Margaret Ng | New York Times
Trần Quỳnh Vi chuyển ngữ
Trần Quỳnh Vi chuyển ngữ
Những người Hồng Kông biểu tình đòi cơ quan lập pháp Hông Kông từ chối sự áp đặt chính trị của Trung Quốc.
HONG KONG - Chủ nhật vừa qua, Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc thông qua một nghị quyết đưa ra những điều lệ khắt khe cho cuộc bầu cử chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong sẽ được xảy ra vào năm 2017. Bỏ qua những chi tiết chuyên môn, đề nghị này chẳng qua là tạo điều kiện cho Bắc Kinh kiểm soát việc những người nào mới có thể tranh cử vào chức vụ lãnh đạo cao nhất ở Hong Kong: Cử tri vẫn có quyền bỏ phiếu, nhưng họ chỉ có thể bỏ phiếu cho một trong vài chọn lựa đã đưọc sàng lọc từ trước bởi chính quyền Trung Quốc.
“Bằng cách ủng hộ phương pháp này,” Cheung Man-kwog, một chính khách
kỳ cựu của Đảng Dân chủ Hong Kong đã viết, “Trung Quốc về căn bản đã
thật sự từ bỏ sự hứa hẹn cho phép Hong Kong có quyền bầu cử phổ thông.”
Ba thập niên truớc, khi chính quyền Bắc kinh và chính phủ Anh, lúc đó
đang bảo hộ Hong Kong, đã thương thảo những điều kiện cho việc trao trả
một thuôc địa lại cho Trung Quốc, Ông Cheung là một trong những người
ủng hộ “thống nhất” trên tinh thần đồng thuận là Hong Kong rồi sẽ có một
nền dân chủ hoàn toàn.
Vậy mà giờ đây, một số quan chức lại đang kêu gọi cư dân nơi này chấp
nhận một đề nghị phi dân chủ của Bắc Kinh. Họ nói đây cũng là một dạng
mỗi cử tri - một lá phiếu, cho dù còn có thiếu sót đi chăng nữa, thì
cũng là “một con chim đã bắt được trong tay.” Tuy vậy, những người Hong
Kong khác đã đúng đắn khi nghi ngờ rằng chấp nhận kế hoạch này cũng đồng
nghĩa với việc uống một ly rượu độc. Thông báo của Ủy ban Thường vụ hôm
Chủ nhật vừa qua là một cú sốc bất ngờ sau khi đã có những cuộc biểu
tình thường xuyên và quy mô đã được tổ chức bởi các nhóm hội dân chủ
những tuần truớc đó.
Chính quyền Bắc Kinh đã cho chúng ta thấy rất rõ ràng là chỉ có những
ai “yêu đất nước và yêu Hong Kong” mới được chấp nhận trở thành nhà
lãnh đạo cao nhất ở Hong Kong và việc chọn lọc những ứng cử viên thích
hợp với các tiêu chí ấy là một sự cần thiết cho an ninh quốc gia của
Trung Quốc. Vẫn còn đó những đối tượng, theo ý các lãnh đạo tối cao ở
Trung Quốc, là những kẻ vẫn không chấp nhận sự thống nhất đất nước khi
Hong Kong được trao trả về với Trung Quốc và đang âm mưu và lợi dụng các
thế lực ngoại bang để lật đổ chính quyền Trung Quốc bằng cách sử dụng
Hong Kong như một điểm tựa.
Cũng không nhất thiết phải xem Bắc Kinh có thật sự tin vào những gì
họ nói hay không. Vấn đề ở đây là những gì Bắc Kinh nói chỉ là một lời
bào chữa cho thái độ không nhượng bộ của họ mà thôi. Và vấn đề thật sự
lại chính là những người dân Hong Kong đang phải đối mặt với một tình
huống tiến thoái lưỡng nan. Họ có thể chọn lựa từ chối cơ cấu bầu cử
được đề nghị bởi chính quyền Bắc Kinh và biết chắc rằng họ sẽ chẳng nhận
được bất kỳ lời đề nghị nào nữa. Hoặc là họ có thể chấp nhận nó, và phê
chuẩn một quyết định không thật sự được lòng dân để chính quyền Bắc
Kinh chọn cho họ một Trưởng Đặc khu Hành chính, từ đó cho phép chính
quyền Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ nội vụ của Hong Kong.
Khi mà Bắc Kinh đã đạt được quyền kiểm soát toàn bộ, thì họ còn có lý
do gì mà tiếp tục cho phép Hong Kong tiếp tục một cơ chế dân chủ. Chính
sách hùng hổ của Trưởng Đặc khu Hành chính, C.Y. Leung, từ lâu đã vượt
quá các chuẩn mực theo thông lệ và nguyên tắc mà lại chẳng hề có được
một hệ thống kiểm tra, giám sát và ràng buộc lẫn nhau một cách có hiệu
quả.
Cũng không còn gì là bí mật nữa cả về việc chính quyền Bắc Kinh không
hài lòng với những điểm đặc trưng trong phong cách sống của người Hong
Kong lâu nay, gồm có quyền tự do báo chí và một hệ thống tư pháp độc lập
có cả thẩm phán người nước ngoài. (Cả hai cơ quan đều đã gặp phải sức
ép chính trị.) Điều này phần lớn là bởi vì chính quyền Trung Quốc tự có
định nghĩa rất khác của họ về tự do và nhà nước pháp trị. Họ đặt nặng
các vấn đề về trật tự ổn định và an ninh quốc gia, và mức độ trật tự ổn
định và an ninh họ cho là cần thiết, nếu đem so với những giá trị phổ
thông của cộng đồng Hong Kong là hai thái cực. Và đối với Bắc Kinh, nơi
vẫn tồn tại những thói quen vương giả, họ không thể nào chấp nhận được
điều những người dân Hong Kong bình thường có thể đặt ý nguyện của bản
thân lên trên những nguyện vọng của chính phủ.
Ủy ban Bầu Cử, cơ quan với hơn 1,200 nhân viên giám sát cuộc bầu cử
cho chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, nằm dưới sự quản lý của
tầng lớp giàu có và chức quyền của Bắc Kinh và Hong Kong. Thật không
cần phải nghi ngờ gì thêm là Ủy ban Đề cử mà Ùy ban Thường trực Quốc Hội
vừa ra nghị quyết ủng hộ cũng sẽ trở nên như vậy.
Thật ra, hệ thống mới như đang được đề nghị sẽ khiến tình trạng trở
nên tồi tệ hơn. Theo quy định hiện tại, một người có quyền ra ứng cử cho
chức vụ Trưởng Đặc khu Hành chính nếu họ có được 150 người trong Ủy ban
Bầu cử ủng hộ. Điều này đã cho phép những nhà dân chủ ở Hong Kong có
thể đề cử những ứng cử viên để đối chọi lại những đối thủ nặng ký được
sự chống lưng của Bắc Kinh để từ đó ép buộc đại diện của Bắc Kinh phải
tuyên bố một thể thức bầu cử mà họ bị buộc phải chịu trách nhiệm. Nhưng
đối với phương pháp bầu cử mới, để trở thành một ứng cử viên thì buộc
phải có sự chấp nhận của hơn phân nửa thành viên của ủy ban đề cử.
Cuộc bầu cử trực tiếp của người dân dưới chế độ “một cử tri, một lá
phiếu” sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu các ứng cử viên đã được sàng lọc từ
trước bởi một cơ chế phi dân chủ, và với lợi thế nghiêng hẳn về những
ứng cử viên được Bắc Kinh chọn sẵn. Bắc Kinh sẽ rất cẩn thận để tránh
xảy ra lần nữa một cuộc bầu cử gay go sát nút giữa các ứng cử viên như
cuộc bầu cử năm 2012 giữa Ông Leung và cựu Tổng thư ký Hong Kong Henry
Tang.
Dân chủ không chỉ là một mô hình chính phủ kiên định với các quyền
công dân và tự do. Nó còn là mô hình chính phủ duy nhất có thể ngăn ngừa
các nhà lãnh đạo trở nên quá kiêu ngạo mà nghĩ rằng họ có thể không cần
đếm xỉa đến ước nguyện của người dân, như là tình trạng đã xảy ra với
vị Trưởng Đặc khu Hành chính đương nhiệm.
Nếu như có bất kỳ tác dụng nào mà vị thế không nhượng bộ của Bắc Kinh
tạo ra, thì chính là nó đã làm rõ một điều cho người dân Hong Kong, đó
là không có chọn lựa nào sai lầm hơn là chấp nhận nó. Những nhà lập pháp
từ các đảng phái chủ trương dân chủ đang nắm giữ hơn một phần ba những
chức vụ trong Hội Đồng Lập Pháp Hong Kong, và như thế, họ có đủ quyền để
phủ quyết hệ thống bầu cử mới được đề ra bởi chính quyền Bắc Kinh. Và
người dân Hong Kong sẽ bắt buộc họ phải làm như vậy: trong một cuộc tập
hợp đông người hôm Chủ nhật vừa qua, các tổ chức dân chủ đã tuyên bố sự
mở đầu cho một kỷ nguyên bất tuân dân sự mới.
Margaret Ng là một đại luật sư và là cựu thành viên Hội đồng Lập pháp của Hong Kong.
Bài xã luận này đã đưọc đăng ngày 3 tháng 9 năm 2014 trên trang A
23 của tờ New York edition với tựa đề: Stifling Democracy in Hong Kong