014 Cliven Bundy, chủ một trang trại chăn nuôi gia súc ở hạt Clark, bang Nevada, Mỹ, đã “chiến đấu” với Cục quản lý đất đai về quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong khi chính quyền cho rằng ông phải có nghĩa vụ trả phí sử dụng đất chăn nuôi gia súc, Bandy cho rằng ông có quyền tự do sử dụng mảnh đất thuộc về gia đình ông hàng trăm năm nay. Lo sợ về một cuộc đối đầu có vũ trang với hàng chục chiến binh đang cắm trại trên một cánh đồng dẫn tới trang trại của Bundy, các nhân viên Cục quản lý đất đai phải dừng thi hành nhiệm vụ “cưỡng chế”.
Trong cuộc chiến này không hề thấy bóng cảnh sát và chính quyền liên bang đã chấp nhận thua ông Bundy để tránh đổ máu không cần thiết, mặc dù theo luật hiện hành, ông phải trả số tiền thuế đó.
Thế nhưng chính quyền Việt Nam không hề lấy điều này làm gương. Trong các chiến dịch cưỡng chế luôn luôn thấy bóng dáng của cảnh sát cơ động và công an mặc sắc phục. Đánh đập, bắt giam, chà đạp quyền con người, bất chấp luật pháp... là lối hành xử thô bạo thường thấy của những kẻ đại diện cho chính quyền. Trên mạng lan truyền những tấm ảnh bi thương mà người có trái tim sắt đá đến đâu cũng phải rưng rưng cảm động. Đó là hình ảnh các mẹ các chị chắp tay lạy như tế sao trên trời. Có cảm giác như nỗi oan của gia đình Thúy Kiều xưa kia "Dẫu là đá cũng nát tan lọ người" chẳng thấm thía gì với nỗi đau hôm nay.
Không chỉ ở Dương Nội mà hình ảnh dân oan có mặt trên các vườn hoa, công viên trên khắp cả nước vào những ngày lễ lớn đã trở thành chuyện bình thường. Đau xót biết bao khi đọc những tấm băng rôn, khẩu hiệu, nghe tiếng kêu gào của những con người bất hạnh ấy. Càng ngày họ đang càng biết vũ trang cho mình bằng lý luận, bằng sự hiểu biết lịch sử. Chắc không ai cầm được nước mắt khi đọc dòng chữ: "Ngày 12/3/1945 vua Bảo Đại tuyên bố độc lập, ngày 16/8/1945 Nhật đầu hàng đồng minh không có ông Hồ Chí Minh, không có cuộc chiến 30 năm, chủ nghĩa xã hội viễn vông". Những tấm băng rôn ấy đường hoàng công khai trước hội trường Thống Nhất, trước vườn hoa 30/4 của Sài Gòn. Có lẻ bị dồn vào tận đáy xã hội họ đã không còn sự sợ hãi, dám đương đầu thách thức bất cứ thế lực nào.
Các vụ án oan đang ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Trong khi lực lượng đấu tranh dân chủ đang giẫm chân tại chỗ và xảy ra những bất đồng trong thời gian gần đây thì lực lượng dân oan đang có dấu hiệu trưởng thành. Can đảm có thừa cộng thêm chịu tìm tòi học hỏi, họ sẽ trở thành một lực lượng tuyên truyền đầy hiệu quả vào nhận thức người dân. Bởi lẻ chính bằng vào sự bất công mà mình đang gánh, họ đã chiếm trọn trái tim những người yêu lẻ phải. Và sẽ có lúc họ chẳng cần phải khóc, chẳng cần phải quỳ lạy nữa. Tất cả những gì mà người nông dân Mỹ đang làm, cho phép họ tin rằng chính quyền chỉ có hai con đường để lựa chọn: không thể nói tự do, dân chủ công bằng, pháp trị bằng mồm hoặc bị đào thải khỏi vũ đài chính trị.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"